Đại Ý:
Xác suất thống kê cho thấy ý niệm “linh nghiệm” trong việc cầu khẩn chỉ là một ảo tưởng.
Cầu xin Phật Chúa ban cho điều tốt lành hay cứu độ tai qua nạn khỏi cho mình là một ảo vọng và một hành động vừa tự tôn vừa tự ti cùng một lúc.
Tôi cũng cho rằng thật sự không có ai hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào sự cầu xin của họ.
Có nhiều người tin rằng nếu họ thành tâm cầu nguyện Phật Chúa hay Thánh Thần của tôn giáo họ thì những “đấng thiêng liêng” nầy sẽ đáp ứng lại lời cầu nguyện của họ, bằng cách nầy hay cách khác.
Tôi cho rằng không có Phật Chúa hay Thánh Thần nào đáp ứng lời cầu nguyện gì của ai cả.
Xác suất thống kê và ngẫu nhiên
Lý do là chưa ai trả lời thỏa đáng được các câu hỏi sau đây của tôi:
- Nói chung trên đời ai cũng mong muốn đạt được mục đích tối thượng là an lành, hạnh phúc và thành công. Nếu cầu nguyện có hiệu nghiệm thì tại sao tỉ lệ số người cầu nguyện thường xuyên và đạt được mục đích nầy cũng không khác mấy với tỉ lệ số người không bao giờ cầu nguyện mà cũng đạt được mục đích nầy.
- Tương tự, nếu cầu nguyện mang đến hiệu quả thì tại sao tỉ lệ số người cầu nguyện thường xuyên và chịu thống khổ cùng cực cũng không khác mấy với tỉ lệ số người không bao giờ cầu nguyện và cũng chịu thống khổ cùng cực?
Nói cách khác tôi cho rằng chuyện được Phật Chúa phù hộ chỉ là một ảo tưởng.
Nếu người ta làm một thí nghiệm nhỏ thì họ có thể thấy rõ là các đấng thiêng liêng của họ có thật sự đáp ứng những lời cầu nguyện của họ để phù hộ họ hay không.
Thí nghiệm rất giản dị: họ chỉ cần giữ một quyển sổ ghi chép tất cả những lần họ cầu xin đấng thiêng liêng của họ về bất cứ việc gì. Sau đó họ cũng cần ghi chú rõ thêm là lời cầu xin của họ có hiệu nghiệm hay không. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn thì họ có thể so sánh lại và tự kết luận rằng cầu khẩn của họ có đem lại kết quả họ mong muốn hay không. Người ta sẽ thấy rằng xác suất lời cầu xin của họ linh ứng hay không cũng không khác gì mấy với xác suất thành công hay thất bại nếu họ không cầu xin gì cả.
Khi nhìn kỹ vào nhiều chuyện xảy ra chung quanh thì bạn sẽ thấy rằng chuyện cầu xin có linh ứng hay không hoàn toàn chỉ là những chuyện ngẫu nhiên.
Lấy việc đi biển chẳng hạn, khi một chiếc tàu gặp giông bão dữ dội thì mọi hành khách đều cầu nguyện Trời, Phật, Chúa phù hộ cho họ. Thế thì tại sao có chiếc tàu qua khỏi giông bão, tại sao có chiếc tàu khác chìm? Trong một chiếc tàu chìm thì mọi người đều cầu nguyện, thế thì tại sao có người được vớt hay bơi đến bờ còn có người chết đuối? Nếu việc cầu nguyện có linh ứng thì tại sao chỉ linh ứng với một số chiếc tàu mà không linh ứng với tất cả những chiếc tàu khác? Nếu việc cầu nguyện có linh ứng thì tại sao chỉ linh ứng với một số người mà không linh ứng với tất cả những người khác?
Những biện luận của các tín đồ
Có người sẽ cho rằng hiện tượng nầy liên quan đến số mạng hay nghiệp phước của mỗi người.
Tôi cho rằng nếu đã tin là số mạng hay nghiệp phước của mỗi người sẽ "quyết định" việc người đó sẽ chết chìm trong một vụ đắm tàu hay không thì tại sao còn cầu khẩn Phật Chúa làm gì? Đối với tôi thì những người cầu khẩn nầy hoặc là đang mâu thuẩn với chính họ hoặc là rất tự tôn.
Tự tôn là vì nếu đã tin rằng luật nhân quả trong Phật giáo dựa trên phước nghiệp áp dụng rành rọt cho tất cả mọi sinh linh như vậy rồi nhưng họ vẫn nghĩ là Phật Trời sẽ ra tay can thiệp, sửa đổi luật nầy chỉ vì lời cầu xin của họ. Tự tôn là vì nếu tin rằng Chúa Trời đã biết rõ mọi việc quá khứ, tương lai và đã an định tất cả những gì phải xảy ra cho mỗi người rồi nhưng họ vẫn nghĩ rằng Chúa Trời vẫn sẽ thay đổi ý của Ngài chỉ vì lời cầu xin của họ.
Nhiều người, nhất là tín đồ Thiên Chúa giáo, lý luận rằng chỉ có những người cầu nguyện thành khẩn thật sự thì lời cầu nguyện của họ và họ đưa ra nhiều thí dụ để chứng minh điều nầy.
Tôi cho rằng đó chỉ là hiện tượng “thu thập dữ kiện một cách thiên vị” mà các tín đồ nầy mắc phải. Đó là tại vì lúc nào cũng có 4 trường hợp:
1/ một người cầu nguyện và thành công,
2/ một người cầu nguyện nhưng vẫn không thành công,
3/ một người không cầu nguyện nhưng vẫn thành công, và
4/ một người không cầu nguyện và không thành công.
Nếu tất cả các điều kiện chung quanh một sự việc đều giống nhau thì xác suất xảy ra của 4 trường hợp nầy tương đối ngang ngữa nhau. Tuy vậy, những người tin vào việc cầu khẩn thường chỉ chú trọng, chỉ nhận thấy, chỉ ghi nhớ và chỉ phổ biến lại những gì có vẻ tương ứng với niềm tin của họ mà thôi (và đó là trường hợp 1). Vì những trường hợp khác (2, 3 và 4) không nằm trong cách nhìn của họ nên họ thường không chú trọng, không nhận thấy, không ghi nhớ hay không phổ biến lại. Do đó chỉ có những mẩu chuyện hỗ trợ quan niệm "cầu nguyện có hiệu quả" được truyền đi dạy lại với nhau từ người nầy sang người khác, từ đời nầy sang đời khác.
Nói cách khác, trong những trường hợp khi lời cầu nguyện thành hình, người ta cho rằng Phật Chúa đã đáp ứng lời cầu nguyện của họ. Trong những trường hợp khi lời cầu nguyện không thành hình, người ta hoặc là quên đi hoặc là cho vì họ không có phước đức hay không thành tâm đủ trong khi cầu nguyện.
Có nhiều câu chuyện về người ta cầu nguyện Đức Mẹ hay Phật Bà rồi được trúng vé số. Có thể những chuyện đó có thật. Tuy nhiên điều cần nhận biết rằng những câu chuyện trên xảy ra qua một thời gian dài và liên quan đến nhiều vụ xổ số khác nhau.
Nên nhớ rằng: 1/ Mỗi vụ xổ số đều có người trúng số hoặc lớn hoặc nhỏ, và 2/ vô số (hầu hết) người mua số đều vái van đấng thiêng liêng nào đó giúp đỡ họ trúng số. Do đó trong bất cứ cuộc xổ số nào cũng có một số người đã van vái rồi trúng số.
Những người nầy kể lại thân nhân họ “Đức Mẹ linh thiêng lắm, tôi cầu nguyện và Đức Mẹ cho tôi trúng độc đắc”. Thân nhân họ sẽ tin họ 100% vì rõ ràng là người đó có trúng độc đắc. Thân nhân tiếp tục đồn đãi ra rộng hơn. Nhiều lần như vậy. Thế là ai cũng tin hết. Tuy nhiên họ quên rằng mỗi vụ vé số cũng có hàng triệu người khác van vái giống như vậy mà không ai trúng gì cả.
Sự ngờ vực của chính các tín đồ
Tôi cũng cho rằng thật sự không có ai hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào sự cầu xin của họ.
Bệnh ung thư là một trong những căn bệnh ngặt nghèo dễ chết nhất. Những người khi biết mình bị ung thư thường làm 2 chuyện cùng một lúc: một mặt vào bệnh viện để được chữa trị và một mặt thành tâm cầu nguyện Phật Chúa cho mình khỏi bệnh.
Bất kể người bệnh sùng đạo triệt để đến mức nào, đại đa số vẫn sẽ không chỉ đơn thuần dựa vào việc cầu nguyện. Những người có điều kiện sẽ dùng các y thuật hiện đại nhất (giải phẩu, hóa trị, xạ trị, v.v.), những người không có điều kiện sẽ dùng các phương pháp rẽ tiền dễ tìm hơn (thuốc dân tộc, tập thiền định, v.v.) để trị bệnh cho mình.
Điều nầy đưa đến những câu hỏi như: a/ Nếu một người thật sự tin rằng lời cầu nguyện của họ sẽ được Phật Chúa đáp ứng thì tại sao họ còn chạy lo chữa trị bằng các phương pháp khác? b/ Khi chạy lo chữa trị bằng các phương pháp khác, có phải một người đang vô tình bộc lộ sự không thật sự hoàn toàn tin tưởng rằng lời cầu nguyện của họ sẽ được Phật Chúa đáp ứng chăng?
Hiệu quả của sự cầu xin
Có những khi nhờ cầu xin mà một người sùng đạo có thể được khỏi bệnh.
Trong y học có một hiện tượng gọi là “placebo effect” (ảnh hưởng thật của thuốc giả): Người ta đưa đưa bệnh nhân những viên thuốc giả làm bằng bột mì chẳng hạn và bảo rằng đây là thứ thuốc hữu hiệu nhất cho bệnh trạng của họ. Trong nhiều trường hợp, nhờ những lý do tâm sinh lý xảy ra trong bệnh nhân mà bệnh của họ thật sự thuyên giảm. Nói một cách đơn giản, chỉ vì bệnh nhân tưởng rằng mình đang được uống thuốc mà trí não của họ có khi có thể điều khiển cơ thể họ tự chữa trị lấy. Cầu nguyện để khỏi bệnh cũng có thể giải thích được một cách tương tự. Chính động tác khẩn cầu một thần linh mà người ta cho là thiêng liêng cũng đem lại ảnh hưởng placebo effect như vừa kể trên.
Hơn nữa cơ thể con người là một bộ máy kỳ diệu mà khoa học ngày nay vẫn chưa hiểu rõ hết cách vận hành lẫn tiềm năng của nó. Sự hiểu biết của y học về nhiều chứng bệnh vẫn còn rất giới hạn. Có những loại bệnh tật (thí dụ như lao phổi, ung thư, tê liệt, tâm thần, v.v.) tuy ngặt nghèo nhưng bệnh nhân vẫn có khi bình phục mặc dù không ai có thể giải thích chính xác được lý do.
Khi một bệnh nhân hồi phục từ một bệnh tật nan y trầm trọng thì sự hồi phục nầy chỉ có thể được coi là một phép lạ khi nó không thể nào là kết quả của một phương pháp chữa trị y học hay một lý do tâm sinh lý nào cả.
Tôi cũng đặt câu hỏi rằng nếu cầu nguyện thật sự có hiệu quả thì tại sao không bao giờ hiệu quả cho một số loại bệnh tật như bị đui mù vì mất tròng mắt hay bị cụt tay chân, hoặc vì tai nạn hoặc do tật bẩm sinh. Tôi nhận thấy rằng xưa nay chưa bao giờ tròng mắt hay tay chân của ai bị mất rồi lại mọc ra trở lại được cả.
Nếu cầu nguyện thật sự có hiệu quả thì tại sao Phật Chúa không bao giờ đáp ứng lời cầu nguyện của các người bị mất tròng mắt hay bị cụt tay chân bằng cách làm cho tròng mắt hay chân tay họ mọc ra lại?
Phải chăng vì lý do gì đó mà Phật Chúa lại phân biệt và ruồng bỏ không bao giờ chịu chữa trị cho những người bị mất tròng mắt hay cụt chân tay? Phải chăng Phật Chúa tuy có thể ban bố muôn vạn phép mầu trong nhân loại nhưng lại không có khả năng làm cho tròng mắt và chân tay mọc ra lại được sao?
Một giải thích dễ chấp nhận nhất về hiện tượng nầy là Phật Chúa thật ra không bao giờ can dự gì đến lời cầu nguyện của bất cứ người bệnh tật nào cả. Có nghĩa là, khi một người được khỏi bệnh thì đó hoặc là nhờ trị liệu hoặc là nhờ một sự kiện tâm sinh lý ngẫu nhiên nào đó chớ không phải là nhờ cầu nguyện Phật Chúa gì hết.
Tương tự, một điều dễ chấp nhận nhất là Phật Chúa không bao giờ can dự gì đến lời cầu nguyện của bất cứ ai cả. Có nghĩa là, khi một người thành công trong công việc của họ thì đó hoặc là vì một sự ngẫu nhiên hoặc là nhờ những lý do gì khác nào đó chớ không phải là nhờ cầu nguyện Phật Chúa gì hết.