Trở lại:

-      Tôn Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Tôi đồng ý rằng tôn giáo đóng góp không nhỏ trong việc truyền dạy một số vấn đề về đạo đức.

Người ta khảo cứu và thấy rằng nhiều tín đồ tôn giáo thường có sự hiểu biết khá nhiều về đạo đức và ít khi có khuynh hướng phạm tội ác. Họ cũng thường có một đời sống hạnh phúc, thường quan tâm đến người khác, có từ tâm và đóng góp cho từ thiện.  Người ta cũng thấy rằng tôn giáo có thể giúp tín đồ cai thuốc, cai rượu, cai bài bạc và có một đời sống sinh dục điều độ. Một cuộc khảo cứu gần đây cho thấy trong những bệnh nhân AIDS, người có tín ngưỡng thường có liên hệ tình dục với ít người khác hơn khi so sánh với người không có tín ngưỡng.

Tuy vậy, các cuộc khảo cứu nầy cũng cho thấy rằng tôn giáo không phải là nền tảng duy nhất của đạo đức. Một thí dụ là trong những bệnh nhân AIDS, nhiều người Công giáo xử dụng bao cao su trong việc giao dịch tình dục hơn những người không theo Công giáo. Điều nầy đi ngược hẳn lại với việc Giáo Hội Công giáo nghiêm cấm các tín đồ không được xử dụng bao cao su ngừa thai. Những bệnh nhân AIDS Công Giáo nầy đã lấy lương tâm và sự phán xét cá nhân của mình khi quyết định dùng bao cao su ngừa thai để ngăn ngừa sự lan truyền chứng bệnh của họ đến người khác.

Do đó, những cuộc khảo cứu trên tuy ủng hộ quan điểm tôn giáo có ảnh hưởng tốt đến hành vi cung cách đạo đức của tín đồ, nó cũng chỉ cho thấy rằng đạo đức không phải chỉ phát xuất từ tôn giáo mà còn từ những nguồn gốc khác, thí dụ như lương tâm và sự phán xét độc lập của cá nhân.

Theo ông Bering, ngày nay bất kể một người có tin ở Thượng Đế hay không, thì trong bộ óc họ cũng đã được “rèn luyện” sẵn để cho họ có một cái cảm giác rằng khi làm điều gì “xấu” thì họ sẽ bị phán xét. Cái quan niệm “đúng” hay “sai”, “thiện” hay “ác” đó đã trở thành một bản năng tự nhiên không khác gì những bản năng khác đã thành hình qua quá trình tiến hóa của con người.  Từ đó ta có thể nói rằng bản chất của một người vô thần không thể nào “vô đạo đức” hơn bản chất của một người hữu thần.

Sinh học gia David Wilson (State University – New York) cho rằng tôn giáo đóng góp một phần rất lớn trong việc đoàn kết các tập thể của con người sơ khai lại với nhau. Trong vòng 10 ngàn năm gần đây khi sự phát triển của nông nghiệp trở thành nền tảng của cơ cấu, nề nếp, giai cấp của xã hội loài người thì tôn giáo và đạo đức cũng đã phát triển song song với nhau để kết hợp những cơ cấu, nề nếp, giai cấp nầy lại chặt chẽ hơn.

Một trong những lợi thế để tôn giáo tồn tại và phát triển mạnh mẽ chính là vì tôn giáo giúp ích trong việc gắn bó cá nhân vào trong tập thể như vừa nói ở trên. Trong xã hội loài người xưa cũng như nay luôn luôn có vô số những hoạt động hay tổ chức có liên quan đến cái khuynh hướng “muốn/cần là thành viên của một tập thể” tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta.

Cái cảm giác an lành, tốt đẹp khi biết mình là một thành phần của một tập thể xuất phát từ nhu cầu cần được an toàn dưới sự bảo vệ của đồng loại và nhu cầu cần bảo vệ đồng loại (để bảo vệ tập thể và sự sinh tồn của chính mình) từ thời tiền sử. Những ai đã tham dự các đại hội ca nhạc, các buổi lễ cúng đình làng, những buổi diễn binh, các hội đoàn thể thao, hàng ngũ quân sự, v.v. đều biết qua cái cảm giác nầy. Những câu nói như “tình nghệ sĩ”, “tình đồng bào ruột thịt”, “tình huynh đệ chi binh”, “tình đồng đạo”, v.v. đều diễn tả lên những ý nghĩa sâu kín của cái cảm giác nầy.

Tôn giáo còn có một lợi thế khác không kém phần quan trọng. Thí nghiệm cho thấy nhiều người khi đang thiền định, cầu nguyện hay khi đang “đắm mình cảm nhận đấng thiêng liêng” thì trong người họ toát ra một chất hormone gọi là oxytocin. Chất nầy có tác dụng làm người ta cảm thấy “phiêu diêu” và “hạnh phúc”. Chất nầy cũng hiện diện trong nhiều trường hợp khác, dưới các mức độ khác nhau, chẳng hạn như khi người ta đang thưởng thức một bài thơ hay, chứng kiến một tài nghệ tuyệt vời, thực hành một điều nghĩa khí, yêu thương hay đồng cảm cao độ với một người khác, v.v.  Đây là điểm thu hút rất lớn của tôn giáo ngày nay vì nó thỏa mãn một trong những nhu cầu sâu xa nhất của tâm thức con người. Và đây có thể là lý do chính mà nhiều tín đồ ngày nay vẫn còn bám víu vào tôn giáo mặc dù họ cũng nhận thấy những lãnh vực tai hại và tệ hại của nó.

Tóm lại, mặc dù tôn giáo không còn cần thiết trong việc đoàn kết xã hội hay làm nền tảng cho đạo đức, chúng ta vẫn phải nhìn thấy vai trò quan trọng của tôn giáo trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Tuy rằng con đường vô thần là một lối đi thích đáng dựa trên lý trí, tôn giáo vẫn có ích lợi trong việc nhắc nhở và yểm trợ cái giá trị đạo đức cơ bản có sẵn trong mỗi người chúng ta. 



Make a Free Website with Yola.