Đại Ý:
Không có kinh sách nào trong Phật giáo ghi chép trực tiếp lại lời truyền dạy của Thích Ca. Mấy trăm năm sau khi Thích Ca chết người ta mới bắt đầu ghi chép lại những lời dạy của ông.
Tông phái nào cũng cho rằng kinh sách của họ là lời truyền dạy chính thật của Thích Ca.
Không có một tạng kinh nào trong Phật giáo được tất cả mọi tông phái công nhận là lời truyền dạy chính thật của Thích Ca.
Xin nói rõ là ở đây tôi không giảng dạy về Phật pháp. Tôi chỉ phân tích và bình luận dựa trên những dữ kiện có sẵn trong lịch sử Phật giáo mà thôi.
Thiên Chúa giáo nói chung chỉ có một quyển Kinh Thánh duy nhất, trong khi đó Phật giáo có hàng ngàn vạn kinh sách khác nhau.
Trong khi Kinh Thánh được xem là "lời dạy nguyên văn từng chữ từng câu trực tiếp từ Thiên Chúa được ghi chép lại bằng cách thông linh qua tín đồ", kinh Phật được xem nói chung là lời truyền dạy của Phật Thích Ca (và có khi của các Phật khác, các Tổ khác) đã được ghi chép và diễn giảng lại bởi tín đồ. Những gì trong kinh Phật không phải là nguyên văn lời dạy trực tiếp của Thích Ca.
Tất cả kinh sách trong Phật giáo đã được sao đi chép lại, sửa đổi biến cải thêm bớt tùy theo sự nhận hiểu của mỗi soạn giả. Một số kinh mang nội dung và triết lý cơ bản khác hẳn, và có khi đối nghịch, với các kinh khác. Không có một tạng kinh nào được tất cả mọi tông phái trong Phật giáo công nhận là lời truyền dạy chính thật của Thích Ca. Mỗi tông phái có những kinh sách mà họ xem là quan trọng hơn những kinh sách khác.
Không bao lâu sau khi Thích Ca chết thì Phật giáo bắt đầu chia ra thành nhiều tông phái khác nhau. Lý do chính là vì những đệ tử của Thích Ca hiểu và diễn giải lời dạy của ông nhiều cách khác nhau. Vì không ai đồng ý hoàn toàn với ai cả nên họ tách ra và mỗi nhóm đi theo một con đường riêng biệt. Có những con đường khác hẳn nhau về nhiều mặt với các con đường khác.
(Một điều cần phải ca ngợi là trong lịch sử Phật giáo, sự khác biệt về tư tưởng nầy hầu như không bao giờ gây ra những bất hòa đổ máu; trong khi đó thì lịch sử Thiên Chúa giáo cho thấy tín đồ Công giáo và Tin Lành đã không ngần ngại tàn sát nhau trong quá trình tranh giành xem ai hiểu Kinh Thánh đúng nhất).
Hiện tại thì Phật giáo nói chung chỉ còn hai tông phái chính: Phật giáo Đại thừa (còn gọi là Bắc tông) và Phật giáo Tiểu thừa (còn gọi là Nam tông hay Nguyên Thủy).
Phái Tiểu thừa không công nhận kinh sách Đại thừa là "nguyên thủy" trong khi phái Đại thừa nói chung công nhận giá trị của phần đông kinh sách Tiểu thừa. Tuy vậy có một vài bản kinh mà phái Đại thừa cho rằng của họ mới "nguyên thủy" hơn của phái Tiểu thừa. Và phức tạp hơn nữa là nhiều chi nhánh trong Đại thừa cũng không đồng ý lẫn nhau về một số kinh sách Đại thừa của họ quyển nào là chính thực và quan trọng hơn quyển nào.
Kinh sách Phật giáo Tiểu thừa
Kinh sách Phật giáo Tiểu thừa nói chung có 3 tạng kinh chính: 1/ Kinh tạng chép lại những lời giảng dạy của Thích Ca hay của những Phật khác hay của những đệ tử chính của Thích Ca, 2/ Luật tạng chép lại những điều lệ quy luật của tăng lữ, và 3/ Luận tạng chép lại những diễn giảng từ lời dạy của Phật.
Nhiều sử gia đồng ý rằng 3 tạng kinh Phật đầu tiên được xem rằng "nguyên thủy" từ lời Thích Ca được soạn thảo bằng tiếng Pali (một dạng tiếng Phạn cổ - Sanskrit) vào thế kỷ thứ 1 trước Công Nguyên. Tuy vậy cũng có vài sử gia khác cho rằng các tạng kinh Phật đầu tiên thật ra ra đời giữa thế kỷ thứ 1 trước Công Nguyên và thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên.
Dưới đây là tóm lược quá trình thành hình của 3 tạng kinh đầu tiên của Phật giáo Tiểu thừa. Quá trình nầy nói chung được công nhận trong lịch sử Phật giáo.
Đại Hội Tăng Lữ Thứ Nhất
Khoảng 3 tháng sau khi Thích Ca qua đời (khoảng năm 480 trước Công Nguyên), 500 đệ tử của ông họp nhau lại để thảo luận và xác định những gì Thích Ca đã giảng dạy cũng như bàn tính phương cách để gìn giữ những lời giảng dạy trên. Buổi họp nầy được gọi là Đại Hội Tăng Lữ Thứ Nhất.
Trong Đại Hội Thứ Nhất nầy, một học trò thân cận với Thích Ca nổi tiếng có trí nhớ giỏi là A-Nan được cử ra để đọc lên lại tất cả những lời dạy của Thích Ca mà ông đã nhớ. Những lời của A-Nan được Đại Hội suy nghiệm, bàn cãi trước khi được đồng ý cho là chính xác với lời Thích Ca đã dạy. Tất cả các lời kể lại của A-Nan đều bắt đầu bằng câu “Tôi đã nghe là…”; do đó tất cả các bài kinh về sau đều bắt đầu bằng câu nầy.
Đại Hội Thứ Nhất nầy cũng bàn luận và xác định những quy luật, nề nếp cần thiết cho giới tăng lữ.
Tất cả 500 đệ tử trong Đại Hội sau đó chia nhau để học thuộc lòng những gì mà họ đồng ý là lời của Thích Ca đã được A-Nan kể lại. Trong Đại Hội nầy họ cũng xác định những quy luật, nề nếp cần thiết cho tăng lữ. Họ tự cô lập khỏi thế giới bên ngoài để tránh bị phân tâm và đọc tụng lập đi lập lại những điều trên liên tục ngày đêm để khỏi quên.
Tuy vậy dù 500 đệ tử nầy có tinh tấn đến mấy thì thời gian cũng làm cho trí nhớ họ dần dần sai lệch đi. Từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, các tăng lữ bắt đầu càng lúc càng bất đồng ý hơn với nhau về những gì họ nhớ thuộc lòng.
Theo một số tài liệu lịch sử, trong khoảng 150 năm sau Đại Hội Thứ Nhất có 2 Đại Hội tương tự khác được tổ chức vì nhu cầu cần phải khảo xét và chỉnh đốn lại những gì các tăng lữ cho là lời dạy của Thích Ca được gìn giữ trong trí nhớ của họ.
Đại Hội Tăng Lữ Thứ Ba
Đến khoảng năm 250 trước Công Nguyên, Đại Hội Tăng Lữ Thứ Ba xảy ra. Tại Đại Hội nầy, các tăng lữ bàn thảo và quyết định đúc kết ra 3 tạng kinh chính của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Họ phối hợp tất cả những lời dạy của Thích Ca trong trí nhớ họ từ Đại Hội Thứ Nhất đến giờ (cộng thêm một số bài kinh nữa soạn ra trong Đại Hội Thứ Ba nầy) làm thành tạng kinh đầu tiên gọi là Kinh Tạng.
Họ cũng phối hợp tất cả những quy luật, nề nếp cần thiết cho tăng lữ trong trí nhớ họ từ Đại Hội Thứ Nhất đến giờ lại làm thành tạng kinh thứ hai gọi là Luật Tạng. Không những các quy luật, nề nếp được liệt kê ra mà lý do tại sao những quy luật, nề nếp nầy cần thiết cũng được giải thích trong tạng kinh trên.
Các tăng lữ cũng soạn ra tạng kinh thứ ba gọi là Luận Tạng gồm có những lời bàn luận, phân tích, diễn giải của lời Thích Ca dạy (tức là của Kinh Tạng). Tục truyền rằng chính Thích Ca vài ngày sau khi giác ngộ (nghĩa là lúc ông còn sống) đã bắt đầu soạn thảo ra nội dung của tạng kinh thứ ba nầy trong đầu ông; 7 năm sau đó ông diễn thuyết tạng kinh nầy cho một nhóm thần linh và một học trò người trần tục duy nhất. Người học trò nầy sau đó kể lại cho các học trò khác nghe và họ cùng nhau đọc tụng thuộc lòng những bài kinh trong tạng nầy cũng tương tự như họ đã học thuộc lòng 2 tạng kinh kia.
Cho đến thời điểm nầy và mấy trăm năm sau đó, mặc dù 3 tạng kinh trên đã được đúc kết ra riêng biệt nhưng chúng vẫn tiếp tục được học thuộc lòng và truyền miệng từ thế hệ nầy sang thế hệ sau.
Đại Hội Tăng Lữ Thứ Tư
Ở Đại Hội Thứ Tư, lần đầu tiên 3 tạng chính của Phật Giáo Nguyên Thủy trên được ghi chép xuống bằng chữ viết (trên lá khô).
Một số sử gia cho rằng Đại Hội Tăng Lữ Thứ Tư nầy xảy ra ở Tích Lan vào năm 20 trước Công Nguyên, tức là gần 500 năm sau khi Thích Ca qua đời. Có sử gia cũng cho rằng nó có thể đã xảy ra 4 hay 5 trăm năm sau Công Nguyên, tức là khoảng 800 đến 1000 năm sau khi Thích Ca qua đời.
Bình luận về kinh sách Phật Giáo Tiểu thừa
Quá trình thành hình của bộ kinh đầu tiên và quan trọng nhất của Phật Giáo Tiểu thừa có một sự kiện nổi bật. Ðó là khoảng thời gian rất dài mà các tăng sư đã phải gìn giữ và truyền dạy lời của Thích Ca bằng cách chỉ dựa vào trí nhớ của họ.
Một trong những lý do rất khả dĩ tại sao 500 đệ tử của Thích Ca lúc đó chỉ học thuộc lòng thay vì ghi chép lại những gì họ đồng ý trong Đại Hội Tăng Lữ Thứ Nhất là vì họ không biết chữ. Một giả định khó phản bác được là trong toàn xã hội Ấn Độ 2500 năm về trước thì số người biết chữ rất có thể rất hiếm hoi.
Theo lịch sử thì sau khi Thích Ca qua đời, lần đầu tiên mà những lời dạy của ông được ghi chép xuống bằng chữ nếu sớm nhất là gần 500 năm sau đó, và nếu trễ nhất cũng có thể là 900 hay 1000 năm sau đó. Điều nầy có nghĩa là những lời dạy của Thích Ca phải đã được truyền miệng qua ít nhất là 10 thế hệ và có thể đến 20 thế hệ sau trước khi chúng được ghi chép xuống. (Cần nhớ là ở thời điểm đó của nhân loại, mỗi đời người chỉ sống trung bình khoảng 40-50 năm mà thôi).
Toàn bộ 3 tạng kinh Phật nầy khi dịch ra các ngôn ngữ hiện nay dầy trung bình mấy ngàn trang giấy, trong đó chứa nhiều Quyển, nhiều Chương, nhiều Tập. Khi phải truyền khẩu nhau từ đời nầy sang đời khác qua 10 đến 20 thế hệ một số lượng văn chương câu chữ khổng lồ chứa đựng những tư tưởng phức tạp và mới lạ như thế là một điều cực kỳ khó khăn. Và do đó những nhầm lẫn, sai lạc chắc chắn không thể tránh khỏi.
Để minh chứng điều nầy, chúng ta hãy nhìn vào một trò chơi phổ biến trong Hướng Đạo: 1/ Xếp một hàng dài 15, 20 sói con, 2/ Sói trưởng đưa cho sói con đứng đầu đọc một mảnh giấy viết về một câu chuyện gì đó dài năm bảy câu, xong rồi lấy mảnh giấy lại, 3/ Sói con đầu tiên nầy kề tai kể lại toàn bộ câu chuyện cho sói con thứ 2 đứng kế sau, 4/ Rồi sói con thứ 2 kề tai kể cho sói con thứ 3, lần lượt như vậy cho đến hết hàng, 5/ Sói con cuối cùng sẽ phải kể lại lớn lên cho mọi người cùng nghe về câu chuyện đó. Kết quả là 100 lần như một, tất cả đều lăn ra cười khi so sánh lại và thấy câu chuyện cuối cùng khác hẳn với câu chuyện ban đầu trong mảnh giấy của Sói trưởng bao nhiêu.
Trò chơi nầy khi được dùng trong những khóa huấn luyện về truyền thông cho các giám đốc cao cấp của các công ty lớn cũng đi đến một kết quả tương tự.
Trò chơi nầy cho thấy trong một khoảng thời gian không hơn 10 phút, với một câu chuyện giản dị không dài quá 10 câu, mà sự thiếu chính xác trầm trọng trong việc truyền miệng kể lại từ người nầy sang người khác vẫn không tránh được. Như vậy trong trường hợp những lời dạy của Thích Ca thì làm sao những lầm lẫn sai lạc không xảy ra khi phải truyền khẩu một số lượng câu chữ khổng lồ chứa đựng những tư tưởng phức tạp qua nhiều thế hệ?
Hơn nữa, trong khoảng thời gian nầy, tư tưởng tín ngưỡng trong xã hội Ấn Độ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Ấn Độ giáo cũng như bởi nhiều tôn giáo phụ khác. Sau 10 đến 20 thế hệ thì những ảnh hưởng nầy chắc chắn phải có tác động ít nhiều lên tư tưởng của những tăng sư Phật giáo. Khi tư tưởng của một người bị ảnh hưởng thì những gì nằm trong trí nhớ của họ cũng có khuynh hướng bị ảnh hưởng tương tự.
Và như đã nói, ngay sau khi Thích Ca qua đời đã có nhiều sự bất đồng ý giữa các đệ tử về cách diễn giảng những lời dạy của ông. Đó có thể là lý do tại sao lịch sử Phật giáo cho thấy có nhiều quyển kinh gọi là “Luận tạng” (những lời diễn giảng của các đệ tử thân cận của Thích Ca về lời dạy của ông) khác nhau. Thí dụ như hiện tại có một quyển Luận tạng bằng tiếng Sanskrit mà nội dung hoàn toàn khác hẳn với một quyển Luận tạng khác bằng tiếng Pali. Đồng thời cũng có một số các ấn bản cổ (tuy không toàn bộ) của các quyển Luận tạng khác nữa bằng các ngôn ngữ khác với những nội dung khác hẳn nữa.
Hơn thế nữa, ngoài 3 tạng kinh “nguyên thủy” của Phật Giáo Tiểu Thừa kể trên, vài sử gia còn đưa ra nhiều bằng chứng có vẻ cho thấy rằng còn có thể có các Tam Tạng Kinh mà nhiều người cho rằng “nguyên thủy” khác nữa đã thất lạc trong lịch sử.
Kinh Sách Phật Giáo Đại thừa
Sự thành hình của Phật giáo Đại thừa
Nguồn gốc của kinh sách Phật giáo Đại thừa rất mù mờ.
Kinh sách đầu tiên của Đại Thừa bắt đầu xuất hiện về sau nầy, vào khoảng 300 đến 700 năm sau khi Thích Ca qua đời, không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ đâu, không biết soạn giả là ai và soạn thảo vào thời kỳ nào. Kinh sách Đại Thừa ban đầu là vài bộ kinh ngắn rồi dần dà xuất hiện các bộ lớn hơn với văn phong không đồng nhất, và ngày nay cũng không còn nguyên bản trọn vẹn.
Một số kinh được lưu truyền đến ngày nay đã được dịch sang chữ Hán và chữ Tây Tạng qua nhiều thời kỳ khác nhau bởi nhiều dịch giả thuộc những tông phái khác nhau. Một số kinh bản chữ Hán khác không có nguồn gốc rõ ràng, mặc dù lấy danh là lời dạy của Thích Ca nhưng có lẽ đã được trước tác tại Trung Hoa trong những năm đầu Công Nguyên khi Phật Giáo vừa mới phát triển ở đó.
Kinh Đại thừa cũng có 3 tạng tương tự như kinh Tiểu thừa: 1/ Tạng Kinh là tập hợp các bài giảng của Thích Ca và của các tăng sĩ đã được dịch thuật từ nhiều nguồn khác nhau. 2/ Tạng Luật là tập hợp các quy luật cơ bản cho giới tăng lữ. 3/ Tạng Luận gồm các tác phẩm chú giải và luận thuyết của các tăng sĩ Đại Thừa về sau nầy.
Bình luận về kinh sách Phật giáo Đại thừa:
Thời điểm thành hình trong lịch sử của Phật giáo Đại thừa cho thấy rõ ràng nội dung kinh sách của họ không phải là trực tiếp phát xuất từ lời Thích Ca dạy. Tất cả kinh sách Đại thừa đều dựa lên sự nghe đi kể lại từ hàng chục thế hệ tăng sư sau khi Thích Ca qua đời.
Tính đa dạng và phong phú của kinh sách Đại thừa cho thấy một sự dung nạp các tài liệu về Phật giáo một cách hỗn độn, không hệ thống và tiêu chuẩn rõ ràng. Kinh sách Đại thừa còn có khi pha trộn các giáo thuyết khác thịnh hành trong thời bấy giờ: thí dụ như các yếu tố bùa chú hay quan niệm “thần tiên”, “thiên địa”, “âm dương”, “ngũ hành”, v.v. trong vài chi nhánh của Đại thừa chính là do ảnh hưởng màu sắc của Đạo giáo từ Trung Hoa.
Sự chia rẽ ra nhiều chi nhánh trong Phật giáo Đại thừa cũng cho thấy sự không thống nhất trong hệ thống tư tưởng, và do đó kinh sách, của họ. Sự khác biệt tương phản rõ rệt trong các thí dụ dưới đây không khỏi gây ra nỗi nghi ngờ thích đáng “rất có thể không có con đường của chi nhánh nào đang đi là thật sự của Thích Ca”.
Mật Tông là một chi nhánh Đại thừa xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên từ Ấn Độ nhưng sau nầy thịnh hành ở Trung Hoa. Kim Cang Thừa cũng là một chi nhánh Đại Thừa tương tự như Mật Tông nhưng chỉ thịnh hành ở Tây Tạng. (Lạt Ma Giáo hiện tại ở Tây Tạng là một dạng của Kim Cang Thừa). Mật Tông và Kim Cang Thừa không dùng chung và không chấp nhận tất cả kinh sách của lẫn nhau. Cả hai chi nhánh đều chú trọng vào việc bắt ấn, đọc bùa, trì chú và những pháp thuật huyền bí khác.
Thiền Tông là một chi nhánh Đại thừa xuất hiện cũng vào khoảng thế kỷ thứ 6 hay 7 sau Công Nguyên. Chi nhánh nầy chú trọng vào phương pháp thiền định và tránh xa những việc bùa chú huyền bí của Mật Tông và Kim Cang. Xuất phát từ Thiền Tông là những “Tổ” Thiền với những “công án” cầu kỳ và ý niệm “giác ngộ tức thì”.
Các chi nhánh khác của Đại thừa như Tịnh Độ Tông, Hoa Nghiêm Tông, Thiên Thai Tông, Trung Quán Tông, Duy Thức Tông cũng đều có kinh sách riêng của họ và hầu như không ai dùng hay chấp nhận tất cả kinh sách của ai khác.
Tóm lược về kinh sách Phật giáo
Nói chung, các dữ kiện trên cho thấy tất cả cái gọi là kinh Phật hiện tại, Đại thừa lẫn Tiểu thừa, rất có thể chỉ chứa một phần rất nhỏ những lời dạy thật sự của Thích Ca.
Ngay cả những đệ tử thân tín nhất của Thích Ca không bao lâu sau khi ông chết đã bắt đầu bất đồng ý với nhau về nội dung và ý nghĩa của những lời ông dạy. Sự bất đồng ý nầy vẫn còn kéo dài qua mấy ngàn năm nay cho đến bây giờ.
Đại đa số những kiến thức và tư tưởng trong toàn thể hệ thống kinh điển của Phật giáo đã chịu ảnh hưởng trầm trọng bởi nhiều tôn giáo khác như Ấn Độ giáo, Đạo giáo, v.v. Phần lớn kinh sách Phật giáo đã bị pha chế, thêu dệt, thêm bớt qua nhiều thế kỷ bắt đầu từ ngay sau khi Thích Ca qua đời. Những bản kinh nầy đã được phiên dịch và soạn thảo tam sao thất bổn qua nhiều đời bởi nhiều tu sĩ xuất xứ từ nhiều tông phái khác nhau, với nhiều trình độ đạo lý, nhiều quan điểm cá nhân khác nhau. Có những cuốn kinh không gì hơn là những câu chuyện mê tín dị đoan truyền kể lại.
Nói cách khác, khi cầm bất cứ quyển kinh Phật hiện hành nào mà tuyên bố “Phật dạy rằng…” hay “Đây là Phật chánh pháp…” thì cái xác xuất “đúng” của câu phát biểu đó rất nhỏ.
Cập nhật: 6/2013