Đại Ý:

Chữ “đức tin” trong tôn giáo đòi hỏi một sự tin tưởng mù quáng không dựa trên cơ sở suy luận thực tế. Mặt khác, đối với tín đồ, chữ “đức tin” mang những ý nghĩa chắc chắn và tuyệt đối.

Tuy vậy trong thực hành không có tín đồ nào thật sự tuyệt đối tin vào những hứa hẹn huyễn hoặc mà đức tin của họ đáng lẽ phải làm cho họ tin tuyệt đối.

 

 

 

Trở lại:

-      Tôn Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Chú thích về cách dùng chữ “đức tin” của tôi:

Chữ “đức tin” thường dùng để diễn tả quan niệm “tin tuyệt đối vô điều kiện vào Chúa Trời và lời dạy của Chúa Trời” trong Thiên Chúa giáo.

Trong Phật giáo người ta thường dùng những chữ như “niềm tin”, “lòng thành”, “lòng tin”, v.v. để diễn tả những sự việc mà họ tin là “có thật” mặc dù chưa hề hay không thể kiểm chứng được bằng các phương cách thực nghiệm khách quan.

Để thuận tiện trong khi hành văn, tôi dùng chữ “đức tin” để diễn tả chung các quan niệm trên khi nói về Thiên Chúa giáo lẫn Phật giáo.

 

Chữ “tin” trong tôn giáo

Chữ “đức tin” trong tôn giáo mang một ý nghĩa “thiêng liêng” và hàm ý “chắc chắn” (ít nhất là trên lý thuyết).

Khi một Phật tử nói “tôi tin rằng nếu tôi làm điều lành cho người khác thì điều lành sẽ xảy ra cho tôi” thì chữ “tin” đó xuất phát từ và đồng nghĩa với chữ “đức tin”. Thật ra tín đồ trên đang nói rằng “đức tin của tôi nói rằng nếu tôi làm điều lành cho người khác thì điều lành sẽ xảy ra cho tôi”.

Giáo điều của Thiên Chúa giáo chẳng hạn, dạy rằng đức tin là tuyệt đối. Mặc dù tín đồ ở trên có tuyệt đối tin vào điều họ nói hay không nhưng ý niệm “đức tin” của họ vẫn hàm ý rằng “tôi chắc chắn và không có gì nghi ngờ hết là nếu tôi làm điều lành cho người khác thì Đức Chúa Trời sẽ phù hộ và điều lành sẽ xảy ra cho tôi”.

Thật ra đây là một lãnh vực mà tôi cho rằng quan niệm “đức tin” là một quan niệm khá buồn cười trong thực hành. Buồn cười là vì tôi nhận thấy không có tín đồ nào thật sự tuyệt đối tin vào những thứ mà đức tin của họ đáng lẽ phải làm cho họ tuyệt đối tin vào.

Thí dụ như không có bao nhiêu người thật sự tuyệt đối tin rằng nếu họ làm điều lành cho người khác thì điều lành sẽ xảy ra cho họ. Đó là vì trước mắt họ và qua kinh nghiệm của họ thì có vô số trường hợp ngoại lệ mà những kẻ chuyên làm điều lành cho người khác nhưng lại gặp toàn việc dữ, cũng như ngược lại có vô số những trường hợp những kẻ chuyên làm điều dữ nhưng lại đời sống luôn được việc may mắn, thành công.

Tôi có thể quả quyết rằng hầu như bất cứ “đức tin” nào cũng có ngoại lệ tương tự và tỉ lệ những ngoại lệ nầy không bao giờ nhỏ.

Trong thí dụ về luật nhân quả ở trên, sẽ có người bào chữa rằng nếu một người chuyên làm điều lành nhưng lại gặp toàn việc dữ thì Phật tử giải thích rằng đó là vì người đó còn đang phải trả hết những nghiệp xấu mà họ đã tạo ra từ quá khứ.

Khi thấy một người hiền lành ngoan đạo gặp phải tai nạn thảm khốc thì nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ giải thích rằng Thượng Đế xếp đặt cho những ngoại lệ đó xảy ra vì Ngài có những lý do cao sâu huyền bí mà người phàm không thể hiểu được.

Có nghĩa là khi đức tin số 1 không thể giải thích được những gì xảy ra trong thực tế thì tín đồ sẽ dùng đức tin số 2 để hỗ trợ và giải cứu đức tin số 1. Và cứ tiếp tục như thế.

Đó là vì họ không thể nào chịu, và dám, nhìn thấy những đức tin thiêng liêng của họ thật ra không phản ảnh được những kinh nghiệm trong đời sống thực tế hàng ngày chung quanh họ.

 

Chữ “tin” trong đời sống thường ngày

 Vì cách dùng chữ không rõ ràng nên nhiều người thường nhầm lẫn giữa chữ “tin” trong đời sống thường ngày và chữ “tin” (hay “đức tin”) trong ý nghĩa tôn giáo.

Tôi “tin” những chuyện có thể giải thích, kiểm chứng và tiên đoán được với mức độ cao gần như tuyệt đối dựa vào phép suy luận và kiến thức khoa học.

Thí dụ, tôi tin trái đất hình tròn xoay vòng quanh mặt trời trong một hệ thống gọi là Thái Dương Hệ mặc dù tôi chưa hề cảm nhận được hiện tượng nầy bằng ngũ quan của tôi. Đó là vì niềm tin nầy giải thích được, và có thể kiểm chứng được, bởi, vô số các hiện tượng vật lý trong vũ trụ chung quanh tôi (như mặt trời mọc mỗi ngày ở phương đông, thủy triều lên xuống, lịch trình vận chuyển của các tinh tú, v.v.).

Thí dụ, tôi tin ở trọng lực, tôi tin có vi trùng, tôi tin chất nước lỏng tôi uống thật ra là một kết hợp của 2 chất khí khác nhau gọi là hydro và oxy, v.v. Các hiện tượng nầy xảy ra lập đi lập lại không bao giờ sai chạy nếu các điều kiện môi trường hay vật chất liên can đến chúng không thay đổi.

Trong đời sống hàng ngày cũng có nhiều khi vì tôi không có đủ kiến thức, kinh nghiệm hay dữ kiện để giải thích hay quyết định chắc chắn một sự việc gì đó, tôi chỉ có thể dùng cái mà tôi gọi là “cảm tính” (không phải “linh tính” vì từ nầy mang hàm ý “huyền bí”) để tiến hành với công việc của tôi. Thí dụ như khi tôi cho một người quen mượn tiền và tôi có thể nói rằng tôi “tin” anh ta sẽ trả số tiền ấy lại cho tôi đúng hẹn mặc dù tôi không có gì để bảo đảm hay chứng minh được điều ấy. Trong những trường hợp tương tự như vậy, tôi có thể nói rằng “tôi tin điều nầy là đúng mặc dù không thể giải thích hoàn toàn hay chắc chắn được tại sao”.

Chữ “tin” tôi dùng trong trường hợp nầy vẫn hoàn toàn khác với chữ “đức tin” mà các tín đồ dùng là vì tôi nhận thức rằng giữa một số lối đi đầy nghi ngờ thì tôi chọn một lối đi mà tôi cảm nhận rằng ít nghi ngờ nhất. Câu “tôi tin điều nầy là đúng” ở trên thật ra có nghĩa là “tôi có cảm giác điều nầy ít sai nhất”. Nói cách khác, những cái mà tôi “tin” như vậy không hề giống những đức tin mù quáng không cần kiểm chứng thỏa đáng trong tôn giáo.

 

 Chữ “tin” trong lý thuyết khoa học và lý thuyết tôn giáo

Trong các cuộc tranh luận về tôn giáo, nhiều người tuyên bố rằng “khoa học có nhiều lý thuyết do đó trong khoa học cũng có nhiều điều không kiểm chứng được”. Những người nầy lầm lẫn 2 ý nghĩa của chữ “lý thuyết” dùng trong ngôn ngữ đời sống hàng ngày với chữ “lý thuyết” dùng trong phạm trù khoa học.

Trong ngôn ngữ thường ngày, chữ “lý thuyết” thường dùng để chỉ một sự ước đoán hay một cái gì chưa được kiểm chứng. Có thể nói chữ “lý thuyết” nầy tương đương với chữ “giả thuyết”.

Trong phạm trù khoa học, chữ “lý thuyết” được dùng để chỉ một sự việc đã được chứng minh và nói chung đã được công nhận là đúng. Có thể nói chữ “lý thuyết” nầy gần như tương đương với chữ “định luật” tuy nhiên mang kèm theo một ý nghĩa phức tạp và linh động hơn.

Một vài thí dụ về lý thuyết khoa học là Lý Thuyết Tiến Hóa (Theory of Evolution), Lý Thuyết Tương Đối (Theory of Relativity), Lý Thuyết Nguyên Tử (Theory of Atom), Lý  Thuyết Định Lượng (Quantum Theory). Các lý thuyết trên đã được kiểm chứng và công nhận một cách không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy vậy các khoa học gia vẫn tiếp tục thêm bớt, cải tiến chúng để chúng chính xác và bao quát hơn. Các lý thuyết khoa học có đôi khi được chỉnh sửa nhưng hầu như không bao giờ bị phế bỏ hoàn toàn.

 Một thí dụ đơn giản về sự thành hình của một lý thuyết (tưởng tượng) theo phương pháp khoa học:

- Bắt đầu bằng một sự quan sát và từ đó dẫn đến một câu hỏi: sữa tươi để ở nhiệt độ tự nhiên bên ngoài vài ngày sẽ bị hư. Tại sao?

- Dùng kiến thức và kinh nghiệm đưa ra một câu trả lời khả dĩ, gọi là một “giả thuyết”: vi khuẩn trong sữa sinh sôi nẩy nở mau lẹ ở nhiệt độ tự nhiên bên ngoài làm sữa bị hư trong vài ngày.

- Thử nghiệm: Chia một ly sữa làm đôi, phân nửa cất trong tủ lạnh và phân nửa để bên ngoài. Sau vài ngày chỉ có phần sửa để bên ngoài bị hư.

- Loan báo cho cộng đồng các khoa học gia biết về khám phá nầy: “Sữa giữ ở nhiệt độ thấp sẽ bị lâu hư hơn sữa giữ ở nhiệt độ bên ngoài”.

- Các khoa học gia trong cộng đồng kiểm xét về khám phá nầy: Nhiều người làm cùng một thí nghiệm ở nhiều nơi khác nhau, dùng nhiều nguồn sữa khác nhau, với nhiều nhiệt độ khác nhau, v.v. và đều đưa đến một kết quả giống nhau. Lần nào cũng giống như lần nấy.

- Sau một thời gian, nếu tất cả mọi người nào thí nghiệm đều đưa đến cùng một kết quả giống nhau: “Giả thuyết” trên được gọi là “lý thuyết khoa học”.

 Từ lý thuyết khoa học nầy chúng ta có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày và giữ sữa được lâu hơn bằng cách để nó vào tủ lạnh. Chúng ta cũng có thể tiên đoán chính xác rằng nếu để sữa bên ngoài thì nó sẽ hư trong vòng vài ngày.

Điều cần nhận biết là mặc dù tất cả thí nghiệm cho đến nay đều dẫn đến cùng một kết quả nhưng một lý thuyết khoa học không bao giờ bảo đảm tuyệt đối rằng bất cứ thí nghiệm trong tương lai nào cũng đưa đến kết quả đó.

Đây là một đặc điểm của lý thuyết khoa học. Trong trường hợp trên nếu có lần nào có ai nhận thấy sữa để bên ngoài lâu hư hơn sữa để trong tủ lạnh thì lý thuyết trên sẽ được đem ra phân tích, thử nghiệm lại và nếu cần sẽ được cải tổ, nới rộng hoặc thay thế bằng những lý thuyết khác.

 Những cái gọi là “lý thuyết tôn giáo” không phải là những lý thuyết khoa học.

Những “lý thuyết tôn giáo” thật ra chỉ là những ước đoán vô căn cứ và không có giá trị thực dụng. Đó là vì những “lý thuyết tôn giáo”:

- không thể kiểm chứng được. Tín đồ đưa ra khái niệm “đức tin” để biện hộ cho sự thiếu sót nầy. Họ lý luận rằng “tôn giáo thuộc lãnh vực duy tâm cho nên không thể kiểm chứng được bằng lý trí, kiến thức khoa học hay kinh nghiệm thực tế”.

- không thể dùng để tiên đoán chính xác chuyện gì sẽ hay không sẽ xảy ra. Thí dụ về chuyện cầu nguyện: mặc dù nhiều kinh sách tôn giáo “bảo đảm” rằng hễ ai thành khẩn cầu nguyện thì sẽ được như ý nhưng thực tế chưa bao giờ cho thấy điều đó. Lý thuyết “cầu nguyện thành khẩn sẽ được như ý” không thể nào dùng để tiên đoán lời cầu nguyện của một người sẽ thành sự thật hay không. Tín đồ có nhiều cách biện hộ cho hiện tượng nầy. Họ cho rằng “Thượng Đế có những cách vận hành bí hiểm con người không thể hiểu nổi” hay “vì không thành khẩn đủ nên cầu nguyện không thành công”, v.v.

- không thể cải tiến được. Vì tín đồ cho rằng những lý thuyết tôn giáo có giá trị tuyệt đối nên không thể sai bậy được. Do đó mặc dù những lý thuyết trên không thể kiểm chứng được, không dùng để tiên liệu chuyện gì được, không còn hợp thời nữa, v.v. nhưng họ vẫn không chịu kiểm nghiệm chúng lại để cải tiến hay thay đổi những sai lầm của chúng.

Khi một người tuyên bố rằng “khoa học cũng giống như tôn giáo vì cũng có đầy những lý thuyết” thì đó là vì họ không hiểu biết gì về ý nghĩa của chữ lý thuyết cũng như triết lý lẫn nguyên tắc vận hành cơ bản nhất trong khoa học.


Make a Free Website with Yola.