Đại Ý:

Có nhiều định nghĩa khác nhau của từ “vô thần”.

Chữ “vô thần” diễn tả quan điểm của tôi có nghĩa là “không công nhận sự hiện hữu của Thượng Đế”. Đó là vì tôi không thấy có đủ bằng chứng khách quan và trung thực để tin rằng có Thượng Đế hay cần phải có một Thượng Đế để cái vũ trụ nầy mới vận hành được.

Người Việt Nam thường có định kiến xấu về từ “vô thần” vì họ đồng hóa từ nầy với “cộng sản”.

Vô thần không phải là một tôn giáo hay một tổ chức.

Một người vô thần có thể có những niềm tin và cảm nghĩ tâm linh của họ nhưng chúng không liên quan đến điều gì thiêng liêng hay huyền bí cả. 

 

Trở lại:

-      Tôn Giáo

-      Giới Thiệu

 

 

Định nghĩa

“Vô” có nghĩa là “không có”. “Vô thần” theo định nghĩa là một sự “không có” đức tin về thượng đế. Nói cách khác, chữ “vô thần” có ý nghĩa nguyên thủy là “không công nhận sự hiện hữu của Thượng Đế”.

Nếu nhìn trong Anh Ngữ sẽ thấy rất rõ rệt: chữ “vô thần” = “a-theist” diễn tả một sự tương phản với “theist” = “hữu thần” có nghĩa là niềm tin về sự hiện hữu của thần linh, và đặc biệt là sự hiện hữu của Thượng Đế.

Đồng thời, “mono-theist” có nghĩa là “độc thần” để chỉ những tôn giáo có một thượng đế duy nhất như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo. Và “poly-theist” có nghĩa là “đa thần” để chỉ những tôn giáo có nhiều thần linh khác nhau và không ai là tối thượng cả như trong một số tôn giáo cổ của Hy Lạp, Ai Cập.

Định kiến về chữ “vô thần”

Khi thảo luận về tôn giáo, nhiều tín đồ mang sự kiện “không có đức tin về thượng đế” của người khác ra như là một vấn đề cần chú ý đến. Đó là vì họ hiểu và dùng chữ “vô thần” với một hàm ý có liên quan đến một điều gì tiêu cực, vô đạo đức.

Những tín đồ không thấy rằng thật ra có rất nhiều thứ “không có” khác trên đời:

- Những thiên văn gia có kiến thức về tinh thể trong vũ trụ. Có nhiều người khác không có kiến thức nầy.

- Những nhạc sĩ có kiến thức và tài năng về âm nhạc. Có nhiều người khác không có kiến thức và tài năng nầy.

- Những nhà sưu tầm tem kiến thức về tem và có… tem. Có nhiều người khác không có sưu tập tem lẫn kiến thức nầy.

- v.v. và v.v.

Không ai thấy những sự “không có” trên là một vấn đề cần phải quan tâm đến. Đó là tại sao không có những từ như “vô thiên văn”, “vô âm nhạc”, “vô sưu tầm tem”, v.v.

Do đó những người đặt nặng vấn đề lên chữ “vô thần” khi thảo luận những đề tài không về “vô thần” cho thấy một định kiến vô căn cứ xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của họ về ý nghĩa của chữ nầy.

Có nhiều người cũng cho rằng “triết lý vô thần nào cũng giống nhau”. Thật ra, quan điểm nầy chẳng khác gì cho rằng “môn võ thuật nào cũng giống nhau” hay “món ăn Thái Lan nào cũng giống nhau”, v.v.

Một điều đáng chú ý nhất là người Việt Nam thường hiểu chữ “chủ nghĩa vô thần” với hàm ý liên quan đến “chủ nghĩa cộng sản”. Đó là vì chữ “vô thần” được phổ biến rộng rãi đầu tiên trong Việt Nam khi nói về triết lý cộng sản. Quả đúng rằng đại đa số những người theo chủ nghĩa cộng sản cũng là những người vô thần. Tuy vậy điều nầy hoàn toàn không có nghĩa là một người vô thần cũng là một người theo chủ nghĩa cộng sản.

Trách nhiệm của một người vô thần

Trong xã hội Tây Phương cũng có nhiều người dùng chữ “vô thần” với những ý nghĩa khác nhau đôi chút. Thí dụ như có những người tự xưng họ vô thần là vì “họ tin rằng không có Thượng Đế”.

Tôi là một người vô tôn giáo do đó theo định nghĩa tôi cũng là một người vô thần. Tuy nhiên tôi không tự xưng là “tôi tin rằng không có Thượng Đế”.

Đó là vì khi một người tuyên bố “tôi tin rằng XYZ” thì người đó phải có khả năng, và trách nhiệm để chứng minh được rằng XYZ có thật. Nếu không thì niềm tin của họ không có giá trị gì cả.

Tuy vậy, theo phép lý luận thì chỉ có thể chứng minh được một sự việc không bao giờ xảy ra khi nói về một tập hợp kín. Nói cách khác, một người chỉ có thể chứng minh được rằng một sự việc gì đó không xảy ra trong một tập hợp nếu họ có thể biết và kiểm tra được tất cả mọi thứ trong tập hợp đó.

Vũ trụ không phải là một tập hợp kín. Đó là vì vũ trụ vô hạn và kiến thức của con người về vũ trụ chỉ là một hạt cát trong sa mạc. Không ai có thể biết và kiểm tra được mọi ngân hà, mọi tinh tú, mọi hành tinh, mọi vệ tinh trong vũ trụ. Do đó không ai có thể tuyên bố rằng “tôi tin là không có sự sống nào cả trong vũ trụ ngoài ở địa cầu nầy”. Đó là vì chỉ cần có sự sống dưới bất cứ hình thức nào ở bất cứ nơi nào trong cái vũ trụ vô tận nầy thì lời tuyên bố trên sẽ sai lập tức.

Đó cũng là lý do tại sao không thể nào chứng minh được rằng không có Thượng Đế. Chỉ có những người không có kiến thức căn bản của phép lý luận mới đòi hỏi người khác đưa ra bằng chứng là không có Thượng Đế.

Tôi đã nhiều lần xác định ý nghĩa của chữ “vô thần” diễn tả quan điểm của tôi về vấn đề nầy. Như đã đề cập ở trên, “vô thần” chỉ là “không công nhận sự hiện hữu của Thượng Đế”. Đó là định nghĩa chính xác nhất cho quan điểm “vô thần” của tôi. Đó là vì tôi không thấy có đủ bằng chứng khách quan và trung thực để tin rằng có Thượng Đế. Hơn nữa, dựa trên kiến thức khoa học cũng như kinh nghiệm thực tế thì tôi cũng không thấy sự cần thiết phải có một Thượng Đế thì cái vũ trụ nầy mới vận hành được.

Khi một người “không công nhận XYZ vì không có đủ bằng cớ để tin XYZ” thì họ không cần phải chứng minh gì cả.

Những người “vô thần” như tôi do đó không cần và không có trách nhiệm phải chứng minh điều gì cả về quan điểm “vô thần” của họ. Trong khi đó những người tin rằng có Thượng Đế có trách nhiệm cần phải chứng minh cho mọi người khác tin rằng Thượng Đế có thật. Nếu không thì niềm tin về Thượng Đế của họ không có giá trị gì cả.

Người vô thần tin gì và nghĩ gì?

Có nhiều người, nhất là tín đồ Thiên Chúa giáo, thường hỏi “Nếu anh là vô thần thì anh tin gì?”

Tôi thường trả lời “Tôi tin nhiều thứ lắm, nhưng trong đó không có cái gì gọi là ‘thượng đế’ “.

Có khi tôi cũng giải thích thêm rằng “Thật ra chính bạn cũng là vô thần nhưng bạn không nhận biết. Bạn chỉ vô thần thua tôi một chút xíu mà thôi.”

Người ta sẽ hỏi ý tôi muốn nói gì, và tôi sẽ giải thích rằng “Bạn không tin về thượng đế của tất cả tôn giáo khác mà chỉ tin về một thượng đế của bạn mà thôi. Còn tôi thì không tin về tất cả thượng đế của mọi tôn giáo, kể cả tôn giáo của bạn. Do đó theo định nghĩa thì bạn cũng vô thần nhưng chỉ thua tôi có một thượng đế mà thôi.”

Tương tự, có nhiều người, nhất là tín đồ Thiên Chúa giáo, hỏi tôi về cảm nghĩ của một người vô thần đối với các tôn giáo trên thế giới ra sao.

Tôi thường trả lời rằng “Cảm nghĩ của tôi cũng giống hệt như cảm nghĩ của bạn về vấn đề nầy”.

Người ta sẽ ngạc nhiên và tôi sẽ giải thích rằng “Nếu bạn cho rằng tất cả tôn giáo khác trên thế giới, trừ tôn giáo của bạn, đều là giả tạo, sai lạc, huyễn hoặc thì tôi cũng cho rằng giống y như vậy. Tôi chỉ bước thêm một bước nhỏ nữa là liệt kê thêm trong cái danh sách giả tạo, sai lạc, huyễn hoặc trên có cả tôn giáo của bạn”.

Tổ chức vô thần?

Nhiều tín đồ tuyên bố “những tổ chức vô thần rất tàn ác, thí dụ tiêu biểu là Phát-xít Đức hay đảng Cộng Sản Việt Nam”.

Những tín đồ trên không hiểu rằng Phát-xít Đức hay đảng Cộng Sản Việt Nam tàn ác là vì tính chất tàn ác của chủ trương và chính sách của phát-xít hay cộng sản chớ không liên can gì đến đặc tính vô thần của các tổ chức nầy.

Những tín đồ trên không hiểu rằng những người "vô thần" chỉ là những người không công nhận sự hiện hữu của một Thượng Đế nhân cách hóa như được diễn tả trong tôn giáo. Chỉ có vậy thôi. Họ có thể không có gì tương đồng với nhau hết ngoài trừ sự kiện không-tin-vào-sự-hiện-hữu-của-Thượng-Đế.

Do đó những người vô thần không có một tổ chức, hội đoàn, tập thể nào cả.

Lấy phong trào Hướng Đạo làm thí dụ. Có những người đi Hướng Đạo, họ có những tổ chức, hội đoàn, tập thể của họ. Có những người khác không đi Hướng Đạo. Nếu muốn thì bạn có thể gọi họ là những người "vô-Hướng-Đạo" (nhưng không ai gọi như vậy cả vì đó là một điều không cần thiết). Những người "vô-Hướng-Đạo" không có một tổ chức, hội đoàn, tập thể nào cả.

Có những người vô thần đi Hướng Đạo, họ có những tổ chức, đoàn thể Hướng Đạo của họ. Có những người vô thần đi lính Thủy Quân Lục Chiến, họ có những tổ chức, đoàn thể Thủy Quân Lục Chiến của họ. Có những người vô thần là khoa học gia, họ có những tổ chức, đoàn thể khoa học gia của họ. Có những người vô thần theo chủ nghĩa cộng sản, họ có những tổ chức, đoàn thể cộng sản của họ. v.v.

Nhưng những người vô thần trên không có một tổ chức hay đoàn thể chung nào gọi là "tổ chức vô thần" hay "đoàn thể vô thần" cả.

Những tín đồ nầy đang lý luận rằng:

1/ Chủ nghĩa cộng sản là một tổ chức

2/ Nhiều người theo CNCS là vô thần

3/ Do đó CNCS là một tổ chức vô thần.


Cách lý luận trên của họ cũng lệch lạc và gượng ép giống như:

1/ Hội Nông Dân ở Xã X là một tổ chức

2/ Nhiều người trong Hội Nông Dân Xã X nghiện thuốc lá.

3/ Do đó Hội Nông Dân Xã X là một tổ chức nghiện thuốc lá.

Vô thần là một tôn giáo?

Có người cho rằng “vô thần” là một tôn giáo vì theo họ thì những người theo chủ thuyết này là những người hay đề cập về tôn giáo nhiều nhất, và do đó những người nầy có nhu cầu về tâm linh không khác gì các tín đồ.

Thật ra thì những người hay đề cập về tôn giáo nhất là những tín đồ ngoan đạo. (Tôi dùng chữ “tín đồ” ở đây để chỉ chung tất cả người theo một đạo nào đó, kể cả giới tu sĩ). Mỗi khi đi lễ nhà thờ, mỗi khi đến chùa cúng lạy, mỗi khi đọc một câu kinh là mỗi khi họ đề cập về, nghĩ về, nói về, thực hành về, quảng bá về tôn giáo của họ.

Vì có nhiều dạng “vô tôn giáo” khác nhau (như đã nói ở trên) nên tôi không thể nói về “nhu cầu tâm linh” (nếu có) của tất cả mọi người “vô tôn giáo” khác được. Riêng dạng “vô tôn giáo” của tôi thì lý do chính mà tôi thích bàn luận về tôn giáo là vì 1/ đó là một vấn đề phức tạp có ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày, 2/ có đầy những chuyện tệ hại, sai trái mà tín đồ hoặc không nhìn thấy hoặc luôn luôn cố tình bưng bít, dấu diếm và nhiều người “ngoại đạo” e ngại không dám nhắc đến.

Dĩ nhiên là một người vô thần (theo dạng tôi) vẫn có thể có một cái gọi là “nhu cầu tâm linh”. Con người hầu như ai cũng đều có nhu cầu nầy. Tôi chỉ giải quyết cái nhu cầu nầy bằng một cách khác hẳn với các tín đồ. Họ dựa vào những điều huyễn hoặc vô bằng cớ (chính họ tự thú điều nầy khi nói rằng họ chỉ cần có “đức tin”) để tự cố gắng mang lại một sức mạnh tâm linh cho họ. Tôi dựa vào những gì mắt thấy tai nghe và lý luận bằng lý trí để đem lại sức mạnh tâm linh cho tôi.

Nếu muốn gọi một cái gì là “tôn giáo” thì nó phải có một niềm tin liên quan đến một cái gì đó thiêng liêng, huyền bí. Nhu cầu tâm linh của tôi không liên quan đến một “niềm tin” (mà là liên quan đến một sự “không có niềm tin”) cũng như không liên quan đến cái gì “thiêng liêng, huyền bí”.

Do đó, sự không-tin-có-thượng-đế của tôi có thể được gọi là một “lý thuyết”, “triết lý”, “chủ trương”, “phong trào” hay gì gì khác cũng được. Tuy vậy, vì nó không dính dáng gì đến thiêng liêng, huyền bí nên không thể gọi nó là một “tôn giáo”.


Cập nhật: 6/2013

Make a Free Website with Yola.