Tôi đã nhiều lần nói là tôi không chủ trương thuyết phục tín đồ hay có tham vọng tiêu diệt tôn giáo.
Đó là vì, như tôi cũng đã từng nói, tín ngưỡng chỉ là một nhu cầu cơ bản của con người. Nhu cầu tín ngưỡng không khác gì nhu cầu tình dục, nằm kế cận ngay đàng sau những nhu cầu tối cần thiết cho sự sống còn như cơm ăn, áo mặc, nhà ở.
Tín ngưỡng là niềm tin vào những sức mạnh huyền bí, lớn hơn, mạnh hơn những gì họ hỉểu biết và kiểm soát được trong vũ trụ chung quanh họ. Con người tin và thần phục những sức mạnh nầy để mong đánh đổi lấy sự bảo vệ, che chở khỏi những tai ương, chết chóc mà họ không thể nào trốn tránh được. Hay ít ra là nó có thể trấn an phần nào sự sợ hãi của họ về các thảm họa đó.
Từ trong tiềm thức sâu thẳm nhất của con người đã có nhu cầu nầy. Nó nằm trong DNA của mỗi cá nhân và di truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Ra sức thuyết phục một tín đồ sùng đạo nên từ bỏ niềm tin của họ cũng không khác gì ra sức thuyết phục một anh chàng trẻ tuổi từ bỏ hẵn mọi vấn đề liên quan đến tình dục. Điều nầy phản thực tế và vô ích.
Đó là lý do mà tôi chủ trương không tranh cãi với những người cuồng tín.
Lịch sử cho thấy loài người đã có vô số tôn giáo khác nhau. Khác nhau là vì mỗi nhóm sống ở mỗi địa phương, mỗi thời điểm khác nhau có những mối lo lắng sợ hãi khác nhau nên họ đã cần phải chế đặt ra những niềm tin khác nhau để trấn an cho họ. Khác nhau là vì ở mỗi hoàn cảnh xã hội và trình độ kiến thức khác nhau thì họ cần phải cải biến niềm tin của họ để thích ứng hơn với tư duy hiện có của họ.
Nói cách khác, tôn giáo được con người liên tục thay đổi, phát triển, tiến hóa mãi theo cách thức cần dùng của họ. Tôn giáo do đó không bao giờ tàn lụn cả. Khi một tôn giáo không còn thích ứng với sinh hoạt và tư duy của con người thì nó sẽ bị đào thãi và thay thế bởi một tôn giáo mới khác. Những tôn giáo đã hiện diện nhiều ngàn năm trong những thời kỳ văn minh huy hoàng nhất của lịch sử nhân loại cũng đã không thoát khỏi định mệnh nầy.
Tuy như tôi đã nói là không ai có thể tiêu diệt tất cả mọi tôn giáo nhưng mỗi tôn giáo đến một lúc nào đó đều đi đến cái chết của nó. Các tôn giáo lớn mạnh nhất trên thế giới hiện tại cũng chỉ mới hơn 2000 năm tuổi mà thôi. Những tín đồ cho rằng thượng đế của họ mang huyền lực vượt thời gian và tôn giáo họ là chân lý vĩnh cửu chỉ là những người hoặc không có kiến thức lịch sử hoặc sống trong ảo vọng.
Cập nhật: 6/2013