Đại Ý:

“Phật” không phải là một tước vị mà chỉ là khi một người đạt được đến trạng thái gọi là “giải thoát” hay “giác ngộ”. Trạng thái nầy không vĩnh cửu và có thể thoái hóa nếu không kiên trì tinh tấn.

Trạng thái nầy cũng giống như chèo thuyền ngược nước: Nếu ngưng chèo thì sẽ bị trôi lùi lại, nếu tiếp tục chèo thì hoặc sẽ tiếp tục tiến tới xa hơn hoặc ít nhất giữ được vị trí hiện tại.

Cũng như Phật, rất nhiều tăng đều có thể "thoái hóa", kể cả những người có tên tuổi nhất. 

 

Trở lại:

-      Phật Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

"Giải thoát" hay "giác ngộ" không phải là một trạng thái vỉnh cửu một khi đã đạt đến là sẽ không bao giờ tan biến. "Giải thoát" hay "giác ngộ" chỉ là một trạng thái của tâm thức. Và tâm thức của mỗi người thay đổi với thời gian, với hoàn cảnh, trình độ trí tuệ, v.v. của người đó.

Những từ ngữ như "Tây Phương Cực Lạc" hay "Niết Bàn" làm cho người ta nghĩ đây là một "cõi" nào đó mà sau khi họ tu hành chăm chỉ thì sẽ vào được và sẽ ở đó mãi mãi tận hưởng.

Tôi cho rằng “Phật” không phải là một tước vị mà chỉ là khi một người đạt được đến trạng thái gọi là “giải thoát” hay “giác ngộ” nầy. Trạng thái nầy không vĩnh cửu và có thể thoái hóa nếu không kiên trì tinh tấn. Trạng thái nầy cũng giống như chèo thuyền ngược nước: Nếu ngưng chèo thì sẽ bị trôi lùi lại, nếu tiếp tục chèo thì hoặc sẽ tiếp tục tiến tới xa hơn hoặc ít nhất giữ được vị trí hiện tại.

Vì vậy, dù một người đã giác ngộ rồi nhưng nếu lơ đãng thì vẫn có thể bị những tham sân si thâm nhập vào mà không hề hay biết. Thả thuyền trôi theo giòng nước lúc nào cũng rất dễ dàng so với chèo thuyền ngược giòng.

Cũng như Phật, rất nhiều tăng đều có thể "thoái hóa", kể cả những người có tên tuổi như Nhất Hạnh, Thanh Từ, v.v.

Những người nầy bằt đầu với một ý niệm tu học và phát triển đạo pháp rất lý tưởng. Sau khi họ "thành công" thì họ thay đổi.

Thật ra thì rất khó cưỡng lại những cám dỗ đi kèm với sự thành công trong trường hợp nầy. Cứ tưởng tượng được chúng Phật tử ra vào khúm núm chấp tay vái lạy, một điều "Bẩm Thầy" hai điều "Thưa Thầy", nói gì cũng có người cung kính nghe, bảo gì cũng có người vâng dạ, đi đâu cũng được hầu hạ cung phụng, chăm lo, săn đón. Và những chuyện nầy xảy ra mỗi ngày năm nầy tháng kia như vậy thì trách chi cái Ngã của những ông thầy đó không dần dần to lớn ra đủ để nuốt mất đi những lý tưởng ban đầu của họ.

Tôi thấy tận mắt điều nầy nhiều lần, nhiều nơi, nhiều thầy: Phật tử đến cúng dường thì thầy ngồi trên ghế trong khi Phật tử quỳ mọp trước mặt lạy 3 lạy trước khi dâng tiền cúng dường bằng 2 tay đưa cao ngang mày. Và tiền nầy là phụ trội cho riêng thầy ("để Thầy tiêu dùng") ngoài tiền đã cúng dường vào thùng phước sương cho chùa.

Tôi chỉ trích thầy chùa ngang hàng với chỉ trích Phật tử.

Thầy chùa đáng lẽ phải nhận biết rằng công việc và trách nhiệm của họ là giảng dạy con đường và nếp sống của Thích Ca để làm gương tốt cho Phật tử noi theo thì lại để cho cái Ngã, và cái Tham, của mình đứng án mất lối. Còn Phật tử vì ngu dốt và lười biếng nên chỉ biết nhắm mắt nghe theo những thầy chùa loại nầy (nhất là nếu họ có các tước vị xôm tai như Hòa Thượng hay Đại Đức thì càng tốt) và vô tình "làm hư" tăng sư cũng như dung dưỡng vô số điều tàn tệ (nhất là mê tín dị đoan) trong một hệ thống triết lý đáng lẽ là "tiến bộ" và hữu ích của Thích Ca Mâu Ni.

Đó là lý do tại sao tôi thường phê bình cái gọi là Phật giáo hiện hành bằng lời lẽ nghiêm khắc. Theo nhận xét của tôi, cái Phật giáo hiện hành chỉ là một cái chợ mà phần đông các chùa chiềng đều là những cửa hàng treo đầu heo bán thịt chó. Họ dựa lên danh nghĩa và triết lý của Thích Ca để truyền bá một thứ tôn giáo bịp bợm và độc hại.

Và càng đông người ham thích các loại hàng nầy thì các cửa hàng và cái chợ nầy càng ngày càng phát triển lớn mạnh.


Make a Free Website with Yola.