Đại Ý:

Có nhiều sự việc ghi chép trong Kinh Thánh không còn phù hợp với tư tưởng và tiêu chuẩn đạo đức ngày nay. Điều nầy gây ra những tác hại vô biên cho giá trị của Kinh Thánh. Và nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo cũng nhận thấy được sự việc trên.

Trong khi tranh luận, nhiều tín đồ thường áp dụng một số phương cách lý luận để cố bào chữa cho vấn đề nầy mặc dù cách lý luận của họ trái ngược hẳn lời nghiêm cấm trong Kinh Thánh rằng không ai được diễn giải, sửa đổi hay bớt bỏ bất cứ lời dạy gì của Chúa Trời.

 

Trở lại:

-      Thiên Chúa Giáo

-      Giới Thiệu

 


Có nhiều sự việc ghi chép trong Kinh Thánh không còn phù hợp với tư tưởng và tiêu chuẩn đạo đức ngày nay. Điều nầy gây ra những tác hại vô biên cho giá trị của Kinh Thánh. Và nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo cũng nhận thấy được sự việc trên.

Không ít học giả tôn giáo đã khẳng định rằng "Kinh Thánh là một tác phẩm nhân tạo chỉ có giá trị lịch sử chớ không còn thích hợp với tư duy của con người ngày nay nữa".

Tôi có thể trích dẫn hàng chục, hàng trăm thí dụ trong Kinh Thánh nói về các vấn đề như trọng nam khinh nữ, kềm chế tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, đàn áp các tín ngưỡng và tôn giáo khác, chủ trương lấy oán báo oán, cổ động và khuyến khích tàn sát tập thể, giết hại trẻ con, dung dưỡng chế độ nô lệ, nhìn nhận và cho phép loạn luân, kỳ thị đồng tính luyến ái, v.v. Mối quan tâm của tôi là ngày nào còn những người cho rằng tất cả những gì trong Kinh Thánh là chân lý tuyệt đối vĩnh viễn thì ngày đó quyển sách nầy còn tiềm tàng một nguồn đe dọa cho nhân bản và an sinh của con người. Lịch sử đã vô số lần cho thấy điều nầy.

Tôi hiểu rằng phản ứng tự vệ tự nhiên của nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo là cố gắng bất cứ giá nào cũng phải biện hộ cho Kinh Thánh mặc dù ngay chính họ cũng bị sốc khi đối diện vấn đề nầy.

Cứ nhìn vào phản ứng kịch liệt và hốt hoảng của nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo mỗi khi có người trích dẫn ra những lời răn, những tiêu chuẩn đạo đức nằm trong diện nầy thì sẽ thấy. Đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy những lời răn và những tiêu chuẩn đạo đức trên trái ngược hẳn lại với giá trị nhân bản của ngay chính những tín đồ nầy nói riêng và của xã hội ngày nay nói chung.

Để giải quyết vấn đề nầy trong các cuộc tranh luận, nhiều tín đồ thường áp dụng một số phương cách lý luận khác nhau.

Một nhận xét đáng nói là theo thống kê thì phần đông tín đồ Thiên Chúa giáo chưa hề tự mình tra cứu tận tường về Kinh Thánh. Vì vậy họ không có kiến thức mấy về quyển sách mà họ cho rằng chân lý tối thượng của họ. Những gì họ biết về Kinh Thánh thường chỉ là những gì các cha xứ, linh mục đã lựa chọn và giảng dạy cho họ ở các thánh lễ, lớp giáo lý. Phần đông những tín đồ nầy chưa bao giờ đọc qua hay được ai giảng giải về những lời răn, những tiêu chuẩn “đạo đức” của Kinh Thánh được đề cập đến ở trên.

 

Giữ Tốt Bỏ Xấu

“Giữ tốt bỏ xấu” là một trong những phương cách phổ biến nhất.

Dùng phương cách nầy, các tín đồ chỉ cần chú tâm đến một số những lời truyền dạy trong Kinh Thánh thích ứng với họ để sử dụng và bỏ lơ đi những lời truyền dạy khác mà họ cho là không còn thích hợp nữa. (Các cha xứ, linh mục cũng áp dụng phương cách nầy trong các lớp giáo lý hay khi truyền giảng ở những buổi lễ.)

Khi phải tranh luận về các lời răn dạy trong Kinh Thánh không còn phù hợp với tư tưởng và tiêu chuẩn đạo đức ngày nay, nhiều tín đồ thường đem một số các lời răn, các câu chuyện KHÁC (mà tiêu chuẩn đạo đức của chúng vẫn còn thích hợp cho xã hội ngày nay) ra bàn thảo để mong khỏa lấp vấn đề đang thảo luận. Ý họ muốn cho thấy rằng "Ừ thì mấy điều anh đưa ra là xấu, nhưng tôi cũng có thể đưa ra mấy điều khác là tốt; vì không nên cho rằng toàn bộ Kinh Thánh là hư xấu hết". Thật ra thì tôi không nghĩ toàn bộ những gì trong Kinh Thánh là hư xấu cả. Tôi chỉ cho rằng một phần lớn của chúng là đáng bỏ đi mà thôi.

Điểm cần thấy ở đây là khi một tín đồ dùng lối lý luận trên để biện hộ cho Kinh Thánh, họ đã gián tiếp công nhận rằng những lời răn tôi trích giảng là sai trái, xấu xa so với tiêu chuẩn đạo đức của chính họ.

Điều cần thấy khác là việc Kinh Thánh có những điểm tốt không có nghĩa là không ai được phê phán những điểm xấu trong đó. Chính quyền cộng sản Việt Nam đương thời trong những năm gần đây đã cải tiến và khuếch trương hệ thống giao thông vận tải trong nước làm cho việc đi đứng của người dân trong nước an toàn, dễ dàng, nhanh chóng hơn. Nhưng có thể nào vì vậy mà không ai nên phê phán về tệ nạn tham nhũng, hối lộ tràn lan trong mọi tầng lớp cán bộ và đảng viên chăng?

Có khi có người còn kết tội tôi là "không trích đăng đầy đủ để diễn giảng sai lạc". Họ bèn trích đăng thêm các câu chữ lân cận để cố giải thích rằng "ý Kinh Thánh không phải như vậy". Nhưng các câu chữ lân cận mà họ trích dẫn thêm không hề làm thay đổi hay đối chọi lại ý nghĩa những gì tôi đã trích đăng và phê bình; chúng chỉ nói về những vấn đề khác mà thôi. Đây là một cách đánh lạc hướng rất thông dụng, tuy không hiệu quả lắm vì quá lộ liễu, của nhiều tín đồ.


Hãy Hiểu Nghĩa Bóng Đừng Hiểu Nghĩa Đen

Tín đồ cũng thường bào chữa cho các lời răn vô đạo đức và lỗi thời của Kinh Thánh bằng những câu như "Không nên hiểu nghĩa đen của đoạn nầy mà cần phải dùng sự suy nghĩ để hiểu cái ý nghĩa thật sự mà Thiên Chúa muốn nói…”

Dùng phương cách nầy, tín đồ chối bỏ không chịu nhìn thấy những gì Kinh Thánh thật sự viết mà chỉ diễn giải những câu chữ của Kinh Thánh ra theo đường hướng những gì họ muốn và cần nhìn thấy.

Khi đối diện những tư tưởng trong Kinh Thánh không còn phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức và nhân bản ngày nay nữa, tín đồ lý luận “tuy là câu nầy viết như vậy nhưng mình phải dùng lòng thành kính của mình mà hiểu khác đi như vầy…” Và bất chấp ý nghĩa của những ngôn từ dùng rõ ràng trong Kinh Thánh như thế nào đi nữa, họ cũng sẽ giải thích những câu chữ đó theo lối họ muốn để lèo lái làm cho chúng không còn đối chọi với tư tưởng và tiêu chuẩn đạo đức ngày nay nữa.

Nói cách khác, nếu cùng câu chữ đó và cùng ngôn từ đó ở trong bất cứ tác phẩm nào khác thì tín đồ sẽ dùng những quy luật ngôn ngữ bình thường để hiểu chúng; tuy nhiên nếu chúng nằm trong Kinh Thánh thì tín đồ sẽ gạt bỏ các quy luật ngôn ngữ trên và dùng “lòng thành kính” của họ mà “hiểu” chúng một cách “đặc biệt” và khác biệt hẳn.

Chính vì thế mà khi đọc một quyển sách viết rằng "Nếu ngươi tuân phục ta thì sẽ được ta yêu thương và cứu rỗi, nếu không thì ta sẽ tiêu diệt và thiêu đốt ngươi đời đời" thì có nhiều người chỉ hiểu và nhớ được phần đầu "ngươi sẽ được ta yêu thương và cứu rỗi" chớ không muốn hiểu và nhớ đến phần sau "ta sẽ tiêu diệt và thiêu đốt ngươi đời đời".

Tôi đã gặp những người khi đứng trước câu Chúa dạy "Nếu ngươi tuân phục ta thì sẽ được ta yêu thương và cứu rỗi, nếu không thì ta sẽ tiêu diệt và thiêu đốt ngươi đời đời" thì họ diễn dịch ra rằng:

- Chúa dạy cho lòng nhân từ.

- Nếu con người làm ngược lại thì chính mình (với sự hận thù, ghen ghét ác độc của mình) thiêu đốt con người mình,.

Có nghĩa là họ thay thế chủ từ “Chúa” bằng một chủ từ khác (“mình, với sự hận thù, ghen ghét ác độc của mình”) khi phải đứng động từ hung ác (“tiêu diệt và thiêu đốt đời đời”). Nói cách khác, họ từ chối không chịu nhận thấy rằng câu trên ngoài việc nói “Chúa yêu thương” còn nói rõ ràng rằng “Chúa sẽ tiêu diệt và thiêu đốt ngươi”, chớ không hề nói là “chính ngươi hay việc làm và tư tưởng của ngươi sẽ tiêu diệt, thiêu đốt ngươi”.  

Đây có thể là một hành động vô tình hay cố ý. Tuy nhiên thông thường rất lộ liễu và dễ nhận thấy đối với một người ngoại cuộc (hay “ngoại đạo”?).

Vấn đề là tất cả những lời răn dạy trong Kinh Thánh đều được ghi chép một cách rất rõ ràng và giản dị, dễ hiểu. Không có gì trong Kinh Thánh mang hàm ý hay nghĩa bóng khác hơn những gì đã được viết trong đó.  

Hơn nữa Kinh Thánh còn tuyệt đối nghiêm cấm không cho ai được quyền thay đổi, sửa chữa hay suy diễn bất cứ một câu một chữ nào trong những "lời dạy của Chúa Trời" đã được ghi chép trong đó.

Trong trường hợp nầy, khi thật cần thiết phải bảo vệ giá trị của Kinh Thánh, tín đồ đã gạt bỏ chính những lời nghiêm cấm nầy từ Chúa Trời của họ.

Bây Giờ không Ai còn Tin hay Làm Theo những Lời Răn đó nữa

Nhiều tín đồ cũng bào chữa cho những lời răn dạy tàn ác trong Kinh Thánh bằng câu “Chuyện đó cũ rồi, bây giờ đâu còn ai dạy hay tin hay làm những chuyện như vậy nữa”.

Đó là vì chính những người nầy cũng thấy rằng những lời răn ấy thuộc về một xã hội man rợ xa xưa và trái ngược với lương tâm, đạo đức của xã hội, cũng như của chính họ, ngày nay.

Tuy vậy, nếu cho rằng những điều vô đạo đức trên đã xưa cũ trong quá khứ và không còn thích hợp với tiêu chuẩn nhân bản ngày nay nữa thì tại sao tôn giáo của họ vẫn còn kính cẩn gìn giữ chúng trong kinh sách của họ? Không công khai loại bỏ chúng ra khỏi kinh sách của họ tức là vẫn còn xem chúng là các giáo điều cao cả và thiêng liêng. Không công khai loại bỏ chúng ra khỏi kinh sách của họ là tạo điều kiện cho những phần tử cuồng tín trong tôn giáo họ một ngày nào đó sử dụng các giáo điều vô đạo đức trên dưới danh nghĩa của Thượng đế của họ.

Tôi đồng ý rằng giáo hội Công giáo ngày nay không còn truyền dạy những giáo điều trên nữa. Tuy vậy đây chỉ vì lý do sinh tồn của chính tổ chức của họ nên họ bắt buột đã phải sửa đổi phương pháp và phong cách truyền giáo để thích hợp với trình độ kiến thức cũng như tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế hiện tại. Trong khi đó, giáo hội Hồi giáo ở một số nước Trung Đông hiện nay vì không chịu ảnh hưởng kinh tế, quân sự của Tây Phương nên vẫn còn công khai truyền dạy các giáo điều trên; và hậu quả thực tế là trong các nước Trung Đông phụ nữ vẫn còn bị đàn áp, quyền tự do tư tưởng và ngôn luận vẫn còn bị chà đạp, các vụ đánh bom tự sát giết hại vô số người dân vô tội đã và vẫn đang xảy ra nhiều nơi trên thế giới.

Dù gì đi nữa thì những người nầy đang nằm trong một thế “tiến thoái lưỡng nan” vì theo Kinh Thánh thì tất cả lời dạy của Chúa Trời đều có giá trị vĩnh cửu đời đời không thay đổi. Các tín đồ dùng lối lý luận trên vì muốn bào chữa cho Thượng Đế của họ nên đã “tạm thời cố tình” làm ngược lại lời nghiêm cấm của chính Thượng Đế nầy.

 Kinh Tân Ước đã Thay Thế Kinh Cựu Ước

Để bào chữa cho những điều răn tàn ác trong Kinh Thánh, nhiều tín tranh luận rằng quyển Tân Ước ngày nay đã thay thế hoàn toàn những quan niệm đạo đức của Cựu Ước (!).

Tôi hiểu tại sao có lối lý luận nầy. Đó là vì Tân Ước thật ra có phần “tiến bộ” về tư tưởng nhân bản hơn Cựu Ước. (Tuy vậy tôi vẫn có thể trích dẫn hàng chục lời răn dạy trong Tân Ước mà nếu áp dụng vào đời sống ngày nay sẽ bị hầu hết các tổ chức nhân quyền, bảo vệ phụ nữ, v.v. cực lực phản đối. Tôi nói về vấn đề nầy chi tiết hơn trong đề mục “Kinh Thánh”.)

Tuy cách lý luận trên cho thấy sự nhiệt tình và can đảm (hay khả năng lòn lách trong tuyệt vọng?) của những tín đồ nầy khi cần thiết phải bênh vực niềm tin của họ, họ có vẻ quên rằng ngay cả cơ quan có thẩm quyền nhất về Kinh Thánh là Giáo hội còn chưa dám làm điều nầy. Tuy Giáo hội đã nhiều lần trong lịch sử đã sửa đổi chi tiết trong Kinh Thánh để thích ứng với nhu cầu của họ, chưa bao giờ Giáo hội tuyên bố rằng “Tân Ước ngày nay đã thay thế hoàn toàn những quan niệm đạo đức của Cựu Ước”. 

Ngay cả nếu Giáo hội đồng ý rằng “Tân Ước đã thay thế hoàn toàn những quan niệm đạo đức của Cựu Ước” thì tôi vẫn có những thắc mắc sau đây:

1/ Chỗ nào trong Tân Ước nói điều đó?

2/ Nếu cho là Tân Ước thay thế Cựu Ước thì tại sao lại chỉ thay thế những quan điểm đạo đức mà thôi trong khi tất cả những tín điều khác vẫn còn giữ nguyên giá trị?

3/ Và còn những câu nghiêm cấm “tất cả lời dạy của Chúa Trời đều có giá trị vĩnh cửu đời đời không thay đổi” hay “tuyệt đối không cho ai được quyền thay đổi, sửa chữa hay suy diễn bất cứ một câu một chữ nào trong những lời dạy của Chúa Trời" thì sao?

Nói tóm lại, điểm chính yếu ở đây là các lời biện hộ ở trên không làm thay đổi một sự kiện không thể chối bỏ được đó là chính ngay một số giáo lý nền tảng của các tôn giáo trên phản lại quy tắc đạo đức ngày nay. Đòi hỏi tín đồ loại bỏ đi những giáo lý nầy đồng nghĩa với đòi hỏi tín đồ phải nhìn nhận cái giá trị hạn hẹp và tương đối của tôn giáo của họ.

Và đó là một điều mà đại đa số tín đồ không thể làm được.

Cập nhật: 6/2013

Make a Free Website with Yola.