Đại Ý:
Những khái niệm trong lý thuyết Phật giáo thường thâm sâu, phức tạp đến độ khó hiểu trong khi lý thuyết Thiên Chúa giáo rất đơn giản, thô sơ đến độ ngây ngô.
Phật giáo là một tôn giáo hiếu hòa trong khi Thiên Chúa giáo là một tôn giáo cực đoan.
Tuy vậy, trong lãnh vực thực hành của Phật giáo cũng như Thiên Chúa giáo đều có vô số những điều tệ hại cùng những tệ nạn lan tràn.
Hỏi: Anh có cho rằng Phật giáo “siêu việt” hơn Thiên Chúa giáo?
Đáp: Cả hai đều dạy về một số những điều “thiện” cho con người. Tuy vậy, lý thuyết thật sự của Thích Ca Mâu Ni không dựa trên nguyên tắc “hăm dọa và tưởng thưởng”, cũng không chủ trương đàn áp và tiêu diệt tất cả niềm tín ngưỡng và tôn giáo khác. Nói chung thì những khái niệm trong lý thuyết Phật giáo thường thâm sâu, phức tạp đến độ khó hiểu trong khi lý thuyết Thiên Chúa giáo rất đơn giản, thô sơ đến độ ngây ngô. Phật giáo còn là một tôn giáo hiếu hòa trong khi Thiên Chúa giáo là một tôn giáo cực đoan.
Hỏi: Từ đâu mà anh cho rằng lý thuyết Phật giáo thâm sâu, phức tạp đến độ khó hiểu trong khi lý thuyết Thiên Chúa giáo đơn giản, thô sơ đến độ ngây ngô?
Đáp: Lấy một thí dụ về phương cách giải thoát hay con đường cứu rỗi. Thuyết Phật nói về những quan niệm “vô ngã”, “vô thường”, “nhân quả”, “luân hồi”, “ngủ uẩn”, v.v. đi kèm theo cùng phương cách giải thoát khi nhận thức được “tứ diệu đế” và thực hành “bát chính đạo”, v.v. Trở ngại của những quan niệm trên là vì quá trừu tượng nên thường được diễn giải ra thành thiên hình vạn trạng và nhiều người không hiểu rõ chúng muốn nói gì. Trong khi đó con đường cứu rỗi của Thiên Chúa giáo có thể tóm gọn lại trong một điều kiện giản dị là “chỉ cần thần phục và tôn vinh Thiên Chúa”.
Hỏi: Một thí dụ khác?
Đáp: Giáo lý của Thích Ca Mâu Ni dạy tín đồ không nên chấp nhận những lời giảng dạy lý thuyết về Phật pháp từ tăng sư mà hãy tự suy ngẫm, tìm tòi và dùng kinh nghiệm bản thân để cảm nhận. Thích Ca Mâu Ni dạy đại loại là “Đừng chấp nhận những giáo lý ta truyền dạy một cách đương nhiên mà hảy dùng sự suy nghĩ và kiến thức bản thân để tự kiểm nghiệm và đánh giá chúng”. Nếu làm theo đúng lời dạy nầy thì đây là một quá trình khó nhọc, tốn nhiều công sức và thời gian.
Hỏi: Còn Thiên Chúa giáo?
Đáp: Trong khi đó giáo lý Thiên Chúa giáo chỉ đòi hỏi tín đồ tin vào những gì rao truyền trong Kinh Thánh một cách tuyệt đối và vô điều kiện là đủ.
Hỏi: Một thí dụ khác nữa?
Đáp: Giáo lý của Thích Ca Mâu Ni dạy rằng không có sức mạnh vô hình nào hỗ trợ cho ai cả trong khi giáo lý Thiên Chúa giáo dạy rằng những kẻ tôn thờ Thiên Chúa sẽ được phù hộ, cứu rỗi. Đó là tại sao rất khó tu và hành theo đúng như giáo lý thật sự của Thích Ca. Đó là tại sao vô số Phật tử trong tiềm thức vẫn không thể, và không dám, chấp nhận cái khái niệm đó cho nên dù có đã đọc qua hay nghe giảng về thuyết Phật bao nhiêu đi nữa thì vẫn cứ cúng bái cầu xin. Và đó cũng là một lý do lớn tại sao Thiên Chúa giáo dễ bành trướng mau chóng trên khắp thế giới.
Hỏi: Xin anh cho một thí dụ về Phật giáo hiếu hòa và Thiên Chúa giáo cực đoan.
Đáp: Một thí dụ về sự cuồng tín trong Phật giáo: một số Phật tử áp dụng khái niệm từ bi và thuyết cấm sát sinh của Phật giáo bằng những cách buồn cười như tránh bước đi trên cỏ vì sợ đạp phải các con giun kiến sâu bọ, đeo mặt nạ khi ra đường ban đêm để tránh hít phải các côn trùng có cánh, v.v. Rất ít khi (tuy không phải không có) Phật tử giết hại người khác chỉ để truyền bá hay bảo vệ tôn giáo của họ như trong vô số trường hợp một số tín đồ cuồng tín trong Thiên Chúa giáo đã làm.
Hỏi: Nếu anh cho rằng lý thuyết Phật giáo siêu việt như vậy thì tại sao anh vẫn có vấn đề với Phật giáo?
Đáp: Tôi không đồng ý với tất cả mọi lời giảng dạy của Phật giáo. Hơn nữa trong lãnh vực thực hành của Phật giáo có vô số những điều tệ hại cùng những tệ nạn lan tràn. Những tệ nạn nầy không chối cãi được tuy nhiên không phải ai cũng muốn nhìn nhận hay thảo luận đến.
Hỏi: Xin anh cho thêm chi tiết.
Đáp: Nói chung tôi không có gì chống đối việc sử dụng lý thuyết Phật giáo vào đời sống hàng ngày. Nhân sinh quan của bản thân tôi chịu ảnh hưởng lớn bởi một số triết lý của Thích Ca Mâu Ni. Tôi chỉ có nhiều vấn đề với cách thức nhiều người áp dụng lý thuyết Phật giáo vào đời sống. Như đã nói, trong Phật giáo hiện tại có vô số tăng sư giảng dạy tín đồ những phương cách tín ngưỡng mà tôi chỉ có thể gọi là mê tín dị đoan với mục đích không gì hơn là để lường gạt, bóc lột. Và có vô số Phật tử vô ý thức tiếp tay truyền bá các mê tín dị đoan nầy.
Hỏi: Thế thì anh có so sánh gì khi phê bình về Phật giáo và Thiên Chúa giáo?
Đáp: Đối với tôi thì phê bình về Thiên Chúa giáo vì quá dễ dàng nên khá nhàm chán so với phê bình về Phật giáo. Phê bình về Phật giáo giống như tỉa cây, phải lựa chọn cẩn thận cành nào hư gẩy, trái nào sâu thúi mà bẻ bỏ. Phê bình về Thiên Chúa giáo giống như phát cỏ, cứ đưa phảng qua là trúng cỏ dại, hầu như chỗ nào cũng trúng.