Đại Ý:

Tôn giáo cũng tiến hóa theo sự tiến hóa của con người, tương tự như ngôn ngữ.

Cả tôn giáo và ngôn ngữ đều qua những quá trình được tạo thành, được thuần hóa và được biến dạng theo thời gian. Những tôn giáo và ngôn ngữ trong lịch sử con người không còn thích hợp và cần thiết cho con người nữa đều đã bị diệt vong.

Tôn giáo và ngôn ngữ sẽ luôn luôn còn tồn tại khi loài người còn tồn tại. Tuy vậy không có tôn giáo và ngôn ngữ nào sẽ còn tồn tại vĩnh viển. Lịch sử đã vô số lần cho thấy điều đó.

 

Trở lại:

-      Tôn Giáo

-     Giới Thiệu

 

 

Tôn giáo là một sản phẩm được thiết kế xuất sắc qua quá trình tiến hóa của loài người. Để tìm hiểu về tôn giáo, chúng ta hãy so sánh tôn giáo với ngôn ngữ.

  

Ngôn ngữ qua quá trình tiến hóa

 Ngôn ngữ hiện hữu trước tôn giáo. Hiện nay chỉ còn khoảng vài ngàn ngôn ngữ trên toàn thế giới, nhưng trong quá khứ người ta phỏng định đã có hàng chục ngàn ngôn ngữ đã thành hình và diệt vong.

Ai đã sáng chế ra những ngôn ngữ nầy? Ngôn ngữ từ đâu mà đến?

Trong mỗi ngôn ngữ có hàng trăm ngàn chữ, hầu hết toàn thể những chữ đó không do ai phát minh ra cả. Ngôn ngữ ngày nay thành hình từ một quá trình tiến hóa qua nhiều ngàn năm. Mỗi ngôn ngữ đều có tổ tiên của chúng. Ngôn ngữ có thể được xếp vào thành nhóm có cùng chung một tổ tiên (thí dụ nhiều ngôn ngữ ở Âu, Mỹ châu xuất phát từ La Tin). Nhiều chữ trong một ngôn ngữ dần dần thay đổi ý nghĩa của chính nó theo thời gian. Nhiều chữ biến hóa ra thành những chữ khác trong cùng một ngôn ngữ. Nhiều chữ trong nhiều ngôn ngữ có xuất xứ từ nhiều ngôn ngữ khác cùng nhóm hay khác nhóm. Nói cách khác, ngôn ngữ không những tiến hóa “từ trên xuống dưới” mà còn tiến hóa “ngang hàng” nữa.

“Chữ” là gì? Trước khi tiếp tục, chúng ta hãy nhìn sơ qua khái niệm “meme”.

“Meme” (phát âm vần với chữ “cream” trong tiếng Anh) là một khái niệm đưa ra bởi Richard Dawkins năm 1976 để diễn tả một vật thể tưởng tượng thí dụ như một ý tưởng văn hóa, một ấn tượng, một phong tục, v.v. có thể truyền bá từ một tập thể con người nầy đến tập thể con người khác, từ thế hệ nầy đến thế hệ khác, bằng ngôn ngữ, tập quán hay những phương cách bắt chước nhau khác.

Thí dụ của meme: một ý tưởng, một điệu nhạc dân tộc, một cách kiến trúc, một lối phục sức, một câu ngạn ngữ, một niềm tín ngưỡng, v.v. Những “vật thể” nầy được sinh sản ra (một cách vô tình hay cố ý) bởi một tập thể rồi lan truyền qua những tập thể khác ở không gian và thời gian khác, như đã nói ở trên, bằng ngôn ngữ, tập quán hay bằng sự học hỏi, nghiên cứu và áp dụng (một cách vô tình hay cố ý).

Khái niệm “meme” khi nói về văn hóa nhân loại có thể được so sánh tương đương với trường hợp “gene” trong sinh vật học. Meme có thể tự phát triển và biến đổi đáp ứng lại những ảnh hưởng của môi trường chung quanh nó. Các meme kể trên tiến hóa không ngừng qua sự “tuyển chọn tự nhiên” bằng cách “thay đổi”, “biến dạng”, “tranh giành” và “thừa kế”. Những meme nào, cũng giống như gene, tiến hóa thích hợp với môi trường sẽ sống còn và phát triển mạnh; những meme nào trở thành không thích hợp nữa sẽ phát triển chậm lại và nếu không biến cải kịp thời sẽ dần dần bị hủy diệt.

Cũng như trong trường hợp gene, meme tiến hóa khi cần phải đáp ứng với sự thay đổi của môi trường hay để cải tiến cơ hội sống còn của mình (mặc dù không phải lúc nào cũng hoàn toàn thành công). Một điều cần nhớ là cũng có khi có những sự tiến hóa meme, giống như gene, đem lại hậu quả thất lợi nói chung cho “chủ” của chúng. Thí dụ trong trường hợp gene: tế bào ung thư. Thí dụ trong trường hợp meme: các hủ tục lưu truyền trong xã hội.

Trở lại vấn đề “chữ”. Nếu “chó là một loại thú vật” thì “chữ là một loại meme”. Và loại meme “chữ” nầy chúng ta có thể phát âm được (như đã thấy, có nhiều loại meme không thể phát âm được).

Chúng ta ai cũng phải công nhận chữ trong ngôn ngữ đã được thiết kế tinh vi, phức tạp và hiệu quả tuyệt vời. Thế mà chữ trong ngôn ngữ: 1. (hầu hết) không do một cá nhân ai thiết kế hay sáng tạo, 2. tự sinh sản và biến đổi theo thời gian, 3. không truyền lại thế hệ nầy sang thế hệ khác bằng phương pháp sinh lý (như gene) mà truyền lại theo sự biến đổi của văn hóa và xã hội. Nói cách khác, chữ trong ngôn ngữ tuân theo luật “tuyển chọn tự nhiên” của lý thuyết tiến hóa.

Chữ trong ngôn ngữ có thể dùng để truyền bá một khái niệm, một kiến thức, một sự kiện văn hóa từ một nhóm người sang một nhóm người khác hay từ một thế hệ sang một thế hệ khác.  Nhiều khi một người có thể truyền bá (gởi) cũng như người có thể được truyền bá (nhận) một khái niệm, kiến thức hay sự kiện văn hóa nhưng họ không hiểu rõ ý nghĩa thật sự của chúng.

Thật ra là họ không cần hiểu rõ ý nghĩa thật sự của chúng Thí dụ, chúng ta có thể nói về ngọn núi Everest nhưng chưa bao giờ thấy nói cả. Thí dụ, công thức E=mc2 có thể được dùng trong những cuộc thảo luận chính chắn nhất mặc dù cả người nói lẫn người nhận không hiểu rõ chi tiết về nó. Nhờ đó mà kiến thức và sản phẩm văn hóa có thể truyền bá nhanh chóng, rộng rãi và hữu hiệu được. 

Tuy vậy, chính sự kiện “chữ trong ngôn ngữ có thể dùng để truyền bá một khái niệm, một kiến thức, một sự kiện văn hóa khi cả người nói lẫn người nghe không hiểu rõ chi tiết về nó” nhiều khi gây ra sự hiểu lầm, hay hiểu không trọn vẹn, giữa người gởi và người nhận. 

Bây giờ nói về tôn giáo.

Tôn giáo qua quá trình tiến hóa

Có 3 giai đoạn trong quá trình tiến hóa của các meme trong tôn giáo: tạo thành, thuần hóa và biến dạng.

Đây là một thí dụ của một meme trong tôn giáo và sự tạo thành của nó: Một ngày nọ trong quá khứ một nhóm người đang đi trong rừng trong đêm tối, bất chợt có một tiếng động lạ. Ai cũng giật mình hồi hộp. Một người nghĩ rằng ông ta nghe có tiếng nói phát ra từ một cây cổ thụ gần đó. Khi về đến làng, người nầy kể lại ý nghĩ của ông về cái cây biết nói. Trong nhóm sẽ có người cười nhạo ông ta, có người bán tín bán nghi. Câu chuyện cái cây biết nói được kể lại khắp làng, rồi lan truyền sang khắp vùng. Tương tự, cũng sẽ có nhiều người cười nhạo không tin, có người bán tín bán nghi, có người tin. Dần dần qua nhiều năm tháng, câu chuyện có cái cây trong rừng biết nói trở thành một “kiến thức” mà ai cũng biết. Và cái kiến thức nầy dần dần biến đổi phát triển ra thành “cây biết cử động” đến “cây có mặt người” đến “thần cây” đến “thần rừng”, v.v.

Cái “kiến thức” vừa kể trên là một meme. Nó được sinh sản ra một cách vô tình rồi dần dần tiến hóa thành một ý tưởng phát triển rộng rãi trong xã hội.

Số người tin hay không tin một meme thay đổi ít nhiều tùy theo bản chất của mỗi meme và tùy bối cảnh mỗi xã hội. Mỗi meme là một di sản văn hóa được truyền bá qua ngôn ngữ từ tập thể nầy sang tập thể khác, từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Cũng giống như chữ trong ngôn ngữ, meme tiến hóa “từ trên xuống” nội trong nhóm của nó hay “hàng ngang” lan truyền qua những nhóm khác. Ý tưởng nầy biến thái thành ý tưởng khác, chồng chất, vay mượn và hỗ trợ nhau với thời gian.

Cũng giống như chữ trong ngôn ngữ, nhiều khi có nhiều meme trong tôn giáo có thể được truyền bá từ tập thể nầy sang tập thể khác, từ thế hệ nầy sang thế hệ khác mà cả người truyền bá lẫn người được truyền bá đều không hiểu rõ ý nghĩa thật sự của chúng.

Cũng như mọi thứ khác trong thiên nhiên, như thú hoang như cây cỏ dại trong rừng, meme hiện hữu và sinh tồn không vì lợi ích của ai cả nếu không vì lợi ích riêng của chính chúng.

Cũng giống như mọi thứ khác trong quá trình tiến hóa, có nhiều meme bị diệt chủng từ lâu trong khi có những meme vẫn sống vững mạnh cho đến ngày nay (hoặc không thay đổi lắm, hoặc sau khi đã tự biến cải để trở thành thích hợp hơn với môi trường hiện tại).

Trong lịch sử tôn giáo, có vô số meme như thần núi, thần sông, thần sấm sét, núi lửa, tế sống trinh nữ, v.v. đã hưng thịnh qua hàng ngàn năm để rồi nói chung đã biết mất khỏi xã hội tây phương hiện thời. Cũng có vô số những meme khác vẫn sống còn và phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Một trong những thí dụ là “Thượng đế” trong Ki Tô giáo, Do Thái giáo hay Hồi giáo.

Cũng như trường hợp hủ tục trong văn hóa, nhiều khi qua quá trình tiến hóa có nhiều meme trong tôn giáo đồng thời đem lại những hậu quả thất lợi cho xã hội (“chủ” của chúng).

Giai đoạn thuần hóa của tôn giáo

Hãy nhìn một đàn cừu và người chăn giữ chúng. Đàn cừu cần có người chăn giữ để sống còn. Có người chăn giữ, đàn cừu không phải lo lắng về thức ăn, nước uống, chổ ngủ, chó sói, bệnh tật. Bù lại, đàn cừu phải hy sinh một số quyền lợi của mình như tự do sinh lý, tự do chạy rong trên đồng cỏ, bị cắt lông, v.v.

Qua sự trao đổi nầy, đàn cừu đem lại cho chúng một khả năng sống còn mạnh mẽ gấp nhiều lần so với các con cừu hoang trong núi cao rừng thẳm. Nói về số lượng, giống cừu bị thuần hóa bởi con người nhiều gấp trăm ngàn lần số cừu hoang. Do đó trên phương diện tiến hóa, giống cừu bị thuần hóa đã thành công gấp trăm ngàn lần giống cừu hoang, mặc dầu sự thành công nầy không phải do tự chủng loại của chúng tạo ra mà chỉ là một sản phẩm phụ của một nhu cầu của con người.

Nói một cách khác, quá trình tiến hóa có thể xảy ra và đem đến thành công cho một chủng loại mà chủng loại đó không cần phải làm gì hết để góp phần vào sự tiến hóa và thành công nầy.

Nói một cách khác nữa, tôn giáo đã tiến hóa và bành trướng như một sinh vật hoàn toàn nhờ vào bàn tay của con người.

Giống như tổ tiên của loài cừu, những meme trong tôn giáo cũng bắt đầu từ trạng thái “hoang”. Sau đó một số chúng được thuần hóa bởi con người. Những meme trong tôn giáo được thuần hóa và chăm sóc (giống như cừu được thuần hóa và có người chăn giữ) sẽ có nhiều cơ hội sống còn hơn những meme không có các điều kiện nầy. Muốn bành trướng mạnh mẽ, những meme trong tôn giáo cần phải có người bỏ công sức ra chăm lo cho sự phát triển của chúng.

Khái niệm tôn giáo bắt đầu có khoảng 20 ngàn năm về trước vì chúng ta có những tài liệu khảo cổ, những bức tranh vẽ trên vách hang động cho thấy đó là khi con người bắt đầu áp dụng nghi lễ mai táng trong đời sống của họ.

Nông nghiệp bắt đầu khoảng 10 ngàn năm về trước. Đó là khi con người bắt đầu thuần hóa thú vật và cây cỏ để phục vụ cho mình. Do Thái giáo và Ki Tô giáo chỉ hiện diện trong khoảng 3000 năm nay.

Chúng ta cần nhớ một điều là những tôn giáo (cũng như những ngôn ngữ, những sinh vật) còn tồn tại ngày nay chỉ là một phần rất nhỏ của hàng trăm ngàn những tôn giáo đã từng hiện hữu và phần lớn đã diệt vong. Những tôn giáo ngày nay còn tồn tại vì chúng mang lại lợi ích cho con người (cũng như loài cừu ngày nay mang lại lợi ích cho người chăn giữ chúng).

Như đã nói, khái niệm “Thượng đế” là một meme đã được thuần hóa. Meme nầy có ích lợi trong việc giải thích những sự kiện không thể giải thích được bằng phương tiện nào khác.

Khái niệm “tuân phục Thượng đế tuyệt đối” cũng là một meme đã được thuần hóa, xuất xứ từ meme “Thượng đế” nói trên.

Giai đoạn biến thể của tôn giáo

Đây là giai đoạn mà con người thiết kế lại những gì đã được thiết kế trong giai đoạn thuần hóa kể trên để cố gắng biến đổi bản chất của tôn giáo để trở thành thích hợp hơn cho nhu cầu con người.

Trong giai đoạn nầy, vai trò của tôn giáo được thiết kế để phục vụ nhu cầu xã hội ngang hàng với nhu cầu tâm linh.

Sự phối hợp của 2 meme “Thượng Đế” và “tuân phục Thượng Đế tuyệt đối” ở trên có ít nhất 3 ích lợi sau đây: 1. khi cần quyết định về những việc khó khăn ngoài vòng kiểm soát của một người, 2. có hiệu quả của placebo (thuốc giả nhưng người dùng tưởng thật nên có khi mang đến hiệu quả thật), và 3. đóng vai trò cảnh sát để kềm chế và kiểm soát. 

Thí dụ về khi cần quyết định về những việc khó khăn ngoài vòng kiểm soát của một người: “Chuyện nầy cần làm vì đó là ý Trời”, “Tôi đã cầu nguyện và cảm thấy được Ơn Trên sẽ phù hộ cho chúng ta trong chuyến đi nầy”.

Thí dụ về có hiệu quả của placebo: “Tôi cầu nguyện và căn bệnh của tôi đã thuyên giảm hẳn!”, “Từ khi tôi đeo bùa của ông thầy trên núi ABC tôi không còn lo sợ ai hãm hại tôi nữa cả!”

Thí dụ về đóng vai trò cảnh sát để kềm chế và kiểm soát: “Nếu con không nghe lời mẹ thì Chúa sẽ phạt con đời đời!”, “Dù con làm gì trong phòng riêng của con nhưng Chúa đều thấy biết cả!”

Những meme trên sinh ra nhiều ý niệm “hậu sinh” khác; những ý niệm nầy thường được phát xuất và truyền bá bởi các tổ chức tôn giáo.

Thí dụ như ý niệm “Đừng đổ lỗi cho Thượng Đế, chỉ cám ơn Thượng Đế”. Khi trận sunami sau ngày Giáng Sinh năm 2004 xảy ra ở quần đảo Nam Dương với hàng trăm ngàn người thiệt mạng, nhiều nhà thờ khuyên bảo tín đồ đừng trách móc Thượng Đế đã gây ra thảm cảnh nầy mà hãy cám ơn Thượng Đế mình không có trong số nạn nhân ấy! Ý niệm nầy dùng để bào chữa và bảo vệ sự sự hoàn hảo tuyệt đối không bao giờ sai lầm của “Thượng Đế”, hay đúng hơn là để bào chữa và bảo vệ sự hoàn hảo không bao giờ sai lầm của cái “khái niệm Thượng Đế”.

Thí dụ như ý niệm “Đừng bao giờ tranh cãi với Quỷ vương; hắn lúc nào cũng thắng vì đã có hàng ngàn năm khinh nghiệm”. Ý niệm nầy được truyền dạy cho tín đồ để dùng khi đương đầu với những nhận xét, phê bình, chỉ trích về tôn giáo họ mà họ không thể nào bào chữa hay chống đỡ được. Khi đó họ chỉ cần cho rằng những nhận xét, phê bình, chỉ trích nầy là sản phẩm của Quỷ vương thì họ sẽ không còn phải tự thắc mắc, ấm ức hay lo nghĩ tại sao lý lẽ của họ không thể bảo vệ được niềm tin của họ; và từ đó họ không còn cần phải suy ngẫm, tìm hiểu thêm về những khiếm khuyết trong giáo điều của họ nữa.

Một trong những ý niệm biến thể quan trọng nhất từ những meme trong tôn giáo là “Cần phải tin vào Thượng Đế mới có thể sống một cuộc đời đạo đức”. Ý niệm nầy được các tổ chức tôn giáo độc thần, điển hình là Thiên Chúa giáo, dùng để tự nâng cao họ bằng cách chiếm đoạt một tài sản có giá trị trong xã hội (đó là khả năng sống đạo đức tự nhiên của con người) và đồng thời chủ mưu tướt đi tài sản nầy khỏi những kẻ không tin vào tôn giáo của họ.

Lông thần hay gông cùm?

Trong phim hoạt họa về chú voi con Dumbo, những con quạ biết Dumbo có thể dùng 2 vành tai to lớn của nó để bay nhưng Dumbo không tin như vậy. Các con quạ phải dụ gạt bằng cách đưa cho Dumbo một cái “lông thần” (thật ra chỉ là một cái lông chim bình thường) và nói rằng cầm nó thì sẽ bay được. Nhờ đó mà Dumbo chịu nhắm mắt nhảy ra khỏi bờ đá cao, quạt mạnh 2 tai của mình và bay lượn được. Một lúc sau đó khi các con quạ nói sự thật thì ban đầu Dumbo rất kinh hãi nhưng sau đó nhận ra rằng chính mình có khả năng bay chớ không phải nhờ chiếc lông thần.

Trong những nền văn minh thô sơ của nhân loại, con người cần một chiếc lông thần để bám víu vào khi đối đầu với những khó khăn không chinh phục được. Ngày nay, nhiều người vẫn còn cần bám víu vào chiếc lông thần đó vì họ không tự tin ở khả năng tâm linh và đạo đức của chính họ. Cái cảm tưởng an toàn khi nắm trong tay chiếc lông thần được hỗ trợ và khuếch trương (cũng như bị áp lực phải gìn giữ) bởi môi trường tôn giáo trong đời sống của họ. Mỗi khi có ai muốn cho họ biết về giá trị thật sự của chiếc lông thần nầy, họ cảm thấy rất kinh sợ và do đó phản ứng chống đối mạnh mẽ.

Nếu hỏi tôn giáo có còn cần thiết cho con người ngày nay hay không, đa số sẽ trả lời là “Có”. Nếu hỏi có lý do gì để cần tiếp tục tôn thờ các thần mưa, thần gió, thần sấm sét, thần núi lửa, chiến tranh, thần ái tình, v.v. hay không, thì cũng những người nầy sẽ trả lời là “Không”. Tại sao câu trả lời là “Không” trong khi những thần linh đó đã từng là chiếc lông thần rực rỡ qua hàng ngàn năm trong một trong những nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại? Đó là vì nhân loại đã tiến hóa và chiếc lông thần mang tên các thần linh đó đã trở thành hủ lậu, lỗi thời và vô dụng. Đa số các dạng tôn giáo ngày nay cũng đã trở thành hủ lậu và lỗi thời cho con người.

Ảnh hưởng tai hại sâu rộng của các tôn giáo nầy đã và đang đè bẹp những ảnh hưởng tốt lành nhỏ nhoi của chúng. Chúng trở thành những chướng ngại vật trên con đường tiến hóa của nhân loại.

Chiếc lông thần đã giúp cho Dumbo bay được, nhưng đồng thời thời cũng là gông cùm nếu không vứt bỏ đi khi không còn cần thiết nữa.


Make a Free Website with Yola.