Đại Ý:

Tín ngưỡng và tôn giáo có những điều tệ hại và tai hại cần được tín đồ và mọi người công khai nhìn nhận. Nếu không thì những vấn đề tiêu cực nầy sẽ không bao giờ được sửa đổi.

Chủ trương không chất vấn hay phê phán về lãnh vực tâm linh là từ bỏ trách nhiệm với lý trí của chính mình.

Tín ngưỡng và tôn giáo không phải là chuyện riêng tư của một nhóm người nào cả vì những niềm tin đó được đem ra áp dụng trong sinh hoạt hàng ngày trong xã hội và có ảnh hưởng đến đời sống của mọi người khác.

Chúng ta không nhất thiết cần phải hạ thấp tiêu chuẩn phán đoán của mình về niềm tin của người khác chỉ vì chúng là “niềm tin” của họ, nhất là khi “niềm tin” đó chà đạp lên những sự kiện, những sự thật mà tri thức và kiến thức của chúng ta nhận biết.

Nhiều người lựa chọn được sống an lành với những ảo tưởng mơ hồ của Thiên Đàng hay Niết Bàn ngày sau mặc dù ngay bây giờ có thể đang bị lường gạt, lợi dụng, điều khiển bởi kẻ khác. 

 

Trở lại:

-      Tôn Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Nửa Ly Nước Lưng

Có người cho rằng tôn giáo đem đến vô số điều thiện mỹ, tốt đẹp cho đời sống con người. Họ bất mãn khi thấy tôi chỉ trích, phê bình về những mặt tiêu cực của tôn giáo.

Tôi không phủ nhận những mặt tích cực của tôn giáo đối với con người. Tôi nhìn nhận rằng hễ con người còn tồn tại thì tôn giáo còn tồn tại. Khi phê bình về tôn giáo, tôi chỉ muốn phân tích, dẫn chứng và trình bày những ảnh hưởng tệ hại của tôn giáo lên xã hội và cá nhân.

Có nhiều người không muốn nghe ai nhắc đến những bề mặt tiêu cực nầy. Họ tìm đủ cách để quên lảng hay dấu diếm chúng. Ngay cả khi không thể tránh né được những điều tệ hại nầy, họ cũng sẽ đưa ra đủ lý do để bào chữa cho chúng.

Nhiều người cho là tôi có mưu đồ hay mục đích xấu khi thấy tôi bỏ công sức ra phê bình về tôn giáo. Nhất là khi tôi chỉ trích Thiên Chúa giáo, không ít người gán tội tôi là làm việc cho Cộng Sản.

Có thể tôi là một người nhìn thấy nửa ly nước lưng. Tôi không có vấn đề gì với những người nhìn thấy nửa ly nước đầy. Tôi chỉ có vấn đề với những người nằng nặc cho rằng ly nước không hề lưng.

Khán Giả và Giám Khảo

Có những người chủ trương không phê phán về tôn giáo. Khi họ đọc những bài phê bình, chỉ trích của tôi thì cho rằng tôi đang ngồi trong chiếc ghế giám khảo trong khi họ chỉ muốn ngồi ở chiếc ghế khán giả mà thôi.

Tôi tôn trọng cách lựa chọn về vị thế và phương cách hành sử của mỗi người. 

Tuy nhiên đối với tôi thì cái ghế khán giả cũng cần phải là cái ghế giám khảo nữa: tôi quan sát, rồi tôi chất vấn và phê bình nếu cần. Tại sao không?

Khi đi xem một cuốn phim hay một vỡ kịch, người ta nhận xét và phê bình về cốt chuyện, khả năng diễn xuất, cách phối cảnh, ghế ngồi trong rạp có êm không, máy điều hòa không khí có đủ lạnh không, v.v. Khi theo dõi tình hình thời sự, người ta quan sát và đánh giá chính sách nầy hay dỡ ra sao, dân biểu kia tốt xấu thế nào. Khi đi học người ta được dạy cách đọc một quyển sách rồi bình luận về cuốn sách và tác giả đó, hay cách nhìn một đề toán rồi giải đáp nó ra sao cũng như cách nhận biết tại sao một cách giải đáp nào đó đúng hay sai.

Đó là vì việc quan sát rồi chất vấn và phê phán quan trọng và cần thiết cho sự sinh tồn và tiến hóa của mỗi người chúng ta. Thế thì tại sao trong lãnh vực tâm linh thì lại chỉ thu nhận vào một cách im lặng mà thôi và từ bỏ cái trách nhiệm (với chính mình) là phải chất vấn cho ra lẽ những gì mình không đồng ý?


Một vấn đề riêng tư?

Nhiều người cho rằng vì vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo của một người là chuyện riêng tư của họ nên không ai khác nên phê bình, chỉ trích cả.

Theo tôi, tín ngưỡng và tôn giáo trong xã hội hiện tại không phải là chuyện riêng tư của ai hết.

Nếu một niềm tin của một số người không hề ảnh hưởng gì đến đời sống của người khác thì là chuyện riêng tư của họ và tôi sẽ không can dự gì đến nó. Nếu niềm tin đó được đem ra áp dụng trong sinh hoạt hàng ngày và có ảnh hưởng đến đời sống của người khác thì ai cũng có quyền phân tích và phê phán về niềm tin đó.

Ngày nay nhiều người Công giáo vẫn dựa vào quy luật của Tòa Thánh để phán đoán và quyết định chuyện đạo đức đúng sai trong đời sống hàng ngày của họ và của những người khác chung quanh họ. Những việc như việc cưới gả với người ngoại đạo, ly dị, ngừa thai bằng bao cao su, khoái lạc trong tình dục, đồng tính luyến ái, phá thai sau khi bị cưỡng hiếp, tự nguyện chết để khỏi đau đớn vì bệnh nan y, khảo cứu về tế bào gốc (stem cell), v.v bị xem là những điều tội lỗi, bệnh hoạn, trái đạo lý.

Thí dụ như vô số chùa chiềng, thiền viện ngày nay được mở ra với một mục đích duy nhất là kinh doanh trục lợi. Thay vì là những trường dạy đạo thì vô số các tăng sư biến chúng thành chợ bán đạo. Nạn mê tín dị đoan ngày càng tràn lan trong Phật tử cũng như giới tăng sư. Và theo sau mê tín dị đoan và sự ngu muội là sự lừa đảo, lường gạt, bóc lột, cướp giật của những người tự xưng là con Phật.

Những người đòi hỏi tín ngưỡng, tôn giáo phải được đối xử như một lãnh vực riêng tư đặc biệt là những người muốn được ăn cá độ trên cả mặt sấp lẫn mặt ngửa của một đồng tiền.

 Cần phải tôn trọng niềm tin của người khác?

Nhiều người cho rằng ai cũng phải tôn trọng niềm tin của họ.

Tôi cho rằng chúng ta không nhất thiết cần phải hạ thấp tiêu chuẩn phán đoán của mình về niềm tin của người khác chỉ vì chúng là “niềm tin” của họ. Ngay cả khi niềm tin nầy không có hại trực tiếp đến chúng ta.

Thí dụ nếu người láng giềng cạnh nhà bạn tin rằng nếu họ thành tâm chăm sóc yêu quý cây táo trong sân sau nhà họ thì một ngày nọ cây táo nầy sẽ nở rộ những trái bằng vàng. Mỗi cuối tuần cả gia đình người nầy xúm nhau tỉa sâu tưới nước bón phân, trò chuyện với cây táo nầy, vặn nhạc cổ điển cho nó nghe, v.v. để chờ một ngày nào các trái táo bằng vàng xuất hiện. Những người nầy không hề nãn chí mặc dù cây táo năm nầy qua năm nọ luôn luôn chỉ cho ra các trái táo bình thường. Những người nầy tuyên bố rằng không ai có thể lung lạc niềm tin của họ vì không ai có thể đưa ra được bằng chứng là chuyện các táo vàng sẽ không bao giờ xảy ra. Bạn sẽ nghĩ gì về trạng thái tâm thần của những người nầy?Thí dụ nếu một anh chàng tuyên bố là “tôi tin rằng các vụ Việt Cộng thảm sát thường dân vô tội ở Huế hồi tết Mậu Thân đã không bao giờ xảy ra” thì chắc chắn có nhiều người Việt Nam tại hải ngoại sẽ không tôn trọng cái “niềm tin” nầy của anh đó. Nếu có anh đó đi rêu rao “niềm tin” nầy của anh trong các cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, chắc chắn anh sẽ nhận những phản ứng không thân thiện lắm. Tại sao? Tại vì cái “niềm tin” đó chà đạp lên những sự kiện, những sự thật mà tri thức và kiến thức của họ đã nhận biết. Tại vì khi nghe đến một lời tuyên bố ngông cuồng như vậy thì chúng ta thấy ngay là có điều không ổn với trí óc và cách suy nghĩ của những người mang niềm tin nầy.

Thế mà khi bàn luận đến vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo thì nhiều người lại hạ thấp hẳn tiêu chuẩn phán đoán của mình. Người ta bỗng nhiên trở thành dễ dãi, dễ tha thứ, dễ đồng tình khi người đối diện phát biểu những lý thuyết tôn giáo phản lại tất cả những gì mà tri thức và kiến thức của họ đã từng nhận biết.

Ích Lợi gì?

Có người cho rằng tôn giáo và tín ngưỡng là nhu cầu cần thiết để trấn an và giúp đỡ con người vượt qua những gian lao, khó nhọc, đau khổ trong đời sống.  Nói cách khác, tín đồ sùng đạo tìm được niềm an ủi khi tin có đấng thiêng liêng phù hộ họ trong cơn hiểm nguy hay cứu độ họ sau khi họ chết. Những người nầy hỏi ngay cả nếu tôi có thể thuyết phục được một tín đồ từ bỏ niềm tin của họ đi nữa thì việc đó sẽ mang lại ích lợi gì hoặc có làm cho họ sẽ được hạnh phúc, sung sướng hơn không?

Tôi đồng ý rằng có nhiều trường hợp thì tốt nhất là người trong cuộc cứ tiếp tục sống với những ảo tưởng về Thiên Đàng hay Niết Bàn của họ. Có khi là vì dù gì đi nữa họ cũng không có đủ kiến thức và khả năng suy luận để nhận hiểu được các ý tưởng phức tạp hơn. Có khi là vì nếu lấy đi những ảo tưởng trên thì họ có thể sẽ không chịu đựng nổi những khổ đau, khốn cùng, v.v. trong cuộc đời họ.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì sự nhận thức về bản chất thật của tôn giáo và tín ngưỡng có thể giúp nhiều người khỏi bị kẻ khác lợi dụng, hăm dọa, điều khiển hay tránh phải chịu đựng những nỗi sợ hãi vô căn cứ và không cần thiết.

Thí dụ như khi thầy cúng khuyên dụ gia đình tang gia phải trai đàn cúng tụng rườm rà, thỉnh bùa trì chú vì người thân chết phải “giờ trùng” (nếu không thì trong gia đình sẽ có người bị “kéo” chết theo liên tục). Thí dụ như thầy chùa diễn giải việc tôn trọng Phật Pháp Tăng có nghĩa là Phật tử phải cung phụng, hầu hạ, bái lạy, cúng dường tăng sư nếu muốn được phước. Thí dụ như cha xứ răn đe nếu thủ dâm thì sẽ bị Chúa Trời phạt làm mù mắt. Thí dụ như Giáo hội Công giáo kết án những kẻ đồng tính luyến ái là dơ bẩn, bệnh hoạn và sẽ bị cấm vào cửa Thiên Đàng. Thí dụ như cũng chính Giáo hội Công giáo lạm dụng cương vị và quyền thế của họ để dung túng, bao che tệ nạn ấu dâm lan tràn trong giới tu sĩ của họ. 

Một người nhận thức được bản chất thật sự của tôn giáo là gì thì họ sẽ khó bị ảnh hưởng bởi những chuyện trên hơn một tín đồ mê muội và cuồng tín.

Nói chung là có hai sự lựa chọn:

1/ Hoặc là được sống an lành với những ảo tưởng mơ hồ của Thiên Đàng hay Niết Bàn đời sau mặc dù ngay trong đời nầy có thể bị lường gạt, lợi dụng, điều khiển bởi kẻ khác;

2/ Hoặc là tránh khỏi bị lường gạt, lợi dụng, điều khiển bởi kẻ khác ngay trong đời nầy nhưng phải đối đầu với thực tế phủ phàng là không có Thượng Đế hay Trời Phật gì phò hộ hay cứu rỗi cả.


Cập nhật: 6/2013 

Make a Free Website with Yola.