Đại Ý:

Có nhiều vấn đề mang tính cách huyễn hoặc và nô lệ hóa trong lãnh vực lý thuyết và thực hành của Phật giáo. Phần lớn Phật tử, kể cả giới tăng ni, vì thiếu hiểu biết và vì tham lam nên đã diễn giải sai lạc và áp dụng, thực hành thuyết Phật một cách mê muội.

Hậu quả tai hại nhất của sự “huyễn hoặc” nầy là hiện tượng mê tín dị đoan lan tràn khắp nơi.

 

Trở lại:

-      Phật Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Tôi cho rằng “bản chất của tôn giáo là huyễn hoặc và nô lệ hóa”. Phật giáo không là một trường hợp ngoại lệ.

Khi nói về “huyễn hoặc”, tôi muốn đề cập đến vô số những huyền thoại diễn tả thần phật, tiên thánh, ma quỷ, phép mầu trong hầu hết tất cả kinh điển Phật giáo.

Như tôi đã nói ở những nơi khác trong trang mạng nầy, các huyền thoại đó không phải là nền tảng cơ bản của chủ thuyết triết lý Phật giáo. Theo tôi, nếu nhìn kỹ vào lịch sử Phật giáo thì sẽ thấy là những huyền thoại đó đã được tăng sư, chủ yếu là của phái Đại Thừa, thêu dệt thêm trong quá trình truyền chép kinh điển qua nhiều thế kỷ.

Hậu quả tai hại nhất của sự “huyễn hoặc” nầy là hiện tượng mê tín dị đoan lan tràn trong Phật giáo. Đây là vì tăng sư, và Phật tử đại chúng, đã đem các huyền thoại kể trên ra để biến chế ý tưởng cơ bản của Phật pháp và pha trộn những tín ngưỡng dân gian khác vào nhau để tạo thành phương cách thực hành đạo pháp của họ.

Có những mê tín dị đoan rất rõ rệt hiện đang phổ biến tại nhiều chùa chiềng trong và ngoài nước Việt Nam như cúng sao giải hạn, cầu vong, cầu siêu, cầu phước, bói toán, xin xâm, xin keo, chuộc giải bùa ngải, coi ngày, coi tuổi, v.v.

Ngoài ra còn có một dạng mê tín dị đoan khác khó nhận thấy hơn vì qua nhiều thế kỷ chúng đã được che đậy dưới lốt áo "Phật pháp". Dạng mê tín dị đoan nầy liên quan đến các khái niệm như "Tây Phương Cực Lạc", "đầu thai", "nhân quả" mà tôi trình bày chi tiết trong một bài khác.

Yếu tố “nô lệ hóa” trong Phật giáo tuy không rõ rệt bằng nhưng vẫn mạnh mẽ và lan tràn tương tự như trong các tôn giáo độc thần như Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo.

Tín đồ Phật giáo vẫn bị đe dọa bởi những ý niệm như thất đức, tội lỗi, âm phủ, v.v. cũng như bị khuyến dụ bởi những hứa hẹn như Niết Bàn, có phước, được phù hộ, v.v. Tín đồ cũng có khuynh hướng tòng phục sư tăng vì tin rằng họ có những quyền phép đặc biệt để cứu độ Phật tử, nắm giữ tiêu chuẩn đạo đức, có đạo đức hơn người “thường”, v.v.

Ngoài ra, Phật giáo cũng không tránh được cái tệ nạn khi giới tu sĩ lạm dụng Phật pháp để phục vụ ích lợi riêng. Những lợi ích riêng nầy mang đủ dạng từ tiền bạc, địa vị, uy quyền, chính trị cho đến tình cảm, tình dục.

Phương cách thực hành của Phật Giáo trong xã hội có nhiều khiếm khuyết trầm trọng.

Thí dụ, nhìn vào hiện tượng cầu khẩn, cúng sao, cúng hạn, bói toán, xủ quẻ, xem phong thủy, bùa chú, v.v. phổ biến lan tràn ở đa số những chùa chiềng khắp nơi trong ngoài nước, tôi không khỏi kết luận rằng phần lớn đạo Phật ngày nay đã bị nhuộm bẩn bởi mê tín dị đoan.

Tương tự, nhìn vào các bảng tuyên dương công đức, sổ vàng cúng dường chiếm ngữ ngay tiền sảnh các chùa miếu cùng với việc các “thầy” chú trọng vào việc gây quỹ để tranh nhau xây cất chùa lộng lẫy huy hoàng, dựng tượng Phật to lớn vĩ đại, v.v, tôi không khỏi kết luận rằng phần lớn đạo Phật ngày nay đã bị lạm dụng để biến thành một phương pháp mưu lợi cầu danh.

Có người cho là là vì tôi không hiểu thuyết Phật nên mới kết luận như vậy. Vì vậy tôi cần nhấn mạnh là ở đây tôi không nói về lý thuyết cơ bản của Phật Giáo. Ở đây tôi đang nói về cái Phật Giáo đang được vô số (đại đa số) Phật tử tin, áp dụng và thực hành ngày nay.

Có người cho rằng tôi không nên dựa trên sự hiểu biết và cách thực hành của một số Phật tử để đánh giá Phật Giáo. Để trả lời tôi sẽ dùng một sự so sánh giữa tôn giáo và ngôn ngữ dưới đây.

Trong ngôn ngữ thỉnh thoảng có những từ ngữ mới được đặt ra bởi ai đó; nếu các từ ngữ mới nầy được nhiều người hiểu, dùng và phổ biến sâu rộng thì chúng sẽ trở thành một phần của ngôn ngữ đó (và nếu ít ai dùng đến thì chúng sẽ dần dần biến mất đi).

Trong ngôn ngữ cũng thường có nhiều từ ngữ mà ý nghĩa nguyên thủy của chúng được thay đổi dần theo thời gian và bối cảnh xã hội; nếu đủ số người hiểu và dùng chúng theo cách mới thì chúng sẽ dần dần chính thức mang những ý nghĩa mới. 

Tôn giáo cũng tương tự như ngôn ngữ. Ý nghĩa và đặc thù của mỗi tôn giáo được xác định và biến đổi bởi những gì số đông tín đồ hiểu biết, nhìn nhận và thực hành.

Tôi biết rằng những điều tôi diễn tả ở trên đều chỉ là những sự kiện và hiện tượng mà tôi thấy về Phật giáo chớ không phải là lý thuyết nguyên thủy thật sự của Thích Ca. Nhưng đây chính là cái lý thuyết và bản chất của cái Phật giáo mà đa số Phật tử nhận biết và thực hành. Bất kể lời Thích Ca thật sự truyền dạy ra sao đi nữa, chỉ có cái hình thức của đạo Phật mà đa số Phật tử đang hiểu và hành là cái đạo Phật được mọi người nhận diện. Và đây cũng chính là cái đạo Phật mà tôi đánh giá.

Tôi cho rằng phần đông Phật tử ngày nay đều mê tín và phần đông chùa chiềng sư sãi đều mưu lợi cầu danh cả. Tuy tôi không có dữ kiện đầy đủ để đưa ra con số chính xác nhưng tôi cho rằng đại đa số Phật tử và tăng sư nằm trong thành phần nầy.

Cách truyền dạy Phật giáo cũng giống như các tôn giáo khác, Phật tử dựa vào giới tăng lữ để truyền giảng Phật pháp. Giới tăng lữ cũng đóng vai trò lãnh đạo trong việc xác định và phổ biến các quy luật từ việc nghi lễ, cúng bái cho đến tiêu chuẩn đúng sai, xấu tốt lẫn phong cách sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Thế mà qua không biết bao nhiêu thế hệ nay, vô số tăng sư qua lời nói và hành động của họ đã bóp méo lý thuyết Phật pháp cơ bản và truyền dạy những điều sai lầm mà theo tôi chỉ đáng liệt vào mê tín dị đoan.

Một thí dụ tiêu biểu và quảng bá rộng rãi nhất là quan niệm nếu tụng niệm bao nhiêu hồi kinh gì đó, cầu thỉnh hình tượng Phật gì đó đem về nhà thờ, cúng dường bao nhiêu tiền hay xây cất trùng tu chùa miếu gì đó, v.v. thì sẽ được nhiều phước đức và do đó sẽ được phù hộ cho tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt, gia đình êm ấm, tình duyên thuận lợi, v.v. Đây là một cách mà "luật Nhân Quả" và khái niệm "nghiệp phước" đã và đang được diễn giảng và truyền bá lan tràn trong Phật giáo. Đây cũng là lý do chính tại sao vô số Phật tử đến chùa xì xụp bái lạy trước các hình tượng Phật sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Có người cho rằng Phật tử làm những điều đó không có hại gì cho ai cả. Tôi cho rằng tuy không trực tiếp làm hại đến ai nhưng cách diễn giải sai lầm về luật Nhân Quả nầy đi ngược hẳn với lời dạy của Phật rằng “tự mỗi người phải hành đạo để tự giải thoát mình vì không ai, kể cả Phật, có thể cứu độ ai khác được”.

Và những quan niệm sai lầm loại nầy cũng dẫn đến những phương cách hành đạo kỳ hoặc. Thí dụ như nhiều Phật tử được dạy rằng nếu trả tiền cho người khác tụng kinh thì họ cũng được phước giống như tự họ tụng kinh. Việc trả tiền nầy thường được Phật tử dùng một mỹ từ là “cúng dường”. Nhiều người tuy muốn có phước nhưng vì không có thời giờ, hay kiên nhẫn, tụng kinh nên thường “cúng dường” cho các tăng sư để tụng kinh thay thế giùm họ.

Trong những năm gần đây, phương cách hành đạo kỳ hoặc vừa kể trên đã bước thêm bước nữa để trở thành quái đản: nhiều vị tăng sư dùng thời giờ rảnh rỗi để tụng sẵn trước những tạng kinh “thịnh hành”. Những vị tăng sư nầy ghi sổ cẩn thận số lần họ đã tụng các tạng kinh nầy; đến khi Phật tử nào cần thí dụ như 120 thời kinh Pháp Hoa chẳng hạn thì họ chỉ cần trả một số tiền đã quy định trước cho một vị tăng sư rồi vị nầy sẽ “hồi hướng” 120 thời kinh Pháp Hoa (mà ông đã tụng sẵn rồi) qua cho Phật tử trên. Vị tăng sư nầy rồi sẽ xóa bỏ 120 thời kinh Pháp Hoa ra khỏi danh sách lưu trữ của ông. Việc tụng kinh trả tiền đã phổ biến thành một hệ thống kinh doanh có quy củ, bài bản hẵn hòi.

Tôi cũng thường phê bình về những chuyện thờ cúng rườm rà, lọng đón, chuông đưa, khẩn cầu Trời Phật, bái lạy tăng sư, đúc tượng, phóng sinh, v.v. thường thấy ở các chùa chiềng.

Nhiều người cho rằng đó chỉ là đặc thù của Phật giáo khi tín đồ muốn biểu hiện lòng tin của họ một cách công khai giữa chốn đông người.  Và họ cho rằng vì thế thì không nên chấp nhất mà phê bình, chỉ trích làm gì nhất là khi những việc làm trên tuy không đúng với thuyết Phật dạy nhưng cũng không làm hại đến ai cả.

Trước nhất, những người đó không thấy rằng chuyện hành đạo trái hẳn với thuyết Phật dạy như vậy thật ra có tác dụng làm hư hoại cả đạo lý lẫn hành giả của Phật giáo. Nói cách khác nó làm hư hoại chính các Phật tử như họ và làm hư hoại cả hệ thống triết lý, tư tưởng của Phật giáo. Những chuyện làm nầy tạo ra cơ hội để các tăng sư gian tham mưu danh cầu lợi dễ dàng, làm cho Phật tử càng ngày càng ngu muội hơn cũng như hao công tốn của mà không được lợi ích gì cho quá trình phát triển tâm linh thật sự của họ cả.

Thứ hai, chính cách suy nghĩ và thái độ trên đã gián tiếp dung dưỡng để các điều sai trái trên tiếp diễn và bành trướng mãi trong Phật giáo.

Những sự việc tệ hại vừa kể trên chỉ là vài thí dụ tiêu biểu của vô số những sự việc tương tự khác phổ biến trong Phật giáo.

Phần lớn Phật tử, kể cả giới tăng lữ, vì thiếu hiểu biết và vì tham lam nên đã diễn giải sai lạc và áp dụng, thực hành thuyết Phật một cách mê muội.

Dù muốn dù không, Phật giáo được nhận diện và đánh giá dựa trên những hành động  và nhận thức của Phật tử. Những sự việc tệ hại trên rất có thể đã bắt đầu xảy ra ngay từ lúc Phật giáo mới thành hình; chúng đang thịnh hành ngày nay và hầu như chắc chắn chúng sẽ tiếp tục xảy ra cho đến ngày Phật giáo tàn lụn.


Cập nhật: 6/2013

Make a Free Website with Yola.