Trở lại:

-      Tôn Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Trong vũ trụ có sẵn những giá trị “chân thiện mỹ” tự nhiên mà con người ai cũng có thể cảm nhận và ngưỡng mộ. Thí dụ như thương yêu đồng loại, bảo vệ gia đình, mến kính cha mẹ, chăm sóc con cái v.v. Con người có thể truyền dạy và thực hành các giá trị chân thiện mỹ nầy không cần tôn giáo.

Hầu hết trong giáo điều của mọi tôn giáo đều có bao gồm một số những giá trị chân thiện mỹ nầy. Những giá trị chân thiện mỹ trong các tôn giáo đều tương tự nhau, mặc dù người ta có thể khoát cho chúng những lớp áo có màu sắc và hình dạng khác nhau.

Gần đây đã có nhiều chương trình khảo cứu về ảnh hưởng của tôn giáo trên cung cách của con người. Người ta muốn thử tìm hiểu xem tôn giáo có những ích lợi gì cho con người và tôn giáo có thật sự làm cho một người trở thành có đạo đức hay không.

Từ những cuộc nghiên cứu nầy, có nhiều chứng cớ hỗ trợ quan điểm nói rằng tiêu chuẩn đạo đức có thể tự xảy sinh từ tâm thức mỗi người và không cần phải xuất nguồn từ tôn giáo.

Hầu như có thể nói rằng chúng ta sinh ra với những nhận định cơ bản đâu là sai đâu là đúng đã có sẵn trong đầu. Không tôn giáo hay hệ thống tín ngưỡng nào có thể làm thay đổi những giác quan cảm nhận việc sai đúng cơ bản nầy trong mỗi người cả.

Jesse Bering, khoa trưởng của Khoa Văn Hóa và Nhận Thức ở Queens University, Belfast, Anh Quốc cho rằng ý niệm và cung cách đạo đức có thể khởi phát ngay trong những người không có đạo. Đó là vì tôn giáo và đạo đức đều cùng phát xuất từ một nguồn gốc chung, đó là quá trình tiến hóa của nhân loại. Theo ông, đạo đức không phát xuất từ tôn giáo như nhiều người thường nghĩ, mà cả hai tuy tiến hóa trên 2 con đường riêng biệt nhau nhưng đều cùng phát nguồn từ những động lực chung trong môi trường xã hội.

Theo ông Bering, ngay từ khi bắt đầu có ngôn ngữ và khả năng suy luận, tổ tiên chúng ta đã nhận thấy rằng nếu một cá nhân có khuynh hướng làm nhiều điều tốt, hay xấu, thì mọi người xa gần đều biết về danh tiếng, tốt hay xấu, của cá nhân nầy.  Những cá nhân sống hòa đồng và có ích lợi cho mọi người chung quanh thường được yêu chuộng hơn và được xem là người “tốt”. Ngược lại, những cá nhân ích kỷ và làm những việc có hại cho mọi người chung quanh bị xem là kẻ “xấu”. Hiện tượng trên đưa đến vài hậu quả lý thú sau đây.

Thứ nhất, những việc làm có ích lợi, những hành động vị tha, v.v. dần dần được xem là những điều “tốt” được tập thể và xã hội quý trọng. Đây là những điều mà chúng ta ngày nay liệt vào những điều có “đạo đức”.

Hơn nữa, trong những tập thể tiền sử (cũng như trong xã hội ngày nay), một cá nhân được nhiều người yêu chuộng thường có nhiều lợi điểm trong đời sống hằng ngày. Vì thế dần dần mọi người đều đi đến một nhận xét rằng "làm điều tốt sẽ đem lại điều tốt cho chính mình". Từ nhận xét nầy, một sự kiện quan trọng khác xảy ra: con người dần dần nhận biết rằng "lúc nào cũng có người quan sát và phán xét xem việc mình làm có tốt hay xấu".  Có nghĩa là hành vi và tư cách của một người hầu như luôn luôn bị củng cố và kềm chế bởi những áp lực chung quanh của tập thể. Từ những áp lực xã hội nầy, tiêu chuẩn đạo đức thành hình.

Nói cách khác, đạo đức thành hình vì mọi người từ thời cổ đại dần dần có một khái niệm chung về những điều gì là xấu, những điều gì là tốt. Việc có đạo đức là một điều có ích lợi, và được khuyến khích, vì người có đạo đức thường đem lại và nhận được nhiều điều tốt từ những người chung quanh.

Đạo đức tôn giáo thành hình là vì cái quan niệm "có ai đó ngó chừng từng hành động của mỗi người" được dần dần biến cải thành ý niệm "một ai đó siêu hình ngó chừng từng hành động của mỗi người". 

Đây là do cái khuynh hướng của con người hay nâng nhấc những gì mình ngưỡng mộ lên cao hơn mức độ thật sự của nó. Từ cái cảm giác lúc nào cũng bị/được quan sát và phán xét bởi đồng loại, từ sự nhận định rằng sự phán xét nầy rất quan trọng trong đời sống của họ, từ khuynh hướng trong tâm thức muốn giải thích lý do và ý nghĩa cho mọi sự việc bất kể có hoàn toàn chính xác hay không, con người đã từ từ bao bọc cái áp lực xã hội nầy với những khía cạnh “siêu hình” do chính họ tạo dựng lên.

 

Make a Free Website with Yola.