Cho đến nay chưa có ai trả lời thỏa đáng được các câu hỏi “Vì sao tôi sinh ra?” và “Tôi tồn tại để làm gì?”
Hai câu hỏi trên là một phần trong cái tôi gọi là “nhu cầu tâm linh” của con người. Nó luôn gậm nhấm, cào cấu tri thức của con người và làm cho họ ray rức mãi từ khi những nhu cầu sinh tồn cần kíp nhất như cơm ăn, áo mặc, nhà ở của họ đã được tương đối đảm bảo.
Vì vậy người ta không ngừng cố gắng tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên. Bằng nhiều cách khác nhau.
Có những nhóm người dùng trí tưởng tượng để chế đặt ra các nguồn gốc “thiêng liêng” cho con người. Họ đồng thời sản xuất ra đủ loại thần linh đi kèm theo để hỗ trợ và thuyết phục sự chế đặt đó. Đó là một nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của tôn giáo.
Trí tưởng tượng của mỗi nhóm người khác nhau, vì vậy mỗi tôn giáo có những huyền thoại giải thích sự hiện hữu của con người khác nhau và những thần linh khác nhau. Trong lịch sử nhân loại cho đến nay ước lượng đã có vài trăm ngàn tôn giáo khác nhau. Đại đa số những tôn giáo nầy đều đã bị đào thải vì những “câu trả lời” của chúng đã trở thành quá ngây ngô, lỗi thời và sai bậy để có thể chấp nhận được. Những tôn giáo hiện hành rồi cũng sẽ tuân theo luật đào thải nầy và sẽ được thay thế bởi những tôn giáo khác.
Có những người thành thật nhìn nhận rằng họ không có câu trả lời cho các câu hỏi trên. Có những người còn thực tế hơn, họ không thấy sự cần thiết của các câu hỏi đó. Theo họ, hỏi “vì sao tôi sinh ra?” và “tôi tồn tại để làm gì?” cũng giống như hỏi “vì sao vũ trụ hiện hữu?” và “vũ trụ tồn tại để làm gì?”
Cho đến khi nào có bằng chứng thỏa đáng đưa đến các câu trả lời đủ sức thuyết phục thì những người nầy tạm thời cho rằng sự hiện hữu của con người rất có thể chỉ là kết quả của một sự ngẫu nhiên trong vô vàn sự ngẫu nhiên khác đã và đang xảy ra trong cái không gian bất tận và thời gian bất tận bao trùm cái vũ trụ bất tận của họ. Tôi dùng chữ “tạm thời” là vì họ sẵn sàng thay đổi quan điểm trên của họ để đón nhận những kiến thức mới nếu những kiến thức nầy thích đáng và đủ sức thuyết phục.
Và hiện giờ thay gì cố gắng tìm câu trả lời cho các câu hỏi không-ai-có-thể-trả-lời như “vì sao tôi sinh ra?” hay “tôi tồn tại để làm gì?” thì những người nầy quan tâm hơn về vấn đề “tôi sẽ tồn tại như thế nào trong khi tôi hiện hữu?”
Tôi thuộc vào nhóm người thứ hai nầy.
Tôi đồng ý hoàn toàn về tính cách phù du của sự sống: con người sinh ra lớn lên, đi học đi làm, sinh con đẻ cái, rồi già bệnh chết. Và hết.
Đó là sự thật. Sự thật nầy lạnh lùng và rất kinh khiếp đối với nhiều người. Đó là tại sao họ cố bám víu vào những ý niệm như Thiên đàng, đầu thai, luân hồi, v.v. mặc dù thực tế cho thấy chúng chỉ là những ảo tưởng không hơn không kém.
Tuy vậy nếu can đảm và thành thật với chính mình hơn một chút thì một người có thể chấp nhận sự thật đó và sống một đời sống một cách có ý nghĩa trong phạm vi những gì và trong khoảng thời gian mình có. (1)
Đó là một cách để giải quyết vấn đề “tôi sẽ tồn tại như thế nào trong khi tôi hiện hữu?”
Chú Thích:
(1) Bài có tiêu đề liên quan:
Sự Tự Do và Sức Mạnh Tâm Linh của Một Người Phi Tôn Giáo