Đại Ý:

Cái nhìn và thái độ của tín đồ trung hòa góp phần vào việc dung túng, nuôi dưỡng và bảo tồn các thành phần cực đoan, các hiện tượng sai trái và các tệ nạn xấu xa trong tôn giáo của họ nói riêng và tôn giáo tín ngưỡng nói chung.

Tôn giáo của các tín đồ trung hòa chỉ là một dạng pha loãng và biến cải của cái tôn giáo thuần túy nguyên thủy mà họ tưởng là “của họ”.

 

 

 

Trở lại:

-      Tôn Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Cực Đoan và Cuồng Tín

Trong tôn giáo nào cũng có những người thường đồng hóa "niềm tin" với "thầy tu" với "tổ chức tôn giáo" với "kinh sách" với "thượng đế", v.v. và gộp chung tất cả các thứ nầy vào thành một khối. 

Nếu ai phê bình, chỉ trích (bất kể đúng sai) đến bất cứ thành phần nào trong cái khối nầy là họ lập tức phản ứng dữ dội cho rằng người ấy tuyên chiến với tôn giáo của họ, hay xúc phạm đến thượng đế của họ, v.v. 

Đây là một thái độ cực đoan và là nguyên nhân cội nguồn của những cuộc thánh chiến, những phong trào thanh trừng tàn sát người "ngoại đạo", v.v. trong lịch sử. Đây cũng như là lý do tại sao giới chức sắc trong giáo hội Công giáo xưa nay cố tình ém nhẹm che chở những đồng đạo phạm các tội ghê tởm như ấu dâm cho đến khi nào họ không còn che dấu được nữa mới thôi.

Tín đồ cực đoan còn là những người diễn giải kinh sách của tôn giáo họ đúng theo nghĩa đen của từng câu từng chữ rồi áp dụng triệt để cách hiểu biết nầy vào đời sống của họ.

Vấn đề tôi quan tâm đến ở đây là những người nầy cũng có khuynh hướng áp đặt cách hiểu biết cực đoan nầy của họ lên cả đời sống của những người khác chung quanh họ bất kể những người đó có đồng ý hay không.

Có một chữ thích hợp hơn để dùng cho những tín đồ cực đoan nầy, đó là "cuồng tín".

Thí dụ, các cảm tử quân Hồi giáo đánh bom giết hại thường dân vô tội hàng ngày ở Iraq là những người cuồng tín, nhóm người lái phi cơ đâm vào những tòa nhà ở New York là những người cuồng tín. Những người nầy dựa theo lời dạy trong kinh Koran rằng không có gì vinh quang và tốt đẹp cho một con người hơn là hy sinh tính mạng mình để làm sáng danh Thượng Đế.

Thí dụ, theo thống kê gần đây thì 44% dân số ở Mỹ là những người cuồng tín: họ tin rằng Giê-Su sẽ thật sự hiện xuống từ trên trời trong vòng 50 năm tới. Thí dụ, những dân biểu nghị sĩ ngăn cản việc khảo cứu về tế bào gốc là những người cuồng tín; những người nầy thà bắt buột hàng triệu người khác phải tiếp tục đau đớn khổ sở vì bệnh tật chớ không chịu vi phạm một giáo điều vô căn cứ và không thực tế. Thí dụ, các linh mục thà để vô số những con chiên Phi châu của họ lây bệnh AIDS lẫn nhau chớ không được cãi lời tòa thánh Vatican dùng bao cao su là những người cuồng tín.

Những thí dụ kể trên cho thấy rằng các ý nghĩ, thái độ và hành động của những kẻ cuồng tín rất có thể có ảnh hưởng thật sự và trực tiếp đến đời sống hàng ngày của chúng ta.

Trung Hòa

Tuy vậy, phần lớn tín đồ tôn giáo trong xã hội hiện nay, theo định nghĩa của tôi, nói chung là “tín đồ trung hòa”. Đây là một điều tương đối may mắn.

Tín đồ trung hòa là những người an phận lẳng lặng tin tưởng vào cái gì đó họ tin tưởng, sống một cuộc đời hòa bình với gia đình thân quyến, giúp đỡ người khác và không bao giờ làm hại ai cả. Những tín đồ trung hòa thường là những người “tín ngưỡng vì lý do văn hóa”. Họ sinh ra trong một gia đình có tôn giáo A, lớn lên trong môi trường sống với tôn giáo A nên nghiễm nhiên tự cho rằng họ theo đạo A.

Phần lớn những tín đồ trung hòa có cái nhìn đơn giản hóa về tôn giáo. Đối với họ, tôn giáo vừa là một điểm tựa tâm linh vừa là mối tương giao giữa bạn bè, láng giềng và xã hội. Những giáo điều nào thích hợp với bản chất cá nhân của họ thì họ dùng, những giáo điều nào không thích hợp thì họ im lặng bỏ qua không để ý đến.

Tín đồ trung hòa không diễn giải theo nghĩa đen của từng câu từng chữ trong kinh sách. Nói chính xác hơn, tín đồ trung hòa không tin, không chấp nhận và không thực hành tất cả những gì truyền dạy trong kinh sách của họ.

Thí dụ, tín đồ Thiên Chúa giáo trung hòa không đồng ý hay chấp nhận những lời dạy sau đây trong Kinh Thánh: nếu biết một người là đồng tình luyến ái thì phải giết chết họ, nếu con cái trong nhà cãi lời lại cha mẹ thì hãy giết chết chúng, nếu một người con gái không còn là trinh nữ trong đêm tân hôn thì hãy lôi họ ra đầu xóm và chọi đá cho đến khi họ chết, nếu thấy người hàng xóm làm việc trong ngày thứ bảy thì hãy giết họ chết, nếu thấy một người tôn thờ hình tượng thần linh của bất cứ tôn giáo nào khác Thiên Chúa giáo thì hãy giết chết người đó lẫn gia đình người đó và sau đó giết chết luôn hết cả thôn làng người đó kể cả đàn bà và trẻ con, v.v.

Thí dụ, tín đồ Thiên Chúa giáo trung hòa không tin là vũ trụ nầy chỉ mới có trong vòng 6000 năm nay. Họ không tin rằng thủy tổ duy nhất của loài người là A-đam và Ê-và, hay nhân loại thật sự được tạo thành từ đất sét trong một ngôi vườn có một con rắn biết nói!

Tín đồ Thiên Chúa giáo trung hòa không tin, không đồng ý và không làm những điều kể trên mặc dù Kinh Thánh đã ghi chép kỹ càng và khẳng định rõ ràng rằng “tất cả lời dạy của Thượng Đế là tuyệt đối và có giá trị vĩnh viễn”. Tín đồ trung hòa cố ý đi ngược lại với Kinh Thánh mặc dù không hề nơi nào trong Kinh Thánh cho phép tín đồ được quyền diễn giải hay biến đổi ý nghĩa của bất cứ câu chữ nào.

Đó là vì tiêu chuẩn đạo đức cá nhân và bản chất hướng thiện của chính các tín đồ nầy không cho phép họ làm những chuyện trên, ngay cả nếu chúng có hợp pháp đi nữa trong đất nước họ đang cư ngụ. Đó là vì kiến thức khoa học phổ thông của họ không cho phép họ tin rằng những điều huyễn hoặc ghi chép trong Kinh Thánh là chuyện có thật.

 Khuyết Điểm và Tai Hại của Cương Vị “Trung Hòa” trong Tôn Giáo

Như vừa thấy ở trên, tín đồ trung hòa có khuynh hướng tự lựa chọn và chỉ xử dụng những gì trong kinh sách thích hợp với kiến thức, phong tục, tập quán, căn bản đạo đức và đời sống của riêng chính họ.

Đối với những gì trong kinh sách không thích hợp và không thể diễn giải ý nghĩa của chúng một cách khác đi được thì các tín đồ trung hòa hoặc tự gạt bỏ đi hoặc không đá động đến làm như chúng không bao giờ hiện hữu.

Tín đồ Thiên Chúa giáo trung hòa diễn giải Kinh Thánh theo trình độ trí thức của họ để lấy ra những ý nghĩa, những bài học đạo đức luân lý phù hợp với nhân sinh quan của họ. Những mẩu chuyện nào trong Kinh Thánh quá sức huyễn hoặc để có thể chấp nhận sẽ được tín đồ trung hòa cho rằng chúng chỉ là những câu chuyện ngụ ngôn có giá trị giáo dục của Thiên Chúa. Tôi thường nghe các người nầy giải thích: “Tuy Kinh Thánh nói vậy nhưng Thượng Đế không có ý như vậy! Ý của Thượng Đế là …” và họ tự đem những gì thích hợp với ý tưởng của riêng họ để điền vào chổ trống nầy.

Một điều phải nhìn nhận là tín đồ trung hòa là những người có khuynh hướng hiếu hòa. Chúng ta thường không lo việc có tín đồ trung hòa bất mãn nào sẽ lái máy bay đâm vào các tòa nhà chọc trời của chúng ta. Chúng ta thường không lo việc có tín đồ trung hòa bất mãn nào sẽ ném bom xăng vào các trụ sở tôn giáo đối nghịch hay kêu gọi ám sát nhà báo đã dám giễu cợt giáo chủ của họ hay cắt cổ con gái chửa hoang của họ để bảo vệ danh dự gia đình.

Nhưng nắm giữ cương vị tín đồ trung hòa có những khuyết điểm và tai hại không nhỏ của nó, tai hại cho xã hội và cho chính bản thân cùng gia đình của họ. Sau đây là vài khuyết điểm và tai hại chính của cương vị trung hòa trong tôn giáo:

1/ Tín đồ trung hòa thường chủ trương “Đạo nào cũng giống như nhau, không có đạo nào xấu cả”. Sự thật trong thực tế là có những tôn giáo rất khác biệt và đối nghịch hẳn nhau.

Thí dụ, bản chất của Phật giáo khác biệt và đối nghịch hẳn với bản chất của các tôn giáo độc thần như Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Giáo lý của Thích Ca Mâu Ni chủ trương hiếu hòa trong khi giáo lý của Thiên Chúa và Alah chủ trương hiếu chiến.

Thí dụ, tuy Tây Tạng đã bị Trung Hoa đô hộ và đàn áp mấy chục năm nay, nhưng dựa trên giáo lý Phật giáo Tây Tạng, chúng ta có thể yên tâm là gần như chắc chắn không bao giờ có chuyện sư tăng Tây Tạng trở thành cảm tử quân đánh bom giết hại thường dân Trung Hoa. Và lịch sử thế giới đã chứng minh điều nầy. Trong khi đó chỉ cần đọc kinh Koran và nhìn vào lịch sử từ khi Hồi giáo thành hình là chúng ta sẽ thấy một sự đối nghịch hẳn về tư tưởng, giáo điều lẫn cách áp dụng những tư tưởng, giáo điều nầy vào đời sống của tín đồ. 

Thiên Chúa giáo cũng tương tự như Hồi giáo. Lý do là vì cả hai đều là tôn giáo độc thần, và cả hai đều dựa vào “đức tin” của họ để hành sử mọi việc, kể cả việc quyết định chính sách quân sự quốc phòng của họ.

2/ Tín đồ trung hòa có khuynh hướng tha thứ và dễ dãi với những tệ nạn, những lời truyền dạy huyễn hoặc hay cực đoan phát xuất từ những người theo cùng tôn giáo với họ.

Thí dụ, nhiều Phật tử chủ trương tập trung vào việc ăn hiền ở lành và tu tập giáo lý của Thích Ca mà thôi. Họ chủ trương không tham dự, không bài kích, không đá động gì đến những tệ nạn lan tràn trong Phật giáo như mê tín dị đoan, tăng ni lường gạt bóc lột tín đồ, thương mãi hóa Phật pháp, v.v. Họ cho rằng đó không phải là vai trò hay bổn phận của họ, họ cho rằng mỗi người có một cái “duyên” khác nhau, họ cho rằng đó chỉ là một cái giá nhỏ phải trả để các Phật tử trong bước đầu có cơ hội tìm học Phật pháp, v.v..

Thí dụ, nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo không muốn biết, và không muốn nghe ai nhắc đến những cuộc tranh chấp đẫm máu trong lịch sử xưa nay xuất phát trực tiếp từ tín điều của họ, những phương pháp truyền đạo dựa trên 3 nguyên tắc đàn áp – khuyến dụ - tiêu diệt hiện vẫn còn được áp dụng ở các quốc gia chậm tiến, những tệ nạn xảy ra hàng ngày trong hàng ngũ tu sĩ như ấu dâm hay lạm dụng tước vị để vụ lợi cá nhân, những việc giành giựt quyền hành hay bưng bít những chuyện tham ô xảy ra trong Giáo Hội, v.v. Họ cho rằng bất kỳ giới tu sĩ có làm gì đi nữa thì họ cũng cần phải được kính trọng vì họ đại diện Chúa Trời truyền dạy đạo, họ cho rằng chỉ trích tu sĩ cũng tương đương với chỉ trích Chúa Trời, v.v.

3/ Tín đồ trung hòa thường biện hộ rằng “chỉ có con người lợi dụng tôn giáo để làm bậy chớ tôn giáo không có lỗi gì cả”.

Ngay cả khi tín đồ trung hòa nhìn nhận những điều tệ hại như trong các thí dụ vừa kể ở trên đi nữa thì họ cũng cho rằng đó là vì do con người lạm dụng danh nghĩa của tôn giáo để phục vụ cá nhân.  Các tín đồ trung hòa không thể đồng ý rằng nguyên nhân của các điều tệ hại trên là trực tiếp từ những tín điều trong tôn giáo của họ.

Vì vậy, những tín điều cổ hủ, huyễn hoặc, vô căn cứ, vô đạo đức vẫn mãi mãi được gìn giữ như các chân lý muôn đời thay vì được sửa đổi và cải tiến cho thích hợp hơn với đời sống hiện tại của con người.

Vì vậy, thường xuyên trong lịch sử có những kẻ cuồng tín sử dụng những tín điều cổ hủ, huyễn hoặc, vô căn cứ, vô đạo đức trên để làm lý do cho các hành động điên rồ gì đó của họ. Một thí dụ gần đây có một gã nọ bắn chết hàng loạt người vô tội làm việc trong một cơ sở y tế phụ trách việc phá thai miễn phí cho phụ nữ nghèo bị hãm hiếp chỉ vì tôn giáo của gã ấy cho rằng phá thai là tội lỗi và đáng bị trừng phạt.

Và khi chuyện nầy xảy ra ai cũng cho rằng gã nầy điên khùng nhưng họ không chịu nhìn nhận rằng chính trong kinh sách của tôn giáo họ đã đòi hỏi tín đồ phải tiêu diệt những kẻ “tội lỗi” như trên.

4/ Tín đồ trung hòa tuy nói chung hiếu hòa nhưng vẫn có khuynh hướng chống đối bất cứ ai phê bình chỉ trích những khuyết điểm trong tôn giáo của họ. 

Tín đồ trung hòa thường phản đối khi người khác phê bình chỉ trích những thành phần cực đoan trong tôn giáo họ; ngay khi chính họ cũng nhận thấy là những thành phần nầy là quá khích cực đoan. Tín đồ trung hòa thường cho rằng phê bình về tôn giáo là tội lỗi và vô đạo đức, họ cho rằng niềm tín ngưỡng của họ không làm hại đến ai, họ cho rằng người ngoại đạo quá khe khắc khi chỉ trích người có đạo, v.v.

Hơn thế nữa, nhiều tín đồ trung hòa còn có khuynh hướng chống đối những ai phê bình chỉ trích bất cứ tôn giáo nào khác. Thí dụ, có những tín đồ trung hòa cho rằng Osama bin Laden và đám người sẵn sàng tự nổ bom banh xác mình cho danh nghĩa Allah chỉ là những trường hợp thiểu số quá khích đặc biệt trong Hồi giáo. Những người trung hòa nầy không thấy được rằng bin Laden và đạo quân của ông ta đại diện cho lý tưởng và quan điểm của nhiều triệu người khác trong Hồi giáo.

Tôi xin phép được đi sâu vào vấn đề nầy một chút. Hãy nhìn vào tiểu sử của những cảm tử quân tấn công New York vào tháng 9 năm 2001. Họ là thành phần trung lưu, có trình độ học vấn cao, không hề có tiền án, không phải là những người chủ động tham gia chính trị. Hãy nhìn vào tiểu sử của những thành viên Al-Qaeda đã bị bắt giữ từ trước đến nay, 2/3 những người nầy tốt nghiệp cao đẳng (so với 53% của dân số Mỹ là có bằng cấp tương đương). Nghi phạm bị bắt trong mưu đồ nổ bom một chiếc máy bay Mỹ trong ngày Giáng Sinh năm 2009 là con trai của một nhân vật cao cấp trong ngân hàng của Nigeria. Do đó, cho rằng các phần tử quá khích trong Hồi giáo thường là bị đưa đẩy do hoàn cảnh nghèo đói hoặc vì thất học nên bị dụ dỗ vào con đường cuồng tín là một quan điểm rất sai lầm.

Điều nầy cho thấy một sự kiện không chối cãi được: tôn giáo cực đoan không chỉ xảy ra trong các thành phần nghèo đói thất học mà còn thường là trong giai cấp trung lưu và có học vấn cao. Điều nầy đang xảy ra trong Hồi giáo ở các nước Trung Đông, Nam Dương và cũng đang xảy ra trong Thiên Chúa giáo ở Mỹ.

Nói chung, tín đồ trung hòa cho rằng tha thứ rộng lượng với những tệ nạn, những thành phần tôn giáo cực đoan là thể hiện lòng nhân từ bác ái.

Thật ra, cái nhìn và thái độ của tín đồ trung hòa góp phần vào việc dung túng, nuôi dưỡng và bảo tồn các thành phần cực đoan, các hiện tượng sai trái và các tệ nạn xấu xa trong tôn giáo của họ nói riêng và tôn giáo tín ngưỡng nói chung.

Những đức tin cổ hủ, những mê tín dị đoan, những giáo điều tàn ác vô lý vô nghĩa lý xuất xứ từ thời kỳ sơ khai của nhân loại cần phải được nhìn nhận công khai và thành thật. Những tư tưởng dựa trên kiến thức lỗi thời và tai hại cho con người và xã hội đó cần phải được sửa đổi và cải tiến.

Vị thế trung hòa của các tín đồ sẽ chỉ cản trở lãnh vực tôn giáo tín ngưỡng trong bước đường tiến hóa lên cho thích hợp với kiến thức và nhu cầu của nhân loại trong một kỷ niên mới.

“Trung hòa” hay “pha loãng”?

Tôi muốn nêu ra một điểm nữa về vấn đề “trung hòa” trong tôn giáo.

Tín đồ trung hòa nói chung chủ trương rằng “tôi không thực hành một số giáo điều trong đời sống của tôi vì tôi không đồng ý với chúng”.

Theo định nghĩa, trong trường hợp tôn giáo độc thần như Thiên Chúa giáo và Hồi giáo thì các tín đồ trung hòa thật ra không phải là tín đồ thật sự của cái mà họ gọi là tôn giáo "của họ".

Theo các tôn giáo nầy thì Thượng Đế của họ tuyệt đối nghiêm cấm họ sửa chữa, thay đổi bất cứ một lời dạy, dù chỉ là một chữ, nào đã ghi chép trong Kinh Thánh và Kinh Koran. Nếu họ tin thờ Thượng Đế của họ một cách tuyệt đối như họ tuyên bố thì họ phải nhớ rằng việc không chấp hành triệt để từng chữ từng lời dạy của Thượng Đế là một vi phạm nghiêm trọng. Ở Âu Châu cách đây không lâu và hiện nay ở một số nước Trung Đông, đây là một tội có thể đáng bị xử tử.

Họ đã không chấp nhận một số giáo điều trong kinh sách của các tôn giáo đó ngay từ ban đầu. Họ đã dùng hoàn cảnh và tư tưởng của riêng họ để pha loãng và biến cải niềm tín ngưỡng cơ bản của các tôn giáo đó. Họ chỉ lựa chọn một số giáo điều thích hợp và gạt bỏ các giáo điều khác không thích hợp với mình.

Theo tôi, cái tôn giáo của đại đa số tín đồ Thiên Chúa giáo hiện nay thật ra chỉ là “Thiên Chúa giáo pha loãng”. Khi một tín đồ Thiên Chúa giáo không thực hành hay chấp nhận các giáo điều vô đạo đức trong “Thiên Chúa giáo thuần túy” thì, theo tôi, họ không còn thật sự là tín đồ của tôn giáo đó nữa. Khi họ cưỡng chống lại một phần không nhỏ những giáo điều nền tảng của tôn giáo của họ, họ đã chối bỏ hay tự tách rời mình ra khỏi tôn giáo đó.

Theo tôi, tín đồ trung hòa đã tự tạo dựng lên những tôn giáo “mới” để thích ứng cho nhu cầu riêng của họ. Những tôn giáo “mới” nầy đã được pha loãng và cải biến từ nền tảng khác hẳn với cái tôn giáo thuần túy nguyên thủy.

Theo tôi, các tín đồ Công giáo chẳng hạn chỉ có 2 cách lựa chọn duy nhất:

- Thứ nhất: sẵn sàng để giết chết con cái họ nếu chúng cãi lời, giết chết láng giềng họ nếu những người nầy làm việc trong ngày thứ bẩy, v.v. đúng theo lời Kinh Thánh dạy (vì chính Kinh Thánh và giáo hội Vatican đã truyền phán lập đi lập lại rõ ràng là tín đồ phải tuyệt đối tuân phục và không được biến cãi bất cứ chi tiết nào trong Kinh Thánh).

- Thứ hai: nếu họ không làm được những điều nầy thì họ không nên tự xưng mình là “người Công giáo”.


Cập nhật: 6/2013

Make a Free Website with Yola.