Tôn giáo không phải là nền tảng của đạo đức. Nhiều tín đồ cho rằng những người vô thần không có cơ bản đạo đức. Đây là một quan điểm rất nguy hiểm cho một xã hội thiện mỹ và công bằng.

Cái gọi là “đạo đức” trong tôn giáo không phải là đạo đức chân chính

Không phải tôn giáo nào cũng hướng thiện. Có những tôn giáo cực đoan và hiếu chiến, thí dụ như các tôn giáo độc thần như Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.

 

Tiêu chuẩn đạo đức thay đổi tùy theo thời điểm và địa phương.

 

 

 

 

Trở lại:

-      Tôn Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Tôi cực lực chống đối những người vô tình hay cố ý tuyên bố và truyền bá những ý tưởng tương tự như “tôn giáo là nền tảng của đạo đức” hay “tôn giáo nào cũng hướng con người về tiêu chuẩn đạo đức chung của nhân loại” hay “tôn giáo nào cũng hướng thiện”.

Mặc dù một số những người nầy có thể không có ý gì khác hơn là họ chỉ hãnh diện về tôn giáo của họ, họ không nhận thức được rằng lời tuyên bố hay ý tưởng nầy còn hàm ý là “phải cần có tôn giáo mới có thể có nền tảng đạo đức” và từ đó cái quan điểm rằng “không có tôn giáo là không có nền tảng đạo đức”.

Đây là một quan điểm rất nguy hiểm.

Nó tạo ra một lằn ranh chia rẻ nhóm người “có tôn giáo” và nhóm người “không tôn giáo” đồng thời quảng bá cái ý niệm “có tôn giáo = có đạo đức” và “vô tôn giáo = vô đạo đức”. 

Quan điểm nầy là một lý do chính tại sao những người vô tôn giáo thường bị kỳ thị ở nhiều lãnh vực trong xã hội. Thí dụ như ở Mỹ (là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Thiên Chúa giáo), một người không “có đạo” sẽ không bao giờ có hy vọng gì ra tranh cử và thắng cử trong các cuộc bầu cử quan trọng.

Có những tín đồ cho rằng hiện tượng Đức Quốc Xã tàn sát người Do Thái trong đệ nhị thế chiến, tội ác của Polpot ở Cambuchia, v.v. là kết quả của sự thiếu đạo đức tôn giáo trong các tổ chức đó. Thật ra các cuộc thảm sát nầy không có liên can gì đến tôn giáo cả. Chúng đã xảy ra trong các thời điểm đó là vì chủ nghĩa độc tôn, độc quyền, độc tài có cơ hội vượt thoát ra khỏi vòng kiểm soát bình thường hiện diện trong các tập thể con người.

Mặt khác, cuộc tấn công thành phố Newyork ngày 11 tháng 9 năm 2001 là kết quả trực tiếp của lý tưởng tôn giáo cực đoan từ một tổ chức cầm quyền Hồi giáo. Các vụ cảm tử quân đánh bom hàng ngày giết hại thường dân tại các nước Trung Đông là kết quả trực tiếp của hệ thống tẩy não trong các lực lượng quân sự cực đoan dựa vào lý tưởng Hồi giáo. Họ không hề ngần ngại tàn sát những người ngoại đạo vì theo họ thì “ngoại đạo = vô tôn giáo = vô đạo đức = vô giá trị = không đáng sống”.

Ý niệm "tôn giáo của tôi là nền tảng đạo đức" là lý do và nguồn gốc của bao nhiêu cuộc đổ máu lớn nhỏ giữa con người với con người khi nền văn minh sơ khai nhất thành hình cho đến ngay cả ngày hôm nay.

Có vô số cuộc chiến tranh đã và đang xảy ra vì tôn giáo. Chỉ cần nhìn vào lịch sử của hầu như bất cứ quốc gia nào ra cũng có thể thấy điều nầy. Thông thường thì 2 tôn giáo đối nghịch nhau giết hại nhau vì danh nghĩa tôn giáo của mỗi bên. Thí dụ như sự tranh chấp ưu thế giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo nhiều lần trong gần 2000 năm qua.

Cũng có nhiều khi chính cùng một tôn giáo cũng phân chia ra thành những tiểu nhóm khác nhau để rồi tàn sát lẫn nhau. Thí dụ như cuộc chiến tranh dài 30 năm từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17 giữa Công giáo và Tin Lành ở Âu Châu. Mối hiềm khích giữa 2 nhóm môn đồ của Thiên Chúa nầy vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay.Gần đây, giữa 1969 và 2001, sự bất hòa cũng giữa Công giáo và Tin Lành ở Ái Nhĩ Lan dẫn đến cuộc nội chiến với hàng ngàn người thiệt mạng.

Một thí dụ khác về chiến tranh giữa các tín đồ cùng tôn giáo hiện nay là mối bất hòa dai dẳng hàng thế kỷ ở Iraq giữa 2 nhóm Hồi giáo khác nhau Sunni và Shia giết hại lẫn nhau hàng ngày cùng dưới danh nghĩa của Thượng đế Allah của họ.

Nhiều khi chiến tranh giữa 2 tập thể, 2 quốc gia xuất phát từ sự tranh chấp tài sản, quyền lực hay lãnh thổ nhưng tôn giáo cũng được mang vào để làm danh nghĩa và khuyến dụ sự hỗ trợ của đại chúng. Khi một người nghĩ rằng Thượng Đế đứng cùng phía với họ thì họ sẵn sàng thí bỏ sinh mạng của mình đổi lấy một tấm vé vào cổng thiên đường. Khi một người nghĩ rằng mình đứng cùng phía với Thượng Đế thì họ sẵn sàng sát hại “kẻ thù” đồng loại của mình mà không mang mặc cảm tội lỗi.

Richard Dawkins cho rằng tôn giáo chỉ cung cấp những cái cớ để biện hộ cho nhiều hành động và sự việc vô đạo đức. Trong trường hợp Thiên Chúa giáo, ngoài những cuộc chiến tranh và thảm sát trong lịch sử đã được biện hộ bởi Kinh Thánh, ngày nay các điều vô đạo đức như trừng phạt những kẻ ngoại tình, đồng tính luyến ái hay không cùng đạo bằng cách chọi đá vào họ, đánh đập hay giết chết những đứa trẻ không nghe lời cha mẹ, nhìn nhận và khuyến khích hệ thống nô lệ, mãi dâm con gái của mình, v.v. còn được gìn giữ như là lời truyền dạy của Chúa Trời.

Ông Dawkins cũng cho rằng tôn giáo chỉ là một sản phẩm phụ trong quá trình nhận thức của nhân loại và không liên quan gì đến nền tảng đạo đức của con người. Có vô số người vô thần cũng là người “tốt” (theo định nghĩa của Thiên Chúa giáo) mà không cần biết đến hay nhìn nhận sự hiện hữu của Chúa Trời. Đồng thời cũng có vô số tín đồ Thiên Chúa giáo rõ ràng không phải là người “tốt” (cũng theo định nghĩa của chính tôn giáo họ).

Triết gia Dan Dennett (Tufts University - Boston) cho biết rằng trong tất cả những tù nhân ở Mỹ, tỉ lệ giữa số người có tín ngưỡng và người không có tín ngưỡng cũng rất tương tự như tỉ lệ nầy của dân số bên ngoài. Ông cũng cho biết rằng tỉ lệ ly dị trong tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Mỹ có phần cao hơn tỉ lệ ly dị của những người không theo nền tín ngưỡng nào cả.

 

Đạo đức hiện hữu không cần tôn giáo

 

Trong vũ trụ có sẵn những giá trị “chân thiện mỹ” tự nhiên mà con người ai cũng có thể cảm nhận và ngưỡng mộ. Thí dụ như thương yêu đồng loại, bảo vệ gia đình, mến kính cha mẹ, chăm sóc con cái v.v. Con người có thể truyền dạy và thực hành các giá trị chân thiện mỹ nầy không cần tôn giáo.

Hầu hết trong giáo điều của mọi tôn giáo đều có bao gồm một số những giá trị chân thiện mỹ nầy. Những giá trị chân thiện mỹ trong các tôn giáo đều tương tự nhau, mặc dù người ta có thể khoát cho chúng những lớp áo có màu sắc và hình dạng khác nhau.

Gần đây đã có nhiều chương trình khảo cứu về ảnh hưởng của tôn giáo trên cung cách của con người. Người ta muốn thử tìm hiểu xem tôn giáo có những ích lợi gì cho con người và tôn giáo có thật sự làm cho một người trở thành có đạo đức hay không.

Từ những cuộc nghiên cứu nầy, có nhiều chứng cớ hỗ trợ quan điểm nói rằng tiêu chuẩn đạo đức có thể tự xảy sinh từ tâm thức mỗi người và không cần phải xuất nguồn từ tôn giáo.

Dường như chúng ta sinh ra với những nhận định cơ bản đâu là sai đâu là đúng đã có sẵn trong đầu. Không tôn giáo hay hệ thống tín ngưỡng nào có thể làm thay đổi những giác quan cảm nhận việc sai đúng cơ bản nầy trong mỗi người cả.

Jesse Bering, khoa trưởng của Khoa Văn Hóa và Nhận Thức ở Queens University, Belfast, Anh Quốc cho rằng ý niệm và cung cách đạo đức có thể khởi phát ngay trong những người không có đạo. Đó là vì tôn giáo và đạo đức đều cùng phát xuất từ một nguồn gốc chung, đó là quá trình tiến hóa của nhân loại. Theo ông, đạo đức không phát xuất từ tôn giáo như nhiều người thường nghĩ, mà cả hai tuy tiến hóa trên 2 con đường riêng biệt nhau nhưng đều cùng phát nguồn từ những động lực chung trong môi trường xã hội.

Theo ông Bering, ngay từ khi bắt đầu có ngôn ngữ và khả năng suy luận, tổ tiên chúng ta đã nhận thấy rằng nếu một cá nhân có khuynh hướng làm nhiều điều tốt, hay xấu, thì mọi người xa gần đều biết về danh tiếng, tốt hay xấu, của cá nhân nầy.  Hơn nữa, những cá nhân sống hòa đồng và có ích lợi cho mọi người chung quanh thường được yêu chuộng hơn. Trong những tập thể tiền sử nầy (cũng như trong xã hội ngày nay), một cá nhân được nhiều người yêu chuộng thường có nhiều lợi điểm trong đời sống hằng ngày. Vì thế dần dần mọi người đều đi đến một nhận xét rằng "làm điều tốt sẽ đem lại điều tốt cho chính mình". Từ nhận xét nầy, một sự kiện quan trọng xảy ra: con người dần dần nhận biết rằng "lúc nào cũng có người quan sát và phán xét xem việc mình làm có tốt hay không".  Từ những áp lực xã hội nầy, tiêu chuẩn đạo đức thành hình.

Nói cách khác, đạo đức thành hình vì mọi người từ thời cổ đại dần dần có một khái niệm chung về những điều gì là xấu, những điều gì là tốt. Việc có đạo đức là một điều có ích lợi, và được khuyến khích, vì người có đạo đức thường đem lại và nhận được nhiều điều tốt từ những người chung quanh.

Tôn giáo thành hình là vì cái quan niệm "có ai đó ngó chừng từng hành động của mỗi người" được dần dần biến cải thành ý niệm "một ai đó siêu hình ngó chừng từng hành động của mỗi người". 

Đây là do cái khuynh hướng của con người hay nâng nhấc những gì mình ngưỡng mộ lên cao hơn mức độ thật sự của nó. Từ cái cảm giác lúc nào cũng bị/được quan sát và phán xét bởi đồng loại, từ sự nhận định rằng sự phán xét nầy rất quan trọng trong đời sống của họ, từ khuynh hướng trong tâm thức muốn giải thích lý do và ý nghĩa cho mọi sự việc bất kể có hoàn toàn chính xác hay không, con người đã từ từ bao bọc cái áp lực xã hội nầy với những khía cạnh “siêu hình” do chính họ tạo dựng lên.

Đạo đức của tôn giáo là đạo đức chân chính?

Nếu:

- Con chó dữ = người có khuynh hướng làm ác

- Sợi dây xích = tôn giáo (với những hứa hẹn và đe dọa ngăn cản không cho con người làm ác).

Một trong những quan điểm đạo đức của tôn giáo là "dùng sợi dây xích để cột con chó dữ lại cho đến khi nào nó được huấn luyện thuần thục rồi sẽ thả ra".

Tuy nhiên, chúng ta cần phải thấy rằng sợi dây xích không có khả năng để huấn luyện con chó dữ trở thành thuần thục. Sợi dây xích chỉ có khả năng cột giữ con chó lại một chỗ mà thôi. Tôn giáo cũng vậy, những lời hứa hẹn và đe dọa của tôn giáo chỉ có thể ngăn cản một phần nào không cho người ta làm điều ác mà thôi.

Tôn giáo do đó không phải là một phương cách hữu hiệu để biến cải những người có khuynh hướng hay bản tính làm ác. Ai cũng thấy trên đời xưa nay có vô số thí dụ về các tín đồ sùng đạo triệt để, các bậc tu hành cao cả vẫn phạm đủ loại tội ác kinh khiếp nhất. Những thí dụ nầy có thể thấy trong bất cứ tôn giáo nào.

Đồng thời có vô số những con chó bản tính hiền thục cũng bị cột cổ bằng những sợi dây xích như vậy. Những con chó nầy dù có bị xích hay không thì chúng cũng không có khuynh hướng cắn người. Tương tự, có vô số người bản chất hiền hòa sinh ra đã bị cha mẹ tròng vào cổ một tôn giáo. Đối với những người nầy thì dù có hay không có những lời hứa hẹn hay đe dọa trong tôn giáo, bản chất hướng thiện của họ cũng vẫn không cho phép họ làm hại người khác.

Phương thuốc dùng sợi dây xích để cột giữ con chó có vài phản ứng phụ nghiêm trọng.

Thứ nhất, với sợi dây xích cột chặt vào cổ, con chó có thể bị người chủ điều khiển, áp chế, sử dụng cách nào cũng được. Họ có thể cột nó ở chỗ nào họ muốn; họ có thể bắt nó làm trò tiêu khiển hay giữ nhà cho họ; họ có thể thâu ngắn lại hay nới lỏng dây sợi xích ra tùy theo nhu cầu của họ. Nhiều nhà cầm quyền, giáo hội, tu sĩ, tăng lữ xưa nay hiểu biết rất rõ điều nầy.

Thứ hai, con chó dữ bị cột lâu ngày ngược với bản tính tự nhiên của nó sẽ bị đè nén về nhiều mặt tâm sinh lý. Tuy sợi dây xích ngăn cản không cho nó đi đâu xa hay cắn người được nhưng nó vẫn sẽ tìm cách để giải tỏa các đè nén trên bằng cách nầy hay cách khác. Nó có thể đào phá sân cỏ, cắn gặm những cây cối, vật dụng nằm trong phạm vi nó có thể vói tới. Nạn ấu dâm tràn lan trong Công giáo là một thí dụ điển hình.

Thứ ba, con chó dữ khi nằm trong phạm vi sợi dây xích của nó có thể có vẻ rất hiền ngoan. Nhiều người lầm lẫn cho rằng cái bề ngoài hiền ngoan nầy là bản chất thật sự của nó. Khi họ bước đến gần con chó mà không đề phòng, nó sẽ không ngần ngại để cắn họ. Có bao nhiêu người đã than vản các câu tương tự "tôi không ngờ ông ấy tu hành đức độ như vậy mà làm những chuyện ác độc đó hãm hại tôi!"?

Thứ tư, khi đã bị cột cổ bằng sợi dây xích lâu ngày thì con chó nghĩ rằng sợi dây xích là vật sỡ hữu quý báu của nó. Nếu một người lạ vì lý do gì đó đụng chạm vào sợi dây xích nầy thì con chó sẽ lập tức hùng hỗ cắn sủa người ấy. Đó là tại sao nhiều tín đồ hung hăng tấn công những người phê bình, chỉ trích về tôn giáo của họ.

 

Tôn giáo nào cũng hướng thiện?

 

Có người cho rằng “các tôn giáo đều hướng thiện cho con người”.

Đây là một điều sai lầm được truyền bá khắp nơi do bởi sự thiếu suy nghĩ và thiếu hiểu biết của người phát biểu cũng như của người thu nhận.

Trước hết hãy thử xem chữ “thiện” có nghĩa là gì. Hãy dùng một thí dụ để dẫn chứng: Tôi tin chắc nhiều người sẽ đồng ý rằng giết người vì ganh ghét, vì ích kỷ, vì bất đồng tư tưởng là một hành vi “không thiện”.

Còn nếu cho rằng “các tôn giáo đều hướng thiện” thì có nghĩa là “tôn giáo nào cũng dạy dỗ khuyến khích người ta làm điều thiện” chớ gì?

Sai!

Sai vì các tôn giáo độc thần từ thời cổ đại luôn luôn có khuynh hướng tàn sát và tiêu diệt tín đồ của những tôn giáo khác. Trong hai ngàn năm gần đây thì Thiên Chúa giáo và Hồi giáo là hai thí dụ điển hình nhất. Cứ tìm đọc trong kinh sách của họ là sẽ thấy. Những “lời Thượng Đế dạy” tín đồ phải có nhiệm vụ tàn sát và tiêu diệt kẻ “ngoại đạo” (cùng với gia đình, chủng tộc, thành thị của họ) bằng cách nào, như thế nào vẫn còn rành rọt, rõ ràng trong Kinh Thánh và trong Kinh Koran ngay trong các ấn bản hiện hành. Sự kiện các lời chỉ dạy nầy rất cặn kẻ, đầy chi tiết và lập đi lập lại vô số lần trong các kinh sách cho thấy tư tưởng nầy không phải chỉ tình cờ mà là chính sách chủ định của các tôn giáo ấy.

Sẽ có người vội vàng cãi rằng “nhưng mà những điều đó đã xưa cũ trong quá khứ rồi” hay là “nhưng mà giáo hội ngày nay đâu có dạy các điều đó nữa đâu!” hay là “nhưng mà đâu phải tín đồ nào cũng quá khích thực hành đúng như những điều đó nữa đâu!” hay là “nhưng mà tôn giáo tôi cũng dạy nhiều điều tốt khác như mọi người phải yêu thương nhau.” hay là “nhưng mà tôn giáo tôi đã và đang làm vô số việc từ thiện trong xã hội”, v.v. và v.v.

Tôi đồng ý rằng giáo hội Công giáo ngày nay không còn truyền dạy những giáo điều trên nữa. Tuy vậy đây chỉ vì lý do sinh tồn của chính tổ chức của họ nên họ bắt buột đã phải sửa đổi phương pháp và phong cách truyền giáo để thích hợp với trình độ kiến thức cũng như tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế hiện tại. Trong khi đó, giáo hội Hồi giáo ở một số nước Trung Đông hiện nay vì không chịu ảnh hưởng kinh tế, quân sự của Tây Phương nên vẫn còn công khai truyền dạy các giáo điều trên; và hậu quả thực tế là các vụ đánh bom tự sát giết hại vô số người dân vô tội đã và đang xảy ra nhiều nơi trên thế giới.

Tôi cũng đồng ý rằng phần lớn (không phải tất cả) tín đồ ngày nay không biết đến (và nếu có biết thì cũng không thực hành triệt để) các giáo điều trên. Đó chẳng qua là vì ngay cả nhân tính cơ bản trong con người họ cũng cho họ thấy rằng những giáo điều trên không thể chấp nhận được.

Điểm chính yếu ở đây là các lời biện hộ ở trên không làm thay đổi một sự kiện không thể chối bỏ được đó là chính ngay giáo lý nền tảng của các tôn giáo trên đòi hỏi tín đồ phải tiêu diệt các tôn giáo khác để truyền bá tôn giáo của mình.

Điều trên cho thấy rằng câu “tôn giáo nào cũng hướng thiện” là một tuyên bố bất cẩn, thiếu sót và sai lầm.

 

Đạo đức ở đâu cũng giống nhau?

 

Có người cho rằng “đạo đức thì nơi nào cũng giống nhau”.

Hãy thử xem chữ “đạo đức” có nghĩa là gì. Đạo đức có thể nói chung là những hành vi, tư cách, ý tưởng được người ta tôn trọng vì họ cho rằng chúng tốt đẹp, có giá trị, giúp đem lại sự an lành và vững chắc trong xã hội.

Vài dân tộc thiểu số ở các lục địa Mỹ, Úc, Á, Phi châu có phong tục ăn thịt cha mẹ, họ hàng, bạn bè của họ khi những người nầy chết đi. Họ cho rằng đây là một hành động biểu lộ sự hiếu thảo và tôn kính đồng thời sẽ giúp linh hồn người quá cố dễ tách lìa ra khỏi thể xác để siêu thoát. Theo định nghĩa trên, đối với họ đây là một hành vi đạo đức.

Trong một số quốc gia Trung Đông hiện tại thì nếu một người phụ nữ (từ tuổi vị thành niên cho đến ngày nhắm mắt) đi ra khỏi nhà mà không mặc y phục che kín hoàn toàn từ trên đầu đến gót chân (trừ một khe hẹp ngang mắt) và không có sự cho phép và không được đi kèm theo bởi một người đàn ông trong gia đình như cha hay chồng hay anh/em trai hay con trai (nếu con trai đã trưởng thành) thì người đàn bà đó bị xem là lăng loàn, mất nết, không có đức hạnh (đạo đức) và có thể bị mọi người (bất cứ ai) ném đá, đánh chửi ngay tại chỗ.

Theo đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đảng và nhà nước là trên hết, trên hơn cả gia đình và bản thân. Nếu cần thiết thì con cái, cha mẹ, vợ chồng, bạn bè phải kiểm soát và tố cáo lẫn nhau nếu những người nầy có tư tưởng hay hành vi phản động. Đối với họ thì nầy hành vi nầy tốt đẹp, có giá trị, giúp phần ổn định xã hội và đáng được tuyên dương tưởng thưởng.

Tôi tin rằng có nhiều người sẽ không chấp nhận những thí dụ kể trên là “đạo đức” đối với họ. Điều nầy cho thấy mỗi người, mỗi đoàn thể, mỗi quốc gia, mỗi chủng tộc có thể có những cái gọi là “đạo đức” hoàn toàn khác nhau. Và những cái gọi là “đạo đức” nầy của ngay cùng một người, một đoàn thể, một quốc gia, một chủng tộc cũng có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh và thời điểm trong đời sống của họ.

Điều trên cho thấy rằng không phải “đạo đức nơi nào cũng giống nhau”.

 

Ích lợi của tôn giáo về mặt đạo đức

 

Tôi đồng ý rằng tôn giáo đóng góp không nhỏ trong việc truyền dạy một số vấn đề về đạo đức.

Người ta khảo cứu và thấy rằng nhiều tín đồ tôn giáo thường có sự hiểu biết khá nhiều về đạo đức và ít khi có khuynh hướng phạm tội ác. Họ cũng thường có một đời sống hạnh phúc, thường quan tâm đến người khác, có từ tâm và đóng góp cho từ thiện.  Người ta cũng thấy rằng tôn giáo có thể giúp tín đồ cai thuốc, cai rượu, cai bài bạc và có một đời sống sinh dục điều độ. Một cuộc khảo cứu gần đây cho thấy trong những bệnh nhân AIDS, người có tín ngưỡng thường có liên hệ tình dục với ít người khác hơn khi so sánh với người không có tín ngưỡng.

Tuy vậy, các cuộc khảo cứu nầy cũng cho thấy rằng tôn giáo không phải là nền tảng duy nhất của đạo đức. Một thí dụ là trong những bệnh nhân AIDS, nhiều người Công giáo xử dụng bao cao su trong việc giao dịch tình dục hơn những người không theo Công giáo. Điều nầy đi ngược hẳn lại với việc Giáo Hội Công giáo nghiêm cấm các tín đồ không được xử dụng bao cao su ngừa thai. Những bệnh nhân AIDS Công Giáo nầy đã lấy lương tâm và sự phán xét cá nhân của mình khi quyết định dùng bao cao su ngừa thai để ngăn ngừa sự lan truyền chứng bệnh của họ đến người khác.

Do đó, những cuộc khảo cứu trên tuy ủng hộ quan điểm tôn giáo có ảnh hưởng tốt đến hành vi cung cách đạo đức của tín đồ, nó cũng chỉ cho thấy rằng đạo đức không phải chỉ phát xuất từ tôn giáo mà còn từ những nguồn gốc khác, thí dụ như lương tâm và sự phán xét độc lập của cá nhân.

Theo ông Bering, ngày nay bất kể một người có tin ở Thượng Đế hay không, thì trong bộ óc họ cũng đã được “rèn luyện” sẵn để cho họ có một cái cảm giác rằng khi làm điều gì “xấu” thì họ sẽ bị phán xét. Cái quan niệm “đúng” hay “sai”, “thiện” hay “ác” đó đã trở thành một bản năng tự nhiên không khác gì những bản năng khác đã thành hình qua quá trình tiến hóa của con người.  Từ đó ta có thể nói rằng bản chất của một người vô thần không thể nào “vô đạo đức” hơn bản chất của một người hữu thần.

Sinh học gia David Wilson (State University – New York) cho rằng tôn giáo đóng góp một phần rất lớn trong việc đoàn kết các tập thể của con người sơ khai lại với nhau. Trong vòng 10 ngàn năm gần đây khi sự phát triển của nông nghiệp trở thành nền tảng của cơ cấu, nề nếp, giai cấp của xã hội loài người thì tôn giáo và đạo đức cũng đã phát triển song song với nhau để kết hợp những cơ cấu, nề nếp, giai cấp nầy lại chặt chẽ hơn.

Một trong những lợi thế để tôn giáo tồn tại và phát triển mạnh mẽ chính là vì tôn giáo giúp ích trong việc gắn bó cá nhân vào trong tập thể như vừa nói ở trên. Trong xã hội loài người xưa cũng như nay luôn luôn có vô số những hoạt động hay tổ chức có liên quan đến cái khuynh hướng “muốn/cần là thành viên của một tập thể” tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta.

Cái cảm giác an lành, tốt đẹp khi biết mình là một thành phần của một tập thể xuất phát từ nhu cầu cần được an toàn dưới sự bảo vệ của đồng loại và nhu cầu cần bảo vệ đồng loại (để bảo vệ tập thể và sự sinh tồn của chính mình) từ thời tiền sử. Những ai đã tham dự các đại hội ca nhạc, các buổi lễ cúng đình làng, những buổi diễn binh, các hội đoàn thể thao, hàng ngũ quân sự, v.v. đều biết qua cái cảm giác nầy. Những câu nói như “tình nghệ sĩ”, “tình đồng bào ruột thịt”, “tình huynh đệ chi binh”, “tình đồng đạo”, v.v. đều diễn tả lên những ý nghĩa sâu kín của cái cảm giác nầy.

Tôn giáo còn có một lợi thế khác không kém phần quan trọng. Thí nghiệm cho thấy nhiều người khi đang thiền định, cầu nguyện hay khi đang “đắm mình cảm nhận đấng thiêng liêng” thì trong người họ toát ra một chất hormone gọi là oxytocin. Chất nầy có tác dụng làm người ta cảm thấy “phiêu diêu” và “hạnh phúc”. Chất nầy cũng hiện diện trong nhiều trường hợp khác, dưới các mức độ khác nhau, chẳng hạn như khi người ta đang thưởng thức một bài thơ hay, chứng kiến một tài nghệ tuyệt vời, thực hành một điều nghĩa khí, yêu thương hay đồng cảm cao độ với một người khác, v.v.  Đây có thể là điểm thu hút lớn nhất của tôn giáo vì nó thỏa mãn một trong những nhu cầu sâu xa nhất của tâm thức con người.

Tóm lại, mặc dù tôn giáo không còn cần thiết trong việc đoàn kết xã hội hay làm nền tảng cho đạo đức, chúng ta vẫn phải nhìn thấy vai trò quan trọng của tôn giáo trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Tuy rằng con đường vô thần là một lối đi thích đáng dựa trên lý trí, tôn giáo vẫn có ích lợi trong việc nhắc nhở và yểm trợ cái giá trị đạo đức cơ bản có sẵn trong mỗi người chúng ta.

Make a Free Website with Yola.