Trở lại:

-      Thiên Chúa Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Qua hàng bao nhiêu thế kỷ tín đồ không được phép chất vấn về Kinh Thánh.

Dần dần họ không có thói quen thắc mắc hay tìm hiểu gì cả. Ai nói gì thì họ nghe nấy, ngay cả những điều vô lý nhất. Họ tuy vẫn có thể phân tích và suy luận về mọi vấn đề khác trong mọi phương diện sống, tuy nhiên khi bàn thảo về các vấn đề liên quan đến Kinh Thánh thì cái khả năng phân tích và suy luận của họ thoái hóa xuống mức độ zero. Đó là hậu quả của sự tẩy não toàn bộ bắt đầu từ tuổi thơ của mỗi thế hệ, từ đời nầy qua đời khác.

Ngay cả nếu tín đồ nào có nhận thấy những điểm bất đồng nhất hay vô lý về gì Kinh Thánh thì thắc mắc của họ cũng thường bị các tu sĩ, các bậc trưởng thượng, các người lớn tuổi gạt bỏ qua một bên. Họ sẽ được dạy rằng “khi đọc Kinh Thánh thì phải đọc với một lòng tin thành kính”, hay “nghi ngờ những lời dạy của Thiên Chúa là một tội lỗi lớn” hay “, “Quỷ Vương xúi dục con người nghi ngờ Thiên Chúa” hay “ai có những thắc mắc chất vấn về lời răn dạy trong Kinh Thánh chỉ là vì Thiên Chúa muốn thử thách lòng tin của họ”, hay những câu tương tự. 

Do đó qua hàng bao nhiêu thế kỷ các điểm bất đồng nhất và vô lý trong Kinh Thánh không hề được mấy ai tra cứu tận tường cả. Những kẻ cứng đầu dám đứng ra công khai chất vấn đều bị gán cho là tội lỗi, tà ma, bị Quỷ Vương dụ dỗ, phản bội, v.v. và có thể bị khai trừ ra khỏi đạo.

Viễn ảnh bị khai trừ ra khỏi đạo rất kinh khủng đối với những người từ nhỏ đã được cha mẹ nhồi nhét vào đầu ý niệm Thiên Đàng Địa Ngục. Bị khai trừ khỏi đạo có nghĩa là khi chết sẽ bị sa vào hỏa ngục và chịu thiêu đốt đời đời – đó là lời hứa của Chúa Trời. Nhiều người dù thắc mắc về những lời dạy của Chúa Trời nhưng không có đủ tự tin với nhận thức và lý luận của cá nhân mình. Vì thế nên có rất nhiều tín đồ dù có thắc mắc gì đi nữa cũng đành chịu dẹp bỏ chúng qua để khỏi phải lâm vào cảnh bị cô lập với mọi người khác, và tránh bị đày xuống hỏa ngục đời đời (vì họ vẫn còn nghĩ “nếu lỡ điều đó có thật thì sao!?”).

Phương tiện truyền thông công cộng (như báo chí, radio, v.v.) trong bao nhiêu thế kỷ đã chỉ nằm trong tay một thiểu số. Vì vậy những tư tưởng trái ngược với trào lưu (thí dụ như những chất vấn và nghi ngờ giá trị của Kinh Thánh) rất khó có thể phổ biến ra khỏi phạm vi cá nhân được. Rất khó khăn để một người chia sẻ, trao đổi những ý tưởng trung thực của họ về lãnh vực nầy với nhiều người khác. Và do đó những chất vấn và nghi ngờ về Kinh Thánh của họ thường dần dần bị quên lãng đi hay dần dần chết theo với chủ nhân của chúng.

Khi tự do tư tưởng và ngôn luận đến với các xã hội tiến bộ thì những tư tưởng “phản trào lưu” về Kinh Thánh có dịp được quảng bá rộng rãi hơn phần nào. Tác giả của những tư tưởng trên có thể ấn hành các tác phẩm bình luận và tham khảo của mình về vấn đề nầy. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông sâu rộng vào quần chúng như báo chí, radio, v.v. vẫn còn nằm tập trung trong tay một số rất ít. Ngay cả việc viết sách về các tư tưởng “quá tiến bộ” có khi vẫn gặp nhiều trở ngại thí dụ như không nhà xuất bản nào chịu/dám ấn hành chúng.

Tuy vậy trong những năm gần đây với sự ra đời của internet, phương tiện truyền thông trở thành dễ dàng hơn cực độ. Hầu như bất cứ ai cũng có thể chia sẻ và trao đổi tư tưởng của họ một cách rộng rãi, mau chóng và rẽ tiền. Những chất vấn và nghi ngờ về Kinh Thánh do đó trở thành phổ biến hơn.

Nhiều người xưa nay chưa từng nghe thấy ai khác phát biểu về những thắc mắc, nghi vấn về Kinh Thánh có thể đã có cảm giác rất như họ bị cô lập. Nhờ có internet mà ngày nay cái cảm giác cô lập nầy được giảm đi rất nhiều. Họ có cơ hội học hỏi tìm tòi thấu đáo thêm và tìm thấy giải đáp cho những câu hỏi mà xưa nay họ dấu kín không dám tiết lộ cho ai khác biết. Nhiều người nhờ đó phát biểu và trao đổi các nghi vấn của họ về Kinh Thánh một cách rất tích cực và công khai.

Dĩ nhiên là không phải bất cứ điều gì được đăng tải trên internet đều đáng tin cậy. Tuy vậy chỉ cần một chút kỷ luật và khéo léo trong việc tuyển chọn dữ kiện trên internet, một người có thể thu nhận vô số kiến thức dễ dàng trong một thời gian ngắn.

Nếu lãnh vực tâm linh là một vấn đề quan trọng đối với một người thì họ không có lý do gì mà không dùng internet tự tìm tòi học hỏi để mở rộng thêm kiến thức mình về vấn đề đó. Nếu chỉ thụ động ỷ lại đợi chờ cho người khác đút mớm tư tưởng có sẵn của họ cho mình thì làm sao biết được họ đang nhồi nhét những gì vào đầu mình?

 

Make a Free Website with Yola.