Tôi có rất nhiều vấn đề với Thiên Chúa giáo trong lãnh vực lý thuyết lẫn thực hành. Dưới đây là một số vấn đề chính:
Trước nhất, giáo lý nền tảng Thiên Chúa giáo dựa trên nguyên tắc “hăm dọa và tưởng thưởng”: không tôn thờ, tuân phục Chúa Trời thì sẽ bị lưu đày mãi mãi trong hỏa ngục, tôn thờ, tuân phục Chúa Trời sẽ được lên thiên đàng sống đời đời.
Đây rõ ràng là một triết lý xuất phát từ tiêu chuẩn hành sử giữa con người với nhau trong những tập thể sơ khai vài ngàn năm trước đây. Trong những thời đại nầy, mỗi bộ lạc vì sự tồn vong cần phải sống gắn bó chặt chẽ với nhau; mỗi thành viên cần phải tuyệt đối trung thành với thủ lãnh của họ. Vì số thành viên trong mỗi bộ lạc không lớn lắm nên sự chống đối của một người có thể có ảnh hưởng xấu đến cả bộ lạc. Do đó vấn đề tuyệt đối tuân phục thủ lãnh là một vấn đề tối quan trọng và cần thiết.
Thiên Chúa giáo khởi lập từ thời đại đó; Kinh Thánh được soạn thảo bởi những người sống trong một xã hội đó; vì thế vấn đề tuyệt đối tuân phục thủ lãnh của tập thể đó đã được diễn đạt ra thành tín điều quan trọng nhất là phải tuyệt đối tuân phục Thiên Chúa.
Nói về giá trị tinh thần thì một giáo lý dựa trên nguyên lý nầy không dẫn đến đạo đức vị tha. Nếu một người làm những việc thiện trong đời họ chỉ vì các lời hứa hẹn (hăm dọa hay tưởng thưởng) nầy thì chẳng qua họ chỉ làm cho chính họ chớ không vì ai khác cả.
Kế đó, giáo lý Thiên Chúa giáo đòi hỏi tín đồ phải tin theo các giáo điều một cách vô điều kiện và không được chất vấn. Họ đặt ra một khái niệm gọi là “đức tin”.
“Đức tin” không cho phép con người được dùng tri thức để lý luận and kiến thức để phân tích những tín điều được truyền giảng cho họ. Sự độc đoán nầy chỉ dẫn đến sự ngu muội, mù quáng thay vì một niềm tín ngưỡng dựa trên tri thức hay trí thông minh.
Sự độc đoán trên còn tạo cơ hội cho con người dùng tôn giáo nầy để khống chế, đàn áp lẫn nhau. Ngay những hành vi tàn ác nhất nhưng nếu đã được gán đặt cho là “nhân danh Thiên Chúa” thì tín đồ sẽ tuân thủ theo vì đức tin của họ không cho phép họ được nghi ngờ hay chất vấn.
Khi đứng trước bất kỳ câu hỏi nào không thể trả lời được về Thiên Chúa giáo, tín đồ đều có thể dùng “đức tin” để giải thích. Điều nầy tập cho tín đồ trở thành lười biếng trong việc suy nghĩ, tìm hiểu và lập luận về những vấn đề liên quan đến tâm linh.
Kế đó nữa, giáo lý nền tảng Thiên Chúa giáo chủ trương đàn áp và tiêu diệt tất cả niềm tín ngưỡng và tôn giáo khác. Một lần nữa, nói về giá trị tinh thần thì giáo điều nầy không mang một giá trị đạo đức gì cả.
Trên tinh thần "tuyệt đối tôn thờ Thượng Đế" và "tiêu diệt tất cả niềm tín ngưỡng và tôn giáo khác", Thiên Chúa giáo và Hồi giáo giống nhau ở chỗ cả hai đều có vô số các lời răn dạy vô đạo đức và tàn ác.
Những lời răn dạy kể trên vẫn còn hiện diện trong những ấn bản Kinh Thánh hiện hành chính thức công nhận bởi giáo hội Công giáo, và trong kinh Koran của Hồi giáo.
Một điều cần nhận thấy đó là giáo hội Công giáo trong vài thế kỷ gần đây không những không còn truyền dạy cho giáo dân các điều răn vô đạo đức trên mà còn luôn luôn tránh né không dám đề cập đến chúng. Đó là vì so với tiêu chuẩn nhân đạo hiện thời thì hầu như ai cũng thấy rằng các điều răn kia là tàn ác và vô đạo đức.
Giáo hội Công giáo không thể, cũng như không dám, thú nhận rằng một phần lớn giáo lý cơ bản của họ (và là “lời truyền dạy của Thượng Đế” của họ) được xem là tàn ác và vô đạo đức bởi tiêu chuẩn hiện thời. Vì thế nên chủ trương và chính sách của Vatican là càng dấu nhẹm chúng đi được càng tốt. Đó là để bảo vệ sự sinh tồn của tổ chức tôn giáo của họ, cũng như quyền lợi của cá nhân họ.
Nếu có ai đề cập đến việc nầy thì giáo hội Công giáo sẽ đưa ra một số lập luận - điển hình nhất là trong trường phái “bào chữa” (“Christian Apologetics”) - để bào chữa cho những thiếu sót nầy. Vì không còn giáo xứ nào dạy về các điều răn nầy nữa nên phần đông giáo dân không hề biết đến chúng và rất ngạc nhiên khi nghe người khác nói về chuyện nầy. Và đại đa số các tín đồ nầy có khuynh hướng chấp nhận các lập luận " bào chữa " trên và dùng chúng để chống đối lại những lời phê bình mà họ cho là phỉ báng tôn giáo họ.
Trong khi đó, các giáo hội Hồi Giáo ở vài nước Trung Đông vì không lệ thuộc vào áp lực kinh tế, quân sự của Tây Phương nên họ vẫn không e dè gì trong việc tiếp tục truyền dạy công khai việc “hãy tiêu diệt kẻ ngoại đạo để tôn vinh Thượng Đế” và khuyến khích các cảm tử quân nổ bom tàn sát bất cứ ai không đồng chung quan điểm và chí hướng với họ.
Điều cần nhận thấy là vì những điều tàn ác, vô đạo đức nầy trong Kinh Thánh vẫn chưa hề bị xóa bỏ hay sửa đổi nên thỉnh thoảng chúng vẫn còn được những tín đồ quá khích áp dụng lên những ý tưởng và hành động điên rồ của họ.
Nói về nền tảng luân lý, luận lý và đạo lý thì Thiên Chúa giáo dựa trên sự chối bỏ trách nhiệm cá nhân (hay nói cách khác: đổ lỗi cho người khác). Đó là vì tín đồ được dạy rằng:
- Tất cả mọi sự đúng sai, thiện ác lỗi phải, thành bại, sống chết đều nằm trong tay Thượng đế. Tín đồ phải phó thác sơ sở đạo đức lẫn lý trí của mình vào một thần linh mà sự hiện hữu không bao giờ chứng nghiệm được.
- Nếu đã làm tội ác gì tàn bạo cách mấy thì cũng chỉ cần chân thành tôn thờ thương yêu Chúa Trời là sẽ được cứu rỗi. Xin lưu ý là trong Kinh Thánh không chú trọng đến “chân thành nhận thấy mình sai” mà chỉ chú trọng đến “chân thành tin vào Chúa Trời” như là điều kiện thiết yếu để được tha thứ.
- Khi tín đồ làm những điều xấu xa thì đó là do sự cám dỗ của Quỷ Vương chớ không phải là do những nhu cầu và điều kiện tâm sinh lý tự nhiên trong con người. Do đó muốn sửa đổi thì tín đồ cần phải cầu nguyện Chúa Trời để chiến thắng Quỷ Vương thay vì tự dựa vào khả năng lý trí và đạo đức có sẵn trong bản chất của nhân loại.
Thiên Chúa giáo cung cấp một lối thoát dễ dàng cho lương tâm con người trong lãnh vực nầy. Những người có tâm thức “lười biếng” thích hợp với cách lý luận dựa trên nền tảng “đổ lỗi” nầy thường mang khuynh hướng yêu chuộng Thiên Chúa giáo.
Trong lãnh vực thực hành, hầu như tất cả hoạt động (tín ngưỡng lẫn nhân văn, xã hội) của Thiên Chúa giáo đều nằm hoàn toàn dưới sự điều khiển của một tổ chức chặt chẽ, nhiều quyền lực và đầy những phần tử tham quyền cố vị chỉ lo toan cho lợi ích riêng của họ là Tòa Thánh Vatican.
Thiên Chúa giáo là một trong vài tôn giáo hiện đang phát triển nhất trên thế giới. Tòa Thánh do đó đứng ở một vị thế chính trị cực kỳ mạnh mẽ. Khi Tòa Thánh áp đặt các giáo điều cổ hủ dựa trên đức tin mù quáng của họ lên quan điểm và đường lối điều hành của các quốc gia mà đa số giới cầm quyền thiên về Thiên Chúa giáo như Hoa Kỳ chẳng hạn thì đời sống hàng ngày của con người bị ảnh hưởng không nhỏ.
Cũng trong lãnh vực thực hành, Thiên Chúa giáo đã và đang bị lợi dụng như một công cụ kiếm tiền dễ dàng và nhanh chóng nhất. Những chương trình TV của các nhóm Evangelical nhan nhãn hàng ngày tại Mỹ là một thí dụ nổi bật nhất.
Cập nhật: 7/2013