Đại Ý:

Tôn Giáo nên được dạy trong tất cả các trường trung và tiểu học như là một môn học cơ bản. Trong môn học Tôn Giáo nầy, những dữ kiện thật sự về nguồn gốc, lịch sử tiến hóa, ích lợi, tai hại, sự ứng dụng trong thực tế, ảnh hưởng chính trị, kinh tế, v.v. cần được trình bày rõ ràng bên cạnh những truyền thuyết, giáo lý và đức tin của mỗi tôn giáo, và của tất cả mọi tôn giáo chính trên thế giới.

 

Tuy vậy dường như người ta có khuynh hướng không muốn hiểu biết nhiều quá đến những dữ kiện nầy về tôn giáo của họ. Hình như tôn giáo có sức hấp dẫn, và ích lợi, chính là nhờ bản chất mơ hồ không rõ ràng của nó.

 

 

Trở lại:

-      Tôn Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Như đã trình bày, khi hiểu rõ nguồn gốc và lịch sử của tôn giáo rồi thì cái bản chất phức tạp mơ hồ của nó sẽ không còn phức tạp và mơ hồ nữa.

Tuy vậy, thói quen và truyền thống của đa số chúng ta là “không được xúc phạm” khi nói về tín ngưỡng. Cộng thêm vào đó là phản ứng tiêu cực của các tổ chức tôn giáo, và đa số tín đồ, mỗi khi đề tài “tôn giáo” được đưa ra phân tích và bàn luận. Vì vậy nên khi thảo luận hàng ngày thì đề tài “tôn giáo” cho đến nay vẫn còn nằm trong một phạm trù “bất khả xâm phạm”.

Trong những trường hợp ôn hòa nhất, người ta tránh né bàn luận đến tôn giáo vì sợ gây ra hiềm khích. Trong những trường hợp khác, tôn giáo là nguồn gốc trực tiếp của những sự xung đột vì thiếu hiểu biết giữa nhiều tập thể.

Hiện nay kiến thức tôn giáo được giảng dạy chính yếu bởi các tổ chức tôn giáo. Nhà thờ và trường đạo Công giáo truyền giảng về Công giáo, nhà thờ và trường Tin Lành truyền giảng về đạo Tin Lành, đền thờ Hồi giáo và trường đạo Hồi giáo truyền giảng về Hồi giáo, v.v. Mỗi nhóm tôn giáo được toàn quyền giảng dạy những gì họ muốn về chính tôn giáo của mình. Do đó, khuynh hướng chung của các nhóm tôn giáo là họ chỉ giảng dạy về những cái gì hay đẹp hay được chấp nhận trong xã hội hiện nay về tôn giáo của mình. Những gì hư xấu của mỗi tôn giáo đều được dấu nhẹm đi hoặc bẻ quẹo để khỏa lấp, bào chữa hay khoác lên những chiếc áo tốt đẹp giả tạo cho chúng.

Triết gia Mỹ Daniel Dennett  đề nghị môn học Tôn Giáo nên được dạy trong tất cả các trường trung và tiểu học ở Mỹ song song với các môn học cơ bản khác như Toán, Lý, Hóa, Sinh Vật, Văn Chương, Ngôn Ngữ. Trong môn học Tôn Giáo nầy, những dữ kiện thật sự về nguồn gốc, lịch sử tiến hóa, ích lợi, tai hại, sự ứng dụng trong thực tế, ảnh hưởng chính trị, kinh tế, v.v. cần được trình bày rõ ràng bên cạnh những truyền thuyết, giáo lý và đức tin của mỗi tôn giáo, và của tất cả mọi tôn giáo chính trên thế giới.

Theo ông Dennett, đó mới thật sự là tự do tín ngưỡng.

Hơn nữa, nền tảng dân chủ chỉ thật sự có giá trị và hữu hiệu khi người dân có kiến thức và khả năng suy nghĩ cũng như có cơ hội để dùng kiến thức với khả năng suy luận của mình để lựa chọn đường lối phát triển của quốc gia và xã hội.

Trong một chế độ dân chủ như ở Mỹ, khi người dân lựa chọn mà không có đủ hiểu biết về sự lựa chọn của họ thì đó là một trường hợp dân chủ giả tạo. Người dân đui mù mà không biết mình đang đui mù, trong khi đó nhà cầm quyền biết người dân đui mù nhưng vì quyền lợi chính mình đã không làm gì để chữa trị sự đui mù nầy. Hiện tượng nầy tương đương với những “độc lập, tự do, hạnh phúc” giả tạo đang được rêu rao bởi chính quyền cộng sản đương thời ở Việt Nam.

=

Nói về một môi trường gần gũi hơn với mỗi chúng ta: gia đình.

Trẻ con là một trường hợp đặc biệt. Cha mẹ trong mỗi gia đình là người quản lý của con cái mình, tương tự như chính phủ là ban quản lý của mọi người dân. Cha mẹ không phải là chủ của con cái mình, cũng như chính phủ một quốc gia không phải là chủ của công dân trong quốc gia đó. Chính phủ có trách nhiệm với đất nước, xã hội và cha mẹ có trách nhiệm với con cái mình để bảo vệ và tôn trọng quyền lợi của chúng. Một trong những quyền lợi của những công dân tương lai nầy là quyền lợi hiểu biết về tôn giáo.

Lẽ tự nhiên là cha mẹ sẽ truyền dạy con cái mình về tôn giáo của mình. Đó là theo bản năng tiến hóa của con người: thế hệ trước truyền lại thế hệ sau những kinh nghiệm và kiến thức đã sẵn có.

Trong mọi lãnh vực khác, cha mẹ thường cố tâm trang bị cho con mình càng nhiều kiến thức càng tốt để chúng sau nầy có thể lựa chọn rộng rãi và thích hợp hơn khi cần thiết. Thí dụ nếu cha mẹ lúc nhỏ nhà nghèo chỉ được học đến bậc tiểu học nhưng họ vẫn thường sẽ cố tâm tìm cách cho con cái mình học đến bậc trung hay đại học. Thế thì tại sao họ không làm được chuyện nầy cho con cái họ trong một lãnh vực quan trọng của đời sống của chúng là tôn giáo? Các bậc cha mẹ không lý luận rằng vì họ chỉ học hết tiểu học nên con họ cũng chỉ cần học đến hết tiểu học mà thôi, thì tại sao họ lại không có thể lý luận rằng tuy họ mang đạo A nhưng con cái họ ngoài việc học hỏi về đạo A cũng cần nên biết về đạo B, C, D, v.v.?

Thật ra tôi có lẽ đã đi một bước quá xa khi đặt câu hỏi trên. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là ngay trong việc học hỏi về đạo A của chính họ, đa số các bậc cha mẹ còn không biết là con cái mình cần học hỏi về những điều gì.

Thật ra cũng không thể trách họ được vì từ nhỏ đến lớn, việc “học hỏi” về tôn giáo của họ chỉ bao gồm những gì các sư tăng, cha xứ, mục sư địa phương giảng dạy cho họ mà thôi. Và các sư tăng, cha xứ, mục sư địa phương thì cũng chỉ có thể truyền dạy lại những “đức tin”, những huyền thoại, những giáo điều mà chính họ đã được truyền dạy từ thuở nhỏ.

=

Có thể không ai bao giờ nghĩ đến việc cần phải học hỏi những dữ kiện thật sự về nguồn gốc, lịch sử tiến hóa, sự ích lợi, sự tai hại, sự ứng dụng trong thực tế, ảnh hưởng chính trị và kinh tế, v.v. về tôn giáo của họ.

Có thể không ai bao giờ nghĩ đến việc cần phải học hỏi những dữ kiện thật sự về những tôn giáo khác hơn tôn giáo của họ.

Theo một thống kê gần đây (tại Mỹ qua 32 câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức tổng quát liên quan đến Thiên Chúa giáo với hơn 3400 người - The Last Word with Lawrence O'Donnell, MSNBC, 9-28-2010) thì đa số tín đồ Thiên Chúa giáo không hiểu biết nhiều về tôn giáo của chính họ bằng những người vô tôn giáo.

Một cách giải thích hiện tượng nầy là những người vô tôn giáo nằm trong cuộc thống kê trên thuộc vào thành phần có khả năng suy luận và sử dụng tri thức của họ cao hơn những người tín đồ “trung bình”. Và có thể là chính nhờ có khả năng nầy mà họ đã có thể nhận thấy ra những điểm vô lý, sai lầm của tôn giáo và từ ấy họ trở thành những người vô tôn giáo.

Một cách giải thích khác nữa là những người vô tôn giáo thường phải đương đầu với các chỉ trích “vô tôn giáo là vô đạo đức” bởi các tín đồ Thiên Chúa giáo, cho nên nói chung họ thường trang bị kiến thức của họ về tôn giáo kỹ càng hơn để đối phó với các lời chỉ trích trên. Trong khi đó một tín đồ tiêu biểu của Thiên Chúa giáo không cần phải tự học hỏi nhiều vì họ đã thường xuyên được “mớm đút” những gì họ cần biết về tôn giáo của họ ở các thánh lễ và lớp truyền đạo.

Thật ra tất cả các tổ chức tôn giáo đều muốn bảo vệ niềm tin của tôn giáo mình nên không ai muốn cho tín đồ của họ tìm tòi học hỏi về các tôn giáo khác. Ngay cả trong giáo điều cơ bản của các tôn giáo như Thiên Chúa giáo và Hồi giáo thì tất cả các tôn giáo khác đều được mang một nhãn hiệu “tà đạo” và nhiều trừng phạt kinh hãi nhất được hứa hẹn rõ ràng cho những kẻ theo tà đạo.

Và cũng có trường hợp khi tổ chức tôn giáo không muốn tín đồ tìm tòi học hỏi quá nhiều về chính tôn giáo của họ. Có những điều không hay, không đẹp, không giải thích được trong một số tôn giáo mà các nhà lãnh đạo chỉ mong là không ai biết đến hay nhắc đến.

Thật ra dường như người ta có khuynh hướng không muốn hiểu biết nhiều quá đến những dữ kiện nầy về tôn giáo của họ. Tôn giáo có sức hấp dẫn, và ích lợi, chính là nhờ bản chất mơ hồ không rõ ràng của nó.


Cập nhật: 6/2013

Make a Free Website with Yola.