Trở lại:

-      Thiên Chúa Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Có người hỏi nếu tôn giáo đem lại niềm an ủi cho tín đồ thế thì tại sao tôi không để yên cho họ mà lại cứ liên tục công khai chỉ trích những điều tiêu cực trong tôn giáo?

Những người nầy cho rằng nếu niềm tin của họ không có ảnh hưởng gì đến đời sống của người khác và không có hại gì đến ai cả.

Đây là một cái nhìn sai lầm.

Niềm tin của mỗi người có ảnh hưởng trực tiếp đến phương cách suy nghĩ và hành động của họ trong đời sống hàng ngày. Và do đó có ảnh hưởng đến nhiều người chung quanh họ. Dưới đây là vài thí dụ.

Có những người cuồng tín cho rằng Alah dạy phải tiêu diệt những kẻ chống lại Hồi giáo (như đã ghi chép rõ ràng trong kinh Koran). Và do đó họ đã, đang cũng như sẽ không ngần ngại đánh bom tự sát giết người ngoại đạo bất kể già trẻ lớn bé.

Tương tự, nếu một tổng thống hay những tướng lãnh cao cấp của Hoa Kỳ tin rằng Ngày Phán Xét là một ngày huy hoàng rực rỡ nhất xảy ra cho các con chiên ngoan thờ Thiên Chúa  (vì đó là ngày Giê-su trở lại trần gian để đem tín đồ về nước Chúa đời đời như Kinh Thánh dạy) thì họ sẽ không ngần ngại lựa giải pháp “đồng tiêu diệt” (mutual destruction) khi tình hình quân sự quốc tế căng thẳng thay vì cố tìm một giải pháp ôn hòa hơn. Và đây là những người nắm trong tay chìa khóa để khai hỏa những phi tiển hạch nhân xuyên lục địa.

Có nhiều người sẽ nói rằng “Nhưng tôi không phải cuồng tín và cực đoan như đám cảm tử quân Hồi giáo điên khùng hay cực hữu như ông Tổng Thống George Bush Jnr!”

Lối lý luận nầy cũng sai lầm.

Thứ nhất, đám cảm tử quân Hồi giáo hiện hữu và đang đánh bom giết hại người khác; cũng như nhiều người mang tư tưởng tương tự Tổng Thống George Bush Jnr hiện hữu và đang nắm nhiều địa vị quan trọng trong chính phủ Mỹ. Những tín đồ tự cho mình là không cuồng tín hay cực đoan trên không làm gì được để ngăn cản những người trên đừng tiếp tục đánh bom cảm tử hay đừng bấm nút khai hỏa vũ khí hạch nhân một ngày nào đó.

Thứ hai, niềm tin cuồng nhiệt vào tôn giáo kể trên không phải là một sự kiện hiếm hoi. Thống kê cho thấy khoảng 75% những tín đồ phái Truyền Giáo (Evangelical) hay khoảng 44% dân cư ở Mỹ hiểu và tin vào những lời răn trong Kinh Thánh theo nghĩa đen của chúng. (Chúng ta biết rõ là những người nầy hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen vì họ là những người tin rằng thế giới đã được Thiên Chúa tạo ra trong vòng 7 ngày vào khoảng 6000 năm về trước). Những người nầy tin rằng Giê-Su sẽ thật sự trở lại trong Ngày Phán Xét làm người chết sống lại và dẫn họ về Thiên Đàng. Những người nầy đã và đang được ứng cử vào nắm những vị trí quan trọng trong nhà cầm quyền Mỹ.

Do đó mối hiểm họa gây ra bởi những người cuồng tín và cực đoan là một mối hiểm họa rất có thật: đang xảy ra (đám cảm tử quân Hồi giáo) và rất có thể xảy ra (những chính trị gia hay tướng lãnh giống George Bush Jnr).

Một thí dụ khác cho thấy tôn giáo và tín ngưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an sinh của con người.

Kinh Thánh dạy rằng Thiên Chúa đã hứa trao mảnh đất gọi là Đất Hứa ở Trung Đông cho người Do Thái. (Sáng Thế Ký 15:18-21, Sáng Thế Ký 28:13, Kinh Xuất Hành 23:31, Phục Truyền Luật Lệ Ký 1:8)

Người Do Thái thật sự tin vào lời hứa nầy.

Vấn đề là Kinh Thánh không xác định chính xác vị trí của mảnh Đất Hứa nầy. Vấn đề là theo người Palestine thì một phần không nhỏ của mảnh Đất Hứa mà người Do Thái tin rằng Thiên Chúa đã hứa cho họ nằm trong lãnh phận của người Palestine.

Và đây là lý do trực tiếp dẫn đến sự liên tục tranh chấp và bắn giết nhau giữa dân Do Thái và dân Palestine đã từ bao nhiêu thế kỷ nay.

Như đã nói, thống kê cho thấy khoảng 75% những tín đồ phái Truyền Giáo và khoảng 44% dân cư ở Mỹ hiểu và tin vào những lời răn trong Kinh Thánh theo nghĩa đen của chúng. Những người nầy cũng tin rằng Thiên Chúa đã thật sự hứa trao mảnh đất gọi là Đất Hứa ở Trung Đông cho người Do Thái.

Vì hầu như toàn thể dân Do Thái và không ít đồng minh của họ ở Hoa Kỳ tin vào một câu chuyện kể trong Kinh Thánh mà việc tranh giành đất đai ở vùng Trung Đông với Palestine sẽ không bao giờ chấm dứt. Nhiều nhà quân sự quốc tế đồng ý rằng nếu có một thế chiến thứ 3 xảy ra thì rất có thể sẽ xuất phát từ sự tranh chấp nầy.

Ở đây không phải là trường hợp “con người nhân danh và lợi dụng tôn giáo để làm những điều xấu xa hầu phục vụ mục đích cá nhân của mình” như nhiều tín đồ thường biện hộ. Đây là một thí dụ mà tín đồ thành thật tin rằng chiếm lấy lại mảnh Đất Hứa là nghĩa vụ “thiêng liêng” của toàn dân tộc họ.

Thiên Chúa giáo đòi hỏi tín đồ một đức tin vô điều kiện vào một cuốn sách được cho rằng ghi chép lại lời của Chúa Trời. Chính lòng tin cuồng nhiệt nầy là lý do trực tiếp và lớn nhất đưa đến cuộc tranh chấp đẫm máu dai dẳng kể trên.


Cập nhật: 6/2013

Make a Free Website with Yola.