Đại Ý:
Phật giáo Tây Tạng chú trọng nặng về huyền thuật.
Ngay cả nhiều hành giả Thiền Tông cũng cho rằng những phương thức bùa chú, phù phép trong Mật Tông nếu không là mê tín dị đoan thì cũng là sai lạc so với đường hướng giải thoát của Phật Thích Ca.
Chủ trương chung của tôi là nếu một hiện tượng càng huyền bí (và càng ly kỳ hấp dẫn) thì tôi càng nên cẩn thận trước khi chấp nhận nó vì "Nếu cái gì hay đẹp ngoài sức tưởng tượng thì nó thường chỉ là tưởng tượng".
Phật giáo Tây Tạng xuất phát từ cùng nguồn gốc với chi nhánh Mật Tông ở Việt Nam và Trung Hoa.
Nhiều hành giả Thiền Tông cho rằng những phương thức bùa chú, phù phép trong Mật Tông nếu không là mê tín dị đoan thì cũng là sai lạc so với đường hướng giải thoát của Phật Thích Ca. Hành giả Mật Tông trong khi đó cho rằng con đường họ đi tuy dựa lên nền tảng huyền bí nhưng thật ra triết lý và phương pháp hành trì của Mật Tông cơ bản vẫn xây dựng theo tiến trình Giới-Ðịnh-Tuệ như tất cả mọi đường lối tu tập khác của Phật giáo.
Phật giáo Tây Tạng chú trọng nặng về huyền thuật. Những giai thoại về số mệnh tiền định và đầu thai của các thượng sư (Lạt Ma) của họ rất quan trọng và rất phổ biến. Bản tính tự nhiên của con người ai cũng dễ bị thu hút vào những chuyện lạ lùng huyền bí. Vì vậy đối với người ngoài thì những giai thoại nầy rất ly kỳ hấp dẫn và được nhiều người ngưỡng mộ.
Tôi không xác định hay phủ nhận mọi tình tiết trong các giai thoại loại nầy. Nói chung, tôi không có đủ thời gian và phương tiện để nghiên cứu hay điều tra cặn kẻ về từng trường hợp để có thể phê bình vào chi tiết.
Tuy vậy, chủ trương chung của tôi là một hiện tượng càng huyền bí (và càng ly kỳ hấp dẫn) thì tôi càng nên cẩn thận trước khi chấp nhận nó. Trong công việc giao dịch làm ăn hàng ngày có câu "Nếu cái gì hay đẹp ngoài sức tưởng tượng thì nó thường chỉ là tưởng tượng". Có lẽ những người quan niệm "không nên dùng lý trí để xét đoán lãnh vực tín ngưỡng" sẽ không áp dụng câu nầy ở đây.
Trở lại một chút về sự khác biệt giữa Thiền Tông và Mật Tông, Phật giáo là một tôn giáo chủ hòa do đó không có sự xung khắc trực diện giữa những cơ sở tổ chức (chùa chiềng) của hai tông phái nầy. Thật ra có nhiều tu sĩ pha trộn lý thuyết của cả Thiền Tông và Mật Tông vào trong phương cách hành giảng của họ.
Tuy vậy, sự khác biệt cơ bản giữa hai tông phái lớn trong Phật giáo nầy luôn luôn được thể hiện rõ ràng và cho thấy rằng “con đường giải thoát” của Phật giáo cũng chỉ là những gì mỗi cá nhân, hay mỗi nhóm Phật tử, diễn giải và đề xướng là "sự thật”.
Đã nói về Phật giáo Tây Tạng thì cũng nên có vài lời về Đạt Lai Lạt Ma.
Đạt Lai Lạt Ma có lần từng nói:
Hãy suy tư cẩn thận vì Tư tưởng sẽ biến thành Lời nói, Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời nói sẽ biến thành Hành động, Hãy hành xử cẩn thận vì Hành động sẽ biến thành Thói quen, Hãy chú trọng Thói quen vì chúng hình thành Nhân cách, Hãy chú trọng Nhân cách vì nó hình thành Số mệnh, Và Số mệnh của anh sẽ là Cuộc đời của anh.” … và … "Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật."
Đạt Lai Lạt Ma là một người hiểu biết sâu rộng và một nhà ngoại giao khôn khéo. Nói chung tôi không có vấn đề gì về lời ăn tiếng nói và hoạt động của ông.
Nếu thay thế chữ “số mệnh” trong đoạn ông nói ở trên (“Hãy suy tư cẩn thận vì Tư tưởng sẽ biến thành Lời nói, Hãy ăn nói cẩn thận vě Lời nói sẽ biến thành Hành động, Hãy hành xử cẩn thận vì Hành động sẽ biến thành Thói quen, Hãy chú trọng Thói quen vì chúng hình thành Nhân cách, Hãy chú trọng Nhân cách vì nó hình thành Số mệnh, Và Số mệnh của anh sẽ là Cuộc đời của anh”) bằng chữ “phong cách” thì đoạn nầy sẽ không khác những gì dạy trong các cuốn sách Công Dân Giáo Dục ngày xưa.
Sự khôn khéo của ông thể hiện qua những câu phát biểu không mang nặng hình sắc tôn giáo tương tự như trên. Vì vậy mặc dù không phải ai cũng chấp nhận lý thuyết và thực hành của Phật giáo Tây Tạng nhưng ít khi nào người ta có thể phản đối những gì ông nói.
Câu “Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật” cũng vậy, là một thông điệp thuộc dạng “không đề cao tôn giáo” rất êm tai cũng như rất chính xác. Tuy nhiên theo tôi, trừ phi ý nghĩa của chữ “Sự Thật” được xác định rõ ràng thì thông điệp nầy hầu như không có giá trị thực tế gì cả.
Đó là vì khi nói về tín ngưỡng thì tôn giáo nào cũng cho mình là Sự Thật. Đối với tín đồ thì tôn giáo của họ chính là Sự Thật. Do đó đối với tín đồ thì câu trên sẽ chỉ là “Không có tôn giáo nào cao trọng hơn tôn giáo của tôi”.
Và ngay cả nếu chữ “Sự Thật” đã được xác định thì cũng cần phải có sự tương đồng về ý tưởng giữa người nghe và người phát biểu. “Sự thật có biên giới”. Sự thật của một người không hẳn là sự thật của những người khác.
Cập nhật: 6/2013