Đại Ý:
Con người tham lam muốn trường tồn sau khi chết, muốn có một huyền lực đặc biệt bảo bọc và che chở trong đời sống hàng ngày. Vì tham lam nên người ta tự lừa dối mình bằng những ảo tưởng vô căn cứ, gạt bỏ khả năng suy luận hằng ngày để cho phép mình nghe theo những hứa hẹn hảo huyền. Đó là ngu muội.
Tín đồ là những người chọn lựa sống trong ảo ảnh và dùng ảo ảnh để tạm thời xoa dịu đau khổ. Họ cảm thấy hạnh phúc khi áp dụng ảo ảnh vào đời sống thực tế bất kể rằng đời sống thực tế không hề thể hiện những ảo ảnh nầ
Ảo tưởng
Nhiều tín đồ nhắc đến câu “Không có kẻ vô thần nào ở dưới chiến hào cả” (“There are no atheists in foxholes”) khi thảo luận về “đức tin”. Họ muốn nói rằng chỉ trong những hoàn cảnh hiểm nghèo, vô vọng thì con người mới thấy mình nhỏ bé, yếu đuối, bất lực và từ đó mới cầu khẩn Phật Chúa cứu giúp và mới tin vào các sức mạnh thiêng liêng.
Câu nầy thật ra có thể rất đúng đối với rất nhiều người. Tuy nhiên, câu trên chỉ diễn tả một bản chất yếu đuối tự nhiên của con người nói chung. Khi đứng trước hiểm nguy, bản năng sinh tồn trong con người làm cho họ cần và muốn được bảo vệ, cứu giúp. Trong những trường hợp vô vọng, họ có khuynh hướng nghĩ đến cá thể siêu nhiên nào đó có quyền lực vô cùng vĩ đại hơn họ.
Câu trên không chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế. Thật ra, nếu có minh chứng được điều gì thì câu trên chỉ minh chứng rằng ý niệm “Thượng Đế”, và theo sau đó là sự thành hình của tôn giáo, phát xuất từ sự sợ hãi mà ra.
Quan điểm sống của tôi dựa vào suy luận khách quan và bằng chứng thực tế. Theo tôi, những cái gọi là “đức tin” trong tôn giáo là vô căn cứ, là xuất phát từ ảo tưởng của lòng tham lam và sự mê muội.
Tôi là một người vô thần theo định nghĩa. Không phải tôi “tin rằng không có Phật Chúa”. Tôi “không thấy có đủ bằng chứng và lý luận để tin rằng có Phật Chúa”. Và cho đến nay tôi vẫn chưa thấy bằng chứng nào làm cho tôi tin rằng có Phật Chúa Thánh Thần gì có thể phò hộ, cứu rỗi hay thay đổi vận mạng của ai cả.
Tham lam và mê muội
Có người cho là tôi quá khắc khe với những người tin có các đấng thiêng liêng phù hộ, cứu độ họ. Họ cho rằng ngay cả nếu việc đó không có thật đi nữa thì niềm tin đó cũng giúp họ xoa dịu được đôi chút khổ đau và điều đó không làm hại ai cả.
Thứ nhất, mỗi người đều có quyền tự do tin những gì họ muốn tin. Tôi không can dự vào chuyện đó. Những gì tôi viết chỉ phản ảnh việc tôi khắc khe với chính tôi về vấn đề nầy. Tôi cho rằng sự mong mỏi, và từ đó niềm tin tưởng, rằng có các đấng thiêng liêng cứu độ hay phù hộ xuất phát từ lòng tham lam và sự mê muội của con người. Tôi không cho phép tôi tự lừa dối tôi với cái ảo tưởng đó. Nếu ai muốn làm chuyện đó, hay cảm thấy rằng tôi khắc khe với họ thì đó là vấn đề của họ, không phải của tôi.
Thứ hai, tôi đồng ý ảo tưởng đó có thể giúp người ta xoa dịu được đôi chút khổ đau và đem lại hy vọng. Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng sự tham lam và mê muội đó để bóc lột người khác. Và nhiều người vì sự tham lam và mê muội đó dung dưỡng để kẻ khác bóc lột chính họ, và bóc lột những người khác. Tôi chỉ muốn nói lên sự tệ hại phát xuất từ cái ảo tưởng nầy. Tôi không cho phép người khác lừa dối tôi. Tương tự, nếu ai để chuyện đó xảy ra cho họ, hay cảm thấy rằng tôi khắc khe với họ vì họ để chuyện đó xảy ra cho họ thì đó là vấn đề của họ, không phải của tôi.
Theo tôi, muốn trường tồn sau khi chết là tham lam. Muốn có một huyền lực đặc biệt bảo bọc, che chở trong đời sống hàng ngày là tham lam. Vì tham lam nên người ta tự lừa dối mình bằng những ảo tưởng vô căn cứ, đó là mê muội. Gạt bỏ khả năng suy luận hằng ngày để cho phép mình nghe theo những hứa hẹn hảo huyền là mê muội. Tin rằng tất cả những gì trong kinh sách và từ tu sĩ là chân lý của vũ trụ và sự sống là mê muội. Vì tham lam nên để người khác lường gạt, bốc lột là mê muội. Vì tham lam (vì sợ tội, sợ không “thiện”) nên dung dưỡng những lường gạt, bốc lột nầy là mê muội.
Xin nói thêm là những gì tôi nói ở trên về “mê muội” có thể áp dụng cho tất cả tôn giáo. Tuy nhiên khi nói về “tham lam” thì tôi chủ ý nói về Phật giáo. Đó là vì triết lý của Thích Ca Mâu Ni cho rằng tu mà còn trông ngóng Tây Phương Cực Lạc, mà còn cầu khẩn Phật Trời cứu độ là còn động vọng, hay tham lam. Đại đa số những người cho mình là Phật tử không nhận thức được điều nầy. Và rất nhiều người tuy biết nhưng vẫn không thể cưỡng lại sự cám dỗ mãnh liệt của nó.
Thiên Chúa giáo thì khác hẳn. Triết lý Thiên Chúa giáo dạy và đòi hỏi tín đồ phải quỳ lụy, thần phục Thượng Đế của họ với mục đích tối hậu là được vào thiên đàng vĩnh viễn đời sau. Nói cách khác, trong trường hợp nầy, cái mà triết lý Phật giáo cho là “tham lam” thì Thiên Chúa giáo cho là “chân lý”.
Có người hỏi vì tôi không tin vào việc nầy, như vậy có phải là tôi không còn tham lam và mê muội hay không? Câu trả lời dĩ nhiên là không. Ai cũng có những tham lam và mê muội của họ, nếu không trong lãnh vực nầy thì cũng trong lãnh vực khác.
Cập nhật: 6/2013