Trở lại:

-      Tôn Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Có những người cho rằng nhờ tôn giáo của họ dạy những điều tốt đẹp như "hãy thương yêu mọi người", "đừng giết người", "đừng nói láo", "con cái phải vâng lời cha mẹ", "vợ chồng phải yêu kính nhau", v.v. mà xã hội con người mới có những nề nếp mà chúng ta gọi là đạo đức.

Có lần nọ một tín đồ Thiên Chúa giáo nói với tôi “Nếu không có Thiên Chúa dạy con người phải thương yêu lẫn nhau thì thế giới nầy đã tràn ngập tội lỗi rồi”.

Tôi cực lực chống đối những người vô tình hay cố ý tuyên bố và truyền bá những ý tưởng tương tự như “tôn giáo là nền tảng của đạo đức” hay “tôn giáo nào cũng hướng con người về tiêu chuẩn đạo đức chung của nhân loại” hay “tôn giáo nào cũng hướng thiện”.

Mặc dù một số những người nầy có thể không có ý gì khác hơn là họ chỉ hãnh diện về tôn giáo của họ, họ không nhận thức được rằng lời tuyên bố hay ý tưởng nầy còn hàm ý là “phải cần có tôn giáo mới có thể có nền tảng đạo đức”. Và từ đó họ cũng vô tình quảng bá cái quan điểm rằng “không có tôn giáo là không có nền tảng đạo đức”. 

Đây là một quan điểm rất nguy hiểm.

Nó tạo ra một lằn ranh chia rẻ nhóm người “có tôn giáo” và nhóm người “không tôn giáo”. Nó đồng thời quảng bá cái ý niệm “có tôn giáo = có đạo đức” và “vô tôn giáo = vô đạo đức”.

Quan điểm nầy là một lý do chính tại sao những người vô tôn giáo thường bị kỳ thị ở nhiều lãnh vực trong xã hội. Thí dụ như ở Mỹ (là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Thiên Chúa giáo), một người không “có đạo” sẽ không bao giờ có hy vọng gì ra tranh cử và thắng cử trong các cuộc bầu cử quan trọng.

Có những tín đồ cho rằng hiện tượng Đức Quốc Xã tàn sát người Do Thái trong đệ nhị thế chiến, tội ác của Polpot ở Cambuchia, v.v. là kết quả của sự thiếu đạo đức tôn giáo trong các tổ chức đó. Thật ra các cuộc thảm sát nầy không có liên can gì đến tôn giáo cả. Chúng đã xảy ra trong các thời điểm đó là vì chủ nghĩa độc tôn, độc quyền, độc tài có cơ hội vượt thoát ra khỏi vòng kiểm soát bình thường hiện diện trong các tập thể con người.

Tương tự, có những người cho rằng vì cộng sản chủ trương vô tôn giáo nên đã sản xuất ra những chính quyền vô đạo đức. Thật ra thì hai tính chất “vô tôn giáo” và “vô đạo đức” của cộng sản tuy hiện diện cùng một lúc, một nơi với nhau nhưng lại hoàn toàn độc lập lẫn nhau. Tính chất “vô tôn giáo” không nhất thiết đã sinh ra tính chất “vô đạo đức” trong con người cộng sản. Nếu nhìn vào xã hội hiện tại ở Việt Nam thì sẽ thấy vô số những cán bộ, đảng viên Việt Cộng cao cấp là những người rất tín ngưỡng trong việc thờ cúng Phật Chúa nhưng đồng thời cũng rất vô đạo đức.

Mặt khác, cuộc tấn công thành phố Newyork ngày 11 tháng 9 năm 2001 là kết quả trực tiếp của lý tưởng tôn giáo cực đoan từ một tổ chức cầm quyền Hồi giáo. Các vụ cảm tử quân đánh bom hàng ngày giết hại thường dân tại các nước Trung Đông là kết quả trực tiếp của hệ thống tẩy não trong các lực lượng quân sự cực đoan dựa vào lý tưởng Hồi giáo. Họ không hề ngần ngại tàn sát những người ngoại đạo vì theo họ thì “ngoại đạo = vô tôn giáo = vô đạo đức = vô giá trị = không đáng sống”.

Ý niệm "tôn giáo của tôi là nền tảng đạo đức" là lý do và nguồn gốc của bao nhiêu cuộc đổ máu lớn nhỏ giữa con người với con người khi nền văn minh sơ khai nhất thành hình cho đến ngay cả ngày hôm nay.

Có vô số cuộc chiến tranh đã và đang xảy ra vì tôn giáo. Chỉ cần nhìn vào lịch sử của hầu như bất cứ quốc gia nào ra cũng có thể thấy điều nầy. Thông thường thì 2 tôn giáo đối nghịch nhau giết hại nhau vì danh nghĩa tôn giáo của mỗi bên. Thí dụ như sự tranh chấp ưu thế giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo nhiều lần trong gần 2000 năm qua.

Cũng có nhiều khi chính cùng một tôn giáo cũng phân chia ra thành những tiểu nhóm khác nhau để rồi tàn sát lẫn nhau. Thí dụ như cuộc chiến tranh dài 30 năm từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17 giữa Công giáo và Tin Lành ở Âu Châu. Mối hiềm khích giữa 2 nhóm môn đồ của Thiên Chúa nầy vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay. Gần đây, giữa 1969 và 2001, sự bất hòa cũng giữa Công giáo và Tin Lành ở Ái Nhĩ Lan dẫn đến cuộc nội chiến với hàng ngàn người thiệt mạng.

Ngay bây giờ, nếu ai google “Catholic vs Protestant” (“Công giáo vs Tin Lành”) thì vẫn sẽ thấy hiện đang có hàng ngàn trang mạng, diễn đàn mà tín đồ của 2 phe ngày ngày liên tục mạt sát lẫn nhau về niềm tin của phe bên kia.

Một thí dụ khác về chiến tranh giữa các tín đồ cùng tôn giáo hiện nay là mối bất hòa dai dẳng hàng thế kỷ ở Iraq giữa 2 nhóm Hồi giáo khác nhau Sunni và Shia giết hại lẫn nhau hàng ngày cùng dưới danh nghĩa của Thượng đế Allah của họ.

Nhiều chiến tranh giữa 2 tập thể, 2 quốc gia xuất phát từ sự tranh chấp tài sản, quyền lực hay lãnh thổ. Tuy vậy, thường thì tôn giáo cũng được mang vào để làm danh nghĩa và khuyến dụ sự hỗ trợ của đại chúng. Khi một người nghĩ rằng Thượng Đế đứng cùng phía với họ thì họ sẵn sàng thí bỏ sinh mạng của mình đổi lấy một tấm vé vào cổng thiên đường. Khi một người nghĩ rằng mình đứng cùng phía với Thượng Đế thì họ sẵn sàng sát hại “kẻ thù” đồng loại của mình mà không mang mặc cảm tội lỗi.

Steven Weinberg, vật lý gia Hoa Kỳ có lần tuyên bố trên tờ New York Times rằng “Dù có hay không có tôn giáo thì trên đời lúc nào cũng có người tốt làm những điều tốt và kẻ ác độc làm những điều ác độc. Tuy vậy, muốn có người tốt làm điều ác độc thì phải cần đến tôn giáo”.

Richard Dawkins cho rằng tôn giáo chỉ cung cấp những cái cớ để biện hộ cho nhiều hành động và sự việc vô đạo đức. Trong trường hợp Thiên Chúa giáo, ngoài những cuộc chiến tranh và thảm sát trong lịch sử đã được biện hộ bởi Kinh Thánh, ngày nay các điều vô đạo đức như trừng phạt những kẻ ngoại tình, đồng tính luyến ái hay không cùng đạo bằng cách chọi đá vào họ, đánh đập hay giết chết những đứa trẻ không nghe lời cha mẹ, nhìn nhận và khuyến khích hệ thống nô lệ, mãi dâm con gái của mình, v.v. còn được gìn giữ như là lời truyền dạy của Chúa Trời. Và dĩ nhiên là trong Hồi giáo cũng có vô số thí dụ tương tự hay tệ hại thập phần hơn vì lời dạy của Allah.

Ông Dawkins cũng cho rằng tôn giáo chỉ là một sản phẩm phụ trong quá trình nhận thức của nhân loại và không liên quan gì đến nền tảng đạo đức của con người. Có vô số người vô thần cũng là người “tốt” (theo định nghĩa của Thiên Chúa giáo) mà không cần biết đến hay nhìn nhận sự hiện hữu của Chúa Trời. Đồng thời cũng có vô số tín đồ Thiên Chúa giáo rõ ràng là người “không tốt” (cũng theo định nghĩa của chính tôn giáo họ). 

Triết gia Dan Dennett (Tufts University - Boston) cho biết rằng trong tất cả những tù nhân ở Mỹ, tỉ lệ giữa số người có tín ngưỡng và người không có tín ngưỡng cũng rất tương tự như tỉ lệ nầy của dân số bên ngoài. Ông cũng cho biết rằng tỉ lệ ly dị trong tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Mỹ có phần cao hơn tỉ lệ ly dị của những người không theo nền tín ngưỡng nào cả.

Cũng cần biết rằng Mỹ là một nước mà Thiên Chúa giáo chiếm ít nhất 85% trong dân số. Các nước như Na Uy, Thụy Sĩ, Đan Mạch có tối đa chưa đến 20% dân số theo Thiên Chúa giáo. Theo thống kê gần nhất cho thấy tỉ lệ tội phạm giết người ở Mỹ khoảng 20 lần cao hơn ở Na Uy, Thụy Sĩ và Đan Mạch. Nếu cho là Thượng Đế là nền tảng của đạo đức thì tại sao điều nầy xảy ra?

Có lẽ một cách giải thích cho hiện tượng nầy là tín đồ cần nhận biết rằng trong bất cứ xã hội hay đoàn thể nào cũng có:

a/ những người ngoài quyền lợi của họ còn nghĩ đến quyền lợi người khác,

b/ những người chỉ nghĩ đến quyền lợi của chính họ,

c/ những người tìm thấy sự khoái cảm khi hại người khác, v.v.

Và đây chỉ là những hiện tượng tâm sinh lý tự nhiên xảy ra trong con người lẫn trong một số những sinh vật khác và không liên can gì đến tín ngưỡng hay tôn giáo cả.


Make a Free Website with Yola.