Có vô số trường hợp thầy tu truyền dạy tín đồ những điều mê tín dị đoan hay lợi dụng lòng tin của tín đồ để vụ lợi.
Nếu một người nhận biết rằng việc nầy xảy ra mà:
- không cho rằng đó là một điều sai trái, hoặc
- không có phản ứng thích ứng đối với điều sai trái nầy
thì người ấy cũng có lỗi không kém.
Tuy không phải là tòng phạm trực tiếp, người ấy vẫn có lỗi đã gián tiếp che chở, dung dưỡng việc lợi dụng lòng tin của tín đồ để vụ lợi trên.
Có nhiều lý do tại sao một người trong trường hợp nầy không có phản ứng gì cả mặc dù nhận thấy rõ là thầy tu đang lợi dụng lòng tin của tín đồ để vụ lợi. Vài lý do đó là:
- Từ nhỏ họ đã được cha mẹ dạy phải luôn luôn kính trọng thầy tu vì thầy tu là những người hiểu biết về đạo lý cao siêu và có đạo đức.
- Họ không dám lên tiếng công khai phản đối vì ngại phiền toái đến thân mình. Cụ thể nhất là họ sợ cộng đồng tín đồ chung quanh (thường là những người họ quen biết, thân thiện) phê phán là họ đã xúc phạm một bậc tu hành và đó là một việc làm vô đạo đức.
- Họ cho rằng thầy tu thay thế Phật/Chúa truyền dạy tôn giáo cho con người nên phê bình, chỉ trích thầy tu là một việc làm tội lỗi và trái ngược với đạo lý “nhân từ và vị tha” của Phật/Chúa.
- Họ cho rằng dù cho thầy tu đó có lợi dụng lòng tin của tín đồ để vụ lợi đi nữa thì cũng vẫn là người đại diện cho tôn giáo. Nếu phê bình, chỉ trích thầy tu thì sẽ gây tai tiếng có hại cho tôn giáo của họ.
- Họ cho rằng dù cho thầy tu đó có không hoàn toàn đi nữa thì cũng vẫn là người giảng dạy các tín điều thiêng liêng cho họ. Dù gì thì “có vẫn còn hơn không”.
Do đó họ ngần ngại không dám lên tiếng phản đối và ngoảnh mặt làm ngơ (với chính họ) về vấn đề nầy.
Đây là một lý do lớn tại sao các tệ nạn trong tôn giáo vẫn tiếp tục xảy ra khắp nơi từ đời nầy đến đời khác.