Đại Ý:

Tín ngưỡng và tôn giáo là một sản phẩm phụ của quá trình tiến hóa của nhân loại.

Niềm tín ngưỡng của hầu như tất cả mọi người đều xuất phát từ cha mẹ, gia đình họ. Trong đầu những đứa trẻ sơ sinh không có sẵn tín ngưỡng hay tôn giáo.

Tín ngưỡng và tôn giáo không phải là một giải pháp hoàn hảo vì nó không giải quyết được tất cả mọi vấn đề cho con người.

Tín ngưỡng và tôn giáo đồng thời hiện hữu vượt thời gian vì cho đến nay đây là một liều thuốc an thần, một chiếc phao tâm linh phổ thông nhất để con người bám víu vào.

Tín ngưỡng và tôn giáo không có gì “thiêng liêng” hay “huyền bí” cả.

 

Trở lại:

-      Tôn Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Một Sản Phẩm Phụ của Quá Trình Tiến Hóa của Nhân Loại


Như đã trình bày, tôn giáo và tín ngưỡng xuất phát từ sự sợ hãi.

Tín ngưỡng và tôn giáo cũng là một sản phẩm phụ của quá trình sinh tồn và tiến hóa của nhân loại.

Con người ngày nay nói chung là sự tổng hợp thành công của những bản năng di truyền có ích lợi cho chủng loại của họ. Tuy nhiên trong quá trình di truyền trên cũng có lẫn lộn theo những bản năng không hoàn toàn có ích lợi cho sự tiến hóa của con người, trong đó có tín ngưỡng và tôn giáo. Cũng tương tự như những ký sinh trùng, tín ngưỡng và tôn giáo bám theo cái bản năng di truyền trên để phát triển từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.Trong quá trình tiến hóa của nhân loại, nhất là trong thời kỳ con người còn sơ khai, những đứa trẻ có khuynh hướng nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ chúng có một xác suất sinh tồn và trưởng thành cao hơn những đứa có khuynh hướng làm ngược lại.

“Nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ” là một đặc tính có ích lợi cho sự sống còn của con người. Đặc tính nầy dần dần trở thành một bản năng di truyền tự nhiên gắn liền trong cấu trúc cơ bản của trí óc mỗi người.

Thí dụ như ngày nay trong suốt giai đoạn phát triển ở những năm đầu tiên trong đời một đứa trẻ, cha mẹ nó hàng ngày dạy bảo nó vô số sự việc tối cần thiết cho sự sống còn của nó: “Khi ăn cơm phải nhả xương ra không được nuốt”, “Phải tránh không được thò tay vào bếp lửa”, “Phải tránh xa con chó dữ của nhà láng giềng”, “Phải nhìn phải trái cẩn thận trước khi băng qua đường”, “Đừng mở cửa cho người lạ vào nhà”, v.v.

Có rất nhiều khi ngay lúc đó đứa trẻ không hiểu tại sao cha mẹ nó dạy bảo những điều nầy, nhưng kinh nghiệm bản thân nó sau đó cho thấy rằng những điều trên đều hay, đúng và có ích lợi cho sự sinh tồn của chính nó. Họ cũng dạy nó “Phải nghe lời dạy bảo của cha mẹ”.

Vì thế khi cha mẹ bảo một đứa trẻ: “Hãy theo đạo nầy” hay “Hãy tin vào Thượng Đế” thì nó không có lý do gì mà không nghe theo họ. 

Trí óc một đứa trẻ như một tờ giấy trắng. Những khái niệm được diễn tả là “thánh thiện, huyền diệu” của tôn giáo và tín ngưỡng dễ dàng gây nên những ấn tượng sâu đậm trong tri thức nó. Đứa trẻ sẽ thu nhận những điều nầy là “hay, đẹp, đúng, thật” mà không hề chất vấn. Và một khi những khái niệm nầy đã trở thành “của nó” rồi thì đứa trẻ sẽ tiếp tục gìn giữ, phát triển chúng trong tri thức và sẽ truyền bá chúng qua các thế hệ kế tiếp.

Nói cách khác:

- Trong quá trình tiến hóa của loài người, những đứa trẻ không có bản tính nghe lời cha mẹ thường không sinh tồn đến trưởng thành để truyền cái DNA "không nghe lời cha mẹ" của chúng cho các thế hệ sau. Do đó bản tính tự nhiên của đại đa số trẻ con ngày nay là "nghe lời cha mẹ".

- Một trong những điều mà cha mẹ dạy bảo con trẻ là niềm tín ngưỡng và tôn giáo của họ. Đó là vì chính họ trước đây cũng đã được cha mẹ của họ dạy bảo điều nầy. Trẻ con nghe lời cha mẹ tiếp nhận niềm tín ngưỡng và tôn giáo của họ rồi sau nầy truyền lại cho con cái của chúng. Và cứ thế mà tiếp diễn.

- Đây là một lý do mà tín ngưỡng và tôn giáo được lưu truyền một cách thành công từ đời nầy sang đời nọ. Nói cách khác, tuy tín ngưỡng và tôn giáo có nhiều tai hại (ngoài một số lợi ích) cho loài người nhưng vẫn còn tồn tại vì nó là một sản phẩm phụ của quá trình tiến hóa.

Và:

Niềm tín ngưỡng của hầu như tất cả mọi người đều xuất phát từ cha mẹ, gia đình họ. Trong đầu những đứa trẻ sơ sinh không có sẵn tín ngưỡng hay tôn giáo. Cha mẹ và gia đình nó dần dần truyền dạy, và áp đặt, niềm tín ngưỡng và tôn giáo của họ lên nó.


Một Giải Pháp Không Hoàn Hảo nhưng Vượt Thời Gian

Con người từ thời tiền sử tin rằng tôn thờ, bái lạy, cúng tế các thần linh thì sẽ được bảo vệ, che chở. Đối với họ đây là một giải đáp thỏa đáng nhất, mặc dù không hoàn hảo, để làm giảm bớt nỗi lo âu vô vọng của họ.

Để đánh đổi được cái cảm giác an toàn và bình yên nầy, người ta sẵn sàng chấp nhận cái giải đáp trên mặc dù họ biết rằng nó không hoàn hảo.

Không hoàn hảo vì lịch sử cho thấy tín ngưỡng, tôn giáo là nguồn gốc của vô số cuộc chiến tranh, thảm sát và là công cụ hữu hiệu nhất để đàn áp, bóc lột con người.

Không hoàn hảo vì trong thâm tâm chính tín đồ cũng nhận thấy rằng tôn giáo thật sự không hiệu nghiệm gì cho lắm: tôn thờ, tế bái dường như cũng chỉ có thể làm cho các thần linh bảo vệ, che chở cho họ trong một vài trường hợp mà thôi; tai họa vẫn tiếp tục xảy đến với họ trong nhiều trường hợp khác.

Nhưng đối với những con người mang đầy mặc cảm bất lực nầy thì chỉ cần may ra được thần linh bảo vệ để tai ương giảm bớt một vài lần thôi thì cũng đủ lắm với họ rồi. Vì vậy mà họ vẫn tiếp tục tôn thờ, cúng bái.

Cách lý giải dựa trên trí tưởng tượng trên rất có ích lợi cho sự tiến hóa của con người. Nó có tác dụng “trấn an” con người và giúp họ đương đầu hữu hiệu hơn trước những sự việc ngoài vòng kiểm soát của họ. Nó làm giảm bớt sự khủng hoảng tinh thần trước những thảm họa, thiên tai, chuyện đau buồn; nó đem lại sự an lành trong tâm hồn khi nghĩ rằng họ được che chở đùm bọc bởi một sức mạnh vô biên. Nó làm cho con người có tâm trí và nghị lực để bước tiến trên hành trình sinh tồn của chủng loại của họ. Tín ngưỡng trở thành một nhu cầu cần thiết của con người.

Như đã nói, danh sách của các tai ương dài vô tận; do đó danh sách của các thần linh cũng sinh sôi nẩy nở theo. Và theo sát đàng sau đó là vô số những tình tiết huyền bí, kỳ diệu được con người sáng tạo, thêu dệt thêm không ngừng để xây dựng và củng cố cái quan niệm về thế giới siêu nhiên của họ.

Thời gian trôi, thế kỷ này qua thế kỷ khác. Khả năng trí tuệ và kiến thức của con người phát triển nhiều lên. Con người giải thích và chinh phục được vô số các sự việc mà trước kia họ không làm được. Có rất nhiều vấn đề trong vũ trụ đã được khẳng định là hiện tượng tự nhiên không liên quan gì đến thế giới siêu nhiên cả: dân số của các thần linh giảm xuống theo tỉ lệ thuận với sự hiểu biết của con người về thế giới chung quanh họ.

Tuy vậy, còn vô số các vấn đề khác mà họ vẫn không có câu trả lời. Điển hình và quan trọng nhất là những hiện tượng liên quan đến sự chết. Làm thế nào để chinh phục được sự chết và chuyện gì xảy ra sau khi sự chết vẫn còn là những câu hỏi nan giải mãi mãi ngay cả ngày nay. Con người quan sát, suy luận và cố gắng tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời nào hoàn toàn thỏa đáng cả.

Cách giải đáp từ thời tiền sử với sự hiện diện của các thần linh cùng những chi tiết huyền hoặc do đó vẫn còn ứng dụng được. Cách giải đáp nầy dễ hiểu, dễ ứng dụng và dễ được chấp nhận nhất bởi số đông. Cái cảm giác an toàn và yên ổn khi được bảo vệ bởi các sức mạnh siêu nhiên có một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với đại đa số con người. Họ dựa vào cách lý giải nầy để hỗ trợ, khích lệ tinh thần họ khi đương đầu với hiểm nguy. Họ dựa vào nó để mang lại sự an lành, thanh thản trong đời sống bận rộn hàng ngày.

Cộng vào đó, trong thiên nhiên có nhiều sự vật hoàn hảo đến độ đáng ngạc nhiên; sự hiểu biết và khả năng của con người hiện tại chỉ nằm ở mức cực kỳ sơ đẳng so với những sự hoàn hảo nầy; và với khoa học càng tiến bộ thì người ta càng nhận thấy rằng vũ trụ không những vô tận mà những bí mật chưa được lý giải trong vũ trụ cũng không bao giờ cạn kiệt. Đứng trước những sự vật hoàn hảo kỳ diệu nầy, lòng khâm phục cùng với bản năng hiếu kỳ của con người tìm đủ cách để giải thích cho được những thắc mắc của họ.

Một lần nữa, trí tưởng tượng cho phép con người tự thuyết phục họ rằng các sự vật tuyệt vời kia chỉ có thể là sản phẩm của những sức mạnh và trí tuệ siêu nhiên mà chính họ đã sáng tạo ra. 

 

Không có gì “thiêng liêng” hay “huyền bí” cả.

Như đã trình bày trước đây, tín ngưỡng chỉ là một nhu cầu cần thiết để đáp ứng với bản năng hiếu kỳ và chinh phục của con người cũng như hỗ trợ sự sinh tồn của họ.

Tín ngưỡng cũng là một sản phẩm phụ của quá trình tiến hóa của loài người.

Nhu cầu tín ngưỡng xuất phát từ kiến thức và khả năng hạn hẹp của con người đứng trước vũ trụ bao la. Có vô số sự việc con người không thể giải thích, giải quyết hay điều khiển, kiểm soát được. Những sự việc nầy được con người khoác những chiếc áo gọi là “huyền bí”.

Theo sau tín ngưỡng là tôn giáo. Tôn giáo cũng là một sản phẩm của con người. Tôn giáo chỉ là một số tín ngưỡng được hệ thống hóa và được một số đông người tin theo. Vì tín ngưỡng không có gì là thiêng liêng cả, tôn giáo do đó cũng không có gì thiêng liêng cả.

Lãnh vực tâm linh nói chung bao gồm những vấn đề trong vũ trụ mà con người chưa thấu hiểu được. Tất cả những gì liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo được gọi là thuộc về lãnh vực tâm linh. Lãnh vực tâm linh do đó cũng không có gì là thiêng liêng cả.

Vì vậy tín ngưỡng và tôn giáo không phải là một phạm trù “bất khả xâm phạm”. Tín ngưỡng, tôn giáo và tất cả các vấn về về tâm linh nên và cần được phân tích bàn luận đến một cách thoải mái giống như khi bàn luận những hiện tượng tâm sinh lý hay xã hội khác.


Sự cần thiết, quyến rũ và ảnh hưởng của chiếc áo “thiêng liêng”, “huyền bí”.

Khi kiến thức và khả năng kỹ thuật của con người phát triển lên, chiếc áo huyền bí của một số các sự việc đã dần dần được lột bỏ xuống; tuy nhiên vẫn còn vô số những bí ẩn khác trong vũ trụ mà con người vẫn chưa, và có thể không bao giờ, chinh phục được.

Tính chất bí ẩn cộng với lớp áo mang nhãn hiệu “huyền bí” của những vấn đề nầy đem đến cho chúng một giá trị đặc biệt trong cấu trúc tâm lý của con người. Trên diễn đài tri thức, họ có khuynh hướng biệt đãi những vấn đề thuộc lãnh vực tâm linh như sau:

1/ Họ cho rằng không thể dùng lý trí và phép lý luận thực tế để bàn thảo về chúng. Nói cách khác, họ phép chúng được quyền đứng ngoài vòng cương tỏa của lý trí trong bất cứ sự suy luận nào; đặc biệt là trong những sự suy luận mà các sự việc tâm linh huyền bí nầy có nguy cơ bị cho là “phản lý luận” hay “vô căn cứ”.

2/ Họ cho rằng không ai nên phê bình, chỉ trích điều gì về tín ngưỡng và tôn giáo.

Lý do chính của hiện tượng nầy là vì trong lãnh vực tâm linh có những yếu tố đem lại cho họ cái cảm giác an lành vì được che chở, bảo bọc và sinh tồn trong đời sống hiện tại cũng như sau khi họ nhắm mắt.

Con người cần phải bảo vệ những yếu tố nầy, và luôn cả mọi thứ khác trong lãnh vực tâm linh, với bất cứ mọi giá mỗi khi chúng bị lôi ra phán xét trước ánh sáng của lý luận (ngay cả của chính họ). Họ dùng những câu như “đây là một vấn đề tâm linh nên không thể dùng lý trí để phán xét được” hay “ngôn ngữ của lý trí và lý luận không thể nào áp dụng được trong vấn đề tâm linh” hay “không thể có cái nhìn khách quan hoặc đánh giá từ bên ngoài để luận bàn về chuyện tâm linh” với người khác cũng như với chính họ.

Các sản phẩm tâm linh có những giá trị ích lợi của chúng. Tuy vậy, vì con người không nhớ hay nhận biết được bản chất thật sự của chúng nên họ thay vì là chủ nhân lại trở thành nô lệ của chúng.

Phải chi họ nhớ được rằng tất cả mọi thứ trong lãnh vực tâm linh (kể cả tín ngưỡng và tôn giáo) đều chỉ là những sản phẩm của họ tự chế tạo ra nhằm để cố trấn an chính họ trước sự vô tình, vô nhân tính, vô thiên vị đến độ tàn nhẫn của vũ trụ.

 

Make a Free Website with Yola.