Đại Ý:

Không ai biết những lời dạy nguyên thủy thật sự của Thích Ca là gì. 

Dựa trên những dữ kiện trong lịch sử và kinh sách Phật giáo tôi cho rằng nói chung chỉ có Tứ Diệu Đế có thể là lời dạy nguyên thủy thật sự của Thích Ca và do đó là cốt tủy của Phật pháp. 

 

Trở lại:

-      Phật Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Không ai biết những lời dạy nguyên thủy thật sự của Thích Ca là gì.  

Tuy vậy nếu dựa vào những dữ kiện trong lịch sử thì có thể suy ra những điều sau đây:

- Những tư tưởng về sự sống và chết của Thích Ca rất mới lạ đối với quan điểm thời bấy giờ do đó có nhiều người không hiểu rõ ông muốn nói gì.

- Đa số người ta vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của Ấn Độ Giáo kể cả những quan niệm "đầu thai" và "luân hồi" của đạo nầy.

- Do đó qua ít nhất 400 năm truyền khẩu thì các tăng sư đã vô tình làm ô  nhiễm lời Thích Ca dạy với nhiều niềm tin và quan niệm của Ấn Độ Giáo lẫn các tôn giáo khác thời bấy giờ.

Dĩ nhiên đây không phải là một khẳng định mà chỉ là một suy luận. Nhưng nếu dựa lên những sự kiện sẵn có ở trên thì một người với khả năng suy nghĩ bình thường sẽ cho rằng sự suy luận nầy khả dĩ và hợp lý hơn nhiều so với lời tuyên bố rằng những kinh sách Phật chính là lời thật sự của Thích Ca.

Tuy cách hiểu và hành đạo của mỗi tông phái trong Phật Giáo đều khác nhau ít nhiều nhưng hầu như tất cả tông phái chính đều truyền giảng một vài triết lý chung và giống nhau. Một ý niệm “chung” nổi bật nhất là Tứ Diệu Đế.

Tôi cho rằng chỉ có Tứ Diệu Đế có thể là lời dạy nguyên thủy thật sự của Thích Ca và do đó là cốt tủy của Phật pháp. Đó là vì tôi dựa trên suy luận từ những sự kiện sau đây:

1/ Có nhiều tông phái Phật Giáo khác nhau từ hơn 2000 năm nay,

2/ Mỗi tông phái có những kinh sách riêng khác nhau và có khi có những quan điểm tương phản hẳn với nhau,

3/ Có tông phái không nhìn nhận kinh sách của các tông phái khác,

4/ Tuy vậy tất cả kinh sách của tất cả tông phái đều công nhận và dạy về Tứ Diệu Ðế như một tiền đề cơ bản đầu tiên của Phật Pháp.

Tứ Diệu Đế, trong đó có 37 Phẩm Trợ Đạo, được truyền dạy bởi hầu hết mọi tông phái Phật giáo với nội dung giống nhau. Những quan niệm liên quan trực tiếp với Tứ Diệu Đế như “vô ngã”, “vô thường”, “duyên khởi”, “giác ngộ” cũng vậy. (Tuy nhiên, vài quan niệm nầy có khi được diễn giảng dưới những màu sắc huyền bí; thí dụ như nhiều kinh sách cho là khi “giác ngộ” thì sẽ “nhìn thấy được quá khứ, tương lai và muôn vạn thế giới khác”.) 

Hầu như tất cả các triết lý và quan niệm khác được mỗi tông phái hiểu và giảng dạy theo nhiều một cách khác nhau và nhiều khi trái ngược hẳn nhau. Vì vậy rất đáng nghi ngờ rằng các triết lý hay quan niệm nầy, cũng như những phương cách tu và hành đạo dựa trên chúng, đã được chế biến sau nầy bởi các tăng sư. Thí dụ như tất cả những gì liên quan đến trì chú, khoán bùa, bắt ấn, v.v. Tương tự cho những quan niệm như “Tây Phương Cực Lạc”, “đầu thai”, “luân hồi”

Có 2 lý do để có thể kết luận một cách thích đáng rằng các ý niệm "Tây Phương Cực Lạc", "đầu thai" và "luân hồi" không phải là lời dạy nguyên thủy của Thích Ca:

1/ Trong Tứ Diệu Đế và các quan niệm liên quan trực tiếp với Tứ Diệu Đế hoàn toàn không có gì nói về “Tây Phương Cực Lạc”, “đầu thai”, “luân hồi”.

2/ Lúc sinh tiền Thích Ca không bao giờ giảng dạy hay trả lời các câu hỏi về các vấn đề nầy.

Cũng cần nói thêm là theo tôi thì sự kiện kinh sách hiện hành có thật sự là lời của Thích Ca hay chăng cũng không quan trọng lắm. Đối với tôi, sự chính xác và trung thực của lời Thích Ca dạy chỉ có giá trị lịch sử và tôn giáo chớ không nhất thiết là có giá trị triết lý.

Đối với tôi thì sự kiện Thích Ca đã có thật sự dạy một điều gì đó hay chăng không là việc chính yếu. Việc chính yếu, theo tôi, là biết dựa vào kiến thức và trí phán xét của mình để xem điều đó có thích ứng và thích hợp với nhân sinh quan và vũ trụ quan của mình không. Nếu thích ứng và thích hợp thì sử dụng, nếu không thì loại bỏ qua một bên. Việc một lời dạy có thật sự là từ chính miệng Phật Thích Ca hay không chỉ là thứ yếu.

Nói cách khác, ngay cả nếu Thích Ca còn sống và phát biểu một điều gì đó thì tôi vẫn sẽ suy xét và chiêm nghiệm kỹ càng. Nếu một triết lý (dù là của chính Thích Ca) mà không thích hợp với nhân sinh quan của tôi thì tôi cũng không đồng ý và không xử dụng. Và điều nầy theo tôi thì đi sát với chủ trương của Thích Ca là "áp dụng triết lý vào đời sống thực hành thay vì gắn bó với kinh sách một cách từ chương và mê muội".

Tôi cho rằng khi tìm học về Phật pháp người ta không nên bám víu khư khư vào kinh sách. "Khư khư" có nghĩa là cho rằng bất cứ cái gì viết trong bất cứ kinh sách nào cũng có giá trị tuyệt đối; là cho rằng những gì không có trong kinh sách là không đáng kể đến.

Nhiều Phật tử cho rằng nếu một bài kinh thật sự là lời dạy của Phật Thích Ca thì chắc chắn nó phải có giá trị hơn.  Điều đó có thể đúng, nhưng chỉ một phần nhỏ. Sự thật là không ai có thể xác định chính xác nếu một lời dạy nào đó trong quyển kinh nào đó có thật sự 100% từ Thích Ca hay không. Thế thì tại sao phải chú trọng quá đáng vào việc đó? Một lời dạy nếu có giá trị đối với một người thì bất cứ nó đến từ ai cũng vẫn sẽ có giá trị. Và tương tự cho trường hợp ngược lại.

Nhiều người có khuynh hướng tin sợ những tên tuổi, tước vị to lớn cao trọng. Điều đó thấy rõ trong việc nhiều người đi sao chép các bài thuyết pháp của các vị tăng sư nổi tiếng hay có tước vị nghe đáng nễ trọng về ngâm nga hay trưng bày như những báu vật mà không cần suy ngẫm xem giá trị thật sự của nó là gì.

Theo tôi thì khi đọc kinh sách cũng như khi đọc bất cứ tài liệu nào khác, chúng ta cần dùng trí phân tích cùng kiến thức thực tế mà phán đoán một cách nghiêm khắc xem cái gì có giá trị, cái nào không. Nên nhớ rằng kinh sách chỉ là những sự hiểu biết và diễn giảng của con người mà thôi. Kinh sách không có giá trị thiêng liêng hay huyền bí gì cả. Đọc với tư cách một giám khảo chớ đừng đọc với tư tưởng của một học trò từ chương.

Nhiều Phật tử cho rằng có những cuốn kinh có giá trị nhiều hơn các cuốn kinh khác. Thật ra thì không nên cho rằng kinh sách càng xưa cũ là càng có giá trị nguyên thủy và do đó càng đáng được quý trọng. Kinh sách xưa cũ có thể có giá trị lịch sử của chúng nhưng nội dung và tư tưởng chưa chắc đã mang giá trị thực dụng nữa.

Triết lý của Thích Ca cổ động giá trị thực dụng. Nếu không thích ứng với đời sống là không có giá trị. Kinh sách được ghi chép và soạn thảo bởi các tu sĩ. Nội dung và tư tưởng của kinh sách thường phản ảnh nhân sinh quan và vũ trụ quan của những tác giả của chúng. Nhân sinh quan lẫn vũ trụ quan của những tu sĩ (dù có lỗi lạc thông thái đến mấy) cũng bị giới hạn bởi kiến thức nhân loại đương thời. Và kiến thức cũng như môi trường sống của nhân loại đã thay đổi rất nhiều trong vài thế kỷ gần đây.

Theo tôi thì ngoài kinh Phật ra thì còn có nhiều nguồn tài liệu khác để tìm hiểu về Phật pháp. Có nhiều sách, nhiều luận án và công trình khảo cứu về Phật giáo trong những thập niên gần đây cung cấp những cách nhìn khác nhau về lý thuyết và triết lý Phật giáo. Những quan điểm nầy dĩ nhiên không thích hợp với sự hiểu biết và phương cách thực hành của tất cả Phật tử nhưng nếu không tìm hiểu về chúng mà chỉ khư khư ôm ấp các tư tưởng xưa cũ hoài thì sẽ làm cho tầm nhìn của mình mãi mãi hạn hẹp.


Cập nhật: 6/2013

Make a Free Website with Yola.