Nhiều trẻ con khoảng 3-4 tuổi có một “người bạn tưởng tượng”. Người bạn tưởng tượng nầy có thể mang hình dạng một đứa trẻ khác, một nhân vật thần kỳ hay một con thú.
Người bạn vô hình nầy giúp đứa trẻ trong nhiều phương diện: để làm bạn với, để chia sẻ những xúc cảm mà nó không chia sẻ được với ai khác, để làm điểm tựa tinh thần khi gặp khó khăn trong đời sống thật, v.v.
Thông thường thì những người bạn tưởng tượng nầy tự động biến mất đi khi đứa trẻ lớn lên hay sau một thời gian vào trường học.
Phần đông cha mẹ bắt đầu lo lắng khi con mình vẫn còn gắn bó với người bạn tưởng tượng của chúng ở khoảng 8-9 tuổi. Họ sẽ bắt đầu chú tâm tìm cách giải thích cho đứa trẻ thấy ranh giới giữa “tưởng tượng” và “thật sự”. Những đứa trẻ trên 10 tuổi mà vẫn còn có bạn tưởng tượng thường được xem là “phát triển chậm” hay “có thể có vấn đề”.
Điều tôi không thể hiểu được là nhiều cha mẹ không thấy có vấn đề gì khi họ giới thiệu con mình đến một người bạn tưởng tượng khác mà họ gọi là “Thượng Đế”.
Chức năng và bản chất của nhân vật Thượng Đế và người bạn tưởng tượng của đứa trẻ con hoàn toàn giống nhau. Điểm khác nhau duy nhất là khái niệm “Thượng Đế” được thế giới người lớn chấp nhận rộng rãi, công khai trong khi những người bạn tưởng tượng của trẻ con được xem chỉ là một sản phẩm tưởng tượng.
Đó là tại sao những đứa trẻ con nầy mai sau khi lớn lên cũng sẽ sẵn sàng tiếp tục thay thế người bạn tưởng tượng của con cái chúng bằng người bạn tưởng tượng gọi là “Thượng Đế” mà chúng đã thừa hưởng được từ cha mẹ chúng.