Lý Do Tôi Viết về Tôn Giáo
Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng không có nghĩa là không chỉ trích những điều tệ hại trong tôn giáo.
Khi phê phán quan niệm “đức tin” trong lãnh vực tín ngưỡng, tôi chỉ dựa vào cùng các tiêu chuẩn mà mọi người vẫn dùng cho mọi lãnh vực khác trong đời sống hàng ngày của họ.
Tôi không có ý định muốn bài trừ, dẹp bỏ tôn giáo. Tôi cũng không có chủ đích thuyết phục người khác từ bỏ niềm tín ngưỡng và tôn giáo của họ.
Có thể là một trong các lý do mà tôi muốn trình bày về bản chất thật sự của tín ngưỡng và tôn giáo là chỉ vì “nhân danh sự thật” mà thôi.
Tôi sinh ra trong một gia đình đạo Phật. Cũng giống như hầu như tất cả mọi đứa trẻ khác, tôi theo đạo của gia đình tôi.
Lớn lên một chút vì hoàn cảnh đưa đẩy tôi có dịp tiếp cận với Công giáo. Vì vậy có thể nói là tôi khá quen thuộc với những niềm tin “cơ bản” của hai đạo nầy.
Ngay từ lúc đó tôi đã có vài mối nghi ngờ và bất đồng ý về một số điều giảng dạy trong các đạo nầy. Tuy vậy, cũng như bao nhiêu người khác, tôi không bao giờ dám thắc mắc hay chất vấn vì tôi đã được dạy dỗ từ bé rằng tất cả những gì thuộc về tôn giáo đều là “thiêng liêng” và phải được kính nễ.
Lớn hơn nữa thì tôi bắt đầu tìm tòi học hỏi thêm về lãnh vực tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Và thay vì chỉ đọc những tài liệu viết bởi những tín đồ mà thôi, tôi cũng đọc những tài liệu viết bởi các tác giả “ngoại đạo” nữa. Nhờ vậy mà tôi có sự so sánh giữa những quan điểm khác nhau từ nhiều thái cực khác nhau.
Không lâu lắm sau đó tôi dần dần nhìn thấy ra thêm nhiều sự kiện không chấp nhận được trong cả Thiên Chúa giáo và Phật giáo, cũng như trong tôn giáo tín ngưỡng nói chung.
Rồi vào khoảng đầu thập niên 1990, tôi có dịp quen biết với một tu sĩ Phật giáo du mục người Anh. Tư tưởng của ông ấy nói chung là “Nếu thấy điều xằng bậy trong lãnh vực tôn giáo, tín ngưỡng mà không mạnh dạn lên tiếng phê bình, chỉnh sửa thì không làm tròn trách nhiệm của một người tự xưng là đi theo con đường Phật pháp”. Có lẽ đây là lần đầu tiên mà tôi gặp một tu sĩ làm chuyện nầy, và có lẽ đây là bước ngoặc thay đổi hẳn cách nhìn của tôi về phương diện tâm linh.
Tôi công nhận nhiều ích lợi và điều tốt lành đem đến bởi tôn giáo. Tuy vậy, những mê tín dị đoan, những điều huyễn hoặc tà mị, lường gạt bóc lột, đàn áp cưỡng bách, đạo đức giả, tàn ác, v.v. và v.v. liên quan đến triết lý nền tảng của Thiên Chúa giáo và nhiều lãnh vực thực hành của Phật giáo cũng cần được công nhận bởi mọi người.
Trong Phật Giáo, có những tệ hại và tai hại tràn ngập ở nhiều lãnh vực và nhiều tầng lớp.
Vô số tăng sư sử dụng Phật giáo như một phương tiện mưu sinh nhiều lợi nhuận. Họ chỉ là ung nhọt của xã hội. Tôi khinh bỉ họ.
Đại đa số Phật tử vì thiếu kiến thức, và mê muội, nên vô tình dung dưỡng các điều chướng tai gay mắt nhan nhản hàng ngày. Tôi thông cảm, nhưng không muốn chấp nhận, điều nầy.
Tôi không quan tâm đến những thành phần len lỏi vào Phật giáo vì mục đích chính trị phục vụ cho nhà cầm quyền Việt Nam hiện hành. Đối với tôi, họ chỉ là sâu bọ.
Thiên Chúa giáo, theo tôi, phản ảnh nhu cầu tâm linh tiêu biểu 2000 năm về trước của một xã hội du mục Trung Đông với trình độ kiến thức và nhân bản còn rất ấu trĩ.
Từ ngày thành hình cho đến giờ, Thiên Chúa giáo có một lịch sử đẫm máu đầy rẫy những giết chóc, chinh phạt, đàn áp, kềm kẹp từ tây sang đông. Tất cả đều dựa trên một số tín điều cơ bản của họ.
Ngày nào những tín điều trên còn được tín đồ tin là lời dạy từ Thượng đế của họ thì ngày nấy chúng vẫn còn mang một tiềm năng nguy hiểm. Không thiếu gì những kẻ cực đoan trong tương lai sẽ vẫn còn cơ hội để sử dụng các tín điều nầy cho mục tiêu riêng của họ.
Tín đồ vì bị thuần hóa từ nhỏ bởi những hứa hẹn về sự sống vĩnh cửu và những hăm dọa về sự trừng phạt đời đời nên họ không muốn, và không dám, đối diện các vấn đề trên. Tôi cũng thông cảm, và cũng không muốn chấp nhận, điều nầy.
Tôi không muốn chấp nhận những điều trên vì chúng có nhiều ảnh hưởng xấu cho xã hội và con người, trong đó có tôi và các thế hệ sau nầy của tôi.
Có những người tự cho là “trí thức” (hay đáng lẽ biết sử dụng lý trí và kiến thức của họ) nhưng lại trực tiếp lẫn gián tiếp bảo vệ cũng như truyền bá những tư tưởng cổ hủ và huyễn hoặc. Tôi ngao ngán trước sự thiếu văn hóa, lẫn thiếu trách nhiệm, của họ.
Nói chung, tôi cho rằng những mê tín dị đoan, những điều huyễn hoặc tà mị, lường gạt bóc lột, đàn áp cưỡng bách, đạo đức giả, tàn ác, v.v. nói trên là một dạng gông cùm của tâm linh con người. Tôi đã có cơ hội sống trải qua và nhìn thấy đầy rẫy chung quanh tôi tác hại của chúng.
Nhận định đó đã giúp tôi có thể tẻ hướng đi riêng theo một con đường khác và thoát ra khỏi những gông cùm ấy.
Có người hỏi tại sao tôi phê bình, chỉ trích tôn giáo. Họ cho rằng tôi làm như vậy là không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người khác.
Theo tôi thì phê bình, chỉ trích tôn giáo, và nhiều sự kiện liên quan đến tín ngưỡng, không có nghĩa là không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người khác. Tương tự, tôi tôn trọng quyền tự do bài bạc, uống rượu của người khác nhưng không có nghĩa là tôi không phê bình, chỉ trích những sự kiện tai hại liên quan đến bài bạc và rượu.
Đối với tôi thì bài bạc, rượu chè và tôn giáo đều là những sản phẩm của con người. Bài bạc, rượu chè có giá trị tiêu khiển, giải trí nhưng cũng có những tai hại của chúng. Những tai hại nầy vì rõ rệt nên nhiều người nhìn thấy được. Tôn giáo có những giá trị tâm linh, tinh thần nhưng tương tự cũng có những mặt tệ hại, tai hại của nó. Điều khác biệt là những tai hại của tôn giáo vì phức tạp và không hiển nhiên nên nhiều người không nhận thấy. Điều khác biệt nữa là vì tôn giáo được xem là “thiêng liêng” nên được nhiều người bảo vệ, che chở.
Có người hỏi tôi dựa vào tiêu chuẩn nào khi phê phán những người dùng đức tin của họ để lý luận.
Câu trả lời của tôi là tôi dùng cùng chung một tiêu chuẩn mà những người nầy vẫn dùng hàng ngày cho tất cả mọi lãnh vực khác trong đời sống của họ. Họ và tôi đều cùng dùng lý trí kết hợp với kiến thức khoa học và nguyên tắc lý luận cơ bản để suy xét, phân tích, kiểm chứng, so sánh, v.v trước khi đi đến bất cứ kết luận hay quyết định gì trong bất cứ lãnh vực gì liên quan đến từ vấn đề giao dịch, thương mãi, đầu tư cho đến các vấn đề sinh hoạt, vật chất lẫn tinh thần như ăn mặc, mua sắm, đi đứng, giao thiệp, hôn nhân, giáo dục, văn hóa, giải trí, v.v. và v.v.
Đối với tôi thì điều đáng buồn là thế mà khi bàn luận về lãnh vực tín ngưỡng thì những tín đồ nầy lại loại bỏ tất cả các phương tiện suy luận trên để thay thế chúng bằng khái niệm “đức tin”. Khái niệm “đức tin” nầy trong tôn giáo đòi hỏi một sự tin tưởng vô điều kiện bằng cách gạt bỏ mọi suy luận dựa trên cơ sở thực tế.
Có người gán đặt là tôi có ý định muốn bài trừ, dẹp bỏ tôn giáo.
Theo tôi thì chỉ có những người mang bệnh ảo tưởng mới mơ mộng đến việc tiêu diệt tôn giáo. Tôn giáo đã và sẽ mãi mãi hiện diện với con người. Tôn giáo có nhiều ích lợi lớn: trong nhiều trường hợp, nó đem đến sức mạnh và đoàn kết con người với nhau. Ích lợi quan trọng nhất của tôn giáo là có tác dụng như một loại thuốc an thần hay giảm đau cho nhân loại. Nhưng thuốc an thần hay giảm đau nào cũng có phản ứng phụ. Khi phê bình về tôn giáo và tín ngưỡng ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh về những phản ứng phụ của chúng mà thôi.
Chẳng những thế, tôi cũng không có ý định muốn thuyết phục làm người khác từ bỏ niềm tín ngưỡng và tôn giáo của họ.
Tôi chỉ muốn trình bày về bản chất thật sự của tín ngưỡng và cái bề mặt đen tối, tai hại của tôn giáo cho người khác thấy mà thôi. Như đã nói, tôn giáo và tín ngưỡng có nhiều ích lợi lớn cho con người. Vả lại, không ai có thể làm ai khác từ bỏ niềm tin của họ được. Chỉ khi nào một người tự chất vấn và tự nhận thấy bản chất thật của tôn giáo rồi và nếu muốn thì may ra một ngày nào đó họ tự thay đổi cái nhìn về tâm linh của họ.
Tôi dùng chữ “may ra” ở trên là vì ngay cả khi một người đã nhận thấy tôn giáo của họ có các khuyết điểm nghiêm trọng nhưng trong đa số trường hợp họ không thể thay đổi gì cả. Phần lớn những người nầy sẽ lo sợ sự chống đối của gia đình của họ, không muốn đối phó với áp lực của cộng đồng và xã hội, không muốn bị kỳ thị là người “vô thần”, v.v. Cái lý do lớn nhất thường là họ không có đủ can đảm chịu nhận là họ và gia tộc lẫn cả truyền thống của họ đã sai lầm trong vấn đề nầy. Từ bỏ niềm tin và tôn giáo của chính mình cần có rất nhiều can đảm, nhất là để làm điều đó công khai.
Tuy vậy, tôi hy vọng là có những người nếu họ đã hiểu rõ bản chất thật sự của tín ngưỡng thì họ sẽ bớt e dè, sợ sệt để chất vấn, tìm hiểu các vấn đề đáng được chất vấn, tìm hiểu trong tôn giáo của họ. Tôi biết có nhiều người đã mang những nghi ngờ, đã nhận thấy những khuyết điểm trầm trọng trong tôn giáo của họ nhưng vẫn còn đang ngần ngại không biết phải nghĩ sao hay làm gì. Khi đọc qua những quan điểm của tôi thì hy vọng họ có thể sẽ tự tin hơn để củng cố thêm được cái nhìn của họ và tự đi đến những kết luận riêng cho chính họ.
Kế đó, tôi cũng hy vọng là có những người nếu họ nhận thấy được cái bề mặt đen tối, tai hại của tôn giáo thì họ sẽ hành sử và áp dụng niềm tín ngưỡng của họ vào đời sống một cách thích hợp hơn.
Thí dụ, họ sẽ tự giải thoát họ ra khỏi những tín điều cổ hũ, vô lý trong tôn giáo của họ. Thí dụ, họ sẽ không còn sợ sệt bởi những hăm dọa hoang đường hay bị dẫn dụ bởi các hứa hẹn ảo tưởng trong kinh sách. Thí dụ, họ sẽ không còn tôn thờ các tăng sư, linh mục một cách mê muội và nhắm mắt nghe theo các lời giảng dạy của những người nầy một cách mù quáng. Thí dụ, họ sẽ không còn bị gạt gẫm, tự gạt gẫm và góp phần truyền bá sự gạt gẫm nầy đến người khác và các thế hệ con cháu của họ.
Tuy nhiên, đây phải là quyết định riêng của mỗi cá nhân. Nếu họ muốn thì họ phải tự bước tới về hướng đi mà họ lựa chọn. Tôi chỉ có thể nói về dòng suối của tôi; những ai đang khát nước cần phải tự tìm đường đến dòng suối của họ để uống.
Tôi cũng biết rằng bất kể tôi nói gì hay giải thích gì đi nữa thì những tín đồ sùng đạo triệt để cũng sẽ vẫn bác bỏ các lý luận của tôi để bênh vực tôn giáo của họ và tiếp tục tin theo những gì họ muốn tin. Tuy nhiên, tôi không quan tâm gì mấy đến những tín đồ sùng đạo triệt để của bất cứ tôn giáo nào. Mỗi người đều có những lựa chọn riêng của mình. Tôi không có ý định, không muốn và không có kiên nhẫn để đứng ra đóng vai Cứu Thế hay Bồ Tát cho ai cả.
Tôi biết rằng ngay cả với sự tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật ngày nay, vẫn có nhiều hiện tượng mà không ai có thể giải thích thỏa đáng được. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta nên kết luận rằng các hiện tượng nầy “huyền bí” hay “thiêng liêng”.
Nhiều người tin rằng có các đấng thiêng liêng có thể phù hộ họ trong lúc họ sống và cứu rỗi họ về một cõi vĩnh cửu sau khi họ chết. Niềm tin nầy đem lại một sự an lành cho tâm linh họ.
Theo tôi, cho đến nay chưa có bằng chứng khách quan và thỏa đáng cho thấy có đấng thiêng liêng nào phù hộ, cứu rỗi ai cả. Tôi cũng không nghĩ rằng mỗi cá thể chúng ta còn tồn tại sau cái chết. Hiểu được, và quan trọng nhất là chấp nhận được, sự kiện nầy đem lại tự do và sức mạnh tâm linh cho tôi.
Có nhiều người cho là tôi làm việc cho Việt Cộng khi thấy tôi chỉ trích tôn giáo, nhất là Thiên Chúa giáo. Những người đó có lẽ dùng lối suy luận sau đây: 1/ Việt Cộng bài kích tôn giáo, và 2/ Tôi bài kích tôn giáo, do đó 3/ Tôi là Việt Cộng. Theo tôi, điều nầy chỉ cho thấy rõ sự thiếu sót kiến thức về tam đoạn luận của những người đó và như vậy không giúp đỡ gì được cho lý lẽ của họ cả.
Có người cũng cho rằng vì Việt Cộng đàn áp tôn giáo cho nên mặc dù tôi không phải là Việt Cộng nhưng khi đả kích tôn giáo là tôi đang vô tình giúp sức cho Việt Cộng. Theo tôi thì những người đó không hiểu rằng "kẻ thù của kẻ thù không nhất thiết là bạn": Việc tôi chống đối kẻ thù của Việt Cộng không đồng nghĩa với việc tôi là bạn của Việt Cộng.
Nói cho cùng thì có một cái gọi là "sự thật". Những điều tôi phát biểu đều dựa vào những gì thật sự xảy ra với chứng cớ khách quan, chính đáng, không chối cãi được. Có lẽ cũng có thể nói rằng một trong các lý do chính mà tôi lên tiếng chỉ trích những điều hư hại trong tôn giáo chỉ là vì “nhân danh sự thật” mà thôi.
Cập nhật:6/2013