Đại Ý:
Tôi dùng một trang mạng nói về tiểu sử Hòa Thượng Thanh Hóa như một trong vô số thí dụ về những chuyện huyễn hoặc phổ biến rộng rãi trong Phật giáo.
Đáng tiếc thay trong Phật giáo có vô số các kinh sách và bài thuyết giảng chứa đầy những cái gọi là “tài liệu” dạng tương tự. Đa số sư tăng và Phật tử hoan hỉ rao truyền các điều huyễn hoặc trên từ người nầy sang người khác mà không hề biết suy nghĩ và phán đoán rằng những điều họ rao truyền có giá trị gì hay không.
Đối với tôi, đây là một lý do lớn góp phần vào việc làm người ta đánh giá Phật giáo là một tôn giáo chứa đầy rẫy mê tín dị đoan.
Dưới đây là một trong vô số thí dụ về những chuyện huyễn hoặc phổ biến rộng rãi trong Phật giáo.
Xin nói rõ trước một điều là tôi không hề biết gì khác về cá nhân Hòa Thượng Tuyên Hóa ngoài việc ông là một vị tăng khá nổi tiếng. Hôm nọ tình cờ tôi đọc một trang mạng về tiểu sử của ông mà tôi trích dẫn một đoạn ngắn sau đây:
Hòa Thượng vốn họ Bạch, tên tục là Ngọc-Thư, Pháp danh là An-Từ, tự Độ-Luân, và Tuyên-Hóa là Pháp-hiệu do Lão Hòa Thượng Hư-Vân đặc biệt tặng cho khi Ngài thọ lãnh sứ mạng làm người kế thừa truyền Pháp đời thứ chín của Thiền Tông Quy-Ngưỡng. Ngài sinh ngày 16 tháng 3 năm Mậu-ngọ (1918) , tại tỉnh Kiết-lâm, huyện Song-thành, tỉnh Tùng-giang, Đông Bắc Trung Hoa (tức Mãn Châu). Thân phụ Ngài tên Phú-Hải, chuyên nghề nông; thân mẫu thuộc dòng dõi họ Hồ, sinh được tám người con, năm trai ba gái, và Ngài là út.
Thân mẫu Ngài thọ chay trường, niệm Phật chẳng hề gián đoạn. Một đêm nọ bà mộng thấy Đức Phật A-Di-Đà hiện thân, phóng hào-quang chiếu sáng khắp thế giới, chấn động thiên địa. Giật mình tỉnh giấc, bà ngửi thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, rồi sau đó hạ sanh Ngài. Ngài vừa ra đời liền khóc suốt ba ngày ba đêm, chính là vì đau xót cho nỗi khổ của thế giới Ta-Bà này vậy…
(http://tuyenhoathuongnhan.blogspot.com/p/tieu-su-ht-tuyen-hoa.html)
Đoạn “Một đêm nọ bà mộng thấy Đức Phật A-Di-Đà hiện thân, phóng hào-quang chiếu sáng khắp thế giới, chấn động thiên địa. Giật mình tỉnh giấc, bà ngửi thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, rồi sau đó hạ sanh Ngài. Ngài vừa ra đời liền khóc suốt ba ngày ba đêm, chính là vì đau xót cho nỗi khổ của thế giới Ta-Bà này vậy” làm tôi bật cười.
Tôi bật cười vì tôi không thể đếm hết có bao nhiêu giáo chủ của các tôn giáo lớn nhỏ trên thế giới đã được sinh ra trên đời nầy dưới những bối cảnh tương tự. Nếu mẫu thân của các vị nầy không là đồng trinh thì họ cũng đã giao cấu với thiên thần hay được tiên thánh giáng phép mầu vào trước khi họ thọ thai hay sinh ra các vị đó.
Các bối cảnh dạng nầy được kể đi kể lại dưới nhiều chi tiết màu sắc khác nhau nhưng đều mang cùng một mục đích giống nhau: để thần thánh hóa những cá nhân nầy. Lý do chính là vì họ (hay nói đúng ra là vì tín đồ của họ) mang mặc cảm rằng những phương pháp thọ thai và sinh sản bình thường của con người không xứng đáng đủ cho các bậc thiêng liêng trên.
Tôi cho rằng tiểu sử của vị hòa thượng được “thọ lãnh sứ mạng làm người kế thừa truyền Pháp đời thứ chín của Thiền Tông Quy-Ngưỡng” nầy cũng đã được tô điểm thêm để không thua kém người khác.
Tôi cho rằng câu chuyện trên là huyễn hoặc. Huyễn hoặc là tại vì nếu thật sự có “hào-quang chiếu sáng khắp thế giới, chấn động thiên địa” thì đó là một hiện tượng hẳn đã phải làm xôn xao dân chúng cả nước (hay ít ra là cả vùng rộng lớn). Thế thì tại sao trong lịch sử Trung Hoa năm 1918 không thấy tài liệu gì ghi chép về hiện tượng nầy?
Có người sẽ nói “nhưng đó chỉ là một cách hành văn thậm xưng với những chi tiết được tạo dựng và phóng đại đôi chút để nhấn mạnh với một diễn biến quan trọng liên quan đến một nhân vật cao quý như Hòa Thượng Tuyên Hóa”.
Tôi sẽ hỏi nếu thế thì làm sao biết rằng các chi tiết khác như “Đức Phật A-Di-Đà hiện thân” hay “mùi hương kỳ diệu khắp phòng” hay “khóc suốt ba ngày ba đêm vì đau xót cho nỗi khổ của thế giới Ta-Bà này” cũng không chỉ là những điều được “tạo dựng và phóng đại” (hay nói cách khác là “bịa đặt”) ra?
Và nếu thế thì làm sao biết rằng bao nhiêu các chi tiết khác trong tiểu sử suốt cuộc đời của ông cũng không chỉ là bịa đặt?
Tôi có nhiều câu hỏi khác trong đầu về trường hợp hòa thượng Tuyên Hóa.
- Tôi thắc mắc không biết câu chuyện huyễn hoặc nầy được xuất phát từ đâu? Chỉ
có một người duy nhất có thể xác nhận được Phật A Di Đà có hiện ra, mùi hương
kỳ diệu có bay khắp phòng và đứa bé có khóc 3 ngày 3 đêm hay không; đó là thân
mẫu của ông. Nếu những chuyện đó có thật thì bà ấy có kể cho ai nghe về cái
hiện tượng kỳ diệu nầy trước khi ông Tuyên Hóa trở thành một thầy tu nổi tiếng
không? Nếu có thì có tài liệu gì ghi chép về chuyện nầy hay không?
- Hay là thân mẫu của ông chỉ kể lại cho người nghe về chuyện nầy sau khi ông Tuyên Hóa đã thành danh? Và nếu như vậy thì có đáng tin bà ấy hay không?
- Hay là bà ấy không hề kể gì cả mà chính các đồ đệ của ông Tuyên Hóa vì lý do “mặc cảm là những phương pháp thọ thai và sinh sản bình thường của con người không xứng đáng đủ cho thầy” đã tạo dựng và rao truyền câu chuyện nầy?
- Nếu đứa hài nhi lúc đó có thật sự khóc 3 ngày 3 đêm đi nữa thì làm sao ai khác biết được là nó đang khóc “vì đau xót cho nỗi khổ của thế giới Ta-Bà này” chớ không phải khóc vì bị đau bụng chẳng hạn?
- Những chi tiết huyền diệu nầy có được phổ biến trong khi Tuyên Hóa còn sinh tiền hay không? Nếu có thì có ông có đồng tình cho nó phổ biến hay không?
- v.v. và v.v.
Đáng tiếc thay trong Phật giáo có vô số các kinh sách và bài thuyết giảng chứa
đầy những cái gọi là “tài liệu” dạng tương tự. Đa số sư tăng và Phật tử hoan hỉ
rao truyền các điều huyễn hoặc trên từ người nầy sang người khác mà không hề
biết suy nghĩ và phán đoán rằng những điều họ rao truyền có giá trị gì hay không.
Đối với tôi, đây là một lý do lớn góp phần vào việc làm người ta đánh giá Phật giáo là một tôn giáo chứa đầy rẫy mê tín dị đoan.
Cập nhật: 6/2013