Mary MacKillop là một nữ tu sĩ Công giáo người Úc nổi tiếng sinh năm 1842 và mất năm 1909. Sau khi chết, MacKillop được tôn sùng như là một đại biểu của sức mạnh tâm linh của Công giáo trong thời bấy giờ.
Năm 1925, Tòa Thánh Vatican bắt đầu xét nghiệm về thân thế sự nghiệp của MacKillop; đến năm 1992, bà được Tòa Thánh công nhận rằng đã có một cuộc đời đạo đức xứng đáng có thể đáng được phong thánh.
Người ta tường thuật rằng năm 1961 có một người đàn bà mang bệnh sắp chết sau khi thành tâm cầu nguyện MacKillop đã được khỏi bệnh. Năm 1992, Tòa Thánh xét nghiệm và công nhận đây là một phép mầu của bà.
Người ta cũng tường thuật rằng năm 1993 có một người đàn bà mang bệnh ung thư sắp chết sau khi được cho một mảnh vải áo của MacKillop và thành tâm cầu nguyện cũng đã được khỏi bệnh. Năm 2009, Tòa Thánh xét nghiệm và công nhận đây là một phép mầu thứ hai của bà.
Với 2 phép mầu nầy cộng với một cuộc đời đạo đức được công nhận, MacKillop đã thỏa đủ điều kiện để được phong thánh. Tòa Thánh dự định hoàn tất quá trình phong thánh cho bà vào cuối nãm 2010.
Có 2 nhận xét cần nói đến:
Thứ nhất, một vị thánh là một cá thể có các đặc thù cao quý và thánh thiện hơn một người bình thường. (Nếu không hơn người thì tại sao tín đồ lại tôn thờ và cầu khẩn xin xỏ?) Thế mà Tòa Thánh nắm quyền quyết định nếu một người sẽ được tôn xưng thành thánh hay không. Tòa Thánh là tập hợp của những người bình thường như tôi và đại đa số các độc giả thì tại sao họ lại đứng ở cương vị chuẩn duyệt những cá thể cao quý thánh thiện? Hay là Tòa Thánh cho rằng chính họ có những năng lực hay quyền thế cao siêu hơn mọi người khác? Có người cho việc nầy là một tư thế kiêu ngạo của một tổ chức độc quyền; có người cho đây là một hình thức “tự vẽ bùa đeo”.
Thứ hai, trong tiểu sử của nữ tu MacKillop, xin chú ý đến chi tiết “sau khi chết (1909), bà được tôn sùng như là một đại biểu của sức mạnh tâm linh của Công Giáo”. Thật ra, MacKillop được tôn sùng đến độ thi hài bà phải được cải táng năm 1917 sau khi ngôi mộ của bà bị hư hại vì vô số tín đồ đến tụ tập cầu khẩn và lấy trộm đất chung quanh mộ đem về để làm thánh vật hộ thân.
Tuy không có dữ kiện chính xác, có thể nói rằng trong vòng 100 năm sau khi MacKillop qua đời (1909-2009) số tín đồ đã cầu khẩn bà dễ dàng lên đến hàng triệu người.
Trong số hàng triệu người đã hết lòng cầu khẩn MacKillop, chỉ có 2 người được toại nguyện. Theo xác xuất thống kê, đây là một hệ số cực kỳ nhỏ đến độ không đáng kể. Trong bất cứ cuộc thí nghiệm hay công việc buôn bán làm ăn nào khác ngoài đời, tỉ lệ thành công 2 phần triệu là một tỉ lệ tương đương với zero.
Phải chăng trong hàng triệu người trên không có ai thành tâm bằng 2 người được khỏi bệnh nầy? Phải chăng vải áo của nữ tu MacKillop có sức mạnh huyền bí hơn đất lấy chung quanh mộ của bà? Hay phải chăng Tòa Thánh không công nhận môn học xác xuất thống kê?
Phụ chú về vấn đề “Phong Thánh”:
Trong hệ thống Công giáo, quyền phong thánh được dành riêng cho đức Giáo Hoàng sau một quá trình dài chứng minh rằng người được phong thánh đã sống và chết một cách đức hạnh và thánh thiện đủ để xứng đáng được công nhận là thánh. Khi Tòa Thánh chính thức công nhận điều nầy có nghĩa là người nầy đang ở trong nước chúa vinh hiển, được công chúng khẩn cầu và vinh danh một cách chính thức trong các lễ nghi thờ phụng, nhất là Lễ Nghi Thờ Phụng các vị Thánh, trong Tòa Thánh (theo Wiki)
Nói cách khác, tòa Thánh Vatican quyết định ai sẽ được hay không được tôn vinh lên ngôi vị "Thánh".
Nếu nói chính xác theo ngôn ngữ của Công giáo thì Tòa Thánh không “tạo dựng” cho một người thành Thánh mà chỉ “công nhận” một người là Thánh hay không. Thật ra đây chỉ là một cách dùng chữ khôn khéo mà thôi.
Ngôi vị "Thánh" có thể được xem là là một chức năng chính thức tương đương với một hạng thần linh trong vương quốc của Thượng Đế. Các "Thánh" được tín đồ tôn thờ cầu khẩn như một đấng thiêng liêng có huyền năng. Trong khi đó Vatican chỉ là một tổ chức làm chủ bởi một nhóm các con người không có khả năng hay huyền lực gì đặc biệt hơn những người "bình thường" như chúng ta. Tuy vậy, Tòa Thánh nắm trong tay quyền lựa chọn, công nhận (và do đó tạo dựng) các vị "thần linh thiêng liêng" trong tôn giáo của họ.
Đây là một trong những thí dụ rõ rệt nhất cho thấy (một nhóm nhỏ) con người tự tạo dựng lên thần linh, huyền thoại để rồi cả tập thể tự lừa dối mình mà tôn vinh, dung dưỡng các thần linh, các huyền thoại đó lên ngôi vị bất khả xâm phạm trong tâm linh mình.