Đại Ý:
Kinh Thánh được tin là lời khải huyền trực tiếp của Thiên Chúa qua các tông đồ tin cẩn nhất để truyền dạy lại cho tín đồ.
Do đó Tòa Thánh ca tụng và răn dạy tín đồ rằng Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa, là sự thật rõ ràng và vĩnh cửu và mang một giá trị tuyệt đối. Điều nầy cũng được nhắc đi nhắc lại vô số lần trong Kinh Thánh.
Trên thực tế thì không phải như vậy. Kinh Thánh có nhiều vô kể những điểm bất đồng nhất với chính nó. Nhiều điểm bất đồng nhất nầy chẳng những khác nhau mà còn trực tiếp mâu thuẩn lẫn nhau.
Những điểm bất đồng nhất trên chứng tỏ rằng Kinh Thánh không phải là lời khải huyền của Thiên Chúa mà chỉ là một sản phẩm đã được nhiều tông đồ thu nhặt, sao chép, ghép mượn từ rất nhiều các truyền thuyết cổ xưa và phức tạp của các tôn giáo khác.
Nhiều người tin rằng:
- Kinh Tân Ước đã được mặc khải từ Thiên Chúa đến vài tín đồ đã được tuyển chọn.
- Những câu chuyện trong kinh Tân Ước cho thấy sự “liên tiếp” và “hoàn thành” của những tiên đoán, những sự kiện trong Cựu Ước.
Tuy vậy, trong Tân Ước có nhiều chi tiết bất đồng nhất rất đáng kể.
Những sự bất đồng nhất nầy có thể đưa đến những nghi vấn sau đây:
- Có thật sự Thiên Chúa đã “mặc khải” cho các tín đồ trên hay không?
- Ngay cả nếu có thật sự như vậy đi nữa thì việc ghi chép và tồn trữ các lời mặc khải của các tín đồ đó có chính xác và đáng tin cậy bao nhiêu?
Dưới đây là một số các chi tiết bất đồng nhất kể trên.
Tổ phụ của Giô-sép
Hãy so sánh 2 đoạn sau đây, một từ Ma-thi-ơ và một từ Lu-ca.
Ma-thi-ơ 1:1-17
1 1Gia phổ Đức Chúa Jêsus Christ, con cháu Đa-vít và
con cháu Áp-ra-ham.
2Áp-ra-ham sanh Y-sác; Y-sác sanh Gia-cốp; Gia-cốp sanh Giu-đa và
anh em người. 3Giu-đa bởi Tha-ma sanh Pha-rê và Xa-ra. Pha-rê sanh
Ếch-rôm; Ếch-rôm sanh A-ram;4A-ram sanh A-mi-na-đáp; A-mi-na-đáp
sanh Na-ách-son; Na-ách-son sanh Sanh-môn. 5Sanh-môn bởi Ra-háp sanh
Bô-ô. Bô-ô bởi Ru-tơ sanh Ô-bết. Ô-bết sanh Gie-sê;6Gie-sê sanh vua
Đa-vít.
Đa-vít bởi vợ của U-ri sanh Sa-lô-môn.
7Sa-lô-môn sanh Rô-bô-am; Rô-bô-am sanh A-bi-gia; A-bi-gia sanh
A-sa; 8A-sa sanh Giô-sa-phát; Giô-sa-phát sanh Giô-ram; Giô-ram sanh
Ô-xia. 9Ô-xia sanh Giô-tam; Giô-tam sanh A-cha; A-cha sanh
Ê-xê-chia. 10Ê-xê-chia sanh Ma-na-sê; Ma-na-sê sanh A-môn; A-môn
sanh Giô-si-a. 11Giô-si-a đương khi bị đày qua nước Ba-by-lôn sanh
Giê-chô-nia và anh em người.
12Khi đã bị đày qua nước Ba-by-lôn, thì Giê-chô-nia sanh
Sa-la-thi-ên; Sa-la-thi-ên sanh Xô-rô-ba-bên;13Xô-rô-ba-bên sanh
A-bi-út; A-bi-út sanh Ê-li-a-kim; Ê-li-a-kim sanh A-xô. 14A-xô sanh
Sa-đốc; Sa-đốc sanh A-chim; A-chim sanh Ê-li-út; 15Ê-li-út sanh
Ê-lê-a-xa; Ê-lê-a-xa sanh Ma-than; Ma-than sanh Gia-cốp;16 Gia-cốp sanh Giô-sép là chồng Ma-ri;
Ma-ri là người sanh Đức Chúa Jêsus, gọi là Christ.
17Như vậy, từ Áp-ra-ham cho đến Đa-vít, hết thảy có mười bốn đời; từ
Đa-vít cho đến khi bị đày qua nước Ba-by-lôn, cũng có mười bốn đời; và từ khi
bị đày qua nước Ba-by-lôn cho đến Đấng Christ, lại cũng có mười bốn đời.
Lu-ca 3:23-38
23Khi Đức Chúa Jêsus khởi sự làm chức vụ mình thì Ngài có độ ba mươi tuổi. Theo ý người ta tin, thì Ngài là con Giô-sép, Giô-sép con Hê-li, 24Hê-li con Mát-tát, Mát-tát con Lê-vi, Lê-vi con Mên-chi, Mên-chi con Gia- nê, Gia-nê con Giô-sép, 25Giô-sép con Ma-ta-thia, Ma-ta-thia con A-mốt, A-mốt con Na-hum, Na-hum con Ếch-li, Ếch-li con Na-ghê, 26Na-ghê con Ma-át, Ma-át con Ma-ta-thia, Ma-ta-thia con Sê-mê-in, Sê-mê-in con Giô-sếch, Giô-sếch con Giô-đa, 27 Giô-đa con Giô-a-nan, Giô-a-nan, con Rê-sa, Rê-sa con Xô-rô-ba-bên, Xô- rô-ba-bên con Sa-la-thi-ên, Sa-la-thi-ên con Nê-ri, 28Nê-ri con Mên-chi, Mên-chi con A-đi, A-đi con Cô-sam, Cô-sam con Ên-ma- đan, Ên-ma-đan con Ê-rơ, 29Ê-rơ con Giê-su, Giê-su con Ê-li-ê-se, Ê-li-ê-se con Giô-rim, Giô-rim con Mát-thát, Mát-thát con Lê-vi, 30Lê-vi con Si-mê-ôn, Si-mê-ôn con Giu-đa, Giu-đa con Giô-sép, Giô-sép con Giô-nam, Giô-nam con Ê-li-a-kim, Ê-li-a-kim con Mê-lê-a, 31Mê-lê-a con Men-na, Men-na con Mát-ta-tha, Mát-ta-tha con Na-than, Na- than con Đa-vít, 32Đa-vít con Gie-sê, Gie-sê con Giô-bết, Giô-bết con Bô-ô, Bô-ô con Sa-la, Sa-la con Na-ách-son, Na-ách son con A-mi-na-đáp, 33A-mi-na-đáp con Át-min, Át-min con A-rơ-ni, A-rơ-ni con Ếch-rôm, Ếch-rôn con Pha-rê, Pha-rê con Giu-đa, 34Giu-đa con Gia-cốp, Gia-cốp con Y-sác, Y-sác con Áp-ra-ham, Áp-ra-ham con Tha-rê, Tha-rê con Na-cô, 35Na-cô con Sê-rúc, Sê-rúc con Ra-gao, Ra-gao con Pha-léc, Pha-léc con Hê- be, Hê-be con Sa-la, 36Sa-la con Cai-nam, Cai-nam con A-bác-sát, A-bác-sát con Sem, Sem con Nô- ê, Nô-ê con La-méc, 37La-méc con Ma-tu-sê-la, Ma-tu-sê-la con Hê-nóc, Hê-nóc con Gia-rết, Gia- rết con Mê-lê-lê-ên, Mê-lê-lê-ên con Cai-nam, 38 Cai-nam con Ê-nót, Ê-nót con Sết, Sết con A-đam, A-đam con Đức Chúa Trời.
Để tiện so sánh 2 danh sách kể trên bởi Ma-thi-ơ và Lu-ca:
Thế hệ Ma-thi-ơ Lu-ca
1. Áp-ra-ham Áp-ra-ham
2. Y-sác Y-sác
3. Gia-cốp Gia-cốp
4. Giu-đa Giu-đa
5. Pha-rê Pha-rê
6. Ếch-rôn Ếch-rôn
7. A-ram A-rơ-ni
8. A-mi-na-đáp Át-min
9. Na-ách-son A-mi-na-đáp
10. Sanh-môn Na-ách son
11. Bô-ô Sa-la
12. Ô-bết Bô-ô
13. Gie-sê Giô-bết
14. Đa-vít Gie-sê
15. Sa-lô-môn Đa-vít
16. Rô-bô-am Na-than
17. A-bi-gia Mát-ta-tha
18. A-sa Men-na
19. Giô-sa-phát Mê-lê-a
20. Giô-ram Ê-li-a-kim
21. Ô-xia Giô-nam
22. Giô-tam Giô-sép
23. A-cha Giu-đa
24. Ê-xê-chia Si-mê-ôn
25. Ma-na-sê Lê-vi
26. A-môn Mát-thát
27. Giô-si-a Giô-rim
28. Giê-chô-nia Ê-li-ê-se
29. Sa-la-thi-ên Giê-sua
30. Xô-rô-ba-bên Ê-rơ
31. A-bi-út Ên-ma-đan
32. Ê-li-a-kim Cô-sam
33. A-xô A-đi
34. Sa-đốc Mên-chi
35. A-chim Nê-ri
36. Ê-li-út Sa-la-thi-ên
37. Ê-lê-a-xa Xô- rô-ba-bên
38. Ma-than Rê-sa
39. Gia-cốp Giô-a-nan
40. Giô-sép Giô-đa
41. - Giô-sếch
42. - Sê-mê-in
43. - Ma-ta-thia
44. - Ma-át
45. - Na-ghê
46. - Ếch-li
47. - Na-hum
48. - A-mốt
49. - Ma-ta-thia
50. - Giô-sép
51. - Gia-nê
52. - Mên-chi
53. - Lê-vi
54. - Mát-tát
55. - Hê-li
56. - Giô-sép
Hai danh sách trên cho thấy Ma-thi-ơ và Lu-ca bất đồng ý với nhau về việc ai là tổ phụ của Giô-sép. Tiêu biểu là:
- Nhìn ngược lên dòng dõi của Giô-sép thì sẽ thấy 2 danh sách hầu như hoàn toàn khác nhau. Danh sách của Lu-ca dài hơn danh sách của Ma-thi-ơ 15 thế hệ.
- Theo Ma-thi-ơ thì dòng dõi của Giô sép bắt đầu từ con của Vua Đa-vít là Sa-lô-môn còn theo Lu-ca thì từ con của Vua Đa-vít là Na-than.
- Theo Ma-thi-ơ thì Gia-cốp là cha của Giô-sép, còn theo Lu-ca thì Hê-li là cha của Giô-sép.
Giê-su là dòng dõi của Vua Đa-vít?
Trong Cựu Ước có lời tiên tri “sẽ có đấng Cứu Thế từ dòng dõi của vua Đa-vít”.
Trong Tân Ước cũng xác định như vậy:
Rô-ma 1:2-3
2là Tin Lành xưa kia Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri Ngài mà hứa trong Kinh Thánh, 3về Con Ngài, theo xác thịt thì bởi dòng dõi vua Đa-vít sanh ra,
Tín đồ cho rằng vì Giê-su là con Giô-sép nên Giê-su là dòng dõi của vua Đa-vít, do đó Tân Ước cho thấy lời tiên tri trên trong Cựu Ước đã thành tựu.
Thật ra thì không hẳn như vậy.
Đó là vì theo Lu-ca 1:34-35 thì Giê-su sinh ra bởi nữ đồng trinh Ma-ri. Và nếu như thế thì Giê-su không phải là con máu thịt của Giô-sép.
Hai điều kiện 1/ Giê-su là con của một nữ đồng trinh, và 2/ Giê-su là dòng dõi của vua Đa-vít không thể cùng hiện hữu một lúc được.
Do đó chỉ có 1 trong 2 kết luận dưới đây là khả dĩ:
- Hoặc là Giê-su không phải sinh ra từ một nữ đồng trinh.
- Hoặc là Giê-su không phải là dòng dõi của vua Đa-vít, do đó không phải là “đấng Cứu Thế” như lời tiên tri đã dạy.
Từ nhiều thế kỷ nay, giáo hội và tín đồ đã cố đưa ra một số giải thích về những điểm bất đồng nhất trên. Những giải thích nầy tuy nhiên đều rất gượng gạo và do đó không có giá trị thuyết phục.
Một giải thích tiêu biểu là “Giê-su tuy là con nuôi của Giô-sép nhưng theo luật lệ trong nước thì vẫn được xem như trong dòng dõi”.
Cách giải thích trên vô tình hay cố ý quên rằng trong Rô-ma 1:2-3 có nói rõ ràng là đấng Cứu Thế sẽ thuộc dòng dõi “theo xác thịt” của vua Đa-vít. “Con nuôi” không phải là “xác thịt”. Do đó cách giải thích trên chỉ là một ngụy biện.
Hơn nữa như đã cho thấy trước đây, Ma-thi-ơ và Lu-ca kể về 2 dòng dõi gia tộc của Giô-sép hầu như hoàn toàn khác nhau. Khi có 2 sự kiện “A” và “B” khác nhau thì không thể nào “cả 2 đều đúng” cả; chúng chỉ có thể hoặc “một đúng một sai”, hoặc “cả 2 đều sai”. Do đó dòng dõi gia tộc của Giô-sép rất đáng nghi ngờ vì cao nhất nó chỉ đúng 50% và cũng có thể sai 100%. Do đó, bất kể Giê-su có thuộc dòng dõi của Giô-sép hay không thì sự kiện “Giê-su thuộc dòng dõi của vua Đa-vít” cũng rất đáng nghi ngờ vì cao nhất nó chỉ đúng 50% và cũng có thể sai 100%.
Một cách giải thích khác thường được tín đồ và giáo hội dùng là “Giê-su là con của Ma-ri, và Ma-ri là dòng dõi của vua Đa-vít”.
Nhận xét rõ rệt nhất về cách giải thích nầy là cả Ma-thi-ơ lẫn Lu-ca đều không hề nhắc đến tên Ma-ri khi kể ra chi tiết từng thế hệ trong dòng dõi của Giê-su.
Cần biết rằng mục đích chính của Ma-thi-ơ và Lu-ca khi kể đến dòng dõi của Giê-su là để cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa vua Đa-vít và Giê-su. Điều nầy cần thiết cho họ vì nó chứng tỏ được rằng lời tiên tri “sẽ có đấng Cứu Thế từ dòng dõi của vua Đa-vít” trong kinh Cựu Ước đã ứng nghiệm. Nếu Ma-thi-ơ và Lu-ca xem Ma-ri thuộc vào dòng dõi vua Đa-vít thì họ đã nhắc đến tên bà trong họ tộc của Giê-su vì đó là một chi tiết tối quan trọng đối với họ.
Hơn nữa, sự kiện Ma-ri không được nhắc đến thật ra rất hiển nhiên vì trong một xã hội trọng nam khinh nữ Trung Đông thì phái nữ không đáng kể và không được xem là tiếp nối dòng dõi của họ tộc. Một thí dụ tương tự và điển hình về sự kiện phái nữ không được kể đến trong họ tộc: khi Lu-ca nói về dòng dõi của Giê-su, ông bắt đầu bằng “A-đam con Đức Chúa Trời…” và không bao giờ nhắc đến tên “Ê-và”.
Giê-su là con của một nữ đồng trinh?
Sẵn đây cần nói thêm về huyền thoại Ma-ri là một nữ đồng trinh của Công giáo.
Trong 27 tập kinh của Tân Ước, việc Giê-su được sinh ra từ một nữ đồng trinh chỉ được nói đến trong 2 tập, Ma-thi-ơ và Lu-ca.
Điều nầy dẫn đến thắc mắc rằng nếu một hiện tượng quan trọng và huyền diệu như vậy thật sự đã xảy thì tại sao các tông đồ khác của Giê-su không hề nhắc nhở đến?
Thí dụ như trong trường hợp Phao-lồ, ngay khi kể lại việc “Con Chúa Trời được sinh ra” thì ông chỉ nói rằng “bởi một người nữ” chớ không hề nói đến “bởi một đồng trinh”. Điều nầy cho thấy khi viết tập kinh Ga-la-thi thì Phao-lồ không hề biết rằng Giê-su đã được sinh ra bởi một nữ đồng trinh. Nếu lúc đó Phao-lồ đã biết vậy thì chắc chắn ông đã nói về hiện tượng quan trọng và huyền diệu nầy.
Ga-la-ti 4:4
4Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp,
Khi nhìn vào văn phong của những đoạn nói về việc nầy trong 2 tập kinh Ma-thi-ơ và Lu-ca, nhiều học giả đồng ý là chúng có vẻ như đã được thêm vào sau nầy bởi một/các tác giả khác hơn là bởi chính Ma-thi-ơ và Lu-ca.
Nhìn vào những sự bất đồng nhất và thiếu sót trong Tân Ứơc, nhiều học giả cho rằng huyền thoại “Ma-ri nữ đồng trinh” đã được các tông đồ sau nầy vay mượn từ những truyền thuyết của các tôn giáo cổ khác và gép đặt vào lịch sử của Giê-su để làm tăng vẻ thiêng liêng huyền bí cho đấng Cứu Thế của họ.
Một chi tiết thú vị tương quan đến vấn đề nầy:
Công giáo và Chính Thống giáo cho rằng Ma-ri là một nữ đồng trinh không những khi sinh ra Giê-su mà còn là nữ đồng trinh cho đến mãn đời.
Tuy vậy, cần nhớ rằng Giê-su còn có mấy em trai.
Ma-thi-ơ 13:55
55Có phải là con người thợ mộc chăng? Mẹ người có phải là Ma-ri, và anh em người là Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn, Giu-đe chăng?
Ma-thi-ơ 27:55-56
55Vả, có nhiều người đờn bà đứng coi ở đàng xa, là người đã đi theo Đức Chúa Jêsus từ xứ Ga-li-lê để hầu việc Ngài. 56Trong những đờn bà đó có Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri, mẹ của Gia-cơ và Giô-sép, và mẹ hai con trai của Xê-bê-đê.
Và những em trai của Giê-su không phải là con Chúa Trời. Như vậy thì làm sao Ma-ri còn là một nữ đồng trinh cho đến mãn đời được?
(Tín đồ Công giáo biện hộ rằng vì Ma-ri được phép Trời nên mặc dù sinh con nhưng màng trinh vẫn được giữ nguyên vẹn. Đây là một lý luận gượng ép vô vọng. Ngay cả nếu điều nầy có thật đi nữa, thì thứ nhất làm sao ai biết được trừ khi chính họ đã khám nghiệm bà? và thứ hai là nếu Ma-ri đã giao cấu với Giô-sép để sinh ra các đứa con sau nầy thì theo định nghĩa bà không còn là trinh nữ nữa bất kể màng trinh có còn nguyên vẹn hay không.)
Thiên thần báo cho ai biết về việc Giê-su sắp sinh ra?
Ma-thi-ơ kể rằng thiên thần hiện ra trong chiêm bao và bảo Giô-sép rằng Ma-ri sẽ sinh ra một đấng cứu thế.
Ma-thi-ơ 1:18-21
18Vả, sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus Christ đã xảy ra như vầy: Khi Ma-ri, mẹ Ngài, đã hứa gả cho Giô-sép, song chưa ăn ở cùng nhau, thì người đã chịu thai bởi Đức Thánh Linh. 19Giô-sép chồng người, là người có nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bèn toan đem để nhẹm. 20Song đương ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. 21Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.
Trong khi đó Lu-ca thì kể rằng thiên thần hiện đến trước mặt Ma-ri (không phải trong chiêm bao) bảo rằng con của bà sẽ là con của Thượng Đế và sẽ nối ngôi vua Đa-vít vĩnh viễn.
Lu-ca 1:26-33
26Đến tháng thứ sáu, Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến thành Na-xa- rét, xứ Ga-li-lê, 27tới cùng một người nữ đồng trinh tên là Ma-ri, đã hứa gả cho một người nam tên là Giô-sép, về dòng vua Đa-vít. 28Thiên sứ vào chỗ người nữ ở, nói rằng: Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi. 29Ma-ri nghe nói thì bối rối, tự hỏi rằng lời chào ấy có nghĩa gì. 30Thiên-sứ bèn nói rằng: Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. 31Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. 32 Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài. 33Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng.
Việc thiên sứ hiện đến để loan báo về sự giáng trần sắp đến của một đấng cứu thế là một chuyện cực kỳ hiếm hoi, quý giá và vui mừng. Thiết tưởng nếu muốn truyền dạy diễn biến nầy cho tín đồ ngàn đời sau thì từng chi tiết cần phải được tường thuật một cách thật chính xác vì tầm mức quan trọng của chúng. Nếu Thiên Chúa thật sự đã mặc khải cho Ma-thi-ơ và Lu-ca về câu chuyện trên thì Ngài chắc đã phải nhận thấy điều nầy. Nếu gia đình của Giê-su hay tín đồ nào đã kể cho Ma-thi-ơ và Lu-ca để ghi chép lại chuyện đó lại thì họ chắc cũng đã phải nhận thấy điều nầy.
Thế mà Ma-thi-ơ ghi chép lại rằng “thiên sứ đến trong chiêm bao của cha của Giê-su” còn Lu-ca thì “thiên sứ hiện ra trước mặt của mẹ của Giê-su”. Hai chi tiết trên hoàn toàn khác hẳn nhau. Điều nầy đưa đến nghi vấn về mức độ chính xác về câu chuyện thiên sứ, và từ đó luôn cả nghi vấn rằng nó đã có thật sự xảy ra hay không.
Ngoài ra, khi đọc về chi tiết “thiên sứ hiện ra trong chiêm bao của Giô-sép” thì tôi còn có thắc mắc sau đây.
Đa số mỗi người chúng ta nằm chiêm bao mỗi đêm. Những điều chúng thấy trong chiêm bao đều hầu như không có ý nghĩa gì cả. Chỉ có một phần rất nhỏ chúng trùng hợp hay liên quan đến những chuyện thật đã xảy ra; đây chỉ là một trạng thái hoạt động tự nhiên của não bộ động vật. Thỉnh thoảng có những gì chúng ta thấy trong chiêm bao trùng hợp hay liên quan đến những chuyện sẽ xảy ra; hiện tượng nầy cực kỳ hiếm hoi và cho đến nay không có bằng chứng gì cho thấy đó không chỉ là ngẩu nhiên.
Thế thì tại sao có người cho rằng chiêm bao của Giô-sép mang một giá trị đặc biệt? Nói cách khác, tại sao có người lại có thể tin vào một câu chuyện của ai đó kể lại về một giấc chiêm bao của một nhân vật không biết có thật hay không mà người ta cho rằng đã sống hơn 2000 năm về trước?
Giê-su sinh ra hồi nào?
Khi đọc kỹ thì sẽ thấy Ma-thi-ơ và Lu-ca có nhiều điểm bất đồng nhất khác liên quan đến sự việc Giê-su được sinh ra.
Ma-thi-ơ kể rằng Giê-su được sinh ra dưới thời vua Hê-rốt của xứ Giu-đê.
Ma-thi-ơ 2:1
1Khi Đức Chúa Jêsus đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-ðê, đương đời vua Hê-rốt, có mấy thầy bác sĩ ở đông phương ðến thành Giê-ru-sa-lem,
Trong khi ấy Lu-ca cho rằng Giê-su được sinh ra trong thời gian quan tổng đốc xứ Sy-ri là Qui-ri-ni-u.
Lu-ca 2:1-7
1Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra
chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ. 2Việc lập sổ dân nầy là
trước hết, và nhằm khi Qui-ri-ni-u làm quan tổng đốc xứ Sy-ri. 3Ai
nấy đều đến thành mình khai tên vào sổ.
4Vì Giô-sép là dòng dõi nhà Đa-vít, cho nên cũng từ thành Na-xa-rét,
xứ Ga- li-lê, lên thành Đa-vít, gọi là Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, 5để
khai vào sổ tên mình và tên Ma-ri, là người đã hứa gả cho mình đương có thai. 6
Đang khi hai người ở nơi đó, thì ngày sanh đẻ của Ma-ri đã đến. 7Người
sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà
quán không có đủ chỗ ở.
Trên thực tế, thời điểm cuộc kiểm kê dân số của quan tổng đốc Qui-ri-ni-u ra của xứ Sy-ri không hề trùng hợp với thời điểm mà vua Hê-rốt cai trị xứ Giu-đê.
Theo lịch sử Do Thái thì cuộc kiểm kê dân số kể trên, và năm Giê-su sinh ra, là khoảng năm thứ 6 SAU Công Nguyên. Cũng theo lịch sử Do Thái thì vua Hê-rốt đã chết trong mùa xuân 4 năm TRƯỚC Công Nguyên, tức là khoảng 10 năm trước đó.
Nói cách khác, theo lời kể của Ma-thi-ơ thì Giê-su sanh ra 10 năm trước khi theo lời kể của Lu-ca.
Giữa Ma-thi-ơ và Lu-ca thì chỉ có một người là đúng, còn người kia phải là sai. Không có cách nào để biết Ma-thi-ơ hay Lu-ca kể đúng. Và cũng không có cách nào bảo đảm được rằng cả 2 không đều sai.
Một số tín đồ Thiên Chúa giáo cố lập luận rằng cuộc kiểm kê dân số mà lịch sử Do Thái ghi chép lại có thể khác với cuộc kiểm tra dân số khi Giê-su ra đời. Ngay dù là như vậy đi nữa, họ vẫn không thể chối cãi được sự kiện Qui-ri-ni-u làm quan tổng đốc xứ Sy-ri nằm trong một thời điểm sau hẳn khi vua Ha-rốt đã chết.
Nguyên quán của Giê-su ở đâu?
Một điểm bất đồng nhất khác nữa giữa Ma-thi-ơ và Lu-ca là:
- Lu-ca kể rằng gia đình Giô-sép và Ma-ri đang sống ở thành Na-xa-rét đã phải đi đến Bê-lê-ham vì Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ bắt mọi người phải trở về nguyên quán để lập sổ kiểm kê dân số. Khi đến Bê-lê-ham thì Ma-ri sinh ra Giê-su.
Lu-ca 2:4-5
4Vì Giô-sép là dòng dõi nhà Đa-vít, cho nên cũng từ thành Na-xa-rét, xứ Ga- li-lê, lên thành Đa-vít, gọi là Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, 5để khai vào sổ tên mình và tên Ma-ri, là người đã hứa gả cho mình đương có thai.
- Trong khi đó Ma-thi-ơ không hề nhắc gì đến cuộc kiểm kê dân số mà chỉ kể rằng sau khi thiên thần bảo Giô-sép lấy Ma-ri về làm vợ nhưng không được ăn nằm với nàng thì Giô-sép làm theo như vậy và sinh ra Giê-su tại thành Bê-lê-hem, xứ Giu-đê.
Ma-thi-ơ 1:24, 2:1
24Khi Giô-sép thức dậy rồi, thì làm y như lời thiên sứ của Chúa đã dặn, mà đem vợ về với mình; 25song không hề ăn ở với cho đến khi người sanh một trai, thì đặt tên là Jêsus.
2 1Khi Đức Chúa Jêsus đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đương đời vua Hê-rốt, có mấy thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem,
Một điều bất đồng nhất về nguyên quán của Giê-su nữa là:
- Ma-thi-ơ kể rằng ngay sau khi sinh ra Giê-su thì gia đình Giô-sép lập tức rời khỏi xứ Giu-đê chạy đến Ai Cập để tránh vua Hê-rốt giết chết đứa hài nhi, Ngay cả về sau khi vua Hê-rốt đã chết, gia đình Giô-sép trở lại sống ở thành Na-xa-rét của xứ Ga-li-lê thì cũng tránh đi ngang xứ Giu-đê.
Ma-thi-ơ 2:13-15, 19-23
13Sau khi mấy thầy đó đi rồi, có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm bao, mà truyền rằng: Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trốn qua nước Ê-díp-tô, rồi cứ ở đó cho tới chừng nào ta bảo ngươi; vì vua Hê-rốt sẽ kiếm con trẻ ấy mà giết. 14Giô-sép bèn chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài đương ban đêm lánh qua nước Ê-díp-tô.
15Người ở đó cho tới khi vua Hê-rốt băng, hầu cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: Ta đã gọi Con ta ra khỏi nước Ê-díp-tô.
…
19 Nhưng sau khi vua Hê-rốt băng, có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm bao, tại nước Ê-díp-tô, mà truyền rằng: 20 Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trở về xứ Y-sơ-ra-ên, vì những kẻ muốn giết con trẻ đã chết rồi. 21 Giô-sép bèn chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trở về xứ Y-sơ-ra-ên. 22 Song khi nghe vua A-chê-la-u nối ngôi vua cha là Hê-rốt màm trị vì tại xứ Giu-đê, thì Giô-sép sợ, không dám về; và bởi đã được Đức Chúa Trời mách bảo trong chiêm bao, nên người vào xứ Ga-li-lê, 23ở trong một thành kia tên là Na-xa-rét. Vậy là ứng nghiệm lời mấy đấng tiên tri đã nói rằng: Người ta sẽ gọi Ngài là người Na-xa-rét.
- Trong khi đó Lu-ca thì kể rằng sau khi sinh ra Giê-su thì gia đình Giô-sép đã thư thả ở tại Bết-lê-ham ở xứ Giu-đê để làm lễ tạ ơn Thiên Chúa rồi sau đó dọn đến cư ngụ ở thành Na-xa-rét ở xứ Ga-li-lê.
Lu-ca 2:21-22, 39
21Đến ngày thứ tám, là ngày phải làm phép cắt bì cho con trẻ, thì họ đặt tên là Jêsus, là tên thiên sứ đã đặt cho, trước khi chịu cưu mang trong lòng mẹ.
22Khi đã hết những ngày tinh sạch rồi, theo luật pháp Môi-se, Giô-sép và Ma-ri đem con trẻ lên thành Giê-ru-sa-lem để dâng cho Chúa,
…
39Khi Giô-sép và Ma-ri đã làm trọn mọi việc theo luật pháp Chúa rồi, thì trở về thành của mình là Na-xa-rét trong xứ Ga-li-lê.
Các sự bất nhất nầy dẫn đến nghi vấn rằng nếu Ma-thi-ơ và Lu-ca thật sự là tác giả của những tập kinh trên thì hoặc Ma-thi-ơ hoặc Lu-ca, hoặc cả hai, đã chế đặt các chi tiết về hoàn cảnh của Giê-su được sinh ra một cách khác nhau ít nhiều. Có thể là vì họ không phải là nhân chứng mắt thấy tai nghe. Cũng có thể là họ đã cố tình làm điều nầy vì lý do gì đó.
Các lời tiên tri trong Cựu Ước “ứng nghiệm”?
Một điều cần nhận thấy là việc các lời tiên tri trong kinh Cựu Ước được ứng nghiệm rất quan trọng với các tông đồ của Giê-su. Có thế thì cả 2 kinh Cựu Ước và Tân Ước đều được tăng giá trị đối với tín đồ đương thời và tương lai.
Nhiều học giả dựa trên những chi tiết bất đồng nhất trong Tân Ước đã đặt nghi vấn rằng có những điều trong Tân Ước đã được viết ra, hay thêm vào, chỉ để chứng tỏ các lời tiên tri trong Cựu Ước “ứng nghiệm”. Có nhiều thí dụ có thể dùng để dẫn chứng và hỗ trợ nghi vấn trên.
Trong khi kể về chuyện Giê-su được sinh ra, Ma-thi-ơ mấy lần nhắc đến việc “ứng nghiệm các lời tiên tri” nằm trong kinh Cựu Ước. Ma-thi-ơ thật ra đang nói về kinh tiên tri Mi-chê 5:1.
Mi-chê 5:1
1Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng.
Ở đây, nhiều học giả cho rằng Ma-thi-ơ đã lèo lái câu chuyện để cho lời tiên tri trên trong Mi-chê được thể hiện qua những gì ông viết. Hãy so sánh lời tiên tri trên trong Mi-chê và lời kể dưới đây của Ma-thi-ơ:
Ma-thi-ơ 2:5-6
5Tâu rằng: Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê; vì có lời của đấng tiên tri chép như vầy:
|
6Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa!
Thật ngươi chẳng phải kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu,
Vì từ ngươi sẽ ra một tướng,
Là Đấng chăn dân Y-sơ-ra-ên, tức dân ta.
Các học giả trên cho rằng Lu-ca cũng vì muốn lời tiên tri trong Mi-chê trên “ứng nghiệm” nên đã đặt ra chuyện kiểm kê dân số để làm lý do cho gia đình Giô-sép phải đi đến Bê-lê-hem để cho Giê-su được sinh ra tại đây.
Các học giả trên dựa trên sự kiện lịch sử cho thấy Sê-sa Au-gút-tơ không hề ra lệnh cho mọi người phải trở về nguyên quán của mình trong các cuộc kiểm tra dân số đã xảy ra dưới triều đại của ông. Lý do là vì mục tiêu của các cuộc kiểm tra dân số thời đó là để kiểm soát tài sản, thuế má và lực lượng quân sự của Sê-sa. Do đó Sê-sa chỉ quan tâm đến những gì đang xảy ra ở nơi mọi người đang làm ăn sinh sống chớ không phải ở nguyên quán của họ.
Hơn nữa, các học giả trên còn cho thấy các cuộc kiểm tra dân số của Sê-sa thời bấy giờ chỉ áp dụng cho công dân La Mã, trong khi đó gia đình Giô-sép không phải là công dân La Mã. Do đó thật sự là không có lý do gì để gia đình Giô-sép phải đi về nơi sinh của họ.
Giê-su bị thân quyến và gia đình khinh dễ
Trong Ma-thi-ơ và Lu-ca đều có kể là thiên thần đã hiện ra cho Giô-sép và Ma-ri biết rõ rằng Giê-su là con Chúa Trời và là đấng Cứu Thế.
Tuy vậy Mác lại kể rằng:
Mác 6:1-6
1Đức Chúa Jêsus đi khỏi đó, đến quê hương mình, có các môn đồ cùng đi theo. 2Đến ngày Sa-bát, Ngài bắt đầu dạy dỗ trong nhà hội; thiên hạ nghe Ngài, lấy làm lạ mà nói rằng: Người bởi đâu được những điều nầy? Sự khôn sáng mà người được ban cho là gì, và thể nào tay người làm được những phép lạ dường ấy? 3Có phải người là thợ mộc, con trai Ma-ri, anh em với Gia-cơ, Giô-sê, Giu-đe, và Si-môn chăng? Chị em người há chẳng phải ở giữa chúng ta đây ư? Chúng bèn vấp phạm vì cớ Ngài. 4Song Đức Chúa Jêsus phán cùng họ rằng: Đấng tiên tri chỉ bị quê hương mình, bà con mình và trong nhà mình khinh dể mà thôi. 5Ở đó, Ngài không làm phép lạ nào được, chỉ đặt tay chữa lành một vài người đau ốm; 6và Ngài lấy làm lạ vì chúng chẳng tin. Rồi Ngài đi khắp các làng gần đó mà giảng dạy.
Có nghĩa là sau nầy Giê-su có lúc đã phải bỏ đi khỏi quê hương của mình vì bị gia đình và thân quyến (“bà con mình và trong nhà mình”) khinh dễ “vì chúng chẳng tin”. Mác kể “Ngài không làm phép lạ nào được” và đã phải đi đến khắp các nơi khác để mà giảng dạy.
Câu hỏi được đặt ra là nếu Giô-sép và Ma-ri đã biết rằng Giê-su là con Chúa Trời và là đấng Cứu Thế rồi mà tại sao họ còn khinh dễ không tin vào phép lạ của Giê-su?
Có phải vì như tục ngữ Việt Nam thường nói: “bụt nhà không thiêng” chăng?
Có những học giả ngoại đạo thắc mắc rằng có thể nào vì những người gần gũi Giê-su (như gia đình và thân quyến) vì biết quá rõ thực chất gì đó về các “phép lạ” của Giê-su nên đã khinh dễ ông?
Vì lý do gì đi nữa thì chi tiết trên do Mác kể lại cũng gây ra một thắc mắc lớn mà cho đến nay chưa có ai giải đáp được một cách thỏa đáng.
Lễ Tiệc Thánh cuối cùng xảy ra hồi nào? Giê-su bị bắt hồi nào?
Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca đều kể rằng Giê-su ra lệnh lập lễ Tiệc Thánh vào ngày đầu tiên của lễ Vượt Qua, và đến sáng ngày hôm sau (tức là ngày thứ hai của lễ Vượt Qua) thì Giê-su bị bắt dẫn đến quan tổng đốc là Phi-lát xử tội rồi mới bị hành hình.
Trong khi đó thì Giăng kể rằng lễ Tiệc Thánh xảy ra một ngày trước khi ngày lễ Vượt Qua bắt đầu. Giăng cũng kể rằng trong khi mọi người còn đang sắm sửa chuẩn bị cho lễ Vượt Qua thì Giê-su đã bị bắt dẫn đến gặp Phi-lát và bị xử tử. Có nghĩa là theo lời Giăng kể, khi mọi người dự buổi tiệc lễ Vượt Qua thì Giê-su đã chết mất rồi.
Ma-thi-ơ 26:17-20
17Trong ngày thứ nhứt ăn bánh không
men, môn đồ đến gần Đức Chúa Jêsus mà thưa rằng: Thầy
muốn chúng tôi dọn cho thầy ăn lễ Vượt qua tại đâu? 18Ngài đáp rằng:
Hãy vào thành, đến nhà một người kia, mà nói rằng: Thầy nói: Giờ ta gần đến; ta
và môn đồ ta sẽ giữ lễ Vượt qua trong nhà ngươi. 19Môn đồ làm y như
lời Đức Chúa Jêsus đã dạy mà dọn lễ Vượt qua.
20Đến tối, Ngài ngồi ăn
với mười hai sứ đồ.
Ma-thi-ơ 27:1
1 Đến sáng mai, các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân hội nghị nghịch cùng Đức Chúa Jêsus để giết Ngài. 2Khi đã trói Ngài rồi, họ đem nộp cho Phi-lát, là quan tổng đốc.
Mác 14:12-17
12
Ngày thứ nhứt
về lễ ăn bánh không men, là ngày giết chiên con làm lễ
Vượt Qua, các môn đồ thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Thầy muốn chúng tôi đi dọn
cho thầy ăn lễ Vượt Qua tại đâu? 13Ngài sai hai môn đồ đi, và dặn
rằng: Hãy vào thành, sẽ gặp một người xách vò nước; cứ theo sau, 14hễ
người vào nhà nào, các ngươi sẽ nói cùng chủ nhà ấy rằng: Thầy phán: Cái phòng
ta sẽ dùng ăn lễ Vượt Qua với môn đồ ta ở đâu? 15 Chính kẻ đó sẽ chỉ
cho các ngươi một cái phòng lớn trên lầu có đồ đạc sẵn sàng, hãy dọn tại đó cho
chúng ta. 16Vậy, hai môn đồ đi ra mà vào thành, gặp mọi điều như lời
Ngài đã phán, rồi dọn lễ Vượt Qua.
17 Buổi chiều, Ngài đến
với mười hai sứ đồ.
Mác 15:1
1 Vừa lúc ban mai, các thầy tế lễ cả bàn luận với các trưởng lão, các thầy thông giáo cùng cả tòa công luận; khi đã trói Đức Chúa Jêsus rồi, thì giải nộp cho Phi-lát.
Lu-ca 22:7-14
7 Đến ngày lễ ăn bánh
không men, là ngày người ta phải giết con sinh làm lễ Vượt Qua, 8Đức
Chúa Jêsus sai Phi-e-rơ và Giăng đi, mà phán rằng: Hãy đi dọn lễ Vượt Qua cho
chúng ta ăn. 9Hai người thưa rằng: Thầy muốn chúng tôi dọn lễ ấy tại
đâu? 10Ngài đáp rằng: Khi các ngươi vào thành, sẽ gặp một người mang
vò nước; hãy theo người vào nhà. 11 và nói cùng chủ nhà rằng: Thầy
phán cùng ngươi rằng: Phòng khách là chỗ ta sẽ ăn lễ Vượt Qua với môn đồ ta ở
đâu? 12Chủ nhà sẽ chỉ cho một cái phòng rộng và cao, đồ đạc sẵn
sàng; các ngươi hãy dọn ở đó. 13 Hai môn đồ đi, quả gặp những điều
như Ngài đã phán, bèn dọn lễ Vượt Qua.
14 Đến giờ, Ngài ngồi bàn
ăn, các sứ đồ cùng ngồi với Ngài.
Lu-ca 22:66
66 Đến sáng ngày, các trưởng lão trong dân, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo nhóm lại, rồi sai đem Đức Chúa Jêsus đến nơi tòa công luận.
Giăng 19:13-16
13 Phi-lát nghe lời đó, bèn dẫn Đức Chúa Jêsus ra ngoài, rồi ngồi trên tòa án, tại nơi gọi là Ba-vê, mà tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ga-ba-tha. 14Vả, bấy giờ là ngày sắm sửa về lễ Vượt Qua, độ chừng giờ thứ sáu. Phi-lát nói cùng dân Giu-đa rằng: Vua các ngươi kia kìa! 15Những người đó bèn kêu lên rằng: Hãy trừ hắn đi, trừ hắn đi! Đóng đinh hắn trên cây thập tự đi! Phi-lát nói với chúng rằng: Ta sẽ đóng đinh Vua các ngươi lên thập tự giá hay sao? Các thầy tế lễ cả thưa rằng: Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi. 16Người bèn giao Ngài cho chúng đặng đóng đinh trên thập tự giá. Vậy, chúng bắt Ngài và dẫn đi.
Câu chuyện Giê-su bị xử đóng đinh chết rồi 3 ngày sau sống lại đã được những tông đồ tường thuật lại trong Kinh Thánh.
Những câu chuyện nầy có nhiều sự bất đồng nhất rất đáng kể làm cho nhiều người đặt nghi vấn về mức độ chính xác và trung thực của các tông đồ khi kể lại câu chuyện trên. Và từ đó người ta cũng đặt nghi vấn về mức độ chính xác và trung thực của các tông đồ khi kể lại tất cả các câu chuyện khác trong Kinh Thánh.
Vài thí dụ về các sự bất đồng nhất đó được lược kê ra dưới đây. Các sự bất đồng nhất nầy được chia làm 2 nhóm: trước khi Giê-su chết, và sau khi Giê-su chết.
Trước khi Giê-su chết:
Ngay sau khi bị bắt thì Giê-su được dẫn đến đâu?
Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca đều kể rằng ngay sau khi bị bắt thì Giê-su được dẫn đến nhà thầy cả thượng phẩm (tên là Cai-phe).
Ma-thi-ơ 26:57
57Những kẻ đã bắt Đức Chúa Jêsus đem Ngài đến nhà thầy cả thượng phẩm Cai-phe, tại đó các thầy thông giáo và các trưởng lão đã nhóm lại.
Mác 14:53
53Chúng điệu Đức Chúa Jêsus đến nơi thầy cả thượng phẩm, có hết thảy thầy tế lễ cả, trưởng lão, và thầy thông giáo nhóm họp tại đó.
Lu-ca 22:54
54Bấy giờ họ bắt Đức Chúa Jêsus đem đi, giải Ngài đến nhà thầy cả thượng phẩm. Phi-e-rơ đi theo Ngài xa xa.
Trong khi đó Giăng kể rằng ngay sau khi bị bắt thì Giê-su bị giải đến nhà của cha vợ của thầy cả thượng phẩm Cai-phe tên là An-ne trước rồi sau đó An-ne mới giải Giê-su đến Cai-phe
Giăng 18:13, 24
13Trước hết chúng giải Ngài đến An-ne; vì người nầy là ông gia Cai-phe làm thầy cả thượng phẩm đương niên.
24 An-ne bèn sai giải Đức Chúa Jêsus vẫn bị trói đến Cai-phe là thầy cả thượng phẩm.
Khi nào thì thầy cả thượng phẩm và các vị trưởng lão họp lại hỏi tội Giê-su?
Như thấy trong 2 đoạn Ma-thi-ơ 26:57 và Mác 14:53 ở trên thì cả Ma-thi-ơ và Mác kể rằng thầy cả thượng phẩm và các vị trưởng lão họp lại hỏi tội Giê-su lập tức ngay trong đêm Giê-su bị bắt giải đến.
Trong khi đó Lu-ca lại kể rằng thầy cả thượng phẩm và các vị trưởng lão họp lại hỏi tội Giê-su sáng ngày hôm sau khi Giê-su bị bắt giải đến.
Lu-ca 22:66
66Đến sáng ngày, các trưởng lão trong dân, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo nhóm lại, rồi sai đem Đức Chúa Jêsus đến nơi tòa công luận.
Còn Giăng thì chỉ kể là có thầy cả thượng phẩm Cai-phe ở đó mà thôi chớ không hề nhắc gì đến các trưởng lão khác cả.
Giăng 18:13, 24
13Trước hết chúng giải Ngài đến An-ne; vì người nầy là ông gia Cai-phe làm thầy cả thượng phẩm đương niên.
24 An-ne bèn sai giải Đức Chúa Jêsus vẫn bị trói đến Cai-phe là thầy cả thượng phẩm.
Ai mặc chiếc áo màu đỏ/tím (hay hoa hòe?) cho Giê-su, và hồi nào?
Ma-thi-ơ và Mác kể rằng lính của quan tổng đốc lấy áo màu đỏ/tím mặc cũng như đội vòng gai lên đầu Giê-su không lâu trước khi đóng đinh hành hình ông.
Ma-thi-ơ 27:27-31
27Lính của quan tổng đốc bèn đem Đức Chúa Jêsus vào công đường, và nhóm cả cơ binh vây lấy Ngài. 28Họ cổi áo Ngài ra, lấy áo điều mà khoác cho Ngài. 29Đoạn, họ đương một cái mão gai mà đội trên đầu, và để một cây sậy trong tay hữu Ngài; rồi quì xuống trước mặt Ngài mà nhạo báng rằng: Lạy Vua của dân Giu-đa. 30Họ nhổ trên Ngài, và lấy cây sậy đánh đầu Ngài. 31Khi đã nhạo báng Ngài rồi, thì họ cổi áo điều ra mà mặc áo của Ngài lại, rồi đem Ngài đi đóng đinh trên cây thập tự.
Mác 15:16-20
16Lính điệu Đức Chúa Jêsus vào sân trong, tức là trong chỗ trường án; và nhóm cả cơ binh lại đó. 17Họ choàng cho Ngài một cái áo điều, và đội trên đầu Ngài một cái mão bằng gai họ đã đương, 18rồi chào Ngài rằng: Kính lạy Vua dân Giu-đa! 19 Lại lấy cây sậy đánh đầu Ngài, nhổ trên Ngài, và quì xuống trước mặt Ngài mà lạy. 20Khi họ đã nhạo cười Ngài như vậy rồi, thì cổi áo điều ra, mặc áo của Ngài lại cho Ngài, và đem ra để đóng đinh trên cây thập tự.
Trong khi đó thì Lu-ca kể rằng vua Hê-rốt và lính của vua Hê-rốt mặc áo màu mè hoa hòe cho Giê-su trước khi mọi người xúm nhau tra gạn, xét xử và tranh cãi về Giê-su. Nói cách khác, việc mặc áo màu mè cho Giê-su xảy ra rất lâu trước khi đóng đinh.
Lu-ca 23:11
11Bấy
giờ vua Hê-rốt và quân lính hầu vua đều đãi Ngài cách khinh dể và nhạo báng
Ngài; đoạn, họ mặc áo hoa hòe cho Ngài, rồi giao Ngài về cho Phi-lát. 12Trước
kia Phi-lát với vua Hê-rốt thù hiềm nhau, nhưng nội ngày ấy trở nên bạn hữu.
13Phi-lát hiệp các thầy tế lễ cả, các quan đề hình và dân chúng lại,
mà nói rằng: 14Các ngươi đã đem nộp người nầy cho ta, về việc xui
dân làm loạn; nhưng đã tra hỏi trước mặt các ngươi đây, thì ta không thấy người
mắc một tội nào mà các ngươi đã cáo; 15vua Hê-rốt cũng vậy, vì đã
giao người về cho ta. Vậy, người nầy đã không làm điều gì đáng chết, 16nên
ta sẽ đánh đòn rồi tha đi. 17 (Số là, đến ngày lễ, quan phải tha một
tên tù cho dân.) 18Chúng bèn đồng thanh kêu lên rằng: Hãy giết người
nầy đi, mà tha Ba-ra- ba cho chúng tôi! 19Vả, tên nầy bị tù vì dấy
loạn trong thành, và vì tội giết người. 20Phi-lát có ý muốn tha Đức
Chúa Jêsus, nên lại nói cùng dân chúng nữa. 21 Song chúng kêu lên
rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự đi! Đóng đinh nó trên cây thập tự đi! 22
Phi-lát lại nói đến lần thứ ba, rằng: Vậy người nầy đã làm điều ác gì? Ta không
tìm thấy người có sự gì đáng chết. Vậy, đánh đòn xong, ta sẽ tha. 23Nhưng
chúng cố nài, kêu lớn tiếng rằng phải đóng đinh Ngài trên cây thập tự; tiếng
kêu của họ được thắng. 24Phi-lát truyền làm y như lời chúng xin. 25
Bèn tha tên tù vì tội dấy loạn và giết người, là người chúng đã xin tha; rồi
phó Đức Chúa Jêsus cho mặc ý họ.
26Khi
chúng điệu Đức Chúa Jêsus đi, bắt một người xứ Sy-ren, tên là Si- môn, từ ngoài
đồng về, buộc phải vác cây thập tự theo sau Ngài. 27Có đoàn dân đông
lắm đi theo Đức Chúa Jêsus, và có mấy người đờn bà đấm ngực khóc về Ngài. 28Nhưng
Đức Chúa Jêsus xây mặt lại với họ mà phán rằng: Hỡi con gái thành
Giê-ru-sa-lem, đừng khóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con cái
các ngươi. 29Vì nầy, ngày hầu đến, người ta sẽ nói rằng: Phước cho
đờn bà son, phước cho dạ không sanh đẻ và vú không cho con bú! 30
Bấy giờ, người ta sẽ nói với núi rằng: Hãy đổ xuống trên chúng ta! với gò rằng:
Hãy che chúng ta! 31 Vì nếu người ta làm những sự ấy cho cây xanh,
thì cây khô sẽ xảy ra sao?
32Chúng cũng đem hai người đi nữa, là kẻ trộm cướp, để giết cùng với
Ngài.
33Khi đến một chỗ gọi là chỗ Sọ, họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự
tại đó, cùng hai tên trộm cướp, một tên bên hữu Ngài, một tên bên tả.
Một nhận xét quan trọng khác là Lu-ca không hề nói gì đến vòng gai trên đầu Giê-su.
Một vòng gai nằm trên đầu người mình yêu mến đang bị hành hình là một ấn tượng đau thương rất nổi bật cho nên nếu Lu-ca biết đến thì chắc chắn đã kể về điều đó.
Sự kiện chỉ có Ma-thi-ơ và Mác kể về vòng gai trên đầu Giê-su và Lu-ca không hề nhắc đến chuyện nầy làm nhiều học giả nghi ngờ là có thể Ma-thi-ơ và Mác chỉ đã thêu dệt thêm chi tiết nầy để làm bi thảm hóa, và hấp dẫn hóa câu chuyện.
Sau khi Giê-su chết:
Hãy đọc các câu chuyện kể dưới đây bởi Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng về những gì xảy ra ngay sau khi người ta cho rằng Giê-su đã sống dậy.
Ma-thi-ơ 28:1-4, 8
1Sau ngày Sa-bát, ngày thứ nhứt trong tuần lễ, lúc tưng tưng sáng, có Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác đến thăm mộ. 2Và nầy, đất rúng động dữ dội, vì có thiên sứ của Chúa ở trên trời xuống, đến lăn hòn đá ra mà ngồi ở trên. 3Hình dong của thiên sứ giống như chớp nháng, và áo trắng như tuyết. 4Vì đó, những lính canh sợ hãi run rẩy, trở nên như người chết.
…
8Hai người đờn bà đó bèn vội vàng ra khỏi mộ, vừa sợ vừa cả mừng, chạy báo tin cho các môn đồ.
Mác 16:1
1Ngày Sa-bát qua rồi, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ, cùng Sa-lô-mê mua thuốc thơm đặng đi xức xác Đức Chúa Jêsus. 2 Ngày thứ nhất trong tuần lễ, sáng sớm, mặt trời mới mọc, ba người đến nơi mộ, 3nói cùng nhau rằng: Ai sẽ lăn hòn đá lấp cửa mộ ra cho chúng ta? 4Khi ngó xem, thấy hòn đá đã lăn ra rồi; vả, hòn đá lớn lắm. 5 Đoạn, họ vào nơi mộ, thấy một người trẻ tuổi ngồi bên hữu, mặc áo dài trắng, thì thất kinh.
…
8Các bà ấy ra khỏi mồ, trốn đi, vì run sợ sửng sốt; chẳng dám nói cùng ai hết, bởi kinh khiếp lắm.
Lu-ca 23:54-56
54Bấy giờ là ngày sắm sửa, và ngày Sa-bát gần tới. 55Các người đờn bà đã từ xứ Ga-li-lê đến với Đức Chúa Jêsus, theo Giô-sép, xem mả và cũng xem xác Ngài đặt thể nào. Khi trở về, họ sắm sửa những thuốc thơm và sáp thơm. 56Ngày Sa-bát, họ nghỉ ngơi theo luật lệ.
Lu-ca 24:1-4,9-10
1Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, khi mờ sáng, các người đờn bà ấy lấy thuốc thơm đã sửa soạn đem đến mồ Ngài. 2Họ thấy hòn đá đã lăn ra khỏi cửa mồ; 3 nhưng bước vào, không thấy xác Đức Chúa Jêsus. 4Đương khi không biết nghĩ làm sao, xảy có hai người nam mặt áo sáng như chớp, hiện ra trước mặt họ.
9Họ ở mồ trở về, rao truyền mọi sự ấy cho mười một sứ đồ và những người khác. 10Ấy là Ma-ri Ma-đơ-len, Gian-nơ, và Ma-ri mẹ của Gia-cơ, cùng các đờn bà khác đi với họ đã rao truyền như vậy cho các sứ đồ.
Giăng 20:1-12, 18
1Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, lúc rạng đông,
trời còn mờ mờ, Ma-ri Ma-đơ-len tới
mộ, thấy hòn đá lấp cửa mộ đã dời đi. 2 Vậy, người chạy tìm
Si-môn Phi-e-rơ và môn đồ khác, là người Đức Chúa Jêsus yêu, mà nói rằng: Người ta đã
dời Chúa khỏi mộ, chẳng hay để Ngài tại đâu.
3 Phi-e-rơ với môn đồ khác bèn bước ra, đi đến mồ. 4 Cả
hai đều chạy, nhưng môn đồ kia chạy mau hơn Phi-e-rơ, và đến mồ trước. 5Người
cúi xuống, thấy vải bỏ dưới đất; nhưng không vào. 6 Si-môn Phi-e-rơ
theo đến, vào trong mộ, thấy vải bỏ dưới đất, 7 và cái khăn liệm
trùm đầu Đức Chúa Jêsus chẳng ở cùng một chỗ với vải, nhưng cuốn lại để riêng
ra một nơi khác. 8Bấy giờ, môn đồ kia đã đến mộ trước, cũng bước
vào, thì thấy và tin. 9Vì chưng hai người chưa hiểu lời Kinh Thánh
rằng Đức Chúa Jêsus phải từ kẻ chết sống lại. 10Đoạn, hai môn đồ trở
về nhà mình.
11 Song Ma-ri đứng bên ngoài, gần mộ, mà khóc. Người vừa khóc, vừa
cúi xuống dòm trong mộ, 12thấy hai vị thiên sứ mặc áo trắng, một vị
ngồi đằng đầu, một vị ngồi đằng chơn, chỗ xác Đức Chúa Jêsus đã nằm.
…
18Ma-ri Ma-đơ-len đi rao bảo cho môn đồ rằng mình đã thấy Chúa, và Ngài đã phán cùng mình những điều đó.
Như đã thấy ở trên, các mẩu chuyện trên mang những chi tiết khác nhau khá đáng kể sau đây:
Ai đến thấy hầm mộ của Giê-su trống trơn?
- Ma-thi-ơ thì kể rằng hai người đàn bà là Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác.
- Mác thì kể rằng ba người đàn bà là Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ, cùng Sa-lô-mê.
- Lu-ca thì kể rằng đó là Ma-ri Ma-đơ-len, Gian-nơ, và Ma-ri mẹ của Gia-cơ, cùng các đờn bà khác.
- Giăng thì kể rằng đó là chỉ có một mình Ma-ri Ma-đơ-len mà thôi.
Nói cách khác, con số nhân vật lẫn các nhân vật mà 4 tông đồ kể ra đều hầu như khác hẳn nhau cả chỉ trừ một nhân vật duy nhất là Ma-ri Ma-đơ-len.
Khi đến hầm mộ thì họ gặp ai?
- Ma-thi-ơ thì kể rằng họ gặp một thiên sứ “hình dong như chớp nhoáng mặc áo trắng như tuyết” và những lính canh đang sợ hãi.
- Mác thì kể rằng họ gặp một người trẻ tuổi “mặc áo trắng”, và không nhắc đến có lính canh nào cả.
- Lu-ca thì kể rằng họ gặp hai người nam “mặc áo sáng như chớp”, và không có ai khác cả.
- Giăng thì kể rằng Ma-ri Ma-đơ-len ban đầu không gặp ai cả. Đến sau khi Phi-e-rơ và môn đồ kia ra về rồi thì bà mới gặp hai thiên sứ.
Một lần nữa, có những sự khác biệt rõ ràng về con số cũng như nhân vật giữa các câu chuyện của 4 tông đồ kể lại ở đây.
Cánh cửa đá của hầm mộ mở ra bằng cách nào?
- Ma-thi-ơ thì kể rằng khi mấy người đàn bà đến hầm mộ thì đất rúng động dữ dội, vì có thiên sứ của Chúa ở trên trời xuống, đến lăn hòn đá ra mà ngồi ở trên.
- Trong khi đó Mác, Lu-ca và Giăng thì kể rằng khi mấy người đàn bà đến hầm mộ thì họ thấy hòn đá đã lăn ra khỏi cửa mồ.
Ở đây, câu chuyện của Ma-thi-ơ mang tính cách ly kỳ hơn hẳn các câu chuyện của 3 tông đồ kia.
Những người đàn bà kể lại cho ai nghe về việc hầm mộ trống trơn?
- Ma-thi-ơ thì kể rằng họ chạy báo tin cho các môn đồ.
- Mác thì kể rằng họ ra khỏi mồ, trốn đi, vì run sợ sửng sốt; chẳng dám nói cùng ai hết.
- Lu-ca thì kể rằng họ rao truyền mọi sự ấy cho mười một sứ đồ và những người khác.
- Giăng thì kể rằng Ma-ri Ma-đơ-len chạy đi tìm Phi-e-rơ và môn đồ khác rồi sau đó mới đi rao bảo cho môn đồ rằng mình đã thấy Chúa.
Ở đây sự khác biệt nhất là câu chuyện của Mác so với các tông đồ khác.
Giê-su bay lên trời ở đâu và hồi nào?
Theo Lu-ca thì Giê-su bay lên trời ở thành Bê-tha-ni ngay cùng ngày ông sống dậy.
Lu-ca 24:13, 51
13Cũng trong ngày ấy, có hai môn đồ đi đến làng kia, gọi là Em-ma-út, cách thành Giê-ru-sa-lem sáu mươi ếch-ta-đơ;
…
50Kế đó, Ngài đem môn đồ đi đến nơi xung quanh làng Bê-tha-ni, giơ tay lên mà ban phước cho. 51Đương khi ban phước, Ngài lìa môn đồ mà được đem lên trời.
Trong khi đó theo Công Vụ Các Sứ Đồ thì Giê-su bay lên trời ở núi Ô-li-ve 40 ngày sau khi ông sống lại.
Công Vụ Các Sứ Đồ 1:3, 9-12
3Sau khi chịu đau đớn rồi, thì trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời.
…
9Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc các người đó nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa. 10Các người đó đương ngó chăm trên trời trong lúc Ngài ngự lên, xảy có hai người nam mặc áo trắng hiện đến trước mặt, 11và nói rằng: Hỡi người Ga-li-lê, sao các ngươi đứng ngóng lên trời làm chi? Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy.
12Bấy giờ, các người đó từ núi gọi là Ô-li-ve trở về thành Giê-ru-sa-lem; núi ấy cách thành Giê-ru-sa-lem một quãng đường ước đi một ngày Sa-bát .
Ngoài ra còn một chi tiết khác nhau nữa như vừa thấy trong 2 câu chuyện ở trên:
- Công Vụ thì kể rằng có 2 thiên sứ đến rước Giê-su lên trời
- Trong khi đó Lu-ca không hề nhắc đến 2 thiên sứ gì cả mà chỉ kể rằng “đang khi ban phước, Ngài lìa môn đồ mà được bay lên trời”.
Ngoài những sự bất đồng nhất kể trên còn có một vài nhận xét thú vị sau đây làm tôi thắc mắc.
Ma-thi-ơ kể rằng ngay sau khi Giê-su chết thì có một trận động đất dữ dội làm các mồ mả mở ra và những xác chết trong đó sống dậy.
Ma-thi-ơ 27:51-53
51Và nầy, cái màn trong đền thờ, bị xé ra làm hai từ trên chí dưới, đất thì rúng động, đá lớn bể ra,52mồ mả mở ra, và nhiều thây của các thánh qua đời được sống lại. 53Sau khi Đức Chúa Jêsus đã sống lại, các thánh đó ra khỏi mồ mả, đi vào thành thánh, và hiện ra cho nhiều người thấy.
Điều thú vị thứ nhất là các xác chết tuy đã sống dậy nhưng vì lý do gì đó không rõ vẫn ở yên trong những ngôi mộ của mình chờ cho đến khi Giê-su sống dậy mới đi ra khỏi mồ. Sau đó các xác chết sống dậy nầy đi vào trong thành và nhiều người thấy.
Điều thú vị thứ hai là các xác chết đã bao nhiêu năm rồi mới sống dậy nầy chắc chắn đã thối rữa và có những hình thể rất kinh khủng. Có nghĩa là khi chúng đi vào thành và có nhiều người thấy như thế thì đây phải là một hiện tượng chấn động cả toàn cõi Trung Đông và mọi người đều bàn tán dữ dội lắm. Vậy mà trong lịch sử không hề có ghi chép gì về hiện tượng nầy cả (trong khi lịch sử Trung Đông có ghi chép rất nhiều sự việc xảy ra thời bấy giờ kể cả các sự việc rất tầm thường như Sê-sa thâu thuế ra sao, kiểm tra dân số như thế nào, v.v.).
Điều đáng kể nhất là không có tông đồ nào khác của Giê-su ngoại trừ Ma-thi-ơ nói về chuyện nầy cả.
Nhiều học giả cho rằng Ma-thi-ơ vì quá sùng tín nên đã kịch hóa câu chuyện của mình một cách quá đáng. Điều nầy đồng nhất với việc nhiều câu chuyện do Ma-thi-ơ kể thường hay mang nhiều chi tiết ly kỳ hơn các câu chuyện của những tông đồ khác.
Và điều nầy cũng đưa trở lại các nghi vấn muôn đời về Kinh Thánh:
1/ Kinh Thánh có thật sự đã được khải huyền cho các tông đồ không hay là chỉ do các tông đồ chế đặt ra để thỏa mãn lòng sùng tín của mình? và
2/ Ngay cả nếu Kinh Thánh đã được Thượng Đế khải huyền đi nữa thì tất cả các chi tiết mà tông đồ ghi chép lại có chính xác bao nhiêu và mức độ chế đặt hay kịch hóa (như vừa thấy ở đây trong trường hợp Ma-thi-ơ) là bao nhiêu?
Những chi tiết bất đồng nhất trong Kinh Thánh vừa được liệt kê và dẫn chứng ở đây cũng dẫn đến một thắc mắc rất lớn dưới đây.
Kinh Thánh được tin là lời khải huyền trực tiếp của Thiên Chúa qua các tông đồ tin cẩn nhất để truyền dạy lại cho tín đồ.
Do đó Tòa Thánh ca tụng và răn dạy tín đồ rằng Kinh Thánh mang một giá trị tuyệt đối. Qua nhiều thế kỷ, Tòa Thánh cân nhắc, tuyển chọn cẩn thận về ý nghĩa của mỗi câu mỗi chữ trước khi huấn luyện các tu sĩ giảng dạy chúng cho giáo dân.
Tất cả những gì trong Kinh Thánh đều là lời của Thiên Chúa, là sự thật rõ ràng và vĩnh cửu. Điều nầy được nhắc đi nhắc lại vô số lần trong Kinh Thánh.
Thí dụ:
Cô-rinh-tô 1 2:13
13chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng.
Hay là:
Ti-mô-thi 2 3:16
16Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình,
Trên lý thuyết thì lời Thiên Chúa khải huyền cho tông đồ để ghi chép lại không thể nào có điều gì lầm lẫn, sai trật. Đó cũng là một điều dễ hiểu. Đó là vì nếu tông đồ nào ghi chép lại lời nào thiếu chính xác thì lẽ tự nhiên cho thấy Thánh Linh đã phải dẫn nhập chỉ bảo họ để sửa đổi lập tức. Chắc chắn Thiên Chúa toàn năng không thể nào để lời của Ngài bị ghi chép sai trật một chút nào cả. Và trong 2000 năm nay Thiên Chúa đã có đầy đủ thời gian để thực hiện những việc sửa đổi cần thiết.
Trên thực tế thì không phải như vậy. Một người chỉ cần có trình độ trí tuệ trung bình đọc qua Kinh Thánh với tinh thần khảo nghiệm chân chính và trung thực thì sẽ thấy Kinh Thánh có nhiều vô kể những điểm bất đồng nhất với chính nó. Nhiều điểm bất đồng nhất nầy chẳng những khác nhau mà còn trực tiếp mâu thuẩn lẫn nhau.
Tôi thắc mắc là nếu thật sự là Thiên Chúa đã khải huyền cho tông đồ để ghi chép lại những lời răn dạy của Ngài thì tại sao có những điểm khác nhau và mâu thuẩn lẫn nhau trên? Thiên Chúa toàn năng không thể nào mắc phải những lầm lỗi như vậy được.
Nhiều học giả cho rằng những điểm bất đồng nhất trên chứng tỏ rằng Kinh Thánh không phải là lời khải huyền của Thiên Chúa mà chỉ là những sản phẩm sáng tạo của những tông đồ. Những sản phẩm nầy đã được nhiều tông đồ thu nhặt, sao chép, ghép mượn từ rất nhiều các truyền thuyết cổ xưa và phức tạp của các tôn giáo khác. Và các tông đồ nầy 2000 năm về trước, cũng như Giáo hội trong những thế kỷ sau đó, đã không có đủ trình độ trí tuệ để phối hợp và đúc kết lại được thành một quyển Kinh Thánh toàn hảo không có chi tiết nào đối chọi lẫn nhau.
Cập nhật 7/2013