Đại Ý:

Quan niệm “thiêng liêng” gắn vào lãnh vực tín ngưỡng làm con người cho rằng nhu cầu tâm linh “thánh thiện, cao quý” hơn các nhu cầu tự nhiên cơ bản khác.

Cho đến nay chưa có phương cách nào để trấn an, xoa dịu nỗi đau khổ nói chung của con người hiệu quả (và rẻ tiền) hơn là tôn giáo. Do đó con người ôm ấp và bảo vệ tôn giáo bằng mọi giá, kể cả nếu phải đánh đổi bằng sinh mạng của họ, và nếu cần, của người khác.

Cho đến nay chưa có dụng cụ thụ động nào có thể dùng để điều khiển, thống trị con người hữu hiệu hơn là tôn giáo. Do đó giới cầm quyền xưa nay, ngay cả những nhà độc tài vô thần, vẫn dung dưỡng tôn giáo.

 

Trở lại:

-      Tôn Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Tôi cho rằng không bao giờ có thể dẹp bỏ được tôn giáo, cũng như không bao giờ có thể dẹp bỏ được mê tín dị đoan.

Tôn giáo đã có mặt với loài người từ hồi họ còn ăn lông ở lỗ. Những hình vẽ trên vách đá trong hang động, những vật dụng và cách thức mai táng của người tiền sử cho thấy họ đã có khái niệm về tín ngưỡng và đã thực hành các khái niệm nầy trong đời sống hàng ngày của họ.

Trải qua bao nhiêu nền văn minh xưa nay trên khắp mọi lục địa, tôn giáo và tín ngưỡng luôn luôn đứng ở địa vị quan trọng nhất nhì trong xã hội loài người. Và theo sát đó như một cái bóng, lẫn lộn bên trong và đàng sau của tôn giáo là mê tín dị đoan, lan tràn phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp của mọi chủng tộc của con người.

Dưới đây là một số lý do chính tại sao không bao giờ tiêu diệt được tôn giáo:

- Nhu cầu tín ngưỡng của con người mãnh liệt không kém những nhu cầu tự nhiên cơ bản khác. Mãnh liệt vì tối cần thiết cho quá trình tiến hóa và sống còn của họ.

- Đa số tín đồ không thể phân biệt được tín ngưỡng là một nhu cầu trong khi tôn giáo là một phương tiện để thỏa mãn nhu cầu đó. Họ đồng hóa tôn giáo và tín ngưỡng là một.

- Quan niệm “thiêng liêng” gắn vào lãnh vực tín ngưỡng đã ngấm sâu vào tâm thức của con người. Điều nầy làm họ cho rằng nhu cầu nầy “thánh thiện, cao quý” hơn các nhu cầu tự nhiên cơ bản khác của họ.

- Cho đến nay chưa có phương cách nào để trấn an, xoa dịu nỗi đau khổ nói chung của con người hiệu quả (và rẻ tiền) hơn là tôn giáo. Do đó con người ôm ấp và bảo vệ tôn giáo bằng mọi giá, kể cả nếu phải đánh đổi bằng sinh mạng và lý trí. Sinh mạng của họ, và nếu cần, của người khác.

- Cho đến nay chưa có dụng cụ thụ động nào có thể dùng để điều khiển, thống trị con người hữu hiệu hơn là tôn giáo. Do đó giới cầm quyền xưa nay đều thường cổ động, ủng hộ nhãn hiệu tôn giáo nào có thể mua chuộc đông đảo dân chúng nhiều nhất. Do đó ngay cả những nhà độc tài lỗi lạc tuy vô thần nhưng vẫn dung dưỡng tôn giáo.

Theo tôi thì ngay cả nếu có thể được cũng không nên tiêu diệt tôn giáo.

Đó là vì ngoài cái ích lợi như đã nói của tôn giáo là trấn an và xoa dịu nỗi đau khổ của con người, tôn giáo còn có giá trị trong việc gìn giữ an ninh trật tự và ổn định của xã hội.

Trong bất cứ xã hội, bất cứ đoàn thể nào cũng có một số người có khuynh hướng không ngần ngại cướp bóc, hãm hại, lường gạt, v.v. kẻ khác để làm lợi cho họ. Nhà cầm quyền đóng vai trò chính trong việc gìn giữ an ninh trật tự. Nhờ có nhà cầm quyền, và luật pháp, mà những hành vi trên được hạn chế. Tuy nhiên, nhà cầm quyền chỉ có thể đối phó với một số hữu hạn những người xấu, kẻ ác. Cảnh sát không thể có mặt tất cả mọi lúc ở tất cả mọi nơi. Trong khi đó các thần linh và thượng đế có thể.

Nói một cách khác, thần linh và thượng đế trong tôn giáo đóng vai trò “cảnh sát lương tâm” khá hữu hiệu (và rẻ tiền) cho xã hội.

Nhìn vào Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo sẽ thấy đầy những lời răn dạy kèm theo những hình phạt ghê gớm nhất. Ngay cả trong Phật giáo cũng vậy, tuy lý thuyết Phật giáo không chủ trương điều nầy nhưng đại đa số tín đồ vẫn được giáo dục theo lối “làm điều thiện sẽ gặp việc thiện, làm điều ác sẽ bị quả báo gặp việc ác”. Chính nhờ những câu răn dạy và hăm dọa loại nầy mà vô số các tội ác trên đời có thể xảy ra đã không xảy ra.

Tôi cho rằng có nhiều người thật sự tin và sợ những lời hăm dọa nầy. Không ít những đứa trẻ được cha mẹ nhồi vào đầu óc ngây thơ của chúng từ khi còn nhỏ về điều nầy thì rất ít khi chúng không chịu ảnh hưởng sâu đậm. Khi lớn lên họ có thể nghi ngờ nhưng vẫn sẽ ít nhiều tin và sợ những lời hăm dọa nầy.

Một người nếu có khuynh hướng hay ý định làm hại kẻ khác thì họ cũng ngần ngại trước thực hiện những việc được định nghĩa là “ác”. Mặc dù không còn trong vòng kềm tỏa của cha mẹ nữa, mặc dù không có mặt của nhà cầm quyền nào cả nhưng họ vẫn sợ Thiên Chúa, sợ luật nhân quả, v.v. Việc “sợ” nầy ngăn cản một phần nào không cho người ta phạm tội ác.

Tưởng cũng cần nói rõ thêm rằng tôn giáo chỉ giúp phần vào việc truyền bá và phát hành một số tiêu chuẩn hành sử trong đời sống mà nhiều người gọi là “nền tảng đạo đức” cho xã hội. Tôn giáo tuy rất có ích lợi nhưng nó không phải là nguồn gốc và cơ sở của giá trị luân lý, đạo đức.

Nếu một người không làm điều xấu chỉ vì tin vào những lời hăm dọa trong tôn giáo và sợ sẽ phải chịu những hình phạt thì điều đó theo tôi không phải là luân lý hay đạo đức. Một con chó dữ bị xiềng không chồm cắn một đứa bé đang trêu chọc nó chỉ vì nó biết rằng sợi dây xích sẽ ngăn cản nó làm chuyện ấy thì không thể nào gọi con chó đó là một con chó “hiền”.

Có lý thuyết cho rằng những tín đồ càng sùng đạo là những người càng có bản chất yếu đuối về mặt tinh thần. Nếu họ thuộc vào thành phần những người có khuynh hướng hãm hại người khác (như đã đề cập ở trên) thì họ luôn cần phải nương tựa vào một cái gì đó, một đấng thiêng liêng hay một con cừu đầu đàn, để nhắc nhở và gìn giữ họ khỏi phạm những điều mà chính họ cũng biết rằng hư xấu.

Lý thuyết nầy đưa ra một bối cảnh tưởng tượng cho rằng một ngày đẹp trời nào đó nếu có phép mầu xảy ra (!!) mà mọi tôn giáo đều bị tiêu diệt thì sẽ không có gì để kềm chế những tín đồ trên khỏi nổi loạn làm đảo lộn trật tự an ninh xã hội.

Riêng tôi, tôi không nghĩ rằng tất cả tín đồ đều là những người có bản chất yếu đuối về tinh thần. Tuy vậy tôi nghĩ đa số họ là những người dễ tin.



Cập nhật: 6/2013 

Make a Free Website with Yola.