Đại Ý:

Mặc dù rất có thể chỉ là một ngẫu nhiên nhưng một số vũ trụ quan trong lý thuyết của Thích Ca mang nhiều điểm tương đồng với cái nhìn của khoa học tự nhiên ngày nay.

Phật giáo trên lý thuyết có nhiều tư tưởng rất “tiến bộ” so với các tôn giáo khác, chẳng hạn như Thiên Chúa giáo. Thí dụ như quan niệm "mỗi người tự chịu trách nhiệm với chính họ về mọi vấn đề trong đời sống họ". Thí dụ như quan niệm "cần phải tự suy ngẫm, tìm tòi, chất vấn và dùng kinh nghiệm bản thân trong quá trình tu học chớ không nên chấp nhận những lời giảng dạy từ kinh sách hay tăng sư một cách đương nhiên".

 

Trở lại:

-      Phật Giáo

-      Giới Thiệu

 


Theo tôi thì Phật giáo có nhiều tư tưởng rất “tiến bộ” so với một số tôn giáo khác.

Đó là vì mặc dù rất có thể chỉ là một ngẫu nhiên nhưng một số vũ trụ quan trong lý thuyết của Thích Ca mang nhiều điểm tương đồng với cái nhìn của khoa học tự nhiên ngày nay.

Một thí dụ là khái niệm “vô thường”. Khái niệm nầy cho rằng bản chất của mọi sự vật là không vĩnh cửu, là biến chuyển không ngừng, là không có gì vĩnh hằng. Ngay cả vũ trụ cũng không có điểm khởi đầu, không có điểm chấm dứt, và sự biến hiện của thế giới cứ theo chu trình sinh - trụ - dị - diệt mãi mãi. Có thể nói rằng khái niệm “vô thường” từ mấy ngàn năm trước đã diễn tả xác thực bản tính của vật chất đúng theo lý thuyết hiện đại nhất của các ngành lượng tử học, thiên văn học, vũ trụ học.

Một thí dụ nữa là khái niệm “hằng hà sa số thế giới”. Khái niệm nầy tương ứng với giả thuyết “đa vũ trụ” cho rằng có vô số vũ trụ cùng hiện hữu trong cùng một không gian nhưng có cấu trúc vật chất cơ bản mang tần số rung động khác nhau do đó không cảm nhận được lẫn nhau.

Lý thuyết Phật giáo cũng dạy rằng vận mạng của mỗi người bị chi phối bởi một quy luật tự nhiên trong vũ trụ gọi là luật Nhân Quả; luật Nhân Quả nầy hoàn toàn khách quan, không thiên vị, không có giới hạn và không có nhân tính.

Về nhân sinh quan, một tư tưởng trong Phật giáo mà tôi cho rằng rất "tiến bộ" hơn hẳn Thiên Chúa giáo là khái niệm "mỗi người tự chịu trách nhiệm với chính họ về mọi vấn đề trong đời sống họ". Triết lý Phật giáo dạy rằng mỗi cá thể chịu trách nhiệm về sự tiến hóa hay thoái hóa của trạng thức tâm linh của họ; không ai có thể cứu rỗi hay giải thoát giùm cho ai khác hết; chỉ có tự mỗi người mới có thể làm thay đổi vận mạng của họ mà thôi.

Tương tự trong Phật giáo là quan niệm cần phải tự suy ngẫm, tìm tòi, chất vấn và dùng kinh nghiệm bản thân trong quá trình tu học để cảm nhận Phật pháp chớ không nên chấp nhận những lời giảng dạy từ kinh sách hay tăng sư một cách đương nhiên.

Một khái niệm nổi bật khác trong Phật giáo là khái niệm cho rằng Bát Chính Đạo có thể dẫn đến trạng thái giải thoát, an lành, sáng suốt và chấm dứt sinh tử, luân hồi gọi là Niết Bàn. Các phương cách thực hành theo Bát Chính Đạo như Chính Kiến (hiểu biết chân chính), Chính Tư Duy (suy nghĩ chân chính), Chính Ngữ (phát ngôn chân chính), Chính Tinh Tiến (siêng năng tìm học), Chính Định (tĩnh tâm và tập trung tư tưởng), v.v. cho rằng sự siêng năng tìm học, kiến thức, hành vi cùng ngôn ngữ chân chính, sự an tịnh trong tâm hồn, v.v. là những phương tiện đưa đến hạnh phúc bền vững nhất.

Theo nhiều người trong đó có tôi thì Bát Chính Đạo của Phật giáo có thể được hiểu và áp dụng như là một học thuyết triết lý cho đời sống hơn là một giáo điều cho tín ngưỡng.

Nói về phương diện “đạo đức” thì trong giáo lý Phật giáo có Ngũ Giới, Thập Thiện, v.v. cũng tương tự như một số những lời răn dạy trong các tôn giáo khác. Điều nầy thật ra theo tôi không có gì lạ cả vì các tiêu chuẩn đạo đức nầy là sản phẩm tự nhiên xuất phát từ quá trình tiến hóa của con người chớ không phải bắt nguồn từ tôn giáo nào cả, trong đó kể cả Phật giáo.

Cập nhật: 6/2013


Make a Free Website with Yola.