Đại Ý:

Phần lớn kinh sách Phật giáo, trong đó có kinh Phổ Môn, đều đã được soạn thảo trong thời đại mà mê tín dị đoan thống trị toàn cả sinh hoạt xã hội và đời sống cá nhân.

Điều đáng buồn là ngày nay các lời kinh hoàn toàn phản sự thật, vô căn cứ, vô lý, vô giá trị dạng nầy vẫn được các tăng ni và Phật tử mê muội, kém cỏi hiểu biết và thiếu khả năng suy luận căn bản xem là cốt tủy của đạo Phật.

Những bậc tăng sư càng nổi tiếng mà vẫn tuyên dương, truyền bá các câu kinh bài kệ dạng nầy thì càng đóng một vai trò lớn hơn trong việc làm ô nhiễm con đường giải thoát của Thích Ca Mâu Ni. 

 

Trở lại:

-      Phật Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Để thí dụ cho sự mê muội, thiếu kiến thức và lòng tham lam của tăng ni và Phật tử , tôi trích đăng dưới đây một đoạn giảng giải về Quan Thế Âm Bồ Tát qua kinh Phổ Môn soạn thảo bởi Hòa Thượng Thích Thanh Từ (http://thienvientuequang.org/?p=262).

Nguyên văn:

Nếu lại có người sắp sẽ bị hại, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thời dao gậy của người cầm liền gãy từng khúc, người ấy được thoát khỏi.

Nếu quỉ dạ-xoa cùng la-sát đầy trong cõi tam thiên đại thiên muốn đến hại người, nghe người xưng hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thời các quỉ dữ đó còn không có thể dùng mắt dữ mà nhìn người, huống lại làm hại được.

Dầu lại có người hoặc có tội, hoặc không tội, gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thảy đều đứt rã, liền được thoát khỏi.

Nếu kẻ oán tặc đầy trong cõi tam thiên đại thiên, có một vị thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu, trải qua nơi đường hiểm trở, trong đó có một người xướng rằng: “Các thiện nam tử ! Chớ nên sợ sệt, các ông nên phải một lòng xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, vị Bồ-tát đó hay đem pháp Vô úy thí cho chúng sanh, các ông nếu xưng danh hiệu thời sẽ được thoát khỏi oán tặc này.”

Các người buôn nghe rồi, đều lên tiếng xưng rằng: “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát!”, vì xưng danh hiệu Bồ-tát nên liền được thoát khỏi.

Vô Tận Ý ! Quán Thế Âm Bồ-tát sức oai thần cao lớn như thế.

 Giảng (bởi  HT Thích Thanh Từ):

Đoạn này nói người bị nạn niệm danh hiệu Quán Thế Âm sẽ được thoát nạn. 

Như người sắp bị hại bằng dao gậy, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thời dao gậy gãy ra từng khúc. Nếu người bị vô số quỉ la-sát đến hại, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thời quỉ  không dám dùng mắt để nhìn huống là hại. Hoặc người bị xiềng xích trói thân, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, xiềng xích liền đứt rã. Hoặc những người đi buôn gặp oán tặc, niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, sẽ được Bồ-tát ban cho pháp vô úy, thoát khỏi oán tặc. 

Đó là công hiệu của người niệm Bồ-tát Quán Thế Âm. Đây nói Bồ-tát Quán Thế Âm hay bố thí pháp vô úy, vô úy là không sợ. Phần nhiều mọi khổ đau đều phát nguồn từ lòng sợ hãi, sợ đói, sợ khát, sợ bệnh, sợ chết… Lúc sợ thì bồn chồn, lo âu, kinh hãi, ăn ngủ không được, khổ não hiện ra ngay lúc sợ. Sợ là do tưởng mới có nên người bất thần đạn lạc bay tới trúng thì không sợ, nhưng có người chĩa họng súng trước mình thì sợ run lên. 

Như vậy, sợ là do tưởng tượng mà ra, và khổ do sợ mà có. Tưởng tượng nhiều là sợ nhiều, sợ nhiều là khổ nhiều, Bồ-tát Quán Thế Âm cứu khổ là làm cho chúng sanh hết sợ, gọi là thí pháp vô úy. Ví dụ chúng ta mộng thấy ma nhát, chúng ta sợ hãi, lúc đó liền nhớ niệm danh hiệu Quán Thế Âm, thì ma biến mất. 

Do chúng ta có tưởng điên đảo, nên phóng hiện ra ma quái rồi sợ. Khi sợ, chợt tỉnh niệm Quán Thế Âm thì những niệm điên đảo tiêu tan, hết sợ hãi nên an ổn. 

Đó là Bồ-tát Quán Thế Âm thí pháp vô úy. Cao hơn một bậc, niệm danh hiệu Quán Thế Âm là trở về Tri kiến Phật là cái thể không hình tướng, không có hình tướng làm sao hại được mà sợ. Do đó mọi hiểm nguy đều hóa giải.

Bài giảng giải về Quan Thế Âm Bồ Tát qua kinh Phổ Môn của Hòa Thượng Thích Thanh Từ rất dài. Ở trên chỉ là một đoạn tiêu biểu.

Trích từ đoạn trên, ông Thích Thanh Từ giảng dạy nguyên văn rằng:

- người bị nạn niệm danh hiệu Quán Thế Âm sẽ được thoát nạn

- người sắp bị hại bằng dao gậy, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thời dao gậy gãy ra từng khúc

- người bị vô số quỉ la-sát đến hại, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thời quỉ  không dám dùng mắt để nhìn huống là hại

- người bị xiềng xích trói thân, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, xiềng xích liền đứt rã

- những người đi buôn gặp oán tặc, niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, sẽ được thoát khỏi oán tặc

Nếu quả thật như vậy thì tại sao trên đời nầy vẫn còn vô số người bị tai nạn, bị đánh đập, bị đâm chém, thấy ma quỷ, bị xiềng trói, bị gian tặc ám hại?

Có bao nhiêu người trên đường vượt biển đã bị cướp bóc, hãm hiếp, tiêu tan gia đình mặc dù họ đã niệm liền miệng danh hiệu Quan Âm (và đủ các Phật Chúa Tiên Thánh khác)?

Nếu quảng cáo bán thuốc nhức đầu thì khi uống vào ít nhất trong 70-80% trường hợp thuốc đó phải làm bớt nhức đầu. Nếu không thì người ta cho là thuốc giả.

Nếu quả quyết rằng “mọi hiểm nguy đều hóa giải” mà rõ ràng trong thực tế không phải mọi hiểm nguy đều hóa giải được thì có phải là đang giảng dạy điều không có thật?

Theo lời giảng giải trên, ông Thích Thanh Từ xác định rõ ràng rằng chỉ cần niệm danh hiệu Quan Thế Âm là mọi tai nạn đều qua khỏi. Điều nầy cho thấy ông có thể là một người khách quan thái quá về niềm tín ngưỡng của mình. Chỉ cần dùng kinh nghiệm thực tế thì ai cũng thấy chuyện đó không xảy ra trong đời sống hàng ngày. Nếu thật sự chỉ cần niệm danh hiệu Quan Âm, hay bất cứ Phật Chúa nào khác, mà mọi tai nạn đều tiêu trừ thì trên đời nầy không còn có tai nạn nữa. Ai ai trên đời cũng sẽ ngày ngày giờ giờ niệm danh hiệu Phật Chúa đó.

Kinh Phổ Môn được soạn thảo nhiều thế kỷ trước trong một thời mà mê tín dị đoan chiếm ngữ vị thế mạnh mẽ trong văn hóa Á Châu. Ngày nay, một nhân vật nổi tiếng đáng lẽ có trình độ trí thức và tri thức như Thích Thanh Từ mà truyền giảng những ý tưởng như bên trên thì thật là một điều đáng lo lắng.

Ở trên chỉ là ảo vọng của những người quá sức mong mỏi sự độ trì của các đấng thiêng liêng nên sẵn sàng truyền giảng và tin theo bất cứ lời hứa hẹn hão huyền gì trong kinh sách. Đó là dấu hiệu của một sự thiếu kiến thức và suy luận.

Sự kiện Phật tử vì mê muội nên tin theo, nên làm ngơ, nên không nhận thấy điều trên không làm cho lời giảng dạy đó của “Thầy” bớt phần vô căn cứ và vô trách nhiệm.

Tôi có thể cho rằng ông Thanh Từ không đang có ý dối gạt mọi người khác. Nhưng như vậy là chính ông ấy cũng thật lòng tin vào những gì ông truyền giảng, và như vậy thì ông đang để ảo tưởng của ông ấy tự dối gạt chính mình.

Để diễn luận thêm, tôi xin lấy câu “người sắp bị hại bằng dao gậy, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thời dao gậy gãy ra từng khúc” ở trên để làm thí dụ cho tất cả các câu tương tự khác trong kinh Phổ Môn và trong tất cả các kinh kệ khác.

Kinh nói rõ ràng không chối cãi được rằng "… niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thời dao gậy gãy ra từng khúc”. Kinh không hề viết rằng “… niệm phật Quan Âm thì có thể dao gậy gãy ra từng khúc” hay “… niệm phật Quan Âm thì Phật tử có thể sẽ cảm nhận dường như dao gậy đều gãy ra từng khúc” hay những lời tương tự.   

Và trên thực tế thì dao gậy không bao giờ gãy khi bị một người bị đánh đập bất kể họ niệm Phật Bà Quan Âm hay Đức Mẹ Maria hay bất cứ đấng thiêng liêng nào khác. (Nếu có một cây dao gậy nào lỡ bị gãy đi nữa thì cũng sẽ được thay thế ngay liền sau đó bằng những cây dao gậy khác, do đó không thể đều gãy như kinh nói).

Một số các tăng sư cũng nhận thấy điều đó. Nhưng họ ở trong một vị thế không thể công khai tuyên bố rằng kinh sách nói sai. Vì nếu kinh sách sai thì cần phải loại bỏ đi. Nhưng như thế thì sẽ có ảnh hưởng xấu đến uy tín của đạo, của tôn giáo và của vị thế của họ. Do đó có người cũng phải cố ý diễn giải vòng quanh hay biện hộ rằng “đừng hiểu nghĩa đen mà cần nên hiểu nghĩa bóng cao siêu hơn”, v.v. Tuy vậy, ở đây ông Thanh Từ đã không làm được cả điều đó; ông đã giảng dạy theo nghĩa đen của các lời kinh trên.

Phần lớn kinh sách đều đã được soạn thảo trong thời đại mà mê tín dị đoan thống trị toàn cả sinh hoạt xã hội và đời sống cá nhân, bởi những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi thành kiến và kiến thức hạn hẹp đương thời.

Rất nhiều tăng sư ngày nay vẫn không khác mấy, nghĩa là họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi truyền thống và không có đủ kiến thức cũng như khả năng suy luận.

Sự kết hợp của các tăng sư cố ý ngụy biện và các tăng sư vì thiếu kiến thức kể trên làm cho các câu kinh dạng nầy mới có thể “sống còn” được. Tín đồ có khuynh hướng không dám chất vấn các sư sãi, linh mục. Đó là vì chính họ cũng không có đủ kiến thức để làm chuyện đó. Trong trường hợp Phật giáo, các lời kinh hoàn toàn phản sự thật, vô căn cứ, vô lý, vô giá trị loại nầy từ đó được các Phật tử mê muội, kém cỏi hiểu biết và thiếu khả năng suy luận căn bản xem là cốt tủy của đạo Phật.

Những nhà sư càng nổi tiếng mà vẫn tuyên dương, truyền bá các câu kinh bài kệ dạng nầy thì càng đóng một vai trò lớn hơn trong việc làm ô nhiễm con đường giải thoát mà giáo chủ Thích Ca Mâu Ni của họ đã bỏ công ra chỉ lối.


Cập nhật: 6/2013 

Make a Free Website with Yola.