Đại Ý:

Tôn giáo của đại đa số người ta không do chính họ lựa chọn mà là do cha mẹ, gia đình họ áp đặt lên họ từ lúc mới sinh ra. Sự áp đặt nầy xảy ra cho hầu hết tất cả mọi người, một cách tự nhiên, tự động và tự nguyện.

Nếu trẻ con được dạy dỗ về một tôn giáo từ thuở nhỏ thì chúng sẽ chấp nhận tôn giáo nầy vô điều kiện. Trẻ con không có đủ kiến thức và kinh nghiệm bản thân để phán đoán đúng sai.  Lý trí và tâm thức chúng không có sự đề kháng. Những gì truyền dạy cho trẻ con được đóng dấu vào trí óc trắng tinh của chúng và sẽ trở thành một phần của tri thức cá nhân của chúng.

 

Trở lại:

-      Tôn Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Trong những năm mới sau tháng Tư 1975, có nhiều cha mẹ rất đau lòng khi thấy con nhỏ của mình đi học ở trường về hí hửng đeo khăn quàng đỏ ca tụng "bác Hồ vĩ đại". Họ biết rằng trí óc ngây thơ của con em họ đang bị đầu độc bởi công cụ tuyên truyền tinh vi trong toàn bộ hệ thống giáo dục của Việt Cộng. Nhưng họ không dám cản ngăn hay chống đối gì hết và chỉ biết bó tay đứng nhìn.

Vài ba mươi năm sau, cũng những cha mẹ đó, khi họ nhìn đám cháu chắt của họ đi học về đeo khăn quàng đỏ ca tụng "bác Hồ vĩ đại" thì họ không còn khó chịu nữa. Chuyện đầu độc đó đã quen tai, quen mắt và trở thành một phần trong đời sống bình thường của họ.

Nói về những đứa trẻ con, chúng không hề cảm thấy khó chịu gì hết khi lần đầu tiên được thầy cô dạy phải thương yêu "bác Hồ vĩ đại". Những hình ảnh đầu tiên về tổ quốc VN trong cái trí óc trong trắng của chúng là 'Bác và Đảng rạng ngời", là "các chú bộ đội oai hùng giải phóng Sài Gòn khỏi ách đô hộ của giặc Mỹ", là "đảng CSVN muôn năm" và vô số các ấn tượng tương tự.

Khi đám trẻ nầy lớn lên, dù có thấy được phần nào thực chất của chế độ, những lời tuyên truyền từ ngày lọt lòng vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong đầu óc của chúng. Có rất nhiều người trẻ ở VN ngày nay mặc dù không hề có kinh nghiệm bản thân trực tiếp với HCM nhưng vẫn sẵn sàng cực lực phản đối những ai nói xấu về "Bác". Đối với những người trẻ nầy, Bác và Đảng vẫn rạng ngời bất kể đầy rẫy cán bộ tham ô đang bóc lột, đàn áp dân chúng hàng ngày. Những người trẻ nầy sẽ tìm đủ cách biện hộ cho Đảng và nhà nước về những sự kiện xấu xa trên.

Thứ nhất, họ đã được huấn luyện từ nhỏ không được cãi lại những gì chính quyền dạy bảo. Thứ hai, họ (vì vô tình hay thiếu ý thức) không nhiều thì ít đồng hóa chính quyền và xã hội hiện tại với đất nước, quê hương của họ; do đó họ sẽ có ác cảm với những lời phê bình, chỉ trích nhà nước hay xã hội VN vì họ cảm thấy như chính đất nước, quê hương yêu quý của họ cũng đang bị phê bình, chỉ trích.

Như đã thấy, cách tẩy não hiệu quả nhất là bắt đầu với trẻ con. Trí óc ngây thơ của chúng không có sức đề kháng gì hết. Kế đó, làm cho người bị tẩy não có ấn tượng họ cũng là sỡ hữu chủ phần nào của những tư tưởng áp đặt lên họ.  Kế đến nữa, áp dụng hứa hẹn phối hợp khéo léo với đe dọa ("nếu ngoan ngoãn nghe lời thì sẽ được tưởng thường như vầy..., nếu chống cãi thì sẽ bị trừng phạt như vầy...")

 

Nói đến tẩy não thì cũng phải nói đến tôn giáo. Tính theo con số thì tôn giáo là một hiện tượng tẩy não lớn nhất trong lịch sử nhân loại, hơn xa hẳn hiện tượng tẩy não trong các chế độ độc tài quân phiệt.

Tôn giáo theo định nghĩa là nhịp cầu thiêng liêng tự mỗi người móc nối cá nhân của họ với đấng thiêng liêng tối cao. Thế nhưng thực tế thì không phải như vậy.

Một đứa trẻ nếu sinh ra trong một gia đình có đạo A, trong thời kỳ còn nhỏ dại chưa đủ lý trí để hiểu biết về ý nghĩa của tôn giáo, nó sẽ mang đạo A. Tương tự, một đứa trẻ nếu sinh ra trong một gia đình có đạo B thì nó sẽ mang đạo B. Hầu như không bao giờ có trường hợp một đứa bé sinh ra trong một gia đình có đạo A mà nó mang đạo B. Lý do là cha mẹ theo đạo A sẽ quyết định cho con mình cũng theo đạo A.

Đại đa số các đứa trẻ nầy khi lớn lên sẽ tiếp tục theo cùng một tôn giáo mà cha mẹ chúng đã "ban cho" khi mới sinh ra. Một số rất ít khi lớn lên tự học hỏi hay chịu ảnh hưởng bên ngoài sẽ thay đổi tôn giáo (hay ít hơn nữa, không theo tôn giáo nào hết).

Điều nầy cho thấy rằng tôn giáo của đại đa số người ta không do chính họ lựa chọn mà là do cha mẹ, gia đình họ áp đặt lên họ từ lúc mới sinh ra. Sự áp đặt nầy xảy ra cho hầu hết tất cả mọi người, một cách tự nhiên, tự động và tự nguyện. Kế tiếp theo sự áp đặt một tôn giáo lên đứa trẻ sơ sinh là một quá trình dài dạy dỗ nó về những giáo điều của tôn giáo nầy.  Giáo điều gồm có những gì phải tuân phục và những gì phải chối bỏ, những gì được làm và không được làm, những hứa hẹn và những đe dọa.

Cũng giống như trong trường hợp các chế độ độc tài tẩy não dân chúng của họ, nếu trẻ con được dạy dỗ về một tôn giáo từ thuở nhỏ thì chúng sẽ chấp nhận tôn giáo nầy vô điều kiện. Trẻ con không có đủ kiến thức và kinh nghiệm bản thân để phán đoán đúng sai.  Lý trí và tâm thức chúng không có sự đề kháng. Những gì truyền dạy cho trẻ con được đóng dấu vào trí óc trắng tinh của chúng và sẽ trở thành một phần của tri thức cá nhân của chúng.

Trẻ con không có đủ ý thức để thấy rằng “lời truyền dạy của đấng thiêng liêng tối cao” thật ra chỉ là lời truyền dạy của các người đại diện tôn giáo. Trẻ con không có đủ ý thức để thấy rằng lời truyền dạy của các đại diện tôn giáo chỉ là lời truyền dạy xuất phát từ sự hiểu biết, tư tưởng và định kiến của các người phàm mắt thịt giống như chúng. Trẻ con không có đủ ý thức để thấy rằng các đại diện tôn giáo cũng có những tham sân si và lỗi lầm như bao nhiêu người khác chung quanh chúng.

Khi lớn lên, thói quen làm cho đại đa số con người ta không xét đoán lại những ý niệm đã có sẵn trong đầu từ khi họ còn là trẻ con. Nhất là những ý niệm trừu tượng phức tạp như tôn giáo.

Hơn nữa, đại đa số người ta ngay khi đã trưởng thành vẫn luôn luôn chịu ảnh hưởng bởi áp lực tôn giáo chung quanh họ. Một người lớn lên và sinh sống giữa một quốc gia, một thành phố, một thôn xóm, một gia đình mà tất cả mọi người trong đó đều theo đạo A thì rất khó có cơ hội để khai triển những ý niệm hay quan điểm khác hơn những gì đã có sẵn trong đạo A.

Khi những giáo điều của một tôn giáo đã trở thành một phần của tri thức của một người, họ trở thành sở hữu chủ của những giáo điều nầy. Từ đó, họ sẽ cực lực bảo vệ các giáo điều của họ; chúng trở thành kiến thức, một phần bản ngã và một phần đời sống của họ. Từ đó, họ sẽ cực lực bảo vệ tôn giáo nầy; nó trở thành chân lý của họ nhất là sau khi đã được đồng hóa với hình ảnh và khái niệm tuyệt vời của một đấng thiêng liêng tối cao.

Một sự tẩy não toàn hảo cần có yếu tố tự động, tự nhiên, tự nguyện và toàn bộ. Như đã nói, những yếu tố nầy có đầy đủ trong việc truyền bá tôn giáo từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.

Đây là một trong những lý do giáo điều rất dễ dàng được coi là chân lý.

Và đây cũng là một trong những lý do tôn giáo sẽ còn tồn tại lâu dài trong đời sống nhân loại.


Make a Free Website with Yola.