Đại Ý:

Mỗi tông phái trong Phật giáo có những hệ thống giáo lý và kinh điển khác nhau. Tuy vậy có một số quan niệm cơ bản hầu như đều rất giống nhau trong mọi tông giáo.

Các quan niệm cơ bản nầy nói chung đều tụ quanh nguyên lý diệt khổ của Thích Ca. Các quan niệm nổi bật nhất là “vô ngã”, “vô thường” và nguyên lý “Tứ Diệu Đế”. 

 

Trở lại:

-      Phật Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Ở đây tôi không nói về những gì tăng ni và đại chúng tín ngưỡng cũng như thực hành trong cái gọi là Phật giáo của họ. Bài nầy chỉ chú trọng về những nguyên lý mà tôi cho là cơ bản của Phật pháp.

Hệ thống giáo lý của Phật giáo chủ yếu nằm trong 3 bộ kinh điển gọi là Tam tạng. Ba bộ kinh nầy gồm Kinh tạng (ghi lại lời Phật dạy), Luật tạng (ghi lại các giới luật), và Luận tạng (ghi lại các lời luận giải, bình chú về giáo pháp của các cao tăng và học giả sau này).

Mỗi tông phái trong Phật giáo có những hệ thống giáo lý và kinh điển khác nhau. Tuy vậy có một số nguyên lý cơ bản hầu như đều rất giống nhau trong mọi tông giáo.

Nói về bản thể luận thì mọi tông giáo đều truyền giảng về quan niệm “vô ngã” và “vô thường”.

Vô ngã có nghĩa là “không có cái tôi”. Quan niệm nầy cho rằng cá thể và bản thân của một người, cũng như tất cả sự vật và hiện tượng trong vũ trụ đều không có thật. Thế giới (nhất là thế giới hữu hình) là do sự hợp lại bởi các yếu tố vật chất (Sắc) và tinh thần (Danh). Có là 5 yếu tố (ngũ uẩn): Sắc (vật chất), Thụ (cảm giác), Tưởng (ấn tượng), Hành (tư duy nói chung) và Thức (ý thức). Danh và Sắc chỉ tụ hội trong thời gian ngắn rồi chuyển sang trạng thái khác, vì vậy “ không có cái tôi”.

Vô thường có nghĩa là “không vĩnh cửu”. Quan niệm nầy cho rằng bản chất sự tồn tại của thế giới là một dòng biến chuyển không ngừng. Không có điểm khởi đầu, không có điểm cuối cùng và cũng không có gì vĩnh hằng. Sự biến hiện của thế giới theo chu trình: sinh, trụ, dị, diệt.

Nói về sự giải thoát, mọi tông giáo đều cho rằng Phật tử cần phải nhận thức và thực hành bốn chân lý gọi là Tứ Diệu Đế. Đó là:

- Khổ Đế: Đời là bể khổ. Có 8 nỗi khổ chính: sinh, lão, bệnh, tử, ái ly biệt (yêu mà phải xa), oán tăng hội (ghét mà phải ở gần), sở cầu bất đắc (muốn mà không được), thủ ngũ uẩn (khổ vì sự tồn tại của thân xác).

- Tập Đế (hay Nhân Đế): Mọi nỗi khổ đều có nguyên nhân. “Thập Nhị Nhân Duyên” là 12 nguyên nhân của sự khổ: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục căn, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử.

- Diệt Đế: Những nỗi khổ trên đều có thể bị tiêu diệt.

- Đạo Đế: Phương cách để tiêu diệt khổ, hay là giải thoát, là tiêu diệt vô minh (sự tăm tối, không sáng suốt); tiêu biểu và căn bản nhất là 8 con đường (Bát Chính Đạo):

. Chính kiến : hiểu biết đúng.

. Chính tư duy: suy nghĩ đúng.

. Chính ngữ: giữ lời nói chân chính.

. Chính nghiệp : Nghiệp có hai loại là tà nghiệp và chính nghiệp. Tà nghiệp phải sửa, chính nghiệp phải giữ. Nghiệp có thân nghiệp (do hành động gây ra), khẩu nghiệp, ý nghiệp.

. Chính mệnh: tiết chế dục vọng, giữ điều răn.

. Chính tinh tiến: hăng hái truyền bá chân lý của Phật. Chính niệm: hằng nhớ Phật, niệm Phật.

. Chính định: tĩnh tâm, tập trung tư tưởng nghĩ về Tứ diệu đế, vô ngã, vô thường…

Theo Bát Chính Đạo, con người có thể diệt trừ vô minh, giải thoát và đạt nhập Niết Bàn.

Bát Chính Đạo còn gọi là Tam học: Tuệ (chính kiến, chính tư duy, chính ngữ), Giới (chính nghiệp, chính mệnh), Định (chính tinh tiến, chính niệm, chính định)

Tương tự, mọi tông giáo đều dạy về hai giới luật cơ bản quan trọng là ngũ giới và thập thiện, quy định những điều mà những người theo đạo phải tuân theo.

Ngũ giới là Giới sát (không sát sinh), Giới đạo (không trộm cắp), Giới dâm (không tà dâm), Giới vọng ngữ (không được nói điều sai trái), Giới tửu (không uống rượu).

Thập thiện là về thân thì không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; về khẩu thì không nói dối, không nói hai chiều, không ác khẩu, không thêu dệt; và về ý thì không tham lam, không giận dữ, không tà kiến.

Về thế giới quan thì hầu hết các tông giáo đều cho rằng không có một vị thần linh nào đã sáng tạo ra vũ trụ và con người.

Có hai khái niệm về thế giới quan và nhân sinh quan mà nhiều người cho là nguyên lý cơ bản của Phật giáo, đó là “luân hồi” và “nghiệp quả”. Trước khi nói thêm về hai khái niệm nầy, tôi muốn đề cập đến hai giáo phái chính trong Phật giáo là Đại thừa, Tiểu thừa. Từ hai phái đó mỗi phái lại chia thành nhiều tông nên hay gọi là “tông phái”.

Phái Đại thừa (có nghĩa là “cỗ xe lớn”) cho rằng con người có thể giác ngộ bằng tự lực và bằng tha lực tức bằng sự dẫn dắt của người khác, đặc biệt là của các vị Bồ Tát. Do đó phải “tự giác giác tha, tự độ độ tha” tức mình đã giác ngộ thì phải giác ngộ người khác. Phái Đại thừa còn gọi là Bắc tông.

Phái Tiểu thừa (có nghĩa là “cỗ xe nhỏ”) cho rằng mỗi người phải lo tu thân, giác ngộ chỉ bằng tự lực; không ai có thể cứu độ hay giải thoát ai cả. Phái Tiểu thừa còn gọi là Nguyên Thủy hay Nam tông.   

Hai khái niệm “luân hồi” và “nghiệp quả” trên thật ra xuất phát từ Ấn Độ giáo và được thu nhập vào Phật giáo bởi phái Đại thừa. Sau nầy một số chi nhánh của phái Tiểu thừa cũng chịu ảnh hưởng và truyền dạy hai khái niệm trên. Theo Phật giáo thì sự vật mất đi ở chỗ này là để sinh ra ở chỗ khác; phái Đại thừa và một số chi phái Tiểu thừa thì cho rằng quá trình thác sinh luân hồi đó bị chi phối bởi luật nhân quả.

Một số tông phái Tiểu thừa “nguyên thủy” tuy giảng dạy về nguyên lý “nhân quả” nhưng không nhìn nhận các khái niệm “luân hồi” và “đầu thai” vì họ cho rằng chúng không phải là lời dạy của Thích Ca Mâu Ni lúc sinh tiền.

Phái Đại thừa và một số chi phái Tiểu thừa cho rằng khi đạt đến Niết Bàn là chấm dứt sinh tử, luân hồi. Một số tông phái Tiểu thừa “nguyên thủy” cho rằng Niết Bàn chỉ là một trạng thái bình an, sáng suốt cực độ của tâm thức.

Đứng giữa hai luồng tư tưởng rất khác biệt với nhau trên là vài khái niệm kể trên mà hầu như tông phái nào cũng đồng ý và công nhận là “chính pháp”. Đó là lý do tại sao tôi cho những khái niệm nầy là nguyên lý cơ bản của Phật giáo.



Cập nhật: 6/2013


Make a Free Website with Yola.