Đại Ý:

Quan điểm triết lý của tôi dựa trên chủ trương 1/Lấy “vô biên giới” làm biên giới của mình, và 2/ Chọn lựa và giữ những gì thích hợp, loại bỏ những gì không thích hợp với mình.

Nhân sinh quan của tôi tuy chịu ảnh hưởng bởi một vài lý thuyết Phật giáo nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy các lý thuyết khác và nhiều vấn đề trong lãnh vực thực hành của Phật giáo không thích hợp với tôi.

Tôi không xem tôi là một Phật tử. 

 

Trở lại:

-      Phật Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

 Có thể nói là nhân sinh và vũ trụ quan của tôi chịu ảnh hưởng bởi một số lý thuyết Phật giáo. Nhiều hay ít là tùy cách mỗi người cho rằng những lý thuyết nầy thuộc về Phật giáo hay không.

Tôi muốn nói về các khái niệm như “vô ngã”, “vô thường” và nguyên lý diệt khổ Tứ Diệu Đế, cũng như một số các khái niệm mà nhiều người cho rằng mang tính chất “vô thần” như “vũ trụ không có điểm khởi đầu hay chấm dứt, không do ai tạo ra và điều khiển hay kiểm soát”, “con người sau khi chết sẽ tan biến vỉnh viễn vào một đại thể bao la vô tận”, v.v.

Có một điều chắc chắn là tôi không nằm trong cái gọi là Phật giáo chúng ta thấy ngày nay.

Khi bị hỏi theo đạo gì thì tôi thường nói đùa rằng tôi theo "đạo Lý Tiểu Long". Triết lý của Lý Tiểu Long khi sáng lập môn võ của ông nói chung là 1/Lấy “vô biên giới” làm biên giới của mình, và 2/ Chọn lựa và giữ những gì thích hợp, loại bỏ những gì không thích hợp với mình. Tôi tuy chịu ảnh hưởng bởi một số lý thuyết Phật giáo nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy một số lý thuyết khác, và nhiều thứ trong lãnh vực thực hành, của Phật giáo không thích hợp với tôi. Vì vậy tôi không coi tôi là một Phật tử.

“Vô biên giới” là vì quan điểm của tôi có thể phát xuất từ bất cứ hệ thống triết lý nào. Tôi không giới hạn tôi trong kinh Phật hay Kinh Thánh hay bất cứ tài liệu hay sách vở gì bất kể chúng tuyên dương hay đả kích một hệ thống triết lý nào. Tôi dùng sự phán xét dựa trên kinh nghiệm và kiến thức của tôi để lựa chọn những gì cần thu nhận và loại bỏ những gì không thích hợp. Phật tử thường (tự họ) không cho phép họ có được sự tự do nầy. Họ không thể mở mang được tầm nhìn của họ vì khi đứng trước bất cứ tư tưởng nào mới lạ thì họ sẽ phản ứng “nhưng trong kinh ABC nói khác, do đó tôi không thể chấp nhận tư tưởng nầy được”.

“Vô biên giới” cũng là vì quan điểm của tôi có thể thay đổi với thời gian. Nói cho cùng thì cái gì trong vũ trụ nầy không thay đổi với thời gian?

Khi nói rằng tôi chỉ chọn giữ những gì “thích hợp” và loại bỏ những gì “không thích hợp” là vì ở mỗi thời điểm trong đời sống, hoàn cảnh của mỗi người sẽ mỗi khác nhau. Ở mỗi hoàn cảnh, cái gì “thích hợp” hay “không thích hợp” sẽ tự dưng hiễn nhiên đối với mỗi người. Tuy vậy, một người nằm trong gông cùm của tín ngưỡng sẽ không có sự tự do lựa chọn để đi theo con đường thích hợp với mình.

Một số tín đồ Công Giáo hiểu tôi đang muốn nói gì ở đây: họ từ nhỏ đã bị nhồi nhét vào đầu những gì tôn giáo họ cho là “tội lỗi” mặc dù bản năng tự nhiên và sự suy luận bình thường của họ luôn luôn ngầm phản kháng là “vô lý”. Tuy tín đồ Phật Giáo thường không bị ràng buột đến mức độ tương tự bởi giáo lý và tín điều, những người suốt đời tự trùm đội tấm chăn mê tín dị đoan trên đầu mình cũng không có được sự tự do nầy (và họ không hề hay biết).

Có người sẽ hỏi rằng nhưng nếu “tự do” như vậy thì làm sao bảo đảm được đạo đức? Theo tôi thì đạo đức thật sự là đạo đức xuất phát từ trách nhiệm tự nguyện của tri thức cá nhân. Nếu bị ép buộc dù trực tiếp bằng những lời hăm dọa (thí dụ: “làm điều ác sẽ tạo ra nghiệp chướng đời sau”) hay gián tiếp qua những hứa hẹn, dụ dỗ (thí dụ: “làm việc thiện sẽ gặp việc thiện trả lại”) thì cái gọi là “đạo đức” đó chỉ là những trao đổi với mục tiêu vụ lợi và do đó vô ý nghĩa.

Tôi biết có một vài người cũng mang một số nhân sinh vũ trụ quan rất tương tự như tôi và họ xem họ là Phật tử. Vài thí dụ về nhóm người là Hòa Thượng Thích Thông Lạc, Hòa Thượng Thích Trí Thông, Stephen Batchelor. So sánh với nhóm người trên thì có thể nói rằng cái khác nhau duy nhất, và quan trọng nhất, trong lãnh vực nầy là vài người ấy vẫn nắm giữ khái niệm “nhân quả”, và có khi cả khái niệm “luân hồi”, như là nền tảng chính yếu của niềm tin của họ. Trong khi đó tôi không tìm thấy đủ bằng chứng khách quan và thỏa đáng để tin rằng các khái niệm trên hiện hữu trong thực tế.

Nói về hình thức thì tôi cũng khác họ ở chỗ tôi không xem Thích Ca là giáo chủ giống như họ; và theo tôi thì Thích Ca (nếu hiện diện) cũng sẽ không quan tâm đến việc tôi (hay bất kỳ ai khác) có tôn thờ ông là giáo chủ hay không. Điều đáng kể duy nhất đối với ông ấy họa chăng là người ta có đi đúng theo con đường mà ông đã bỏ công ra chỉ dạy hay không. Ngoài ra tôi cũng không cạo đầu mặc áo tu như những người trên mặc dù nhiều khi tôi thấy việc đó cũng có cái lợi riêng của nó.

Thật ra thì quả thật việc cạo đầu mặc áo tu có thể có một ích lợi không nhỏ. Đó là chiếc áo tu sẽ giúp cho người mặc dễ được nhiều người tôn trọng, kính nễ hơn và do đó những tư tưởng phát biểu của họ sẽ có khuynh hướng ít bị chống đối hơn ngay cả nếu những tư tưởng, những lời phát biểu đó có đi ngược lại phần nào với đức tin của người nghe. Trên đời, chiếc áo tuy có thể không làm nên thầy tu nhưng hầu như chắc chắn là chiếc áo tu có thể làm cho nhiều người nễ sợ.

Một điểm khác nhau giữa tôi với những người nầy là họ thường không chủ trương chỉ trích hay phê bình công khai những niềm tín ngưỡng hay những tôn giáo khác. Có thể đó là vì họ xem việc quảng bá những điều “tốt” trong lập trường của họ quan trọng hơn việc quảng bá những điều “xấu” trong lập trường của người khác. Có thể vì họ cho rằng đây là một điều không đẹp, không lịch sự và dễ gây ra phiền hà. Có thể vì họ không muốn gây ra ác cảm với người khác trong khi họ đang nỗ lực muốn phổ biến những tư tưởng của họ sâu rộng. Những tư tưởng trong trường phái của họ đã và đang gặp nhiều chỉ trích từ những người tự gọi là Phật tử rồi cho nên gây ra thêm ác cảm là một điều không có lợi.

Trong khi đó chủ trương của tôi là khi nói về một hệ thống tư tưởng thì cần phải nêu lên trung thực tất cả những mặt “xấu” và mặt “tốt” nếu có của nó. Nếu chỉ phơi bài bộ mặt “tốt” và che dấu (hay phản đối không cho người khác nói về) bộ mặt “xấu” của nó thì đó là một sự thiếu sót; và trong nhiều trường hợp là một hành vi giả dối, thiếu thành thật với người khác và với chính mình. Hơn nữa, tôi không quan tâm đến việc thuyết phục ai hết về những tư tưởng của tôi nên tôi không lo ngại đến việc gây ra ác cảm với người khác. Có lẽ tôi ít lo ngại đến việc gây ác cảm với người khác về mặt phát biểu quan điểm nói chung vì tôi không có gì để bán hay để biếu tặng cho nên tôi không lo ngại việc ai thương hay ghét tôi.

Tuy nói vậy nhưng thật ra ai lại chẳng ngại gây ác cảm với người khác. Cái lợi thế hiện tại của tôi là tôi không phải thường xuyên bàn luận về các vấn đề nầy trực diện với khán thính giả có nhiều lập trường và từ tầng lớp xã hội khác nhau. Thực tế là những người như tôi luôn luôn bị kỳ thị trong xã hội, không những bởi tín đồ Thiên Chúa giáo (là một điều không có gì để ngạc nhiên) mà còn bởi những người tự xưng là Phật tử nữa. Sự kỳ thị nầy rất dễ dàng làm sứt mẻ tình cảm giữa bạn hữu, thân bằng quyến thuộc. Sự kỳ thị nầy còn có khi có ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ăn việc làm cũng như vị thế xã hội của những người dám phổ biến những sự thật “khó nghe” như tôi. Sự kỳ thị nầy xảy ra thường xuyên và ở khắp mọi nơi nhưng ít người, nhất là tín đồ, chịu nhìn nhận hay đề cập đến.

Thật ra thì tôn giáo và tín ngưỡng không phải là những vấn đề đứng đầu trong đời sống hàng ngày của tôi cho nên tôi không cần phải “sinh nghề tử nghiệp” khi bàn luận về chúng. Đối với tôi nói chung thì bàn luận về tôn giáo và tín ngưỡng chỉ thuộc vào hàng “trà dư tửu hậu”. Tôi không phải như những tác giả vô thần chuyên nghiệp (mà tôi ngưỡng mộ không ít) như Richard Dawkins, Sam Harris, Christopher Hitchens, Daniel Dennett, v.v. Có thể nói một mục tiêu chính mà tôi viết lên những tiểu luận với tiêu đề dạng nầy là để cho chính tôi có cơ hội hệ thống hóa và kiểm nhận lại những dòng tư tưởng của tôi mà thôi.

Thuyết phục người khác về những tư tưởng nầy không phải là mục tiêu mà tôi tha thiết đến lắm vì hai lý do dưới đây.

Lý do thứ nhất là tôi nhận thấy cũng có những ích lợi cho xã hội nếu một số người tiếp tục ôm ấp các niềm tín ngưỡng của họ. Đó là vì tôi nghi ngờ rằng những hăm dọa và hứa hẹn trong một số các tín điều của tôn giáo có thật sự góp phần kềm giữ những người này trong một phạm vi đạo đức cần thiết để duy trì an ninh trật tự của xã hội. (1)

Lý do thứ hai của tôi có thể nghe dường như rất kiêu ngạo, nhưng đó là một thực tế khó chối cãi. Theo tôi thì ngoài rừng hoang có những loài thú chạy nhẩy dưới đất, có những loài thú bay lượn trên trời. Cố gắng làm cho một con thú dưới đất hiểu cái cảm giác và những gì thấy được từ trên trời cao là một điều mất thời giờ vô ích. Khi nào nó tự tiến hóa đến mức độ mọc ra cánh để bay thì tự nó sẽ thấy và hiểu được.


 

Chú Thích:

(1) Bài có tiêu đề liên quan: Ích Lợi Đạo Đức của sự Phổ Biến Khái Niệm Phi Tôn Giáo Tín Ngưỡng

 

Cập nhật: 6/2013

Make a Free Website with Yola.