"Phật có trước hay pháp có trước?"
“Tôn giáo có trước hay đạo đức có trước?”
Những câu hỏi trên chẳng qua chỉ từ sự nhầm lẫn về những ý nghĩa khác nhau khi dùng chữ “pháp” và chữ “đạo đức”.
Vấn đề nầy có thể sẽ dễ hiểu hơn nếu dùng câu hỏi thí dụ sau đây "Newton có trước hay nguyên lý trọng lực có trước?"
Đứng trước câu hỏi "Phật có trước hay pháp có trước?" có người cho rằng "pháp có trước", có người cho rằng "Phật có trước".
Lý do là vì hai câu trả lời trên dùng ý nghĩa của chữ "pháp" hai cách khác nhau.
Nếu dùng chữ "pháp" với ý nghĩa "là lẽ thật của vũ trụ muôn đời" thì pháp có trước Phật. Trong trường hợp nầy thì dù có Phật hay không thì pháp nầy vẫn hiện hữu.
Nếu dùng chữ "pháp" với ý nghĩa "lời dạy của Phật" (tức là những gì Phật truyền dạy lại cho đệ tử sau khi Phật đã giác ngộ được lẽ thật của vũ muôn đời) thì Phật có trước pháp.
Nếu dùng khái niệm "tập hợp" trong toán học để minh giải thì tập hợp những lời dạy của Phật sẽ nhỏ hơn (hay nhiều lắm là "bằng") tập hợp những lẽ thật của vũ trụ muôn đời.
Vấn đề nầy có thể sẽ dễ hiểu hơn nếu dùng câu hỏi thí dụ sau đây "Newton có trước hay nguyên lý trọng lực có trước?"
Ai cũng thấy rằng trọng lực, và nguyên lý vận hành của trọng lực, đã có sẵn trong vũ trụ bất kể Newton có sinh ra đời hay không. Tuy nhiên nhờ có Newton mà lý thuyết về các vận hành của trọng lực mới được đề ra và truyền dạy lại cho mọi người. Do đó tùy cách hiểu và cách sử dụng chữ "nguyên lý trọng lực" mà Newton có trước hay nguyên lý trọng lực có trước.
Tương tự về câu hỏi "đạo đức có phải phát nguồn từ tôn giáo hay không?"
Tín đồ Thiên Chúa giáo thường cho rằng nhờ có tôn giáo (của họ) nên mới có cơ sở đạo đức trong xã hội Tây Phương ngày nay.
Những người nầy không thấy rằng họ đang nhầm lẫn giữa " đạo đức của nhân loại" với "đạo đức của Thiên Chúa giáo" khi dùng chữ “đạo đức” trong lý luận trên.
“Đạo đức của nhân loại” là những giá trị chân thiện mỹ, những tiêu chuẩn hành sử, những cách đối đãi lẫn nhau đã được con người công nhận, áp dụng và lưu truyền trong xã hội qua một quá trình tiến hóa dài dẳng từ khi con người bắt đầu sống chung với nhau trong thời tiền sử.
Trong khi đó “đạo đức Thiên Chúa giáo” là những gì được Kinh Thánh cho là lời dạy của Chúa Trời, là hay là tốt.
Cái mà tín đồ Thiên Chúa giáo gọi là “đạo đức” trong lý luận trên thật ra chỉ là “đạo đức của Thiên Chúa giáo”.
Ba bốn trăm năm trước Công Nguyên, các triết gia Hy Lạp như Socrates, Plato, v.v. đã hệ thống hóa và soạn thảo ra nhiều văn kiện về những giá trị đạo đức của nhân loại. Những văn kiện nầy trở thành nền tảng đạo đức trong xã hội của nhiều nền văn minh quá khứ và hiện tại.
Kinh Thánh là một tác phẩm được đúc kết, sao chép, góp nhặt từ các truyền thuyết và truyền thống của các tôn giáo cổ Trung Đông. Một điều không ai chối cãi được là Kinh Thánh chỉ mới ra đời khoảng 2000 năm nay, có nghĩa là sau những triết gia như Socrates, Plato, v.v.
Chỉ sự kiện trên thôi cũng đủ cho thấy Kinh Thánh không phải là nguồn gốc của cơ sở đạo đức mà chúng ta sử dụng ngày nay trong xã hội Tây Phương.
Kinh Thánh có dạy về một số giá trị đạo đức đã có sẵn trong những giá trị đạo đức của nhân loại. Nếu dùng khái niệm "tập hợp" trong toán học để minh giải thì tập hợp những giá trị đạo đức nầy của Thiên Chúa giáo nhỏ hơn (rất nhiều) so với tập hợp những giá trị đạo đức của nhân loại. Ngoài ra Kinh Thánh cũng dạy về một số "đạo đức" mà xã hội Tây Phương ngày nay bác bỏ hoàn toàn vì chúng trái ngược hẳn với những giá trị chân thiện mỹ và nhân bản của con người nói chung.
Cho rằng "nhờ có Thiên Chúa giáo mới có cơ sở đạo đức trong xã hội ngày nay" là không biết phân biệt giữa "những gì mà Kinh Thánh cho là đạo đức" với "những giá trị chân thiện mỹ và nhân bản sẵn có trong bản tính con người".
Cho rằng "nhờ có Thiên Chúa giáo mới có cơ sở đạo đức trong xã hội ngày nay" là tiếm đoạt danh nghĩa của những giá trị chân thiện mỹ và nhân bản sẵn có trong bản tính con người để gán đặt lên cho những giá trị đạo đức của Kinh Thánh.