Đại Ý:

Đại đa số những gì mà Phật tử cho là thiêng liêng và huyền bí trong kinh sách ngày nay thật ra chỉ là các sản phẩm sáng tạo của một số người da phàm mắt thịt.

Những người da phàm mắt thịt nầy là những đại tổ, trưởng lão của các tông phái khác nhau trong Phật giáo. Và một trong các mục đích chánh của sự sáng tạo nầy chỉ là để thu hút tín đồ đi theo tông phái của họ. 

 

Trở lại:

-      Phật Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Khi cầm một quyển kinh lên có ai bao giờ tự hỏi quyển kinh nầy của ai soạn, soạn hồi nào và trong hoàn cảnh lịch sử gì hay không?

Khi đọc một câu kinh có ai bao giờ suy ngẫm câu kinh nầy thật sự có ý nghĩa gì, có liên hệ ra sao với toàn quyển kinh và tất cả các quyển kinh khác trong tôn giáo ấy hay không?

Tôi có.

Sau một thời gian làm việc đó, tôi không khỏi đi đến kết luận là hầu như tất cả kinh sách đều do con người sáng tác ra ở một thời điểm nào đó trong lịch sử để đáp ứng nhu cầu lúc ấy của họ. Những nhu cầu nầy phần lớn là vì lý do tôn giáo, nhưng cũng có khi là vì lý do chính trị và quyền lợi vật chất.

Các khái niệm trong tôn giáo cũng vậy. Chúng xuất xứ từ những kinh sách trên. Do đó vô số khái niệm tín ngưỡng trong các tôn giáo mà tín đồ cho rằng thiêng liêng, huyền bí đều thật ra dựa trên những mẩu chuyện sáng tạo bởi con người.

Nói cách khác, kinh sách và các khái niệm tín ngưỡng thiêng liêng chẳng qua là con người tự vẽ bùa mà đeo. Khi quỳ sụp lạy trước mặt một pho tượng uy nghi hay thả hồn thanh thoát qua lời kinh tụng ngân nga, tín đồ không biết nhớ, và không muốn biết nhớ, về gốc gác thật sự của những khái niệm, những nghi lễ nầy.

Tôi muốn lấy lịch sử Phật Giáo Đại Thừa ra làm thí dụ.

Có nhiều dữ kiện lịch sử cho thấy hầu như tất cả kinh sách và ý niệm thiêng liêng của Phật giáo hiện hành đều chỉ là những sản phẩm triết lý phong phú được soạn thảo nhiều thế kỷ sau khi Thích Ca qua đời, và rất có thể không phản ảnh gì cả con đường ông đã đi.

(Điều nầy cũng không có nghĩa là tôi cho rằng kinh sách và phương cách hành đạo của Tiểu Thừa chứa đựng trung thực hoàn toàn lời dạy nguyên thủy của Thích Ca Mâu Ni. Như tôi đã có lần nói, ngày nay không ai có thể quả quyết 100% về chi tiết những gì Thích Ca đã truyền dạy khi còn tại thế. Hơn nữa, vì sự thịnh hành của tông phái Đại Thừa qua nhiều thế kỷ, một số tư tưởng lẫn nghi lễ cúng bái của các chùa chiềng Tiểu Thừa cũng đã bị “đồng hóa” ít nhiều bởi Đại Thừa)

Tôi có thể tóm lược vài tài liệu soạn thảo, nhận xét và phê bình của một số sử gia tôn giáo nổi tiếng như sau:

- Không bao lâu sau khi Thích Ca qua đời, có một sự xung đột trầm trọng giữa tư tưởng của nhóm người cho là họ đi theo đường lối nguyên thủy của Thích Ca với tư tưởng của nhiều nhóm khác.

- Những nhóm khác nầy thu nhận vào thêm các ý niệm huyền bí (thí dụ như Bồ Tát cứu khổ, nhập cảnh Tây Phương Cực Lạc, cõi Trời, tiên thánh, thần thông, v.v.) từ các tôn giáo khác. Một trong những nhóm nầy ngày nay là tông phái Đại Thừa.

- Trong quá trình tranh giành ưu thế qua một số thế kỷ sau đó, nhiều ý niệm huyền bí được yêu chuộng bởi Phật tử thời bấy giờ được biến cải và bổ xung vào các kinh sách Đại Thừa. Nhiều kinh sách Đại Thừa mới cũng được soạn thảo thêm trong thời kỳ nầy với mục đích chính là bành trướng tông phái của họ.

- Nhiều kinh sách và khái niệm tín ngưỡng trong Phật giáo hiện nay là sản phẩm của tông phái Đại Thừa. Các kinh sách và khái niệm tín ngưỡng nầy chỉ bắt đầu xuất hiện từ khoảng 2 thế kỷ đầu Công Nguyên trở về sau.

Hầu như tất cả các diễn tiến và thời điểm lịch sử dùng trong các tài liệu trên đều được công nhận bởi ngay cả các học giả của tông phái Đại Thừa. 

Trong phần trích dẫn dưới đây, tôi tô đậm những câu chữ mà tôi cho rằng liên quan nhiều đến đề tài nầy và do đó đáng chú ý đến.

Một trong những tác giả nêu trên là Hòa Thượng Thích Minh Châu, một tu sĩ Đại Thừa (về sau chuyển sang Tiểu Thừa) đã từng là viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh trước 1975.

Trong bản dịch của tác phẩm "Đại Thừa và sự Liên Hệ với Tiểu Thừa" nguyên tác bởi Nalinaksha Dutt, khi nói về giai đoạn tạo thành của Đại Thừa ông cho rằng:

Ðể theo kịp đà phát triển của tư tưởng, các cựu tông phái phải cố gắng vượt bực để kiện toàn và giữ vững vị trí của mình. Và kết quả của sự cố gắng này là chúng ta có văn học Abhidhamma của phái Theravàda (Thượng tọa bộ) và phái Sarvàstivàda (Nhất thế hữu bộ) …. Xét về nội dung của tập Kathàvatthu, thuộc phái Thượng tọa bộ, chúng ta thấy rõ rằng sự phát triển văn học Abhidhamma không những để kiện toàn quan điểm riêng biệt của mình, mà cũng để công kích quan điểm của đối phương và thành lập quan điểm của mình đối với chúng. Do vậy, chúng ta có thể nói rằng giai đoạn này không những chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tông phái mới mà cả sự phát triển mới mẻ của những tông phái cũ.

….

Ngoài sự cố gắng của tân, cựu tông phái cạnh tranh nhau trong địa hạt văn học, chúng ta cũng chứng kiến một sự tranh chấp sắc bén để truyền bá giáo lý từng tông phái trong quần chúng và chính nhờ sự tranh chấp này, đạo Phật được truyền bá rất rộng rãi trong dân chúng.”

Về Tứ Diệu Đế, HT Thích Minh Châu cho rằng:

Nhưng chúng ta phải công nhận rằng tuy lý Tứ đế, lý Duyên khởi và Vô vi Niết bàn đều được tất cả các học phái công nhận, nhưng vị trí của chúng, theo quan điểm của từng học phái, lại sai khác nhau như trời vực. Sự thật, xung quanh ba nguyên lý này, đã phát triển rất nhiều ý kiến mâu thuẫn, nhiều học phái phát sanh, mỗi học phái cố gắng nêu rõ quan niệm của mình về ba nguyên tắc này là đúng, còn quan niệm của các học phái khác là sai lầm.”

Tác giả thứ hai là Hòa Thượng Thích Hoàng Giác, một tu sĩ Đại Thừa từng trụ trì chùa Đại Bi Quan Âm ở California cho đến khi qua đời tháng 7 năm 2011. (Cho những người tôn sùng tước vị: trước đó ông cũng đã từng là Phó Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Nghiên Cứu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ và là Giáo Thọ Sư Chùa Quang Thiện ở Ontario.)

Khi được hỏi về Kinh Thủ Lăng Nghiêm, bộ ba Kinh A Di-Di-Đà, Kinh Dược Sư và Kinh Địa Tạng, HT Thích Hoàng Giác nói:

Xét về phương diện lịch sử, các Kinh mà Phật tử vừa đề cập trên quả là ra đời rất muộn. Vẫn biết rằng tất cả Kinh điển là do các bậc đại đệ tử của Đức Phật nhớ và biên tập lại, nhưng dựa vào ngôn ngữ và nội dung của các Kinh đó, các nhà nghiên cứu Phật học uyên bác, đặc biệt là chư Tăng Ni  cũng như các giới nghiên cứu, học giả đều thừa nhận có những bộ kinh ra đời hơi muộn hoặc rất muộn và tư tưởng có đôi phần không  tương hợp với tinh thần Phật giáo thuở ban đầu. Theo như Thầy hiểu, các bộ Kinh ra đời sau được những vị có chức năng truyền bá giáo pháp thời ấy phương tiện, quyền biến trước tác, rồi ghi là Kinh do đức Phật thuyết.

Dưới ánh sáng của những nhà nghiên cứu có phương pháp, dựa vào văn bản học hoặc khảo cổ học, chúng ta không thể phủ nhận giá trị công trình khám phá của họ. Mặc dầu các công trình khám phá đó chưa hẳn là có lợi đối với những người có niềm tin mãnh liệt đối với Kinh điển lâu nay mà các vị ấy đã thọ trì…

Một tác giả nữa là Thiền Sư Daisetsu Teitaro Suzuki, giảng sư nổi tiếng của Đại Học Otani, Kyoto, từng thuyết giảng ở nhiều đại học Mỹ và Âu châu.

Khi nói về kinh Lăng Già- Lankavatara Sutra, mặc dù được nhiều người tin là đã ghi lại những lời dạy của Ðức Phật tại đảo Tích Lan, trong cuốn "The Lankavatara Sutra - A Mahayana Text" (1931), ông Suzuki cho rằng bộ kinh này không phải là những lời do chính Ðức Phật nói ra, nhưng được biên soạn về sau bởi các tác giả vô danh, dựa theo triết lý Bắc Tông.

Cũng về bộ kinh Lăng Già, theo giáo sư H. Nakamura ("Indian Buddhism", 1987) thì có nhiều phiên bản của bộ kinh này, và nội dung các phiên bản có phần khác nhau. Ða số các học giả đều kết luận rằng có lẽ kinh này được biên soạn vào những năm 350-400 Tây lịch.

Tác giả sau cùng tôi dùng để dẫn chứng là John R. O'Neil, một học giả nghiên cứu sử học và tôn giáo và là viện trưởng Tâm Thần Học Chuyên Nghiệp của California. Ông đã viết bài “Sự Hình Thành của Đại Thừa” (http://www.buddhanet.net/budsas/uni/1-bai/phap010.htm) mà tôi trích đăng một phần dưới đây.

Theo tôi, những phần nầy tóm lược đầy đủ và tương đối ngắn gọn về những dữ kiện liên quan đến sự hình thành và phát triển của tông phái Đại Thừa.

Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về sau nầy được gọi là Mahayana (Đại thừa), bắt đầu thành hình trong thời gian 250 năm, từ năm 150 TCN đến 100 CN, là kết quả tích tụ của nhiều phát triển vốn có từ trước. Nguồn gốc của nó không liên hệ với một cá nhân nào, và cũng không đặc biệt liên kết với một tông phái nào của thời kỳ Phật Giáo sơ khai. Có thể phong trào đó khởi dậy từ nhiều nơi trong xứ Ấn Độ, tại miền nam, miền tây bắc và miền đông.

Phong trào nầy có ba đặc tính tổng quát. Thứ nhất là sự đồng tình hết lòng với quan niệm về Bồ Tát Đạo vốn đã được một vài tông phái nguyên thủy khởi xướng từ trước. Thứ hai, họ đưa ra một vũ trụ quan mới, dựa vào các pháp quán kiến về Đức Phật mà dưới cái nhìn mới, đã trở thành một vị siêu nhân, siêu thế. Thứ ba, họ có những quan niệm mới về A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Vi Diệu Pháp), phát nguồn từ kết quả thiền quán về "không tính" sâu kín của vạn vật và từ đó có một nhãn quan triết lý mới. Từ ba đặc tính nầy, phát sinh một định hướng mới về giáo pháp của đạo Phật và tạo ra hằng loạt các diễn giải mới lạ, và dần dần tạo nắn thành một phong trào gọi là Đại thừa với tính chất riêng biệt.

Mahayana đi vào lịch sử như một liên hiệp lỏng lẻo của nhiều nhóm, mỗi nhóm liên kết với một hay nhiều kinh điển mới. Các kinh điển nầy được viết ra bằng các phương ngữ miền Trung Ấn chẳng bao lâu sau khi chúng được trước tác. Tiếp theo là các sửa đổi, rồi dần dần trở thành một loại ngữ văn "Sanskrit tạp", rất gần với Sanskrit cỗ, ngữ văn quý trọng của Ấn Độ …

Những người truyền thống lúc đó không chấp nhận các văn liệu mới nầy là "lời dạy của Đức Phật" (Phật ngôn - Buddhavaccana) như các kinh nguyên thủy. Thật ra, kinh điển nguyên thủy cũng bao gồm bài giảng của các vị đại đệ tử nhưng được họ chấp nhận là vì Đức Phật đã từng khen ngợi các vị đại đệ tử đó và Ngài đồng ý với các bài giảng đó. Ngay cả sau khi những vị đó đã qua đời, một vài bài kinh khác đã được thêm vào nếu chúng có cùng văn phong và nội dung với tạng kinh luật.

Kinh điển mới của Mahayana hoàn toàn khác hẳn về văn phong và âm điệu. Nhưng chúng được nhiều người theo phong trào mới chấp nhận là "Phật ngôn" vì nhiều lý do. Thứ nhất, họ tin rằng Đức Phật vẫn hiện hữu, cảm nhận được qua các trạng thái nhập thiền và mộng tưởng, và đã giảng các bộ kinh đó. Thứ hai, chúng được xem như sản phẩm từ các tuệ giác bát nhã có cùng một căn bản như các bài pháp của Đức Phật. Thứ ba, về sau nầy, nhiều người Đại thừa lại tin rằng các kinh điển đó là lời giảng của Đức Phật nhưng đã được dấu đi tại quốc độ của các loài thần rắn (Naga, Long vương), cho đến khi nào loài người có thể nhận thức được tầm mức quan trọng của kinh thì mới thỉnh được chúng qua năng lực trong lúc tham thiền. ….

Các loại kinh điển mới nầy được các người Đại thừa xem như "thời kỳ Chuyển Pháp Luân lần thứ hai", một cấp độ giảng dạy cao sâu hơn các kinh nguyên thủy. Giờ đây, các đệ tử Bồ Tát được hình dung ra như có trí tuệ cao hơn các vị A-la-hán. Vì các kinh điển mới được xem như có giá trị giải thoát, các người Đại thừa cho rằng sẽ có nhiều phước đức nếu chúng được sao chép lại, quảng bá, tụng đọc, tham cứu, thực hành, và ngay cả việc tôn thờ lễ lạc chúng. Điều nầy cho thấy có một thái độ tự vệ của phong trào mới, vẫn còn là thiểu số, đang cố gắng củng cố, xây dựng một thế đứng, phản ứng chống lại các chỉ trích của giới tăng sĩ truyền thống. Có lẽ các kinh điển Mahayana được trước tác bởi một số các vị pháp sư có uy tín và muốn khởi xướng phong trào mới. Các vị nầy, tu sĩ lẫn cư sĩ, truyền bá tư tưởng mới trong và ngoài cộng đồng Phật giáo đương thời để lôi cuốn thêm tín đồ mới. Họ ca ngợi các tính chất cao quí của quả vị Phật Chánh Đẳng Giác, một sự hoán chuyển tâm thức sâu xa, thực hiện qua việc khai phát tâm thức giác ngộ -- giác tâm (bodhi-citta), một lòng hứng khởi để đạt quả vị Phật, qua các phương tiện của Bồ Tát Đạo.

Các quan niệm mới về giá trị của kinh điển đã khuyến khích phong trào Đại thừa có thêm nhiều tự do phóng khoáng, nhiều sự "mặc khải", để tạo ra hằng loạt các kinh điển mới ở Ấn Độ cho đến khoảng năm 650 CN. Các bộ kinh nầy thường được trước tác bởi các vị tu sĩ ẩn danh, thông thường có một nhóm tác giả viết ra một văn bản mới với nhiều chi tiết, càng ngày càng phát triển rộng thành các tác phẩm lớn, có khi lên đến vài trăm trang giấy. Trong khi đó, các kinh điển nguyên thủy thường ngắn gọn hơn, mỗi bài kinh chỉ có vài ba trang. Thật ra, trong một vài bài kinh nguyên thủy, Đức Phật được nhắc đến như là một đại nhân cao quý, xuất chúng, chung quanh là hàng trăm vị chư thiên và đại đệ tử. Các kinh điển Mahayana đã mô phỏng theo lối diễn tả nầy. Trong các kinh đại thừa, Đức Phật thường dùng các ẩn dụ, lời nói bóng bẩy, đa nghĩa, và giảng cho nhiều vị Phật khác, nhiều vị Bồ Tát trong nhiều tầng trời của vũ trụ. Những vị cứu rỗi nầy, chư Phật và chư Bồ Tát với nhiều danh hiệu và nguồn gốc mới lạ, trở thành đối tượng cho việc tôn thờ, sùng bái và cầu nguyện, và từ đó gia tăng tính hấp dẫn, thu hút quần chúng, giúp thành công cho việc truyền bá phong trào Đại thừa.

Đầu tiên, phong trào mới nầy được gọi là Bồ Tát Thừa (Bodhisatva-yana). Tên gọi đó để phân biệt với Thanh Văn Thừa (Sravaka-yana) của những người hành trì các lời dạy nguyên thủy của Đức Phật và nhắm đến quả vị A-la-hán (Arahat), không phải quả vị Chánh Đẳng Giác (Samma-sambuddho). Tên gọi đó cũng để phân biệt với Độc Giác Thừa (Pratyeka-Buddha-yana), dùng để chỉ các vị tu sĩ sống đơn độc, trong các thời xa xưa, tự giác ngộ nhưng không truyền dạy cho người khác. Dần dần, khi bị nhiều chỉ trích và phê bình của những người không tán đồng các tư tưởng mới, phong trào nầy phản ứng lại bằng cách gia tăng ca ngợi tầm mức quan trọng của hạnh Bồ Tát và đưa ra một danh xưng mới: Mahayana (Đại thừa). Các "thừa" khác giờ đây bị khinh chê là thấp kém, và bị gán cho một tên gọi khác là Hinayana (Tiểu thừa). Lý do biện minh cho cái "lớn" của Đại thừa ở trong 3 lãnh vực: ý nguyện từ bi muốn cứu vớt muôn loài, tuệ giác thâm sâu mà họ cổ võ, và mục tiêu nhắm đến quả vị tối thượng của Phật.

…..

Trong giai đoạn đầu khi mới thành hình, phong trào Đại thừa khuyến khích các cư sĩ đi theo Bồ Tát Đạo, thoát khỏi ràng buộc gia đình và lập ý nguyện xuất gia, trở thành tu sĩ, hành trì để đạt đến một trình độ tâm linh cao thượng. Về sau, vai trò của cư sĩ tại gia lại được đề cao hơn, chẳng hạn như trong kinh Duy Ma Cật (Vimalakirti-nirdesa). Từ quan niệm nguyên thủy Bồ Tát là người sắp thành Phật và thường dùng để chỉ các tiền thân của Phật Cồ Đàm, quan niệm về Bồ Tát trong Đại thừa được triển khai với ý nghĩa mới, trở thành một người cao thượng, giàu lòng hy sinh và từ bi để cứu nhân độ thế, làm việc từ thiện, chia xẻ công đức, đáp ứng các lời cầu nguyện, khuyến khích lễ lạc, phúng tụng, xây tháp v.v. Quan niệm nầy càng ngày càng trở nên phổ thông, nhất là khi Đại thừa được truyền sang Trung Hoa và một số kinh điển đã được trước tác thêm tại đó.

Qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ Phật Giáo tại Ấn Độ học tập và hành trì theo cả hai truyền thống Thanh Văn Thừa và Đại Thừa, có khi họ cùng ở chung một tự viện. Ngay cả các nhà hành hương Trung Hoa cũng không phân biệt được Đại thừa như là một phong trào riêng rẻ trước thế kỷ 4 Công Nguyên. Về sau nầy, danh từ Tiểu thừa (Hinayana) đã bị nhiều người đồng hóa với ý nghĩa hạ tiện, thấp kém, và do đó cần phải tiến lên một mức độ cao hơn của Đại thừa (Mahayana).Trong ý nghĩa lịch sử, danh từ Hinayana khởi nguyên do các kinh điển Mahayana đặt ra để chỉ những truyền thống và bộ phái nguyên thủy vốn không công nhận các kinh điển mới của phong trào Đại thừa…”

Sự kiện các tông phái bất đồng ý với nhau ở nhiều mức độ về các tư tưởng cơ bản nhất trong Phật pháp (trừ Tứ Diệu Đế) là một điều mà bất cứ nghiên cứu gia nào cũng công nhận. Đây là một nhược điểm lớn của Phật giáo: không ai biết thật sự biết rõ Thích Ca đã dạy những gì khi còn sinh tiền (nhưng ai cũng khẳng định rằng chỉ có con đường họ đi là “chánh đạo”)

Có một nhận xét khá thú vị khi đọc các bài viết của hai Hòa Thượng Thích Minh Châu và Thích Giác Hoàng. Lối lý luận của họ là một lối lý luận tiêu biểu của các tu sĩ Phật Giáo.

Một mặt họ công nhận rằng phần lớn kinh sách Đại Thừa được soạn thảo nhiều thế kỷ sau khi Thích Ca qua đời bởi một số tăng sư vô danh để đáp ứng nhu cầu “cần được cứu rỗi” của Phật tử và thu hút tín đồ để truyền bá Phật Giáo rộng rãi.

Một mặt khác họ cổ động độc giả tụng niệm tinh tấn các bộ kinh trên để “từ đó hiểu được Phật Pháp sâu rộng hơn, vận dụng giáo lý vào đời sống thực tiễn hơn”.

Đặc biệt, TT Giác Hoàng cho rằng:  “Ví dụ, một số Kinh điển Đại Thừa hoặc một số Kinh điển thuộc Thượng Toạ Bộ, nếu có ai hỏi Kinh đó ra đời lúc nào, có phải do chính Đức Phật tuyên thuyết hay không? Bản thân Thầy đôi lúc không thể áp dụng phương pháp trả lời rất dứt khoát, nhưng thiếu  linh động “Yes hay No” (Có hay không) của một số người (người Mỹ thường có thói quen này), mà chỉ áp dụng tinh thần của Á Đông hơn, nghĩa là cần thì có một câu trả lời thoả đáng và đưa ra một đáp án cụ thể, minh bạch, có thể chứng minh một cách đàng hoàng, ngược lại thì cũng trả lời như thế nào đó cho phù hợp với tính khế cơ hơn là khế lý.”

Nói cách khác, TT Giác Hoàng cho rằng các câu hỏi về sự “nguyên thủy” của kinh sách Đại Thừa rất khó trả lời thỏa đáng; và nếu cần thì ông sẽ trả lời dựa trên nguyên tắc “cơ duyên” (có duyên thì sẽ thấu hiểu) hơn là dựa trên dữ kiện lịch sử.

Có lẽ điều tôi muốn nhấn mạnh nhất ở đây là khi đọc qua các diễn biến lịch sử về sự thành hình và phát triển của tông phái Đại Thừa, một sự kiện rõ ràng đập vào mắt là: các tăng sư trong những thế kỷ đầu của Công Nguyên đã dựa vào quan điểm triết lý và kiến thức cá nhân cũng như nhu cầu truyền bá đạo cho tông phái họ để soạn thảo ra những lề luật cũng như những ý niệm sau nầy được xem là “cơ bản và nguyên thủy” của Đại Thừa.

Có nghĩa là đại đa số những gì mà Phật tử cho là thiêng liêng và huyền bí ngày nay thật ra chỉ là các sản phẩm sáng tạo của một số người da phàm mắt thịt không khác gì họ. Và một trong các mục đích chính của sự sáng tạo nầy chỉ là để thu hút tín đồ đi theo tông phái của họ.

Và nhiều tăng sư lão thượng biết rõ điều nầy nhưng không có mấy ai muốn đề cập đến.

 

 Cập nhật: 6/2013


Make a Free Website with Yola.